Đại tá Hường nói: Thì đêm nào cũng phải đọc hồ sơ, tài liệu anh em đi hỏi cung về. Mình phải ngồi đọc, cùng anh em bàn bạc, phân tích xem nó khai cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý, rồi lại còn chỉ đạo. Mà đấu tranh với thằng Bình chưa mệt bằng đấu tranh trong chính nội bộ.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 45)
Tại phòng họp giám đốc của công an tỉnh, có Giám đốc Công anh tỉnh Đại tá Trần Thiều, Phó giám đốc Hường, trưởng phòng ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 44)
Tại một quán cà phê, Trương cùng hai gã đệ tử, ngồi với một người khoảng hơn bốn mươi tuổi. Đó là Đội trưởng Đội ... |
Chiều hôm đấy, tại khu trang trại của Lê Ngọc Trương, Đại tá Hường và một cán bộ công an nữa, cùng với Trương và bà Sương ngồi trong căn lều bát giác. Trương rót rượu mời Đại tá Hường:
- Em mời ông anh. Mới có mấy ngày xảy ra vụ án này mà xem ra ông anh vất vả quá, có vẻ gầy đi nhiều đấy.
Đại tá Hường nói:
- Thì đêm nào cũng phải đọc hồ sơ, tài liệu anh em đi hỏi cung về. Mình phải ngồi đọc, cùng anh em bàn bạc, phân tích xem nó khai cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý, rồi lại còn chỉ đạo. Mà đấu tranh với thằng Bình chưa mệt bằng đấu tranh trong chính nội bộ.
Bà Sương hỏi:
- Tại sao lại trong chính nội bộ hả chú Hường? Chả lẽ có người bênh thằng Bình à?
Đại tá Hường thở dài:
- Chị lạ gì nữa. Thời buổi này làm án khổ lắm. Mỗi một vụ án, nhất là bắt các đối tượng có tiền, có của thì lại có bao nhiêu người muốn chạy án giúp chúng nó.
Bà Sương khó chịu hỏi:
- Vậy ai bênh nó?
Hường nói:
- Bây giờ thì chẳng có ai bênh, cũng chẳng có ai đứng ra để gỡ tội cho nó nhưng mà họ đòi chứng cứ. Mà có những cái chị bảo lấy đâu ra chứng cứ vật chất bây giờ? Nó là từ thông tin trinh sát. Những cái đó, nếu thấy hợp lý thì mình phải chấp nhận.
Bà Sương bực bội:
- Thì chú cứ nói cho tôi xem nào? Ai cản trở việc điều tra?
Hường xuống giọng:
- Em nói điều này nhưng chị mà tiết lộ là đời em “ra cái lạt” đấy nhé.
Bà Sương:
- Làm gì mà chú phải sợ thế? Chẳng lẽ công an tỉnh là một đơn vị độc lập, không có sự lãnh đạo của Đảng à? Nói phải thì củ cải cũng phải nghe. Nào chú nói cho tôi biết, ai là người cản trở việc điều tra vụ này?
Hường bảo:
- Cản trở thì không ai cản trở, nhưng họ có những ý kiến. Mà chị lạ gì nữa, cấp trên có ý kiến như thế, mình mà làm trái thì rách việc lắm.
Trương nói:
- À, anh nói như thế có nghĩa là… Cấp trên của anh thì chỉ có mỗi Giám đốc Thiều thôi chứ còn ai nữa. Ông Thiều, ông ấy định thế nào trong vụ này hả anh?
Đại tá Hường bảo:
- Thật ra thì anh Thiều cũng đang băn khoăn là những chứng cứ khép thằng Bình vào tội giết người còn non. Bởi vì anh ấy không tin một mình thằng Bình có thể ra đòn giết được thằng Hoàng gọn ghẽ như thế. Thế rồi anh ấy cũng nói rằng, chưa có tài liệu nói là nó móc nối với bọn xã hội đen của Đài Loan và Singapore. Anh ấy yêu cầu phải có thêm thời gian điều tra, không được vội vàng và hết sức cẩn trọng. Anh ấy cũng nói rằng phải đảm bảo cho hoạt động của công ty được bình thường, không được làm gì quá đáng để đẩy người lao động ra đường.
Bà Sương cười khẩy:
- Gớm, lý do nghe nhân đạo gớm nhỉ. Tôi lạ gì ông Thiều. Tôi nghe nhiều người nói ông Thiều và thằng Bình quan hệ với nhau như anh em ruột thịt. Mặc dù bên ngoài không ai nhìn thấy thằng Bình đi với ông Thiều lần nào. Thậm chí những lần giỗ chạp nhà ông Thiều, rồi “sinh Nhật, sinh Pháp” của ông ấy, cũng không thấy mặt thằng Bình, nhưng bên trong thì họ sâu nặng lắm. Mà chính vì thế nên ông Thiều mới có ý kiến này, ý kiến khác. Tất nhiên cũng phải hiểu rằng ông ấy dựa trên những điều mà Cơ quan Điều tra chưa đủ chứng cứ.
Trương bảo:
- Theo em, bây giờ ông anh nên làm thế này. Cứ bắt một đám đệ tử của thằng Bình, nhốt vào trại. Khi vào nhà giam thì chúng nó sẽ biết. Chưa thấy nhà tù chưa nhỏ lệ. Rồi chúng nó sẽ khai ra hết. Mà trong đám quân của thằng Bình, có nhiều thằng trước đây cũng đã vào tù ra tội. Cho nên vụ này cứ phải “phi đả bất thành cung”. Cứ cho vào trại giam, tẩn cho mấy trận là khai hết.
Hường cười và bảo:
- Ông em cứ làm như cách làm án cách đây ba mươi năm. Bây giờ mà thử đụng đến phạm xem. Nó mà thâm tím mặt mày một tí, nó loe cái mồm ra thì có khi mình ngồi tù trước nó. Cách đấy thì không được. Nhưng đúng là phải từ bọn tay chân mà ra thằng chủ, có lẽ cũng phải làm. Nếu như chú có tài liệu gì về đám tay chân của thằng Bình thì giúp cho bọn anh.
Trương cười và bảo:
- Anh yên tâm, đám đệ tử của em có đầy. Trước đây, bọn em chẳng muốn nói làm gì cả. Hơn nữa em với nó, thôi thì dù sao cũng là chơi bời với nhau. Nó cũng giúp bọn em, nhưng mà quả thật cái chuyện nó giết thằng Hoàng thì không thể chấp nhận được. Em cũng không ngờ tại sao nó lại ra tay tàn độc như thế? Thế còn cái chuyện mà hôm nọ chúng nó cãi nhau, nhưng anh có biết chúng cãi nhau về chuyện gì không? Đấy là cái chuyện gái gú. Thằng Bình nghe nói là thích một con người mẫu nào đấy. Thế nhưng con này thì lại bắt cá hai tay, vừa dính với thằng Hoàng, nhưng rồi thấy thằng Bình lắm tiền, lại ngả về thằng Bình. Thế là hai thằng sinh chuyện.
Đại tá Hường hỏi:
- Thế chú có biết con người mẫu đấy tên là gì, ở đâu không?
Trương nói:
- Em lạ gì cái con đấy. Nhưng mà từ hôm thằng Hoàng chết, nó bặt tăm bặt tích rồi. Mà nói thật với ông anh, giờ nếu muốn tìm chứng cứ của nó thì cũng chẳng có bởi vì thằng Hoàng thì chết, còn thằng Bình thì việc gì bây giờ nó phải đi nhận cái tội đấy. Thế nhưng nếu ông anh muốn tìm con người mẫu này thì em tìm giúp.
Hường bảo:
- Ừ, chú giúp cho anh nhé.
***
Tối hôm đấy, tại nhà ông Sâm. Bữa cơm có ông Sâm, bà Sương và Trương.
Bà Sương nói:
- Mình ạ, mình phải có ý kiến thế nào chứ bây giờ vụ điều tra thằng Phạm Bình, chứng cứ sờ sờ ra đấy, việc nó giết người cả thiên hạ nhìn thấy. Rồi chuyện nó đi hối lộ, sổ sách chứng từ thấy cả, mà ông Thiều bây giờ còn bênh nó. Ông ấy định chạy án cho nó vụ này à?
Ông Sâm nhìn vợ, ánh mắt hơi khó chịu và nói:
- Mình lại nghe thông tin ở đâu đấy? Việc người ta đang làm thì cứ để cho Giám đốc Công an chỉ đạo. Mình biết cái gì về pháp luật, về nghiệp vụ điều tra. Hôm nay tôi nghe báo cáo rồi. Những ý kiến của ông Thiều là đúng. Chỉ có một điều là sự nhạy cảm của ông Thiều là hơi kém. Nhưng thôi, cứ để cho người ta làm. Còn nếu như có gì thì còn có Bộ Công an, chứ có phải một tay giám đốc che được hết cả bầu trời đâu.
Bà Sương im lặng một lát rồi nói:
- Thế bây giờ cái đống tài sản của thằng Bình thì xử lý thế nào?
Trương bảo:
- Thì tất cả đất đai, tài sản cứ để đấy. Phải chờ tòa xét xử. Tòa xử xong, tòa quyết thế nào thì phải theo như thế. Mà theo luật sư nói cho con biết, án của thằng Bình, nếu như thoát khỏi tử hình thì cũng phải xuống chung thân. Mà nó đã tù chung thân thì ít nhất nó phải ngồi mười lăm, mười bảy năm. Chờ nó thì những lô ấy có mà thành rừng.
Ông Sâm phẩy tay:
- Mày chẳng hiểu biết gì cả. Chỉ cần tòa tuyên án là lập tức tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi lại toàn bộ đất đai của nó để đưa đi đấu thầu và giao cho các doanh nghiệp làm ăn. Chứ bây giờ lại cứ để đất ở đấy, chờ một thằng tù về à? Ai cho phép như thế. Mà bố nói cho mày biết, lúc này mày phải kín mồm kín miệng. Đừng có để người ta nghĩ là tao ép công an phải làm găng là vì mày muốn có lô đất 20ha của nó.
***
Đêm hôm đấy, tại một quán càphê, Trương cùng hai gã đệ tử ngồi. Trương nói:
- Bây giờ, anh giao cho hai chú một nhiệm vụ. Chúng mày thuê cho tao một con người mẫu. Tất nhiên nếu con này biết thằng Bình thì tốt. Còn nếu không thì nó phải biết thằng Hoàng. Và bây giờ phải làm thế nào đó cho bàn dân thiên hạ người ta hiểu là thằng Hoàng và thằng Bình có tranh nhau một con.
Một gã nói:
- Dạ, em hiểu. Anh cứ yên tâm. Nhưng mà nói thật, việc này thì cũng…
Gã bỏ lửng câu nói.
Trương hiểu:
- Ý mày lại là cần tiền để thuê nó chứ gì? Được thôi, hết bao nhiêu không tiếc. Vấn đề là bây giờ anh em mình phải làm thế nào đó để thằng Bình phải dựa cột. Mà nó chết sớm ngày nào, lô đất 20ha kia của nó mới về tay mình sớm ngày đấy. Chúng mày hiểu chứ?
Cả hai gã đều gật đầu. Một gã bảo:
- Chúng em hiểu anh ạ.
***
Hai ngày hôm sau.
Đại tá Hường đang ngồi ở phòng làm việc thì có điện thoại. Hường nhìn ra và thấy số máy của Trương. Hường nói:
- Chào chú, gọi cho anh có việc gì thế?
Tiếng của Trương:
- Thưa anh, bọn em đã tìm ra được con bé người mẫu.
Hường nói:
- Thế à? Bây giờ làm thế nào để gặp được nó?
Trương bảo:
- Chúng em sẽ động viên nó đến gặp Cơ quan Công an để trình bày. Mà thôi em bảo nó gặp anh.
Hường bảo:
- Cũng được. Bảo nó chiều nay đến đây.
Chiều hôm đấy, tại phòng trực ban công an tỉnh, có một cô gái người gầy, cao ráo, ăn mặc hết sức thời trang vào và nói:
- Dạ, các anh cho tôi xin gặp bác Hường - Phó giám đốc Công an tỉnh.
Anh sĩ quan trực ban nhìn từ đầu đến chân rồi bảo:
- Cô có giấy hẹn không?
Cô gái nói:
- Dạ, không có giấy gì. Nhưng tôi có việc cơ mật muốn gặp bác Hường.
Anh sĩ quan trực ban bảo:
- Cơ mật. Thế tại sao cô không gọi cho bác ấy?
Cô gái bảo:
- Anh cứ làm ơn gọi lên cho bác Hường và nói - Tôi là người mẫu Thúy Vy, có việc muốn gặp bác ấy.
Anh sĩ quan trực ban hỏi:
- Cô có giấy tờ gì không?
Cô gái nói
- Tôi chỉ có cái thẻ người mẫu đây thôi.
Anh sĩ quan trực ban lại bảo:
- Cái thẻ này đối với chúng tôi chẳng có giá trị gì cả. Nó chỉ có giá trị cho các cô lên sàn diễn. Thế có chứng minh thư không?
Cô gái bắt đầu khó chịu và bảo:
- Tùy anh. Anh không cho gặp thì anh cứ gọi lên với Phó giám đốc Hường rằng có người mẫu Thúy Vy đến gặp Phó giám đốc, nhưng không cho vào vì không có chứng minh thư.
Nghe cô gái nói cứng, anh sĩ quan vội vàng cười và bảo:
- Thôi được rồi. Để tôi gọi cho phó giám đốc.
Anh sĩ quan quay máy lên phòng và nói:
- Báo cáo thủ trưởng, có một cô người mẫu tên là Thúy Vy cứ nằng nặc đòi xin gặp riêng thủ trưởng.
Đại tá Hường nói:
- Đồng chí mời cô ấy vào phòng khách. Tôi sẽ xuống.
Nói xong, Đại tá Hường bỏ máy xuống và gọi cho Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự. Một lát sau, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Thượng tá Trung và Đại tá Hường xuống gặp Thúy Vy.
Đại tá Hường nói:
- Chào cô, cô muốn gặp chúng tôi có việc gì?
Thúy Vy rụt rè nói:
- Dạ, thưa... hai anh... Từ hôm... thằng Phạm Bình giết anh Hoàng, em mất ăn mất ngủ. Em cũng định không nói, nhưng rồi em sợ là nếu em không nói điều này thì nó sẽ ám ảnh em suốt đời.
Đại tá Hường nói:
- Bây giờ thế này, đây là anh Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự. Anh Trung sẽ cùng các cán bộ cảnh sát hình sự nghe cô trình bày và sau đó báo cáo tôi. Tôi đang có việc rất bận cho nên không thể tiếp cô được. Nhưng cô yên tâm, tất cả những điều cô trình bày sẽ được giữ bí mật. Và nếu cần người bảo vệ, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng bảo vệ cô.
Thúy Vy gật đầu và nói:
- Dạ, nếu được thế thì em xin cảm ơn Phó giám đốc.
Đại tá Hường nói xong thì quay về.
Thượng tá Trung nói:
- Bây giờ thế này, chúng tôi mời cô về phòng, để anh em chúng tôi có thời gian hỏi chuyện cô được kỹ hơn. Ngồi đây không tiện.
Thúy Vy đi theo Trung với dáng vẻ rất tự tin.
Cô ta bắt đầu trình bày. Một cán bộ hình sự cấp hàm đại úy ngồi ghi chép lại rất cẩn thận theo lời khai. Anh cảnh sát hình sự hỏi:
- Xin lỗi, chị cho biết tên?
- Dạ, em tên là Lê Thúy Vy ạ.
- Ngày tháng năm sinh?
- Dạ, em ngày sinh ngày 13 tháng 8 năm 1980 ạ.
- Chị làm ơn cho biết quê quán, hộ khẩu thường trú?
Thúy Vy nhăn mặt nói:
- Làm sao mà các anh phải hỏi kỹ thế? Tên em là người mẫu Thúy Vy. Tối nào các anh chẳng thấy em trên tivi, mà bây giờ các anh phải ghi chép thế.
Anh đại úy cười và nói:
- Nguyên tắc nó thế. Chúng tôi thì lạ gì cô. Nhưng mà lời khai của cô sau này phải có địa chỉ, phải rõ ràng.
Cô gái rút chứng minh thư rồi chìa ra:
- Đây, anh cứ ghi theo địa chỉ này.
Thượng tá Trung nói:
- Nào, thôi bây giờ cô kể cho chúng tôi nghe mối quan hệ của cô với Hoàng và Phạm Bình như thế nào?
***
Bình bị giam chung với bọn tội phạm hình sự, cướp của giết người được vài ngày, thì bỗng một sáng anh được gọi ra ngoài. Một cán bộ quản giáo vào, dõng dạc đọc:
- Phạm Bình thu xếp quần áo đi ra đây.
Bình không hiểu chuyện gì xảy ra. Anh hỏi:
- Dạ, thưa cán bộ, đi đâu ạ?
Anh quản giáo nói:
- Đi đâu đó là việc của chúng tôi, chứ không phải việc của anh.
Bình thu xếp quần áo cho vào túi, và ra đi trước ánh mắt ngơ ngác của tất cả các phạm nhân. Bình được dẫn ra ngoài, có hai cảnh sát bảo vệ áp giải Bình lên một chiếc xe chở phạm và khi lên xe thì một người bảo Bình:
- Này, chịu khó một chút nhé.
Rồi anh ta lấy dải băng đen bịt mắt Bình lại. Bình không hiểu tại sao lại đến mức như thế này. Xe chạy cỡ chừng một tiếng đồng hồ thì dừng lại. Bình được đưa vào một buồng giam. Vào đến nơi, người ta mới mở mắt cho Bình. Một lúc sau Bình mới hoàn hồn và định thần nhìn ra là mình đang ở trong một phòng giam rộng chừng sáu mét vuông. Nhìn phòng giam anh biết ngay đây là kiểu phòng biệt giam, nhưng không biết trại này ở đâu, như thế nào. Anh hỏi cán bộ quản giáo:
- Anh ơi, đây là ở đâu thế này?
Anh quản giáo trả lời:
- Ở đâu mày không cần biết. Chỉ biết rằng mày bây giờ được giam ở đây.
Giam một mình một phòng cũng có cái thoải mái là không sợ bị bắt nạt, không sợ bị hành hạ. Tuy nhiên, cảm giác giam một mình quả thật là hãi hùng. Nhưng trong Bình luôn luôn có một suy nghĩ cháy bỏng là phải giữ gìn sức khỏe để sống trở về và tự mình giải nỗi oan cho mình. Hàng ngày, Bình sinh hoạt rất đều đặn. Khi tiếng kẻng báo thức ở trại giam bắt đầu vang lên thì anh cũng dậy và tập thể dục. Anh tập chống đẩy tay rồi tập nằm xuống và ngồi bật dậy khoảng một trăm lần. Rồi lại chống đẩy một trăm lần, sau đó Bình chạy vòng quanh trong phòng giam. Sau đó Bình bắt đầu ngồi kiết già và ngồi thiền. Bình ngồi thiền như thế khoảng nửa tiếng đồng hồ rồi mới làm gì thì làm. Nhưng thực ra trong một buồng giam đặc biệt thì làm gì có việc mà làm, ngoại trừ thỉnh thoảng Bình đi ra ngoài đến phòng hỏi cung. Nhưng mỗi lần ra ngoài thì cán bộ quản giáo lại bịt mắt Bình rồi mới dẫn đến buồng hỏi cung. Hỏi cung xong, rồi lại bịt mắt đưa anh về. Bình tuyệt nhiên không biết mình đang bị giam ở trại nào. Trong các buổi hỏi cung, các cán bộ điều tra chỉ tập trung hỏi Bình mấy vấn đề. Thứ nhất là bọn xã hội đen Đài Loan và Singapore đã giúp đỡ như thế nào, tẩy rửa tiền ra sao. Thứ hai là Bình đã hối lộ quan chức thế nào.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 19/05/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân