Ông Biểu chạy ra mở cổng. Từ ngoài ngõ, một cô gái dắt chiếc xe đạp Peugeut vào nhà. Đó là Thủy Tiên, con gái lớn của ông bà Biểu...
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 4)
Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 3)
Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có ... |
Bà Tuyến nhìn Bình ăn, hỏi dò:
- Nhà mày ở quê chắc là cũng khá lắm phải không?
Bình lắc đầu:
- Dạ không ạ. Nhà cháu nghèo lắm. Từ hồi bố cháu mất thì khổ lắm.
Bà Tuyến:
- Thế à. Vậy mà tao nhìn cái nết ăn của mày, tao cứ nghĩ mày là con nhà khá giả. Gớm, ở đây thỉnh thoảng có các ông, các bà ở nhà quê ra, nhìn họ ăn cơm mà tao phát khiếp.
Rồi bà nói:
- Tháng này, nhà nước lại bắt ăn hai phần ba độn rồi. Mà hôm qua đi xếp hàng cả ngày mới mua được năm cân mì sợi.
Ông Biểu:
- Bà nói ít thôi, cứ vào bữa cơm là bà kêu ca. Đúng là thiên hạ đói thật, khổ thật, gạo thiếu thật, có tem, có phiếu cũng chẳng mua nổi miếng thịt để ăn, nhưng mà bà thì tôi thấy có bữa nào bà ăn thiếu thịt đâu.
Bà Tuyến cười đắc chí:
- Nếu tôi không bươn chải, tôi không đầu tắt mặt tối thì có thịt, có cơm mà ăn đấy chắc.
Ông Biểu hỏi vợ:
- Mấy hôm nay làm ăn thế nào?
Bà Biểu:
- Hôm qua mua được con lợn gạo sắp chết. Mình mang về thịt, bán đi lãi cũng khá.
Ông Biểu:
- Bọn nó mang đồ đến gửi, bà cầm đồ cho nó thì phải rất cẩn thận đấy nhé. Tôi nom, mười thằng thì có đến chín thằng ăn cắp. Ngộ nhỡ mà công an họ biết thì rách việc đấy.
Bà Tuyến gạt đi:
- Dào ôi, ông cứ lo. Ở đây có thằng công an khu phố, tháng nào tôi chả cho nó chục cân gạo. Nó hứa với tôi ở phường nếu có cái gì động tĩnh thì nó sẽ báo.
Ông Biểu nhăn mặt:
- Người ta giúp đỡ bà như thế mà mỗi tháng bà cho người ta được chục cân gạo.
Bà Tuyến bĩu môi:
- Ông tưởng chục cân gạo bây giờ ít đấy à? Nhà ông đây, 4, 5 miệng ăn mà tháng được 50 cân, cả gạo cả mì. Mà có tháng nào ông được hai chục cân gạo không? Tháng trước lại còn phải ăn độn cả khoai tây. Mà tôi nghe nói tình hình đói kém thế này, có khi lại còn phải trả thay gạo bằng phân đạm.
Ông Biểu:
- Thôi, thôi, bà ăn đi. Bà cứ toàn nghe hơi nồi chõ. Mà bàâ chắn cạ, tổ tôm tổ tép ít thôi. Tôi thấy bà càng ngày càng quá rồi đấy.
Bữa cơm tối ăn xong, Bình cung cúc đi rửa bát. Bà Tuyến đứng trong nhà nhìn Bình rửa có vẻ hài lòng. Bà nói với ông Biểu:
- Cái thằng này nó là con trai mà rửa bát khéo đáo để.
Ông Biểu:
- Nó là con trưởng, nhà nghèo. Bố nó, bác Thiếu ngày xưa là thương binh, cụt một tay, cho nên nó phải lao động từ năm lên 5, lên 6 tuổi. Đấy, con nhà người ta làm ăn tử tế như thế chứ như con nhà bà. Mà tôi lo cái con Thủy Tiên lắm, nó cứ đi như thế này rồi không hiểu nó sẽ thành thứ người gì. Không khéo, cứ chung chạ thế này, rồi có ngày ễnh bụng lên thì có mà bôi gio trát trấu vào mặt.
Bà Tuyến bĩu môi:
- Thôi, ông không phải dạy đĩ vén váy. Nó có thân nó lo. Năm nay nó cũng 16, 17 tuổi rồi. Sang năm là nó được đi bầu cử rồi đấy.
Ông Biểu:
- Bà hay thật. Người ta bảo đánh đĩ chín phương cũng còn phải chừa một phương lấy chồng, chứ con bà, tôi thấy mới có tí tuổi đầu mà nó đánh đĩ cả mười phương.
Vừa lúc đấy có tiếng hát véo von ở ngoài cửa. Bà Tuyến nói:
- Con gái rượu của ông về đấy.
Ông Biểu chạy ra mở cổng. Từ ngoài ngõ, một cô gái dắt chiếc xe đạp Peugeut vào nhà. Đó là Thủy Tiên, con gái lớn của ông bà Biểu. Thủy Tiên nhỏ nhắn, khá xinh nhưng nét mặt đầy vẻ bụi bặm. Cô mặc một chiếc áo sơmi màu trắng, nhưng lại buộc túm ở dưới và quần thì bó sát lấy người.
Bình đang rửa bát, nghe tiếng thì cũng ngước lên, liếc nhìn rồi lại tiếp tục rửa bát tiếp.
Ông Biểu nhìn con gái từ đầu đến chân, quắc mắt lên hỏi:
- Mày đi đâu mấy ngày mà bây giờ mới dẫn xác về?
Thủy Tiên nói tỉnh bơ:
- Con đi Lạng Sơn làm ăn. Đi đánh quả tí.
Ông Biểu bĩu môi:
- Mày cũng biết làm ăn. Thế có được đồng nào không? Nào, thử báo hiếu cho bố mẹ một tí nào.
Thủy Tiên rút ra ngay một tập tiền loại 1 đồng:
- Đây. Hôm nay báo hiếu cho ông bô, bà bô một ít nhé.
Rồi Thủy Tiên đếm đưa cho ông Biểu 10 đồng, đưa cho bà Tuyến 10 đồng. Khi cầm đưa cho mẹ, Thủy Tiên nói:
- Biếu bà bô tối nay ngồi ù cho nổ chiếu nhé!
Bà Tuyến cầm tiền, cười tít mắt:
- Mày đi làm ăn gì thì mày cũng phải nói. Bố mẹ ở nhà chờ, lo đứng lo ngồi. Cả đêm qua tao chả ngủ được chút nào vì mày.
Thủy Tiên cười khinh khích và bảo:
- Thôi đi bà bô, có mà cả đêm qua mẹ không ngủ là vì mẹ ngồi chờ bạch thủ, chứ chẳng phải là mẹ không ngủ vì lo cho con đâu. Gớm, con còn lạ gì mẹ nữa, mười tối thì mẹ ngồi xới chín tối rưỡi.
Bà Tuyến gí tay vào trán Thủy Tiên bảo:
- Cha tiên sư bố con nỡm. Thôi, đi vào tắm rửa rồi mà ăn cơm.
Thủy Tiên lắc đầu:
- Con mệt lắm, chả ăn cơm. Con đi sang bên kia ăn phở đây.
Ông Biểu:
- Kiếm được mấy đồng mà có vẻ xông xênh thế!
Thủy Tiên cười tít mắt bảo:
- Lần này con trúng quả. Con với mấy đứa nữa chung vốn làm ăn, mua hàng từ trên Lạng Sơn về.
Ông Biểu:
- Buôn cái gì?
Thủy Tiên đắc ý:
- Chúng con đi buôn thuốc lá.
Thủy Tiên nhìn thấy Bình lúc này vừa rửa bát xong, đang bê rổ bát lên. Cô ta liếc bố mẹ như muốn hỏi “ai đấy”.
Thấy Thủy Tiên nhìn mình, Bình lễ phép:
- Chào chị ạ.
Ông Biểu cười và bảo:
- Sao lại chào chị? Mày là vai anh. Thủy Tiên, đây là anh Bình con bác Thiếu.
Thủy Tiên nhìn Bình như xoáy, nói dài giọng:
- Em chào anh. Ối giời, thế là có họ à.
Ông Biểu giảng giải:
- Bố với bác Thiếu là anh em đằng họ ngoại. Bác Thiếu bị bom B52 hồi năm ngoái. Ở nhà nó có nghề chữa xe, bố đưa nó ra đây để làm, trông cửa hàng cho nhà mình. Đứng về vai vế thì nó là anh.
Thủy Tiên gật gù:
- Hay quá nhỉ. Lại có thêm một ông anh. Nhưng mà… thế nào nhỉ? À, bé xác con nhà bác, lớn xác con nhà chú. Ôi giời bé tí thế này mà mình lại phải gọi bằng anh. Ngượng thật.
Bình không dám nói một câu gì thêm, đi xếp bát vào chạn.
Buổi tối, cả nhà ngồi xem phim bên chiếc tivi đen trắng. Lần đầu tiên được xem phim, Bình trố mắt nhìn chiếc tivi. Nhưng rồi điện cứ tối dần, tối dần. Ông Biểu bảo:
- Đấy, đúng là mấy ông “điên nặng”. Điện cứ được một lúc rồi tắt phụt.
Bà Tuyến:
- Thôi, không xem nữa. Thằng Bình lên đi ngủ đi.
Bình cung cúc trở về với cái gác xép.
Thủy Tiên hỏi:
- Thế anh Bình ngủ ở đâu?
Ông Biểu trả lời:
- Nó ngủ trên gác xép.
Thủy Tiên nhăn mặt bảo:
- Giời ạ. Cái gác xép như cái hang chuột, thế mà bố bắt anh ấy ngủ ở đấy thì ngủ làm sao được. Sao bố không đưa anh ấy ra cửa hàng mà ngủ rồi trông hàng họ luôn.
Ông Biểu:
- Nó vừa mới ra lúc chiều, chưa kịp đưa ra ngoài cửa hàng. Để sáng mai bố đưa ra. Ngủ ở cửa hàng cũng được nhưng mà tốt nhất là cứ về đây ngủ đã.
Bình lễ phép:
- Dạ, cháu xin phép chú thím. Cháu đi ngủ.
Ông Biểu:
- Cầm theo cái quạt nan lên mà quạt cho đỡ nóng. Đêm là mát ngay ấy mà. Mày mở cái cửa sổ đằng sau ra. Gió ở hướng hồ nó hút vào, có khi đêm lại chẳng chết rét ấy chứ.
Thủy Tiên phì cười bảo:
- Bố cứ khéo tưởng tượng. Mát gì ở trên cái hang ấy. Mà này, ở trên ấy muỗi nhiều lắm, có màn không?
Bà Tuyến:
- Cần gì màn. Nó ở nhà quê có bao giờ biết nằm màn. Mà trông thằng này da dẻ rắn rỏi thế này, muỗi mà châm vào có khi còn cong cả vòi.
Thủy Tiên lắc đầu:
- Không được. Muỗi ở quê với muỗi ở Hà Nội khác nhau xa. Để con lục trong nhà xem còn cái màn nào không, cho anh ấy một cái để mà ngủ.
Thế rồi Thủy Tiên xăng xái đi mở tủ và tìm được một cái màn cũ, đã hơi ngả màu vàng.
Cô trèo lên trên gác và bảo:
- Để em mắc màn cho anh.
Chiếc màn được mắc lên, nhìn thì thấy thủng mấy miếng. Thủy Tiên lại nói:
- Giời ạ. Màn như thế này bố ai mà ngủ được. Em vá màn cho anh nhé!
Rồi Thủy Tiên nhanh nhẹn leo thang xuống nhà, tìm kim chỉ lên vá màn cho Bình.
Vừa vá màn Thủy Tiên vừa hỏi:
- Ông anh năm nay bao nhiêu rồi?
Bình lúc này cũng đã bớt rụt rè, đáp:
- Anh năm nay 14.
Thủy Tiên cười rinh rích:
- Thế là anh kém em 3 tuổi. Nhưng mà hay đấy. Em nhìn anh, em thấy anh đúng là ông anh.
Bình ngạc nhiên:
- Sao lại như là ông anh?
Thủy Tiên vừa cười vừa nói:
- Thì thấy anh… như là ông anh. Nhưng mà thôi. Anh ở đây, em nói cái này để anh biết mà liệu nhé. Mẹ em là máu tổ tôm chắn cạ lắm, cho nên suốt ngày cứ thích ngồi xới. Nhà em cầm đồ. Mà em nói anh biết, đồ ở đây toàn đồ ăn trộm ăn cắp thôi. Ngày mai anh sẽ thấy, mấy thằng nó đến đây, anh phải rất cẩn thận với chúng nó.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Anh làm gì mà phải cẩn thận với chúng nó?
Thủy Tiên bảo:
- Chúng nó toàn là cái bọn oi khói ở cái xóm này. Rồi anh ở đây anh sẽ hiểu. Theo em, tốt nhất là ngày mai anh ra ngoài cửa hàng, anh bảo với bố em là để cho anh ở cửa hàng, ngủ ngoài đấy. Như thế tự do hơn. Chứ ở đây, ngủ trên cái gác xép này, khổ lắm. Anh cứ ở ngoài đấy, một mình anh, tối khóa trái cửa lại. Lần tới em đi Lạng Sơn đánh quả, nếu được, em sẽ mua cho anh cái ti vi Neptune về để ở ngoài đấy anh xem. Thế cho nó thoải mái. Anh làm gì cũng được, miễn là anh cứ đưa được nhiều tiền về cho ông bà ấy, thế là vui ngay. Bố mẹ em là chỉ cần tiền thôi.
Bình:
- Tiền thì ai mà chẳng cần.
Thủy Tiên:
- Ai cũng cần tiền nhưng bố mẹ em thì lại thích tiền hơn người ta cơ.
Trong lúc đấy, ở dưới nhà, ông Biểu bảo vợ:
- Tôi thấy cái thằng Bình mặt mũi nó cũng tử tế, hiền lành. Có khi mai đưa nó ra ngoài cửa hàng, rồi mình cho nó ngủ luôn ở ngoài đấy, trông nom cửa hàng luôn.
Bà Tuyến lườm chồng:
- Sao lại có thứ đàn ông ngây thơ thế nhỉ. Nó vừa mới chân ướt chân ráo ở trong quê ra, thế mà ông đã định giao cả một cái cửa hàng cho nó. Ông lạ thật. Tôi hỏi ông, ngộ nhỡ buổi đêm có ít bộ xích líp Tiệp, ít nan hoa Đức, thế rồi các phụ tùng xe máy, nó ôm một đống đi bán, rồi nó biến. Rồi ông đi đòi mẹ nó à? Mà tôi nói cho ông nghe, tôi nhìn cái mặt thằng này, bây giờ nó bé thì trông nó hiền lành thế này thôi, nhưng thằng này lớn lên một chút nữa rồi cũng không biết thế nào đâu.
Ông Biểu nhăn nhó nhìn vợ:
- Bà thì nhìn ai cũng thấy người ta sắp sửa ăn cắp. Sống như bà thì cả đời cứ lo giữ ví mà khổ.
Bà Tuyến cười khành khạch:
- Vâng. Nhà này không có con này nó giữ cho thì đến bây giờ cái váy cũng chả có mà mặc. Mà thôi, cháu ông, ruột rà máu mủ nhà ông, ông trông nom, nuôi dạy thế nào thì mặc ông. Tôi cũng chẳng có hơi sức đâu mà tôi ngó ngàng.
Ở trên gác, Thủy Tiên đã vá xong màn cho Bình. Cô cẩn thận giắt màn vào chiếu rồi bảo:
- Kể ra ngủ một mình trên này thì cũng hay đấy, nhưng mà tốt nhất anh cứ nói với bố em xin ngủ ngoài cửa hàng. Ngủ ngoài đấy hay hơn, tự do hơn. Mà có ông anh ngủ ngoài đấy, em có đi chơi về cũng còn có chỗ trú chân.
Bình chẳng hiểu thế nào nhưng cũng gật gù. Rồi Thủy Tiên lại bảo:
- Ơ, mà ngủ ở đây không có gối à.
Bình nói:
- Không cần gối. Anh lấy quần áo làm gối cũng được.
Bình chỉ vào hai bộ quần áo. Thủy Tiên xem thì thấy một cái quần đã rách đũng.
Thủy Tiên ném chiếc quần vào một xó:
- Giời ạ. Quần với chả áo, như thế này à. Thôi, mai em kiếm cho anh một, hai bộ cho nó tử tế. À, mà anh chữa xe thì phải có cái áo bảo hộ lao động. Tốt nhất là cứ bảo hộ lao động mà chơi, có bẩn cũng không ai biết.
Nói rồi, Thủy Tiên lại thoăn thoắt leo xuống thang và đi tìm, lấy lên cho Bình một cái gối. Mặc dù chiếc gối cũng đã rách một gách nhưng nom vẫn dùng được.
Ông Biểu nhìn thấy Thủy Tiên đi lấy gối cho Bình thì ngạc nhiên bảo:
- Ơ cái con này. Sao hôm nay mày tử tế thế.
Thủy Tiên nhìn bố ngạc nhiên:
- Ông bô lạ thật. Con vẫn tử tế với ông bô, bà bô. Tại sao lại cứ nghĩ là con xấu nhỉ? Mà con nói để ông bô biết. Ông bô đã đưa anh ấy từ trong nhà quê ra đây thì cũng phải để cho anh ấy có cái chỗ ăn, chỗ ngủ cho nó tử tế, chứ không khéo lại mang tiếng với họ hàng làng nước là đưa ra đây, rồi thì bóc lột sức lao động.
Ông Biểu cười khoái chí:
- Hay nhỉ. Con gái tôi dạo này ngoan đến phát sợ. Lại nhân đạo nữa. Giá mà nó nhân đạo, tử tế được với hai cái thân già này thì có phải đời chúng tôi may mắn biết bao nhiêu không?
Thủy Tiên cười hì hì:
- Với ông bô, bà bô là con hơi bị tử tế đấy. Bố thử nhìn sang bên nhà hàng xóm xem chúng nó thế nào. Con tính rồi, ở quanh nhà mình, cái xóm này có hai chục nhà, năm thằng đi tù, ba thằng nghiện. Đấy, bố thấy đấy, con gái ông bô còn biết kiếm tiền là khá quá rồi.
Thủy Tiên mang gối lên cho Bình rồi bảo:
- Ông anh ngủ ngon nhé. Sáng mai em đưa ông anh đi ăn sáng.
Bình nằm vắt tay lên trán mà cứ nghĩ về Thủy Tiên, rằng tại sao lại có một người con gái tốt với mình đến như vậy. Và đêm hôm ấy, Bình ngủ rất say.
Nhưng đến mờ sáng thì Bình đã tỉnh dậy bởi ở quê, cũng vào cái tầm này, khi gà gáy, Bình đã phải dậy chuẩn bị cho gà, lợn ăn.
Bình xuống nhà. Vợ chồng ông Biểu vẫn đang ngủ. Bình đi qua phòng của Thủy Tiên và khẽ he hé cửa, thấy cửa hé mở, Bình khẽ nhìn vào thì thấy Thủy Tiên nằm tơ hơ. Nhìn lén thấy cảnh đấy, tự nhiên, Bình cũng thấy rạo rực trong lòng. Nhưng rồi, Bình vội vã quay đi và đi tìm chổi quét sân. Tiếng chổi loẹt quẹt làm bà Tuyến thức giấc.
Bà choàng dậy, ra ngoài, lấy gáo múc nước mưa trong cái chum ở góc sân, súc miệng, nhổ toẹt ra sân rồi bảo:
- Cháu ở nhà chắc là quét sân quen rồi phải không?
Bình:
- Dạ. Cháu ở nhà, sáng nào cũng quét sân ạ.
Bà Tuyến lại hỏi tiếp:
- Thế các em mày đâu?
Bình:
- Các em cháu cũng quét nhưng mẹ cháu bảo, cháu là con lớn nên việc gì làm được đỡ cho các em được thì phải làm.
Bà Tuyến gật gù:
- Ừ. Người ta bảo làm anh khó lắm ai ơi.
Bình quét sân, quét nhà xong thì bà Tuyến gọi:
- Này, ở trong bếp còn cơm nguội đấy. Cháu lấy cơm nguội mà ăn.
Đúng lúc ấy thì Thủy Tiên tỉnh giấc. Nghe mẹ nói thế, cô mắt nhắm mắt mở nói với ra:
- Không. Anh đừng ăn cơm nguội. Tí nữa em đưa anh đi ăn phở. Mà sao anh dậy sớm thế, lại còn quét sân nữa, làm em mất cả ngủ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 4)
Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 3)
Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có ... |
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 08/04/2018
/ Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân