Đêm hôm ấy, sau 7 năm nằm trong trại giam, lần đầu tiên Bình được ngủ trong một nơi gọi là gia đình, ông Can nằm một phòng, Bình nằm một phòng. Đêm, Bình lắng nghe tiếng ông Can ngủ ngáy hộc lên từng cơn, bỗng nhiên trong lòng anh dấy lên một niềm thương yêu ông vô hạn.

dac biet nguy hiem ky 20 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 19)

Hôm đó, lâu lắm rồi Bình mới được ở gần mẹ. Cũng dễ đến hơn chục năm rồi Bình mới được ngồi ăn cơm cùng ...

dac biet nguy hiem ky 20 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 18)

Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm.

Đúng nửa tháng sau, ông Can ra viện.

Đi trên xe cứu thương, về đến cổng trại, mọi người ra đón ông nói:

- Đưa anh về trạm xá nghỉ ngơi đã.

Ông Can xua tay nói:

- Không. Đưa tao về đội sửa xe.

Ông đi mà vẫn phải hai người vẫn dìu hai bên.

Ông về đội sửa xe, đang làm, cả đội nhìn thấy ông về chạy ùa ra, đứng líu ríu nói:

- Chào Ban ạ. Chào Ban.

Ông Can nhìn từng đứa bằng ánh mắt hết sức thân thương rồi ông gật đầu và bảo:

- Làm ăn tốt chứ?

Một người đứng ra nói:

- Dạ thưa Ban, chúng cháu nghe tin Ban bị thương nhưng cũng chẳng làm cách nào để được thăm nom Ban. Hôm nay, nhìn thấy Ban về được thế này là chúng cháu mừng lắm.

Ông Can cười và bảo mọi người:

- Ừ. Cám ơn chúng mày. Chúng mày nói được câu đấy thì tao cũng thấy vui rồi. Thằng Bình lại đây!

Rồi ông nhìn Bình từ đầu đến chân và bảo:

- Ừ. Được đấy. Thằng này trông có vẻ béo ra thì phải.

Bình cũng chẳng biết nói với ông thế nào nữa, chỉ ngồi lặng lẽ nhìn ông. Trông ánh mắt của Bình nhìn ông, một cán bộ quản giáo nói:

- Úi giời. Thằng con lâu ngày trông thấy bố nuôi, nhìn tình cảm chưa kìa.

Thế rồi, từ sau cái lần đấy, nghiễm nhiên, mọi người ở trong trại cứ gọi Bình là “con ông Can”. Ông cũng chẳng đính chính, chẳng thanh minh gì với ai về chuyện đấy, mà ngược lại, nhiều lúc vui mồm, ông cũng gọi Bình là con.

Vào năm 1989, trại giam có một sự đổi thay. Hồi ấy, Bình nhớ việc làm kinh tế tư nhân bung ra và khắp nơi lao đi làm kinh tế tư nhân, kể cả các cơ quan Nhà nước. Nơi nào có điều kiện thì cho làm dịch vụ, nơi nào không có điều kiện thì cho thuê mướn nhà cửa. Trại giam số 3 cũng vậy.

Trại giam lúc đó chỗ thì trồng lúa, chỗ thì nuôi lợn để bán, chỗ thì đóng gạch. Trong một lần họp cả trại, các cán bộ quản giáo đã xác định trại kinh doanh ngành nghề chính là làm đồ mỹ nghệ xuất khẩu, đóng gạch để bán, chăn nuôi, đào ao thả cá và nuôi lợn.

dac biet nguy hiem ky 20

Trong buổi họp ấy, mọi người bàn bạc rất nhiều. Kết thúc cuộc họp, ông Giám thị nói:

- Thưa các đồng chí, như vậy là hôm nay chúng ta đã xác định được thế mạnh của trại là chăn nuôi, trồng trọt, trước hết, chúng ta tập trung vào chăn nuôi, trong đó, có nuôi gà, nuôi lợn và nuôi cá. Anh em thấy rồi đấy, các cụ ngày xưa dạy “thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”. Bây giờ là chúng ta phải thả cá. Chúng ta có hơn một chục hécta ao hồ, mà các đồng chí cứ thử tính xem, mỗi một hécta mà cho 8 tấn cá thì một năm chúng ta có bao nhiêu tấn cá và nhân lên thành tiền là bao nhiêu? Trừ chi phí đi, tôi nghĩ rằng lãi cũng còn một nửa. Rồi chúng ta làm gạch nữa. Tất cả những cái đó, tôi nghĩ rằng, nếu như chúng ta làm tốt trong vòng 3 năm thôi, thì chúng ta sẽ giàu.

Mọi người nghe lời ông Giám thị trại giam nói mà hân hoan, vỗ tay rầm rầm. Nhưng ông Can thì phản đối.

Ông Can đứng lên nói:

- Các đồng chí làm kinh tế theo kiểu “nước sông công phạm” như thế này tôi thấy không ổn. Vậy các đồng chí tính chi phí đầu vào như thế nào? Đời sống phạm nhân liệu có được thay đổi gì nhiều không? Đời sống cán bộ của trại có được thay đổi gì hơn không, hay vẫn khốn khổ? Tôi đề nghị, ở trại chúng ta có một đội ngũ thợ sửa chữa rất tốt; mà bây giờ trong lúc bung ra thế này, phương tiện ôtô, xe máy phát triển nhanh vù vù, tôi đề nghị các đồng chí cho phòng hậu cần của trại mở một trung tâm sửa chữa ôtô - xe máy và máy nông cụ ở thị trấn, lấy nhà tôi làm địa điểm, không phải thuê mướn gì nữa.

Giám thị bảo:

- Đúng đấy, ý kiến anh Can rất hay. Nhà anh thì rộng, nhưng chả nhẽ lấy nhà anh làm xưởng à?

Ông Can nói:

- Tất nhiên là không lấy nhà tôi làm xưởng được, đấy là nơi tôi ở. Nhưng đất nhà tôi rộng hơn 5.000m2, các anh chỉ cần lấy 500m2, thậm chí 1.000m2 làm nhà xưởng sửa chữa ôtô, xe máy là được. Trại đầu tư vào đấy, tôi cho mượn đất.

Vậy là ít hôm sau, một dãy nhà tạm lợp mái phi prôximăng được dựng lên và rồi một xưởng sửa chữa ôtô, xe máy, cả xe công nông, xe đầu ngang được dựng lên ở đất nhà ông Can, bên ngoài đề chữ: “Trung tâm sửa chữa ôtô, xe máy trại 3”.

Rồi trại cũng được đầu tư, bỏ ra mua sắm một máy tiện loại nhỏ, rồi cả máy sơn, máy đánh bóng và có thể nói ở thời đấy, đây là một xưởng sửa chữa cấp tỉnh vào loại “oách”.

Và trong quyết định thành lập xưởng, bên cạnh những cán bộ quản giáo được phân công phụ trách thì Bình - một phạm nhân - lại có chức danh là “Phụ trách kỹ thuật”. Nhìn quyết định mà Bình vô cùng ngạc nhiên. Ôi, thế là từ nay, Bình đã trở thành “cán bộ” kỹ thuật Trung tâm Sửa chữa ôtô - xe máy của Trại giam số 3. Cầm tờ quyết định trong tay mà Bình run bắn cả người. Buổi lễ ra mắt Trung tâm được tiến hành rất trang trọng và chính ông Can là người trao quyết định cho Bình.

Trao quyết định cho Bình xong, tối hôm ấy, Bình định trở về trại ngủ như bình thường thì ông Can nói:

- Thôi tao đã báo cáo rồi, từ nay mày ở đây. Vừa trông nhà trông cửa cho tao, rồi trông cửa hàng luôn.

Đêm hôm ấy, sau 7 năm nằm trong trại giam, lần đầu tiên Bình được ngủ trong một nơi gọi là gia đình, ông Can nằm một phòng, Bình nằm một phòng. Đêm, Bình lắng nghe tiếng ông Can ngủ ngáy hộc lên từng cơn, bỗng nhiên trong lòng anh dấy lên một niềm thương yêu ông vô hạn.

Sáng sớm hôm sau, khi Bình vẫn đang ngủ say thì nghe tiếng ông Can đập cửa và nói:

- Bình, dậy ăn sáng con ơi.

Tiếng “con ơi” ông gọi, Bình thấy sao ấm áp lạ thường.

Và như một phản xạ tự nhiên, Bình nói luôn:

- Dạ, con dậy đây bố.

***

Từ ngày có Trung tâm Sửa chữa ôtô - xe máy của trại 3, Bình được sống một cuộc sống khác hẳn. Không còn phải ở trong nhà giam nữa mà hàng ngày, Bình ở và làm việc luôn tại trung tâm. Tất nhiên, ở trung tâm cũng có người gác. Công an tỉnh cử một tốp cảnh sát bảo vệ, thay nhau gác ở ngoài. Nói gì thì nói, họ vẫn phải đề phòng phạm nhân. Để một phạm nhân trốn thì công an khổ vô cùng. Không đi lùng bắt được về thì bị kỷ luật, cách chức, giáng cấp rồi hạ lương, chậm lên lương, rồi đủ các thứ kiểm điểm. Mà với phạm nhân, thoát khỏi nhà tù thì lại là một ước mơ thường trực trong mỗi giấc ngủ của họ. Phạm nhân nào cũng chỉ nghĩ cách, nghĩ kế để trốn. Những âm mưu, những toan tính của phạm nhân chỉ bị dập tắt khi mà họ thấy rằng: Không thể còn có một cơ hội nào trốn khỏi nhà giam nữa. Nhưng Bình thì lại khác. Từ ngày được ra làm ở ngoài trung tâm, trong đầu Bình chưa bao giờ có một ý nghĩ tìm cách trốn khỏi nơi đây. Cũng không phải vì ở đây Bình được ăn no hơn, được thoải mái hơn và không bị sống cùng với những gã đầu gấu như kiểu tay Bĩ, hay những kẻ đồng tính luyến ái, hoặc suốt ngày phải nghe những câu chuyện của giới giang hồ, tù tội kể lại. Bình làm việc quần quật và làm với một trách nhiệm rất cao. Trong đầu Bình chỉ sợ mỗi một điều, đó là nhỡ xảy ra điều gì đó không nên không phải, làm buồn lòng ông Can. Hình như ông Can cũng hiểu điều ấy ở Bình, cho nên, ông tin Bình lắm. Thời gian cứ dần dà trôi đi, sợi dây tình cảm giữa Bình với ông Can ngày càng bền chặt. Ông Can mặc nhiên coi Bình như kẻ ăn người ở trong nhà, có bất cứ việc gì cũng đều gọi Bình. Một hôm, ông gọi Bình đến và bảo:

- Này, Bình, chú bảo. Chú giao chìa khóa tủ này cho mày. Ở trong tủ này có nhiều tiền đấy.

Bình giật mình:

- Sao Ban lại giao cho cháu ạ?

Ông Can lừ mắt:

- Mày không phải hỏi. Chú tin mày, chú giao cho mày. Chú cũng có một chìa khóa, chú giao cho mày một bộ. Có thể những lúc chú đi đâu đấy, có việc gì cần đến tiền thì mày còn có tiền mà tiêu, hoặc là mua sắm thứ này thứ khác.

Đêm hôm ấy, việc ông giao chìa khóa tủ khiến Bình mất ngủ. Một hôm ông đi vắng, Bình mở tủ ra xem. Ở trong tủ có một cái hộp gỗ nhỏ. Mở ra thì thấy trong đó xếp khá nhiều tiền, rồi có cả vàng và một tập ảnh nữa. Bình giở tập ảnh ra xem. Đó là ảnh chụp ông Can ngày xưa, thời ở bộ đội, rồi thời mới ở công an. Những tấm ảnh đó với Bình chẳng nói lên điều gì ngoài hình ảnh một ông công an khắc khổ và già trước tuổi. Bình nhẩm tính số tiền ông cất trong tủ dễ cũng phải đến vài nghìn đồng. Bỗng dưng, trong Bình lóe lên một suy nghĩ: Bây giờ, nhặt hết số tiền, vàng này của ông rồi bỏ trốn đi một nơi thật xa, thật xa. Với số tiền đó, ngày nay không mua nổi một bát phở. Nhưng ngày ấy, chỉ cần vài nghìn đồng là đã có thể mua được một ngôi nhà. Bỗng dưng Bình thấy xấu hổ vô cùng vì cái ý nghĩ vừa lóe lên đó và Bình tựa như nhìn thấy ông Can đang đứng trước mặt mình như một ông Phật, với ánh mắt hiền từ nhưng nghiêm khắc. Ánh mắt ấy nhìn Bình như dò hỏi. Bình đóng tủ lại và tự thề với mình rằng: Đừng bao giờ động đến cái tủ này nếu như không được ông cho phép.

Một hôm, có ông Phó giám thị ra trung tâm kiểm tra việc làm ăn. Sau khi nghe phụ trách trung tâm, cũng là một anh công an, đeo cấp hàm đại úy báo cáo kết quả kinh doanh và biểu dương Bình tại cuộc họp, ông Phó giám thị nói:

- Lãnh đạo Công an tỉnh hôm qua vừa xuống đây. Chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo là sẽ đầu tư thêm cho trung tâm. Bây giờ, tôi giao cho anh Bình đi về Hà Nội tham khảo cách làm ăn của một số trung tâm sửa chữa ôtô, xe máy. Anh thấy cần phải mua thêm trang thiết bị gì thì làm đề xuất.

Ông nói xong mà Bình sững sờ. Trời ạ, sao họ lại tin đến mức độ giao cho một mình Bình đi về Hà Nội để tìm mua trang thiết bị cho trung tâm. Bình ấp úng:

- Dạ, thưa Ban. Cháu xa Hà Nội lâu lắm rồi, bây giờ về cũng lạ. Việc này, theo cháu, các cán bộ ở Ban đi tìm hiểu thì tốt hơn ạ.

Ông Phó giám thị gạt đi và nói:

- Ý kiến này là ý kiến của ông Can đấy. Cậu cứ đi. Đừng có trốn là được.

Thế rồi, ngày hôm sau, Bình được giám thị trại giam giao cho một ít tiền để ăn đường. Bình lên đường đi về Hà Nội. Sau khi xuống tàu ở ga Hàng Cỏ, Bình về thẳng nhà ông Biểu. Nhà cửa lạnh lẽo và cứ như không có bàn tay người chăm sóc. Bình vào nhà thì thấy bà Tuyến đang nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc ghế đi-văng, ánh mắt buồn bã. Nhìn gương mặt đó, Bình biết bà đang bị bệnh nặng.

Thấy Bình, bà cố ngóc đầu dậy hỏi:

- Ô, thằng Bình. Mày được ra tù rồi đấy à?

Bình lắc đầu và nói:

- Dạ, cháu chưa được ra. Nhưng hôm nay cán bộ trại giam cho cháu về Hà Nội để làm mấy việc cho họ.

Bà Tuyến nhìn Bình từ đầu đến chân rồi nói với giọng nghi ngờ:

- Mày nói thế nào chứ loại án tù như mày mà lại được trại người ta thả cho về như thế. Chắc mày trốn trại chứ gì?

Bình lắc đầu và nói:

- Không, cháu không trốn. Đây, giấy của cháu đây.

Nói rồi, Bình đưa cho bà xem giấy chứng nhận của trại rằng Bình là phạm nhân đang trong thời gian cải tạo nhưng được trại giao cho nhiệm vụ về Hà Nội để tìm hiểu hoạt động ở các trung tâm sửa chữa ôtô, xe máy. Bà Tuyến đọc xong, có vẻ đã tin, rồi bỗng nhiên bà òa lên khóc.

Bình hỏi:

- Thím ơi, có việc gì thế? Chú đâu?

Bà nấc nghẹn:

- Ông ấy bỏ nhà đi rồi. Mày không biết, từ ngày con Thủy Tiên nó chết, nhà này tan nát cả.

Bình vào trong nhà thắp nén hương lên bàn thờ của Thủy Tiên. Trên di ảnh của Thủy Tiên, Bình nhìn thấy ánh mắt cô như đang nheo nheo, nhìn Bình cười cười. Và bỗng dưng một nỗi ân hận xót xa trào lên trong lòng, Bình không kìm được, Bình gục vào bàn thờ khóc nức nở. Tiếng khóc cũng đã làm bà Tuyến động lòng. Bà vừa khóc vừa nói:

- Con ơi là con. Thằng Bình nó về với con đây này.

Hình như những giọt nước mắt đã chất chứa trong lòng Bình bao lâu nay, bây giờ, mới có dịp chảy ra. Khóc một thôi một hồi, Bình thấy nhẹ trong lòng. Bình lẩm nhẩm khấn:

- Thủy Tiên ơi, anh có tội với em. Anh có tội với em nhiều lắm. Em sống khôn chết thiêng thì hãy đi cùng với anh.

Lúc này, tất cả những hình ảnh của Thủy Tiên là một cô gái giang hồ, ăn chơi đàng điếm, đủ các mánh khóe lừa lọc biến đi đâu hết. Trong Bình, chỉ còn lại một cô Thủy Tiên đã yêu Bình, si mê cuồng nhiệt, bằng một tình yêu vượt qua tất cả mọi chuẩn mực đạo lý người Việt. Bà Tuyến bảo:

- Thế nào, mày kể cho thím nghe mày trong trại giam ra làm sao?

Bình nói:

- Dạ, ở trại giam bây giờ, cháu phụ trách một nhóm công nhân kỹ thuật sửa chữa ôtô, xe máy cho trại và làm dịch vụ. Cháu bây giờ không ở trại giam nữa mà ra ngoài ở. Người ta cũng tin cháu lắm nên mới cho cháu đi như thế này.

Nhà ông chú Bình bây giờ thật đã lâm vào cảnh cùng quẫn. Cửa hàng thì đã bán đi và chia cho mỗi người một ít tiền. Thế rồi, còn bao nhiêu, bà Tuyến nướng vào cờ bạc hết, chẳng đầu tư làm gì cả. Bây giờ, buổi chiều bà ra ngồi đầu ngõ ghi số đề. Còn ông Biểu thì cũng đã bỏ về sống với bà vợ hai làm nghề bán thịt lợn và giò chả. Bình ngồi chơi một lúc và cũng rất muốn có cái gì đó để cho bà Tuyến. Nhưng số tiền mà trại đưa cho Bình cũng chỉ đủ cho Bình ăn đường.

Bình nói với bà:

- Thím à, cháu phải đi tìm hiểu mấy việc. Tối thím cho cháu về đây ngủ nhé.

Bà Tuyến bảo:

- Được thôi. Tối mày cứ về đây mà ngủ.

Bình lại ra thắp hương ở bàn thờ Thủy Tiên. Lần này, Bình không khấn nhưng trong lòng tự nghĩ rằng sẽ phải làm rất nhiều tiền. Bình lầm rầm nói:

- Anh sẽ xây lại cho em ngôi nhà này, làm lại ban thờ cho em. Mà không, sau này anh sẽ lập ban thờ em ở nhà anh, rồi em về ở với anh.

Trong hai ngày ở Hà Nội, Bình lang thang qua các trung tâm sửa chữa ôtô, xe máy. Những loại thiết bị nào cần thiết thì ghi chép lại, rồi hỏi giá cả. Bình làm với một sự say mê và rất cẩn trọng.

Tại một cửa hàng, khi thấy Bình hỏi kỹ thế, ông chủ cửa hàng ra gặp hỏi:

- Thằng em, mày định mở cửa hàng sửa chữa à?

Bình đáp:

- Dạ vâng ạ.

Ông hỏi tiếp:

- Mày ở đâu?

Bình:

- Dạ, cháu ở dưới tỉnh, xa lắm, cách đây mấy trăm cây số cơ.

Ông nhăn mặt nói:

- Mấy trăm cây số thì làm gì có xe cộ gì mà mở trung tâm?

Bình trả lời:

- Dạ, ở tỉnh cháu nghe nói tới đây sẽ đầu tư nước ngoài vào nhiều lắm, cho nên các anh lãnh đạo muốn đầu tư trước.

Ông chủ cửa hàng gật gù bảo:

- Được, nghĩ xa thế là phải. Thế nhưng quy mô của chúng mày thế nào?

Bình:

- Dạ, hiện nay chúng cháu mới chỉ chữa các loại ôtô đời cũ, xe máy cũ, công nông… nhưng mà chúng cháu chưa biết tân trang xe.

Ông chủ nhìn Bình chăm chú và nói:

- Tao trông mày quen quen, hình như đã gặp mày ở đâu rồi, nhưng lâu lắm rồi thì phải.

Bình cũng không nhớ ra gặp ông ở đâu. Rồi ông bảo:

- Đúng là tao đã gặp mày ở đâu rồi.

Ông ngồi nghĩ mãi và hỏi:

- Thế trước kia mày đã bao giờ ở Hà Nội chưa?

Bình đáp:

- Dạ, trước cháu ở rồi.

Ông hỏi:

- Thế mày ở phố nào?

Bình:

- Dạ, cháu ở trong ngõ chợ Khâm Thiên.

Ánh mắt ông lóe sáng:

- Ở ngõ chợ Khâm Thiên, thế mày làm gì ở đó?

Bình trả lời:

- Cháu chữa xe ở cửa hàng của ông Biểu, cửa hàng sửa chữa xe máy Trường Thịnh.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 23/04/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân