Người ta bảo vợ chồng ông Bình cứ như là đôi chim cu cu. “Vợ chồng như chim cu cu/ Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau”.

dac biet nguy hiem ky 24 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 23)

Thế rồi sau cái lần đó, Bình thường xuyên nhận được tin nhắn của Linh - những tin nhắn hết sức tình cảm. Và rồi ...

dac biet nguy hiem ky 24 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 22)

Từ khi Trung tâm sửa chữa ôtô - xe máy trại Ba được đầu tư mới thì số lượng khách mang xe tới sửa chữa ...

Tối hôm ấy, ở nhà, hai vợ chồng ăn cơm xong, đang ngồi xem ti vi thì Linh thẽ thọt nói với Bình:

- Anh ạ, em muốn bỏ nghề người mẫu thời trang. Em muốn về công ty làm cho anh.

Bình nói:

- Em bỏ nghề thì được. Anh cũng không muốn để em đi làm cái nghề đó nữa. Thế nhưng em về công ty anh thì em biết làm cái gì? Một công ty mà chồng làm giám đốc, vợ làm bất kể công việc gì ở đấy thì xem ra không ổn. Anh thấy các công ty kiểu “gia đình trị” thế này rồi đến lúc hỏng hết.

Linh nói:

- Em về làm Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại cho anh.

Bình thừ người ra rồi bảo:

- Ôi giời ơi! Cái Tổng công ty anh thì làm cái gì mà phải đối ngoại! Đó chẳng qua là quen biết các ông ở tỉnh, ở huyện, làm việc gì thì chạy đến.

Linh nói:

- Anh hay thật! Anh bây giờ phải phấn đấu làm công ty đa quốc gia, phải mở rộng làm ăn kinh tế với nước ngoài, anh phải đầu tư ra nước ngoài nữa chứ. Thế rồi ở cái nước Việt Nam này, anh phải đầu tư ra tỉnh này, tỉnh khác, phải mở rộng mạng lưới. Bây giờ người ta phát triển như thế, anh định bó khuôn lại à? Anh tưởng là anh có vài trăm hécta đất trong tay, có vài khu chung cư như thế, rồi thì có mấy cái xưởng sửa chữa xe như thế là anh đã giàu rồi à? Làm như thế, em nói thật với anh, chỉ ráo mồ hôi là hết tiền. Bây giờ anh phải thay đổi đi. Anh xem đấy, nhiều công ty đấy, họ phát triển như vũ bão. Bây giờ họ đầu tư sang Lào, anh thấy chưa, cần gì phải trồng cao su? Cứ nói vẽ ra là rằng là sang đầu tư trồng cao su bên Lào, chứ riêng cái chuyện nó phá rừng Lào, nó chở gỗ về Việt Nam nó bán, sau đó nó có bỏ đất hoang nó cũng lãi. Việc quái gì mà phải đầu tư!

dac biet nguy hiem ky 24

Bình nói:

- Em cứ nói đơn giản. Ai người ta cho phép làm như thế!

Linh bảo:

- Em lạ gì các mánh khóe làm ăn như thế! Nhưng mà thôi, anh có cho em làm không thì bảo? Không thì em đi chỗ khác, chứ em nói thật, em không muốn làm cái nghề người mẫu nữa. Bên Tổng công ty Mỹ phẩm J&C cũng đang muốn mời em về làm giám đốc phụ trách kinh doanh, thế nhưng mà em muốn ở đây gần anh. Chả hiểu cái duyên cái số thế nào, số kiếp trước em nợ nần gì anh mà bây giờ, cứ vắng anh, không nhìn thấy anh độ khoảng hai tiếng đồng hồ là em đã thấy nôn nao cả người.

Câu nói khéo của Linh làm Bình cảm động.

Bình bảo:

- Thì bây giờ chả suốt ngày bện với nhau còn gì. Em có nghe người ta nói gì không?

Linh bảo:

- Nói gì?

Bình bảo:

- Người ta bảo vợ chồng ông Bình cứ như là đôi chim cu cu. “Vợ chồng như chim cu cu/ Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau”.

Linh cười rinh rích và nói giọng nũng nịu:

- Như chim cu cu, nghe hay nhỉ! Nhưng mà nào, anh có đồng ý cho em về làm hay không?

Bình nghĩ một lúc rồi đành gật đầu:

- Thì cũng được. Em về làm trưởng ban đối ngoại.

Linh lừ mắt và bảo:

- Trưởng ban đối ngoại! Bây giờ thế này, anh thành lập bộ phận truyền thông, bộ phận đối ngoại, sau đó anh giao cho em. Em sẽ là Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại. Tất cả những việc liên quan tới giao dịch để em lo. Việc đối phó với cánh báo chí, cũng để em. Anh không việc gì phải dây với chúng nó làm gì. Mà em thấy anh không nên đù đện với bọn báo chí cần tránh xa chúng nó ra! Em nói thật với anh, người ta cứ bảo bọn người mẫu, chân dài là bọn làm đĩ. Nhưng làm đĩ ghê nhất đó là bọn nhà báo.

Bình trợn mắt:

- Em nói cái gì? Nhà báo là bọn đĩ?

Linh nói:

- Chứ không à? Anh biết đấy, bao nhiêu công ty vừa cho chúng nó tiền, ngày 21-6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nó vừa nhận tiền xong, thế mà nó trở mặt viết bài chửi ngay rằng, công ty cho tiền trên mức tình cảm. Nhiều ông giám đốc doanh nghiệp tốn bao nhiêu tiền cho nhà báo, mỗi năm mấy lần, nào là tết Âm lịch, tết Dương lịch, ngày 21-6, ngày 2-9… nhưng mà xểnh ra cái gì là nó chửi ngay. Em lạ gì những trò “ném đá giấu tay” của báo chí. Họ rình mò cánh người mẫu chúng em từng lời ăn tiếng nói.

Bình nói:

- Giời ơi, em nói báo chí như thế mà bây giờ em lại làm đối ngoại, em phụ trách báo chí! Như thế thì chết anh à?

Linh bảo:

- Ấy đấy, thế mới phải có cách. Thôi cái việc đấy anh để em lo. Nhé, mai anh cho làm quyết định đi. Anh họp Hội đồng quản trị rồi anh quyết định luôn. Em làm Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại. Được chưa nào?

Bình thở dài và gật đầu:

- Rồi, anh đồng ý.

Sáng hôm sau, Bình đến cơ quan họp Hội đồng quản trị và nêu ra vị trí đấy. Bình nói:

- Có việc này tôi muốn xin ý kiến các anh, các chị. Thật ra thì trong lòng tôi không muốn. Tôi không muốn chồng làm thế này rồi vợ lại kè kè bên cạnh, nó không hay. Nhưng mà nhà tôi thì bây giờ… nói thật với các anh, các chị…, cô ấy cũng bắt đầu ốm nghén rồi.

Nghe câu đấy, mọi người vỗ tay rần rần:

- Ô, xin chúc mừng Tổng giám đốc. Nhanh thế! Khiếp! Đúng là “Mạ già, ruộng ngấu”.

Bình cười bảo:

- Thì nhà tôi muốn bỏ cái nghề người mẫu thời trang với đi biểu diễn linh tinh. Mà tôi thấy có chồng rồi thì cũng nên bỏ cái nghề ấy được rồi. Nhưng cô ấy muốn về công ty mình làm việc, mà các anh thấy đấy, cô ấy thì biết nghề ngỗng gì đâu. Văn hóa thì đâu có lớp sáu, lớp bảy gì. Tôi thấy rằng nếu như đưa cô ấy về đây được thì tốt và cho cô ấy làm cái việc phụ trách công tác đối ngoại, giúp đỡ tôi đi giao dịch tiếp khách, tiếp khứa, rồi thì quan hệ với công chúng, quan hệ với báo chí. Công ty chúng ta sẽ phải mở rộng làm ăn thì các chuyện ấy là chuyện đương nhiên. Thế thì ý các anh thế nào?

Cả Hội đồng quản trị năm người và Ban Tổng giám đốc ba người nữa, trong đó có cả Chung ngồi nghe, bảo:

- Nhất trí thôi. Thế thì đề nghị anh làm quyết định bổ nhiệm chị ấy làm Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại.

Mọi người hoan hỉ và bảo:

- Ừ, có một người đẹp về làm đối ngoại thì tốt quá! Chứ trông mấy cái mặt anh em mình đi đối ngoại, lên gặp Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, các ông ấy nhìn nhiều khi cũng chẳng muốn nói chuyện. Nhưng mà cỡ như cô Linh mà đi xem, tôi đố ông nào dám từ chối, kể là bây giờ biết mười mươi là vợ ông Bình.

Cuộc họp giải tán. Chung ngồi nán lại, vẻ chờ đợi Bình như muốn nói điều gì với anh. Chung nói:

- Thưa anh. Em có chút việc muốn báo cáo anh.

Bình bảo:

- Ừ, có việc gì em nói đi.

Chung nói:

- Thưa anh. Hôm nọ, chị Linh đến đòi xem sổ sách kế toán và chị còn bảo em cho biết tổng thu nhập của anh là bao nhiêu nhưng em không đồng ý. Em chỉ cho chị ấy biết số lương hàng tháng anh lĩnh thôi.

Bình nhíu mày và nói:

- Đã đến thế cơ à?

Chung bảo:

- Vâng anh ạ. Nhưng anh phải bảo chị ấy. Chị ấy nói với em có giọng điệu hơi xúc phạm đấy. Trong đầu chị ấy nghĩ em là kế toán trưởng hình như cũng chỉ là dạng tìm cách ăn cắp tiền của công ty thì phải.

Bình nhăn mặt xua tay:

- Thôi, thôi, thôi, em chấp làm gì. Cô ấy không biết gì đâu, cứ thấy chồng có tí tiền là vênh mặt lên. Được rồi, để anh bảo. Em không phải lo, em cứ giữ đúng nguyên tắc của em.

Chung thở dài bảo:

- Anh ạ, người ta bảo “lệnh ông không bằng cồng bà”. Em thấy chị ấy mới làm vợ anh được ít ngày mà đã như vậy thì không biết sau này sẽ như thế nào. Đời anh đã bầm dập nhiều quá rồi, mà em lại không muốn thấy anh phải đau khổ. Hay thôi, anh để cho em làm việc khác, em không làm kế toán trưởng nữa.

Bình trợn mắt:

- Em sợ cái gì? Có anh ở đây. Anh đã nói với mọi người rồi, riêng về chuyện tài chính kế toán thì tôi tin cô Chung còn hơn là tin tôi. Em đã thấy từ ngày em làm đã bao giờ anh băn khoăn với em về chuyện tiền nong chưa? Chưa bao giờ nhé! Đúng không nào?

Chung gật đầu.

Bình nói tiếp:

- Cho nên, em không việc gì phải lo ngại cả. Có việc này, anh trông cậy và nhờ cả vào em.

Chung nói:

- Dạ, có việc gì anh cứ nói?

Bình:

- Làm ăn kinh tế bây giờ sẽ càng ngày càng khó khăn. Pháp luật sẽ càng chặt chẽ. Anh thấy nhiều đại gia đang ăn nên làm ra, đùng một cái đổ bể. Cho nên, em tính cho anh thế nào thì tính. Anh là người ít để ý đến chuyện đồng tiền nhưng phải có một nguồn nào đó để phòng khi thất cơ lỡ vận.

Nghe Bình nói như vậy, Chung hiểu ý ngay.

Chung hỏi:

- Đúng đấy anh ạ. Bài học của ông Tuấn em biết. Lúc có tiền thì không biết cách giữ, đến lúc ập một cái xuống thành tay trắng. Bây giờ bác ấy sống cũng khổ lắm. Tất nhiên, so với thiên hạ thì cũng chẳng đến nỗi nào nhưng cũng có dư dả gì đâu. Vậy thì em sẽ lập cho anh một quỹ riêng mà chỉ có mình anh biết và cái này không đưa vào sổ sách kế toán nào cả, được không?

Bình:

- Ừ. Em làm thế nào thì làm.

Nhưng rồi Chung lại bảo:

- Nhưng anh quản lý cái quỹ này nhé!

Bình lắc đầu:

- Đừng bắt anh phải quản lý. Em cứ quản lý cho anh.

Chung:

- Thế thì em ngại lắm. Nhỡ xảy ra chuyện gì, ví dụ, nói dại, em lại ăn cắp số tiền đấy của anh em trốn đi thì làm sao?

Bình nói:

- Ồ, sao em lại nghĩ vớ vẩn thế? Anh đã nói rồi, anh tin em hơn cả tin anh. Chưa bao giờ anh nghi ngờ hay nghĩ xấu về em một chút nào. Thế còn nếu như bây giờ, em ôm cái quỹ đấy em trốn đi thì coi như là anh mất một người bạn, thế thôi. Tiền thì cũng quan trọng thật đấy, nhưng tình cảm có khi nó còn quan trọng hơn nhiều.

Nghe Bình nói một cách thật thà, Chung rất cảm động. Cô bảo:

- Dạ, được anh tin, em hứa với anh em sẽ giữ cho anh. Và chuyện này em sẽ sống để dạ, chết mang đi.

***

Trở lại cảnh nhà Bình.

Bình và Thúy vừa ngồi ăn cơm trưa vừa kể chuyện. Bữa cơm cũng không có nhiều nhặn thức ăn gì, thậm chí lại có cả cơm độn khoai.

Bình cười và hỏi Thúy:

- Em đã ăn cơm độn khoai bao giờ chưa?

Thúy lắc đầu bảo:

- Thú thực là cứ nghe nói chuyện thời bao cấp ngày xưa phải ăn cơm độn mì, độn khoai, độn bo bo nhưng em chưa phải ăn bao giờ. Phải ăn đói, ăn thiếu thì có chứ còn ăn cơm độn khoai thì chưa.

Bình bảo:

- Mấy năm trước, anh về Hà Nội. Ở Hà Nội có một quán ăn, đâu ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nghe người ta giới thiệu ở đấy có những món ăn nấu theo kiểu thời bao cấp, tức là có cơm độn ngô, độn mì, độn khoai. Anh cùng với mấy người bạn nữa đến ăn để xem có gợi nhớ lại được gì của thời xưa không. Nhưng mà chán quá. Bây giờ thì không phải cơm độn khoai mà gọi là khoai độn cơm thì đúng hơn. Cả một bát cơm được vài ba miếng khoai. Ngày xưa, đã gọi là cơm độn khoai thì một miếng khoai chỉ được cõng mấy hạt cơm. Bây giờ thời buổi kinh tế phát triển, cái ăn cái mặc cũng bắt đầu đã dư dả, nhiều khi ăn lại các món này cũng gợi cho mình được nhiều thứ.

Thúy hỏi:

- Vậy thì bát cơm độn khoai này gợi cho anh cái gì?

Bình bảo:

- Nó gợi cho anh thấy rằng mình bây giờ sống dư thừa quá thì phải nhớ lại cái thời khổ ngày xưa để mà rồi biết tích góp, gìn giữ. Ngày xưa, khi anh bé, bố anh dạy rằng phải biết “Ôn cố tri tân”, nhớ lại cái cũ để biết được giá trị của cái mới ngày hôm nay.

Thúy bật cười và nói:

- Xem ra anh bây giờ có vẻ già sớm hơn tuổi nhiều đấy. Hơi tí cái gì là cũng dẫn điển tích, điển cố.

Bình gật gù:

- Ừ. Bây giờ càng ngẫm thấy các cái điều bố anh dạy từ hồi bé sao mà đúng thế. Cứ bảo đổi mới và loay hoay tìm cách đổi mới, nhưng anh thấy hình như đổi mới tốt nhất hãy là làm tốt những cái cũ đã có.

Thúy thở dài, ăn một miếng cơm rồi bảo:

- Cơm độn khoai ăn cũng hay hay nhỉ! Khoai ngọt thật. Hình như là khoai Nhật phải không anh?

Bình bảo:

- Ừ, đúng. Loại khoai tím này là của Nhật đấy.

Thúy bảo:

- Mà thôi, tốt nhất là anh đừng nói đến những chuyện cũ với lại chuyện chính trị làm gì. Nghe mệt đầu lắm!

Bình bật cười:

- Là nhà báo tại sao lại sợ nhắc đến cái cũ nhỉ? Anh tưởng nhắc lại cái cũ thì mới thấy cái hôm nay nó thế nào chứ! Nói chuyện báo chí thì đúng là anh đây cũng tiếp xúc nhiều, nhất là cái ngày khi anh mới ăn nên làm ra, sau khi ra tù lần thứ nhất. Ôi, đủ các loại nhà báo!

Thúy gạt phắt đi:

- Không có nói chuyện báo chí! Thế bây giờ em hỏi anh cái hồi ấy, vào cái thời điểm anh giàu nhất thì anh đã có bao nhiêu?

Bình bảo:

- Thú thực, anh cũng không biết là mình có bao nhiêu. Tất cả tay hòm chìa khóa của anh đều là cô Chung nắm giữ. Anh có quan tâm nhiều đến tiền đâu. Cứ thỉnh thoảng cô ấy lại nói thêm được mấy tỉ, thêm được mấy tỉ, thế thôi. Cứ suốt ngày lao đầu đi giao dịch, kiếm hợp đồng lớn, hợp đồng bé, đi sang Nhật, Hàn Quốc, Singapore, mua máy công cụ cũ, ôtô cũ về tân trang, bán đi. Tiền vào nhiều lắm. Có tiền thì anh lại mua đất rồi đầu tư xây nhà, mua biệt thự ở Hà Nội, ở Sài Gòn, rồi mua ở cả Hải Phòng nữa.

Thúy hỏi:

- Thế anh làm ăn như thế, bà Linh không xía vào à?

Bình cười buồn:

- Có chứ, có chứ. Người ta cứ bảo rằng “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc hơn cơi đựng trầu” nhưng mà sau này mới ngẫm ra, cô ấy sâu sắc hơn anh nhiều và cô ấy mưu mô, thủ đoạn hơn anh tưởng tượng rất nhiều. Có lẽ, hình như chưa có nhà văn nào miêu tả được một người đàn bà như thế.

Thúy bật cười:

- Vậy thì bây giờ để em miêu tả cho. Nhưng dạo này cô ấy sống thế nào?

Bình lặng người đi một lúc rồi nói:

- Cũng bi kịch lắm em ạ. Bây giờ cô ấy sức khỏe yếu, lấy đến ba đời chồng nữa rồi nhưng không ai ra gì. Mà nghe nói, hình như cô ấy cũng mắc bệnh HIV. Cũng có lần anh đã định vào thăm nhưng rồi nghĩ, không muốn nhìn thấy con người ấy nữa. Nhưng anh vẫn gửi tiền giúp đỡ. Hiện nay cô ấy đang nằm ở bệnh viện. Toàn bộ tiền viện phí, ăn uống, trông nom ở trong đó, anh vẫn cho.

Thúy bảo:

- Thôi, cái chuyện đấy rồi thì sẽ kể sau. Thế nhưng hồi ấy anh làm ăn lớn như thế, chắc là thế lực của anh ở cái tỉnh này cũng phải ghê lắm nhỉ?

Bình gật đầu bảo:

- Đúng đấy. Sau này anh mới ngẫm ra một điều. Khi chuyển từ một nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang một nền kinh tế thị trường thì đồng tiền có tiếng nói quyết định tất thảy em ạ. Anh có tiền, anh đi đến đâu cũng được trọng vọng, đi đến đâu cũng được mời chào, đón tiếp. Ở đâu cần tiền, xây trường học, anh cho ngay. Vài trăm triệu đối với anh ngày đấy chẳng là cái nghĩa lý gì cả. Cả một huyện Phong Phú kia, giáo viên không có nhà ở, anh bỏ tiền ra xây nhà cho các thầy cô giáo, và xây cả trường học cho các cháu nội trú. Sinh viên đi về đây thi đại học, thấy cảnh chúng nó đi ở trọ khổ quá, đến mùa thi, anh dành cả hai dãy nhà của anh ở đây tân trang lại thành phòng cho học sinh đi thi đến ở. Anh chỉ nghĩ một điều, đời anh học hành dang dở chẳng ra cái gì, thôi thì giúp được cho các em, các cháu cái gì hay cái đấy. Các cụ dạy rồi, “Nhân bất học bất tri lý”, không có học, em bảo, còn làm được cái gì?

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 27/04/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân