Từ khi Trung tâm sửa chữa ôtô - xe máy trại Ba được đầu tư mới thì số lượng khách mang xe tới sửa chữa tăng vọt. Bình và công nhân làm gần như không hết việc và thu nhập cũng cao lên hẳn.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 21) Bình đang băn khoăn suy nghĩ thì người con gái nhìn và hơi nheo mắt, khẽ lắc đầu, ra hiệu bảo đừng đồng ý. Nhìn ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 20) Đêm hôm ấy, sau 7 năm nằm trong trại giam, lần đầu tiên Bình được ngủ trong một nơi gọi là gia đình, ông Can ... |
Quả thực, nếu như những ngày ấy, Bình láu cá mà kiếm tiền bằng kiểu - như người ta gọi là ăn chặn, hoặc thông đồng với các chủ xe thì Bình cũng kiếm được khá tiền. Nhưng ai ăn uống ra sao, cán bộ như thế nào thì Bình không biết, nhưng với Bình, dứt khoát là không. Bởi lẽ, mỗi khi nghĩ đến chuyện làm ăn có điều gì khuất tất là Bình lại như thấy ông Can đang đứng trước mặt. Trong thâm tâm, Bình luôn tự nhủ rằng phải cố gắng giữ mình, đừng làm ông Can phải ngượng.
Ngày tháng trôi đi, Bình lúc nào cũng nghĩ mình cố gắng làm sao được yên ổn chờ đến lúc ra trại thì một hôm, có một sự cố lớn xảy ra.
Không hiểu trước đây, trong những ngày cai ngục, trong một lần say rượu, ông Can đã đánh một gã phạm nhân một trận chí tử. Trong trận đòn ấy, gã phạm nhân đã đe dọa:
- Được rồi, ông nhớ tôi đấy. Đời tôi thì còn có ngày ra tù chứ đời ông thì vĩnh viễn ở trong cái trại giam này. Tôi thề với ông, tôi mà được ra tù thì người đầu tiên tôi phải xử lý đó là ông.
Nghe hắn nói thế, ông Can bảo:
- Mày thích xử lý thì tao cho xử lý.
Và ông đấm thêm cho gã phạm nhân thêm hai phát nữa.
Thế rồi, câu chuyện từ năm nảo năm nào tưởng đã qua. Gã phạm nhân đã bị đổi đi trại giam khác và tất nhiên, sau cú ấy, ông Can thì cũng bị kỷ luật. Nghe nói, ông bị chậm lên lương một năm vì tội đánh phạm nhân. Gã kia ra tù và gã đã giữ lời hứa.
Hôm ấy vào chiều Chủ nhật. Bình cùng một số phạm nhân là tù tự giác làm ở trung tâm sửa chữa xe ra ngoài đá bóng. Ông Can ở nhà một mình, đâu biết ngoài kia có bốn gã thanh niên đang phóng xe sầm sập tiến về ngôi nhà. Ông đang ngồi ở trong nhà, chúng xông thẳng vào. Gã tù kia nhìn ông Can trừng trừng và bảo:
- Thế nào, ông nhớ tôi không?
Ông Can vẫn bình thản:
- Tao nhớ. Hôm nay mày đến trả thù tao chứ gì?
Gã kia nói:
- Ừ. Hóa ra ông vẫn chờ đợi à? Bây giờ thế này, tôi vẫn giữ lời thề của tôi nhưng tôi cho ông lựa chọn.
Ông Can quắc mắt nói:
- Mày cho tao lựa chọn cái gì? Mày có quyền gì mà cho tao lựa chọn?
Đang ngồi ở ghế, ông Can bật dậy như lò xo, lao thẳng đầu vào bụng hắn khiến hắn ngã ngửa. Và rồi cuộc ẩu đả giữa ông Can và bốn gã diễn ra trong căn phòng nhỏ. Lúc đầu ông Can còn chống trả được chúng nhưng sau thì ông lùi vào tường và bị chúng đánh.
Bình đang đá bóng nhưng không hiểu sao bỗng thấy nóng ruột. Và thế là Bình bỏ về. Càng đi về gần đến nhà thì tự nhiên Bình thấy ruột gan mình càng bừng bừng như lửa đốt. Bình không thể đi bộ được nữa. Bình chạy như bay. Về đến nhà, cửa trong thì khóa. Bình gọi thì không thấy, rồi bốn thằng ùa ra. Khi cánh cửa mở thì Bình thấy ông Can đã ngồi dựa vào tường. Ngay tức khắc, Bình hiểu chuyện gì xảy ra. Một thằng mở hé cửa và nói:
- Mày mà kêu to một tiếng thì bố mày đâm chết.
Nói rồi hắn rút phắt con dao, gí vào bụng Bình.
Với phản xạ của một người đã từng tập luyện võ nghệ, Bình đánh văng con dao của hắn ra và xông vào. Một mình Bình chống chọi với cả bốn đứa. Bình buộc phải giở những ngón võ rất hiểm để đánh gục từng thằng. Cuối cùng Bình cũng đánh gục được chúng. Bình còn cẩn thận lấy gậy vụt cho mỗi thằng một gậy để cho chúng không thằng nào lê lết đi được. Hai thằng trong đó đã bị gãy chân. Bình chạy vào xem ông Can thế nào thì thấy ông đã bất tỉnh nhân sự. Các cán bộ quản giáo chạy đến đưa ông Can đi viện. Ông bị chúng đánh gãy hai xương sườn, gãy tay và còn không biết bao nhiêu vết thương nữa. Bốn gã kia bị bắt lại. Khi ra tòa, chúng khai rằng Bình đánh chúng ngã rồi lấy gậy ghè chân từng thằng để cho gãy chân.
***
Cuộc tranh cãi giữa luật sư, Viện Kiểm sát và Tòa án diễn ra gay gắt. Cuối cùng, Bình cũng không bị làm sao. Bốn gã kia thì lại tiếp tục vào tù. Nhưng ông Can thì phải mất đến hơn hai tháng sau mới bình phục. Nói là bình phục nhưng ông chỉ đi lại được thôi chứ còn ông yếu lắm. Cũng từ sau trận đánh ấy, tiếng tăm của Bình nổi như cồn ở quanh khu vực trại giam. Và tất cả những kẻ có máu mặt càn quấy ở khu vực quanh đó trông thấy Bình đều kính nể. Có những gã đến đặt vấn đề nhờ Bình dạy võ cho nhưng Bình đều khước từ.
***
Còn một năm nữa thì ông Can sẽ về hưu. Một hôm, ông lên gặp Thượng tá Cung - Giám thị trưởng.
Ông bảo:
- Anh Cung ạ, tôi có việc này muốn trao đổi, hỏi ý kiến anh.
Thượng tá Cung nói:
- Có việc gì anh cứ nói đi.
Ông Can bảo:
- Tôi cũng không còn bao lâu nữa sẽ nghỉ hưu. Hoàn cảnh gia đình của tôi thì các anh cũng biết rồi. cho đến giờ, ngần này tuổi rồi, tôi vẫn chưa có gia đình. Trong suốt mấy năm vừa qua, không hiểu sao, tôi lại rất có cảm tình với thằng cu Bình. Mà nó đúng là cũng có cảm tình với tôi. Nói thật, nhiều lúc không có nó chăm sóc, những lúc trở trời, trở đất, tôi không biết làm thế nào. Bây giờ, tôi muốn xin nó, nhận nó làm con nuôi. Con nuôi một cách hợp pháp và nó có quyền là một đứa con nuôi thật sự, chứ không phải con nuôi hờ, nhận cho nó vui. Thế ý anh thế nào?
Ông Cung suy nghĩ một lúc rồi bảo:
- Việc này cũng hay anh ạ. Em ủng hộ.
Ông Can lại nói:
- Vậy nếu việc tôi nhận nó làm con nuôi thì có ảnh hưởng gì đến các quy định của Công an không?
Ông Giám thị nói:
- Quả thật, việc này chưa có tiền lệ và cũng chưa có trường hợp nào như thế này. Thôi, anh để tôi làm văn bản hỏi Công an tỉnh xem ra làm sao.
Thế rồi ông làm văn bản gửi cho Công an tỉnh. Công an tỉnh cũng thấy khó xử bởi từ trước đến nay chưa có trường hợp nào một sĩ quan công an đeo cấp hàm tới trung tá rồi lại nhận một phạm nhân bị án tù mười năm làm con nuôi trong khi phạm nhân đang thụ hình. Tuy nhiên, do thấy đây cũng là một việc thuộc về tình cảm, không thuộc về nguyên tắc Công an, mà cũng là thông cảm với hoàn cảnh của ông Can, cho nên Công an tỉnh lại làm văn bản báo cáo Bộ. Không biết ở trên Bộ bàn tính thế nào nhưng rồi chỉ có ý kiến bằng miệng của một cán bộ nào đó ở trên Bộ gọi xuống cho hay rằng nếu như việc ấy làm mà không ảnh hưởng gì đến đơn vị thì cho phép ông Can nhận Bình làm con nuôi.
Thế là một buổi tối, ông Can gọi Bình vào và bảo:
- Bình, bây giờ chú hỏi mày. Những năm qua chú cháu mình đã sống và gắn bó với nhau như thế nào, chú không phải nói nữa. Hoàn cảnh chú như thế nào cháu cũng quá biết rồi. Bây giờ chú hỏi một câu, mày chỉ trả lời “Có” hay “Không” thôi!
Bình không biết ông hỏi cái gì nhưng cũng chỉ biết gật đầu. Ông bảo:
- Mày làm con chú nhé?
Bình sững sờ. Và tự nhiên trong lòng anh thấy thương ông vô hạn. Nước mắt Bình chảy ra. Bình không nói được nữa. Bình định nói điều gì đó nhưng cổ họng Bình nghẹn lại. Và Bình chỉ gật đầu. Những giọt nước mắt của Bình đã nói lên tất cả.
Ông ôm lấy Bình vỗ về:
- Thế này là bố vui lắm. Từ nay bố có thằng con giai rồi.
Rồi ngày hôm sau, ông Can thông báo cho toàn trại giam biết là ông đã nhận Bình làm con nuôi. Không chỉ thế, ông lại còn đưa Bình đi đến Ủy ban làm các giấy tờ hợp thức để chứng minh cho mọi người rằng, Bình là con nuôi hợp pháp phòng sau này có điều gì xảy ra với ông thì Bình sẽ là người thừa kế toàn bộ tài sản của ông.
Vào những năm tháng đó, cuộc sống đổi thay nhanh chóng. Bình đã có bố nuôi.
Bình ngừng câu chuyện kể. Anh nhìn Thúy và bảo:
- Em thấy cuộc đời thế có lạ không?
Thúy nói:
- Ừ. Đúng là như một cuốn tiểu thuyết có hậu. Thế nhưng thì mẹ anh thì thế nào?
Bình bảo:
- Ôi, cái hôm đó thì lạ lùng lắm.
***
Ông Can tổ chức một bữa tiệc khá thịnh soạn, mời tất cả cán bộ trong trại, cả một số phạm nhân nữa, tất nhiên là có cả bà Ất và các em Bình nữa. Tất thảy đều có mặt đầy đủ. Ông Can kéo Bình đứng dậy, cầm ly rượu, trịnh trọng tuyên bố với mọi người:
- Thưa các anh trong Ban giám thị. Thưa chị Ất, mẹ của cháu Bình. Không hiểu nhân duyên như thế nào mà tôi lại được gặp cháu Bình. Trong những năm tháng vừa qua, chúng tôi đã gắn bó với nhau và tôi thấy rằng tôi không thể xa rời thằng bé này được. Cho nên tôi đã xin phép lãnh đạo Bộ, lãnh đạo trại và tôi cũng đã nói với chị Ất rằng tôi xin nhận cháu Bình làm con nuôi. Tất cả mọi thứ giấy tờ khai với chính quyền cháu là con nuôi tôi và có quyền thừa kế hợp pháp tất cả mọi tài sản của tôi sau này một khi tôi mất đi, tôi đã làm xong mọi thủ tục.
Mọi người vỗ tay vang dậy còn bà Ất thì chạy ra ngoài, úp mặt vào tường mà khóc.
Ngày hôm sau, ông Can bảo bà Ất rằng:
- Chị Ất ạ, theo tôi nghĩ, chị nên lên đây ở với thằng Bình. Tháng sau nó ra trại rồi. Nó sẽ làm việc ở xưởng này. Chị lên đây trông nom cho nó. Rồi nó cũng phải lấy vợ sinh con nữa. Năm nay nó cũng hai mươi mấy tuổi rồi.
Mẹ Bình băn khoăn bảo:
- Anh giúp cho như thế thì tốt quá. Thôi, để tôi tính xem như thế nào.
***
Xã hội đổi thay từng ngày, có những cái tốt, cái xấu đan xen nhau. Cuộc sống lao vào một cơn lốc kiếm tiền. Khu vực quanh trại giam cũng thay đổi. Thế rồi, có những việc không ngờ đã đến. Đó là để lấy đất xây dựng khu công nghiệp mới và phát triển thành phố thì trại giam phải chuyển ra một nơi cách đấy mười cây số. Còn toàn bộ khu vực trại giam sẽ để xây dựng khách sạn và trung tâm thương mại. Một con đường lớn mới mở chạy qua khu đất nhà ông Can và thế là, bỗng dưng, khu đất trở nên vô giá.
Bình được ra tù. Trại đã ký hợp đồng với Bình và giao cho Bình làm Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật ở Trung tâm Sửa chữa ôtô - xe máy. Mặc dù mấy năm vừa rồi, Bình không phải sống ở trong tù nhưng khi cầm tờ giấy ra tù với những lời nhận xét tốt đẹp, Bình cũng thấy trong lòng bồi hồi. Hôm đó, ông Can cũng lại làm một bữa rượu mời mọi người đến mừng Bình đã mãn hạn tù.
Rồi cuộc đời Bình lại có một bước thay đổi tiếp. Đó là khi Bộ Công an yêu cầu các đơn vị không được liên kết để làm kinh tế nữa. Thế là Trung tâm Sửa chữa ôtô - xe máy vừa mới đầu tư được mấy năm nay phải co gọn lại. Nhưng tiếc của, tiếc công lao mọi người bỏ ra. Một hôm, Bình về Hà Nội và gặp ông Tuấn chủ cửa hàng kinh doanh xe máy.
Bình bàn bạc với ông:
- Theo cháu nắm được thì Công an tỉnh muốn bán lại cửa hàng hoặc liên doanh với một đơn vị nào đấy để duy trì cửa hàng chữa xe. Nếu bác có tiềm lực kinh tế thì bác nên đặt vấn đề với trại và mua lại trung tâm sửa chữa đấy.
Ông chủ Tuấn nghe ra và bảo:
- Hay, ý của mày hay đấy. Tao thấy ở vùng đấy bây giờ phát triển nhanh quá. Ừ. Nếu mà họ đồng ý cho làm liên doanh thì tao sẽ bổ nhiệm mày làm giám đốc trung tâm.
Mấy hôm sau ông chủ cửa hàng xe lên và bàn với lãnh đạo trại. Vào thời điểm này trại cũng muốn bỏ đi trung tâm sửa chữa theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Công an tỉnh. Đang không biết xử lý thế nào với khối tài sản như vậy nay lại có người đến xin liên doanh, liên kết, ban lãnh đạo trại giam rất mừng và đồng ý luôn.
Thế là chỉ trong vòng một tháng, một công ty liên doanh mới ra đời. Công an tỉnh chỉ chiếm ba mươi phần trăm cổ phần trong liên doanh và gần như chỉ còn làm nhiệm vụ sửa chữa xe cho trại giam và Công an tỉnh. Ông chủ Tuấn bỏ tiền ra mua bảy mươi phần trăm cổ phần còn lại. Bảy mươi phần trăm cổ phần đó lại được tính bằng đất cát, tài sản của ông Can. Và nghiễm nhiên, toàn bộ bảy mươi phần trăm đấy, Bình có được đến hai phần ba, và được bổ nhiệm làm giám đốc xưởng sửa chữa xe.
Lúc này Bình mới thấy làm ăn nó mới dễ làm sao. Xe cộ đến nhiều và Bình bắt đầu nghĩ sang các trò khác. Bình móc nối với một số người trong phía Nam đi mua xe ôtô, xe máy xúc, máy gạt, cần cẩu, loại second-hand của Nhật về để bán lại. Bình cũng đi sang Nhật để chọn mua xe, và quả thật, đây là một loại một vốn bốn lời. Những loại xe máy ủi, máy xúc và các loại xe máy chuyên dụng ấy trong khi nước nhà thì đang rất cần nhưng bên Nhật, những loại xe cũ, hết hạn sử dụng theo luật của họ, nhưng với ta thì còn tốt vô cùng, khi nhập về thuế suất lại bằng không. Nhập một chiếc xe về, Bình bán đi có khi lãi bằng cả một năm làm xưa kia. Có tiền, Bình lại đi mua đất và chỉ trong vòng hai năm trời, trong tay Bình đã có hơn một trăm hécta đất ở các khu vực xung quanh. Bình trở thành một đại gia lớn ở khu vực.
Một hôm, Bình đang ngồi trong phòng làm việc thì có nhân viên vào báo:
- Thưa anh, có một chị tên là chị Chung xin gặp anh.
Nói đến Chung, Bình nhớ ra ngay. Đó là cô nhân viên văn phòng ở chỗ công ty ông Tuấn ngày xưa. Bình mời Chung vào và hỏi:
- Sao em lên đây có việc gì vậy?
Chung nói:
- Ở dưới Hà Nội, cửa hàng ông Tuấn bây giờ làm ăn cũng kém anh ạ, bị cạnh tranh nhiều quá. Cho nên, ông ấy bảo cho em lên đây là để nói với anh hai việc. Thứ nhất, ông ấy muốn bán lại cho anh số cổ phần của ông ấy. Anh tính xem thế nào?
Bình nhẩm tính số cổ phần của ông Tuấn ở trong công ty bây giờ cũng chẳng còn là bao. Số tiền ấy, với Bình không có gì khó khăn. Nghĩ thoáng qua như vậy rồi Bình đồng ý luôn.
Thấy vẻ mặt Chung có điều gì lo lắng. Bình hỏi:
- Thế cửa hàng ông ấy làm ăn kém như thế thì em đời sống thế nào?
Chung cười buồn và nói:
- Thì cũng… có khi nợ lương vài ba tháng anh ạ.
Bình lắc đầu và buột mồm nói:
- Này, hay thôi em lên đây làm kế toán cho anh.
Chung nhìn Bình trân trân rồi hỏi:
- Anh nói thật đấy chứ?
Bình gật đầu:
- Anh nói thật. Đời anh chưa nói dối ai bao giờ cả. Nếu em đồng ý, ngày mai em có thể lên đây làm luôn.
Chung thở dài rồi bảo:
- Lên đây thì xa quá. Quê em ở tít tận Nam Định. Bây giờ lên đây… nhưng mà thôi, em sẽ lên.
Thế rồi việc mua lại cổ phần của ông Tuấn diễn ra nhanh chóng và Chung chuyển lên làm kế toán cho Bình. Lúc đó, Bình cũng chỉ coi Chung như một người em gái và trong lòng không hề có một chút tình cảm gì ngoài anh em. Có lần Bình hỏi:
- Này, sao em không lấy chồng đi? Năm nay hai mươi mấy tuổi rồi mà còn kén thế?
Chung bảo:
- Thầy số bảo em là phải lấy chồng muộn thì mới đứng số. Lấy chồng sớm không khéo rồi thì lại phải hai lần đò.
Bình bật cười và bảo:
- Chuyện vớ vẩn. Tin làm gì mấy cái thằng thầy bói. Em thích ai thì em cứ lấy.
Chung nhìn Bình nói:
- Nhưng mà người em thích thì họ có lấy em đâu.
Nghe câu nói của Chung thì Bình lờ mờ hiểu rằng hình như Chung có tình cảm với mình. Nhưng lúc ấy Bình mải làm giàu cho nên Bình chẳng nghĩ đến tình cảm của Chung qua ánh mắt của cô. Chỉ có điều, Chung chăm lo cho Bình rất chu đáo và cẩn thận. Tất cả những gì liên quan đến tài chính Chung đưa cho là Bình nhắm mắt, nhắm mũi ký ngay. Không bao giờ Bình băn khoăn có một suy nghĩ rằng phải như thế này, rằng phải kiểm tra như thế khác. Bình tin Chung như tin chính bản thân mình.
Bình có tiền, xây được biệt thự, mua được xe con. Và bắt đầu Bình lột xác để trở thành một người của thế giới khác. Đó là thế giới của những người có tiền.
Trong một lần đi cùng với bạn bè tới một quán nhậu, thấy có các ca sĩ, người mẫu hát hò, Bình nổi hứng. Cứ mỗi một cô lên hát là anh lại cho bọc năm mươi nghìn vào một cành hoa rồi mang lên tặng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 25/04/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân