Thúy lắc đầu và nói: Không, anh Thiều ạ. Em muốn đến đây không phải để phỏng vấn anh mà em muốn anh giải đáp cho em mấy việc quanh vụ án Phạm Bình.

dac biet nguy hiem ky 58 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 57)

Thúy lắc đầu: Tôi vẫn chưa tin, trừ khi nào tôi được đọc bản nhận tội của Phạm Bình. Còn cho đến giờ này theo ...

dac biet nguy hiem ky 58 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 56)

Linh cúi đầu với vẻ phục thiện và nói: Nếu các anh đã thấy như thế thì ngày mai tôi sẽ điều chỉnh mức ăn ...

Anh sĩ quan trực ban ghi tên của Thúy vào sổ rồi gọi lên cho thư ký của giám đốc:

- Alô, anh nói với thủ trưởng là có cô nhà báo Thúy muốn lên gặp. Vâng. Giám đốc đã hẹn trước rồi ạ.

Mấy giây sau anh đặt máy xuống và nói:

- Chị biết phòng giám đốc chưa? Giám đốc mời chị lên.

Thúy lắc đầu và bảo:

- Nói thật, tôi chưa biết phòng giám đốc ở chỗ nào.

Anh sĩ quan trực ban nói:

- Chị theo cầu thang đi lên tầng hai, rẽ trái. Đến cửa buồng có đề Giám đốc Trần Thiều đấy.

Thúy vừa đi lên, chưa hết cầu thang thì thấy có một sĩ quan đeo quân hàm thượng úy xuống hỏi:

- Xin lỗi, chị có phải chị Thúy không ạ?

Thúy nói:

- Vâng.

- Dạ, giám đốc mời chị lên.

Anh thư ký của giám đốc mời Thúy vào phòng khách ngồi chờ. Một lát sau, Giám đốc Thiều xuất hiện. Ông tươi tỉnh bắt tay Thúy rồi nói:

- Chào cô. Sở dĩ tôi hẹn cô vào giờ này cũng là vì yên tĩnh, ít người quấy rầy. Tôi biết hôm nay cô có nhiều điều muốn hỏi.

Thúy mỉm cười bảo:

- Thế theo anh em sẽ định hỏi anh những gì?

Đại tá Trần Thiều nói:

- Tôi chắc rằng ngoài chuyện giám đốc nghĩ như thế nào về bản danh sách đen, trong đó có tên giám đốc nhận quà biếu trên mức tình cảm thì chẳng còn vấn đề gì nữa.

Thúy lắc đầu và nói:

- Không, anh Thiều ạ. Em muốn đến đây không phải để phỏng vấn anh mà em muốn anh giải đáp cho em mấy việc quanh vụ án Phạm Bình.

Đại tá Thiều nghe thấy có vẻ nghiêm trọng. Ông ngồi ngay ngắn lại và bảo:

- Được rồi. Cô cứ nói đi. Tôi hiểu biết đến đâu thì tôi sẽ giải đáp cho cô đến đấy.

Thúy nói:

- Thưa anh, trong vụ án này, riêng với Phạm Bình em không hiểu có điều gì bên trong mà tại sao người ta điều tra vụ án này, em thấy hoàn toàn không bình thường.

Đại tá Thiều hỏi:

- Cô Thúy bảo không bình thường là thế nào?

Thúy nói:

- Em không hiểu tại sao người ta lại dùng báo chí làm công cụ trong vụ án này.

Đại tá Thiều hỏi:

- Theo cô như thế nào là làm công cụ?

***

Buổi sáng tại nhà Bình.

Cũng giống như tất cả mọi ngày, Phạm Bình dậy từ lúc năm rưỡi và tập thể dục. Anh vẫn tập thể dục bằng cách đạp xe đạp. Anh đạp đúng ba mươi phút, rồi sau đó đi tắm. Khi Bình tắm xong ra ngoài, Chung đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng. Vẫn một bữa ăn sáng giản dị, có hai bắp ngô luộc, mỗi bắp được cắt làm đôi, mấy miếng khoai lang, vẫn một cốc nước xanh lè như mọi lần, một hộp sữa chua. Bình vừa ngồi ăn vừa trầm ngâm.

dac biet nguy hiem ky 58

Chung hỏi:

- Sáng nay chị Thúy có đến làm việc nữa không anh?

Bình nói:

- Có.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh nói:

- À này, hôm nay giỗ Thủy Tiên đấy. Em làm cơm cho anh nhé.

Chung mỉm cười và nói:

- Anh không phải nhắc, em cũng nhớ. Ngày mất của chị ấy làm sao mà quên được.

Bình lại nói:

- Ừ. Em làm mâm cơm cúng. Rồi tí nữa em mời cô Thúy với cậu Hòa đến đây ăn nhé. À, mà gọi thêm cả thằng Trúc nữa.

Chung gật đầu. Rồi bỗng Bình nhớ ra điều gì, anh nói:

- Em gọi thằng Trân lái xe lên đây. Anh có việc giao cho nó.

Chung hỏi:

- Có việc gì hả anh?

Bình nói:

- Anh bảo nó về Hà Nội. Thay anh thắp hương ở ban thờ Thủy Tiên, rồi đi thăm ông Biểu ở trại dưỡng lão giúp anh.

Chung thốt lên:

- Trời ạ, anh chu đáo quá.

Bình nói buồn buồn:

- Nói gì thì nói, vào lúc khó khăn nhất của gia đình anh thì chú ấy đã tạo công ăn việc làm cho anh. Sau này anh hư hỏng thì đó là lỗi tại anh, đâu phải lỗi của chú thím ấy. Nhưng thôi chuyện cũ nói lại làm gì. Càng nói càng thêm buồn. Em nhớ trưa nay lo cơm nước cho anh.

Trưa hôm ấy, Chung chuẩn bị một mâm cơm rất thịnh soạn và đặt lên ban thờ Thủy Tiên. Lúc đó Thúy, Phó tổng giám đốc Hòa và Trúc đã đến. Mọi người ở ngoài, Bình vào thắp hương cho Thủy Tiên. Anh thắp hương với vẻ rất thành kính và tự nhiên lúc đấy nét mặt anh dại hẳn đi. Bình muốn nói điều gì nhưng anh cứ lắp bắp nói không thành lời, không ra tiếng. Lúc ấy Bình rất muốn khóc òa lên, nhưng anh cố ghìm vì nghĩ mọi người còn ở ngoài. Bình thắp hương xong thì đi ra ngoài. Mọi người nhìn nét mặt Bình và biết anh đang rất buồn nên không ai dám nói gì. Thúy kéo tay Chung và nói:

- Vào thắp hương cho Thủy Tiên em à.

Thúy và Chung vào thắp hương cho Thủy Tiên. Chung lầm rầm khấn:

- Em và chị không được biết nhau nhưng anh Bình đã đưa chị về đây thì chị ở với chúng em. Chị sống khôn chết thiêng, chị phù hộ cho anh ấy mạnh khỏe.

Mọi người quây quần ăn cơm. Bình hỏi:

- Tình hình công việc thế nào? Có ổn không hả Trúc?

Trúc nói:

- Dạ, thưa anh. Ổn ạ.

Rồi Bình lại hỏi:

- Hằng ngày mấy giờ chú có mặt ở trụ sở?

Trúc nói:

- Dạ, sáng nào cũng khoảng năm rưỡi là em có mặt ở đấy rồi.

Bình hơi ngạc nhiên và hỏi:

- Sao lại đến sớm thế?

Trúc nói:

- Thưa anh, nghề này có giờ giấc gì đâu. Ai người ta gọi thì mình phải đi. Bây giờ có tổng đài rồi, mọi người cứ gọi đến đấy. Ban đêm thì không nói làm gì. Anh Hòa không cho trực đêm, chứ anh em cũng muốn có một đội quân độ khoảng dăm bảy người ngủ lại đấy để trực. Có khách gọi thì đi. Nhưng anh Hòa lại sợ không an toàn, đi đêm đi hôm nhỡ có bọn mất dạy nó lừa đến chỗ vắng nó cướp xe thì khổ. Nhưng mà năm rưỡi là bọn em phải trực rồi. Em cũng đang rảnh chân rảnh tay nên đến sớm.

Bình lại hỏi tiếp:

- Thế sao không phân công người khác mà sáng nào chú cũng đến sớm vậy?

Trúc nói:

- Anh em mỗi người có một hoàn cảnh riêng, để họ ngủ thêm một tí cũng tốt. Và lại mình phụ trách thì phải gương mẫu hơn anh em chứ.

Bình “à” lên một tiếng và đặt bát xuống mâm. Anh vỗ tay rồi bảo:

- Hay. Thằng em hôm nay nói một câu rất hay. Đúng! Người chỉ huy thì phải gương mẫu hơn anh em. Dù chỉ một chút nhưng cũng là hơn.

Hòa đỡ lời:

- Anh ạ, phải công nhận là chú Trúc chu đáo và cẩn thận. Em cũng rất bất ngờ, mà anh em ở công ty ai cũng quý.

Bình nói:

- Ừ. Chú làm thế nào cho cẩn thận thì làm. Nhưng mà anh nói trước, anh sẵn sàng giúp chú. Nhưng nếu chú làm ăn không tốt thì đừng có mang danh của anh ra.

Trúc cảm động:

- Dạ thưa anh, em không dám. Em thề với anh, nếu em đói thì em ngửa tay xin tiền anh hoặc em đi làm việc gì khác. Em sẽ không làm gì để anh xấu mặt đâu.

Hòa cười:

- Xấu thì chẳng xấu được nhưng mà đừng để cho anh Bình xấu hổ vì mày.

Thúy góp lời:

- Thế ngày xưa khi ở trong trại thì anh Trúc đây làm gì?

Bình cười khà khà và bảo:

- Nó ở bên đội chăn lợn, trồng rau, đi lấy củi. Thằng này chăn lợn giỏi lắm. Có lẽ người dám mắc màn ngủ ở cạnh chuồng lợn để canh chờ đỡ đẻ cho lợn thì trần đời chỉ có mỗi thằng này.

Trúc cười bẽn lẽn và nói:

- Anh kể làm gì cái chuyện ngày xưa ấy.

Bình vui vẻ:

- Hồi ở tù nó nuôi lợn mát tay đến nỗi người ta bảo thằng này sau này ra tù, có lẽ là vợ nó đẻ, nó tự đỡ lấy.

Mọi người cười phá lên. Chung huých tay chồng:

- Anh này, ăn với nói. Ví lợn đẻ với người đẻ.

Trúc buột miệng nói luôn:

- Ô, em đỡ đẻ cho người rồi đấy.

Bình hỏi:

- Mày đỡ đẻ cho người hồi nào?

Trúc bảo:

- Ôi, anh không biết à? Hay lúc ấy anh ra ngoài trung tâm sửa chữa rồi. Em đã đỡ đẻ cho một phạm nhân ở trong trại giam.

Bình nói:

- Phạm nhân nào ở trong trại giam mà chửa?

Trúc kể:

- Anh không biết vụ ấy à? Nó bị kết án năm năm tù. Thế rồi chẳng hiểu thế nào, nó chửa từ đâu nữa? Nhưng đến lúc vào trại giam được hơn một tháng thì mới phát hiện ra nó chửa. Chuyển đi đâu cũng không được. Thế nên đành giam nó ở đấy, rồi nó đẻ. Hôm nó đẻ thì lại thai ngược. Bác sĩ ở trạm xá lại đi vắng. Có mỗi mấy y tá loay hoay, chẳng biết gì cả. May mà lúc ấy em đi cho lợn ăn về qua đấy thì có người gọi em và bảo: “Này thằng kia, nghe nói mày biết đỡ đẻ cho lợn giỏi lắm, mày vào đây xem nào”. Em vào thì thấy ca đẻ khó. Lúc đấy em cũng toát mồ hôi. Đầu tiên em cũng định chạy, vì em nghĩ đỡ đẻ cho người nhỡ có việc gì thì mình mang họa vào thân. Thế nhưng sau khi được một cán bộ quản giáo động viên: “Mày cứ đỡ đi. Nếu có chuyện gì thì chúng tao chịu cho. Mày không mắc tội đâu”. Thế là em xắn tay áo vào làm. Em xoay cho đúng ngôi rồi em lôi thằng bé ra. Mẹ tròn con vuông, tử tế cả.

Bình lại cười và bảo:

- Thế bây giờ cô ấy đâu?

Trúc cười bẽn lẽn và nói:

- Nó ra tù rồi.

Bình hỏi:

- Từ ngày ấy có gặp lại không?

Trúc nói:

- Dạ, thi thoảng chúng em vẫn gặp ạ.

Nghe cách nói của Trúc, Bình bật cười. Anh hỏi xoáy thêm:

- Nói thật đi, thi thoảng vẫn gặp hay là gặp thường xuyên?

Trúc gãi đầu gãi tai và nói:

- Dạ, em cũng không dám giấu anh. Chúng em cũng hay gặp.

Mọi người cười phá lên.

Thúy tinh ý:

- Thì chú cứ nói bây giờ chú với cô ấy nên duyên rồi chứ gì?

Trúc lắc đầu và bảo:

- Dạ không chị ạ. Cũng chẳng nên duyên đâu.

Thúy hỏi:

- Thế là thế nào?

Trúc bảo:

- Dạ chúng em cũng định cưới. Nhưng hoàn cảnh không cho. Ngày xưa nó… Thôi, chuyện nó chửa đẻ thì thôi em không nói nhưng mà nó cũng bất hạnh lắm. Thôi thì, chúng em bây giờ cứ xác định dựa vào nhau mà sống.

Bình gõ tay xuống bàn và nói:

- Thế bây giờ nó làm nghề gì?

Trúc nói:

- Dạ, nó đang đi trông trẻ thuê. Trông hai đứa. Mỗi đứa được một triệu rưỡi một tháng. Thôi thì, chắt bóp cũng đủ. Em phụ giúp vào nữa thì coi như mẹ con cũng đủ nuôi nhau.

Bình nói:

- À, được. Thằng này thế thì được. Thôi thế này, tôi giao cho chú Hòa, chú xem vợ nó biết nghề gì thì sắp xếp trong công ty mình một việc cho vợ nó.

Bình lại hỏi luôn:

- Thế bây giờ mày ở nhà cửa thế nào?

Trúc nói:

- Dạ, em thuê một nhà trọ.

Bình hỏi:

- Sao lại phải thuê nhà trọ?

Trúc nói:

- Ôi, nói chuyện nhà em thì chán lắm anh ạ. Em ở tù, ở nhà ông anh em nghiện ngập, cờ bạc. Thế rồi lừa ông bà già mang sổ đỏ đi cầm cố. Cuối cùng mất sạch nhà cửa, không còn gì cả. Bố mẹ em thì mất sớm, giờ thì tan nát. Em nói thật với anh, nghĩ đến lúc giỗ bố, giỗ mẹ mà thấy tủi lắm. Chẳng có chỗ mà hương khói.

Bình suy nghĩ một lát rồi bảo Hòa:

- Thôi bây giờ thế này, công ty mình đất cát còn nhiều. Tôi giao cho chú Hòa xem có một chỗ nào có thể xây được một căn nhà tàm tạm cho chú ấy ở.

Hòa nói:

- Dạ báo cáo anh, đất thì còn nhiều và việc đấy thì cũng không khó gì lắm. Nhưng anh cho xây nhà đến mức nào để em còn tính?

Bình nói:

- Chú tìm một chỗ nào đấy, cắt cho nó khoảnh một trăm năm mươi mét vuông. Xây cho nó một cái nhà năm chục mét. Thôi, đã xây thì xây cho nó tử tế để cho nó khỏi lo. Xây cho nó cái nhà bốn chục mét và xây hai tầng. Còn lại đất đằng trước, hoặc đất đằng sau đấy thì tùy chú quy hoạch. Nhưng để cho nó có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau, nuôi lấy vài con gà mà ăn.

Bình quay sang hỏi Trúc:

- Mà tao nói trước, xây nhà, lo chỗ ở cho mày xong thì mày phải tổ chức cưới con bé ấy, nghe chưa?

Trúc không biết nói gì, lúng ba lúng búng, nét mặt dại đi. Rồi bỗng Trúc đứng dậy, lùi ra ngoài và quỳ thụp xuống, vái Bình.

Bình vội vàng lôi Trúc dậy và nói:

- Ơ, cái thằng này. Mày làm cái gì mà cứ như là đang đóng phim thế.

Rồi Bình lôi Trúc lên và bảo:

- Thôi, cố gắng làm ăn cho tốt, chỉn chu. Việc gì giúp được chú thì anh giúp. Không có gì phải ngại cả. Anh thấy chú có tình như thế, anh rất trân trọng. Làm người phải như thế.

Bỗng dưng Trúc rưng rưng nước mắt và nói:

- Thế này là cuối năm nay giỗ bố mẹ em là có chỗ giỗ rồi. Anh biết không, có những lần giỗ bố mẹ mà em phải đổ gạo vào ống bơ rồi thắp một nén hương trong nhà trọ. Nghĩ khổ lắm.

Bình nói với Hòa:

- Chú Hòa ạ, tôi muốn chú giữ một quan điểm này. Mình làm kinh tế có nghĩa là mình phải làm giàu. Đã nói làm kinh tế, làm kinh doanh thì phải tính đến hiệu quả, nói đến thể thao là phải nói đến thành tích. Làm kinh doanh mà không có hiệu quả thì nói giời, nói biển gì cũng vứt đi. Đi thi đấu thể thao mà không có thành tích, không chiến thắng thì có thi đấu đẹp mấy, có phong cách lịch sự mấy, có chơi hay mấy mà không chiến thắng người ta thì cũng vứt đi. Do đó, trong kinh doanh chú phải luôn luôn tính cho tôi là phải có hiệu quả. Còn những gì không hiệu quả về tiền được, do các điều kiện này, điều kiện khác thì phải có hiệu quả tinh thần.

Đó là hiệu quả về chính trị. Còn làm kinh doanh, anh em mình trước hết phải lo cho thân mình và những người thân sát sườn mình là vợ, con, là cha mẹ, rồi sau đó là đến bạn bè, họ hàng, rồi những người thân cận với mình, cộng sự của mình. Cho nên, chú xem ở công ty mình còn có những ai có hoàn cảnh khó khăn thì cố gắng tìm cách giúp đỡ người ta. Năm ngoái, mình có giúp đỡ nhưng sự giúp đỡ đấy chưa đáng gì cả. Mà tôi nói thật là tôi rất không hài lòng về chỗ cô Luyến.

Cô ấy mang quà, thay mặt Ban Tổng giám đốc đi thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà lại lôi cả phóng viên truyền hình, phóng viên báo chí đi. Trao cho người ta một cái phong bì vài triệu bạc, bắt người ta phải quay lên phía ống kính, cười, rồi nói cảm ơn. Tôi thấy ngượng lắm. Từ nay trở đi chú phải nhớ, tất cả các hoạt động an sinh xã hội của mình, đặc biệt là các hoạt động từ thiện không được tuyên truyền, không được nói gì cả và cấm tiệt không bao giờ được cho báo chí đi theo. Mình làm từ thiện thì mình cứ làm thôi.

Bỗng dưng Bình lại giảng giải:

- Trong đạo Phật, “bố thí” là đạo pháp rất quan trọng. Đầu tiên, những người theo Phật giáo là phải biết bố thí. Mình dư ăn, dư mặc, mình bố thí cho người khác, đó đã là tốt. Nhưng khi mình chưa đủ, chưa dư mà mình lại chắt bóp, nhịn mồm nhịn miệng, tích góp mang cho thiên hạ thì cái đó còn quý hơn. Những năm ở trong tù, tôi nhớ ông Thích Trí Thiện đọc cho tôi nghe một câu nói của ông nhà văn nào tôi không biết, ở tác phẩm nào tôi không nhớ nhưng tôi chỉ nhớ có câu là: “Đừng bao giờ anh hỏi chuông nguyện hồn ai, mà chuông nguyện chính hồn anh đó”. Cho nên thấy người ta khổ, mình cũng phải biết mủi lòng.

Thấy Bình nói có vẻ giảng giải và nặng nề, Thúy phá ngang:

- Kiểu này không khéo rồi sắp mất Tổng giám đốc đến nơi.

Trúc ngơ ngác hỏi:

- Chị bảo mất tổng giám đốc là thế nào?

Thúy nói:

- Nghe cung cách nói của anh Bình thế này thì chắc là sắp lên chùa, ăn chay niệm Phật rồi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 31/05/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân