Hôm đó, lâu lắm rồi Bình mới được ở gần mẹ. Cũng dễ đến hơn chục năm rồi Bình mới được ngồi ăn cơm cùng mẹ, dù là cơm của trại giam, cũng chẳng có gì nhiều: một đĩa thịt gà rang mua thêm, một đĩa rau xào, mấy quả sung muối, cơm thì độn ngô. Nhưng bữa cơm ấy sao ngon và đầm ấm thế.

dac biet nguy hiem ky 19 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 18)

Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm.

dac biet nguy hiem ky 19 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 17)

Trại cải tạo số Ba là một trại khá lớn của Bộ Công an. Phạm nhân vào đây, người bị án thấp nhất cũng bảy ...

Đây cũng lần đầu tiên tự tay Bình đơm cơm đưa cho mẹ. Khi Bình đưa cho bà Ất bát cơm, bà bỗng nhìn tôi trân trân rồi òa lên khóc:

Bình ngạc nhiên hỏi:

- Ô, mẹ làm sao đấy?

Bà Ất khóc nấc lên từng hồi rồi nói:

- Không. Các con cứ ăn đi. Hôm nay bố mày mà có thiêng, nhìn thấy mày xới cơm đưa cho mẹ mày như thế này thì chắc bố mày cũng ngậm cười nơi chín suối.

Đến lúc này Bình mới hiểu. Và đấy cũng là lần đầu tiên từ khi lớn lên đến bây giờ Bình mới thấy thương mẹ vô cùng. Một nỗi ân hận xót xa dâng lên, tưởng như bóp nghẹt trái tim Bình lại.

***

Tối hôm đấy, Bình được ngủ lại ở nhà khách. Mẹ Bình và em gái nằm một giường, còn Bình nằm một giường. Bình nằm mà thao thức không ngủ được, Bình hỏi đủ thứ chuyện, chuyện làng, chuyện xóm, rồi chuyện ao chuông. Tự nhiên, trong đầu Bình hiện lên rất rõ hình ảnh làng quê vào những năm Bình còn thơ ấu. Một làng quê yên bình, nằm sát phố huyện nhưng lại không bị pha tạp bởi các nét văn minh, xô bồ của đô thị.

dac biet nguy hiem ky 19

Ngân bảo:

- Anh bây giờ mà về làng thì chẳng nhận ra được. Làng mình thay đổi nhiều lắm. Nghe nói là tới đây còn thay đổi nữa. Nhà nước sẽ đưa một công ty nước ngoài nào đấy về xây dựng nhà máy ở gần đấy, cho nên, bây giờ giá đất cát lên vù vù.

Bình bật cười và bảo:

- Thế giá đất nhà mình có lên không?

Bà Ất nói:

- Đất như nhà mình có lên thì cũng không đáng là bao nhiêu. Nhưng mà mẹ tính rồi, lên hay không lên thì mẹ vẫn phải giữ cái đất ấy, để sau này còn làm nơi thờ cúng, chứ bán đi, chia ra mỗi đứa được một ít rồi thì tan nát hết.

Bình gật đầu nói:

- Đúng. Nhưng mà ở nhà ai bảo mẹ bán đi?

Bà Ất thở dài:

- Có 2 ông em của bố mày cứ nói rằng bán đi. Cái mảnh đất nhà mình, tất cả nhà cửa, vườn tược, phải đến một mẫu. Mà một mẫu bán đi thì cũng chỉ được hơn trăm triệu. Hơn trăm triệu mà chia ra, mỗi nhà được một ít thì làm được cái gì? Chia ra thì ông bà tổ tiên đi đâu, ở đâu? Mà không bán thì cũng khổ. Nay người này nói ra, mai người kia nói vào.

Bình ngồi phắt dậy ở trong màn và bảo:

- Mẹ cứ để đấy. Không có bán chác gì cả. Ai hỏi gì, nói gì thì bảo là “chờ thằng Bình”. Có thế thôi.

Bà Ất cười như mếu:

- Ừ thì mẹ cũng tính là chờ mày về. Rồi thì mày cũng phải lấy vợ, cũng phải có con chứ.

Bình nói:

- Có gì mà mẹ đã phải lo. Năm nay con mới ngoài 20 tuổi.

Ngân bảo:

- Anh Bình thì chỉ ước mơ làm thợ sửa chữa, mở cửa hàng thôi.

Bình nói:

- Anh sẽ theo nghiệp bố. Anh nhớ ngày xưa bố dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng anh sẽ làm ông chủ. Rồi cô xem.

***

Ngày hôm sau, ngủ dậy, ăn sáng bằng mấy bắp ngô luộc xong, ông Can lại đến dẫn mẹ Bình vào tận nơi Bình sửa chữa ôtô, xe máy cho trại. Xong xuôi đâu đấy rồi không hiểu ông Can ra nói thế nào mà trại lại cho một chiếc xe com-măng-ca đến đưa mẹ Bình ra tận bến tàu.

***

Lại một ngày làm việc mới giữa Bình và nữ nhà báo Thúy bắt đầu.

Chung mang ra bàn làm việc một ấm trà, một đĩa bánh sôcôla và cả một đĩa ngô rang nữa.

Nhìn đĩa ngô rang, Thúy ngạc nhiên hỏi:

- Ơ sao lại có ngô rang thế này.

Bình cười nói:

- Anh có một cái thú là thích ăn ngô rang, ngay cả lúc đang làm việc. Người ta thì thích nhai kẹo cao su, nhưng mà anh thì ăn ngô.

Thúy ngạc nhiên hỏi:

- Cái ý thích này anh có từ bao giờ?

Bình vui vẻ:

- Có từ khi ở trại giam, người dạy anh ăn ngô rang là ông Can. Ồ, mà chuyện ông Can dạy anh ăn ngô rang thì hay lắm, rồi từ từ anh sẽ kể cho mà nghe.

Thúy bảo:

- Nếu bây giờ tổng kết lại những năm tháng ở trại giam lần thứ nhất của anh, anh học được cái gì và để lại ấn tượng nhất với anh là cái gì?

Bình nói:

- Anh học được nhiều điều lắm. Thứ nhất, đó là nhà sư Thích Trí Thiện, một người bạn tù, đã dạy anh là hãy chuẩn bị học để chết. Ờ, đời người ta học kiếm tiền, học kiến thức, học để làm quan, học để làm giàu nhưng chẳng ai học chết cả. Thì trong những ngày ở tù cùng nhau. Thích Trí Thiện đã dạy anh học chết như thế nào?

Thúy nói:

- Anh học chết, vậy anh đã thực tập được chưa?

Bình bật cười và bảo:

- Anh đã cảm nhận được. Còn nếu như anh đã biết chết thật như thế nào thì chẳng còn ngồi đây nói chuyện với em nữa.

Thúy bật cười, bảo:

- Rồi, nào, điều thứ nhất anh học được là học để chết. Thế còn điều thứ hai?

Bình nói:

- Điều thứ hai là học được ăn ngô rang. Sau này ông Can dạy anh rằng, khi cần làm cho bớt căng thẳng thì hãy ăn ngô rang. Tiếng ngô rang vang lên ở trong hàm và âm thanh ấy theo từng chân răng lên đến óc, tạo cho người ta một sự vui vẻ hơn.

Thúy đăm chiêu suy nghĩ

- Lạ nhỉ, ăn ngô rang. Thôi được rồi, em chấp nhận chuyện ăn ngô rang.

Bình cười:

- Em cửa quyền nhỉ, em có quyền gì mà chấp nhận chuyện anh thích ăn ngô hay không. Đấy, người ta bảo báo chí là cơ quan cửa quyền nhất, nên phóng viên cũng có lối nói cửa quyền như vậy.

Thúy nhìn anh lạ lùng:

- Ô hôm nay anh làm sao thế? Chuyện nọ xọ chuyện kia. Em chỉ nói thế thôi mà anh cũng suy diễn chuyện báo chí. Mà dạo này em xem ra, anh cũng hay nói đến những chuyện đụng chạm đến những vấn đề chính trị chính em gì đó. Thôi trở lại chuyện của mình. Điều thứ ba anh học được là gì?

Bình đắc ý:

- Điều thứ ba anh học được là cách trốn thoát khỏi trại giam, mà chính điều này đã cứu sống anh.

Thúy nói:

- À, ra thế. Thế còn điều thứ tư?

Bình gật gù bảo:

- Điều thứ tư, là học được cách phải biết im lặng như thế nào.

Rồi Thúy lại hỏi vặn vẹo:

- Chẳng nhẽ ngần đấy năm ở tù, anh chỉ học được thế thôi ư?

Bình bảo:

- Ồ, học được như thế, nhớ được như thế, theo anh nghĩ đã là quá nhiều rồi đấy. Thôi, để anh kể tiếp chuyện anh với ông Can cho em nghe.

Bình lại bỏ một nắm ngô vào mồm nhai rồi chiêu một ngụm nước chè, sau đó mới nói tiếp.

***

Không hiểu sao giữa Bình và ông Can như có một sợi dây liên lạc vô hình nào đó mà Bình không thể hiểu nổi. Một hôm, Bình kể chuyện đó với Thích Trí Thiện. Thích Trí Thiện bèn kể cho Bình nghe một câu chuyện rằng: “Có một người đàn bà đang bế một đứa con và có một người đàn ông đi qua xin người đàn bà nước uống. Người đàn bà đó không cho và người đàn ông ấy đi được mấy bước rồi gục ngã và chết vì khát nước. Lúc ấy, Đức Phật hiện lên và bảo: “Con có biết người con đang bế kia là ai không?”. Người đàn bà nói: “Đó là con con”. Đức Phật nói: “Con nhầm rồi, người mà con đang bế kia chính là một tên kẻ cướp và ngày xưa đã giết chết mẹ con. Còn người mà con không cho nước mà chết kia, kiếp trước chính là cha đẻ của con đấy”.

Nói câu chuyện ấy xong, Thích Trí Thiện bảo Bình:

- Chưa biết chừng giữa ông Can và anh, kiếp trước có khi là cha con hay anh em ruột cũng nên.

Bình cũng không tin lắm những chuyện kiếp trước, kiếp sau, nhưng không hiểu sao một ngày không nhìn thấy ông Can là Bình không chịu được; trong đầu anh cứ lo lắng một điều nào đó không may xảy ra với ông.

Những ngày ở trong tù đang trôi đi một cách êm đềm thì Bình được phân công sang giúp trông nom một gã tử tù. Gã đã được giảm xuống chung thân, nhưng do vi phạm, không hiểu sao gã bị nhốt rất chặt trong buồng giam. Bình sang bên đấy để giúp dọn dẹp buồng giam, giúp hắn làm vệ sinh, một công việc mà anh chẳng thích thú chút nào. Nhưng không hiểu tại sao mọi người lại phân công Bình làm công việc ấy. Và tình cờ một hôm, không hiểu lý do gì Bình đi rất êm và khẽ nhìn qua lỗ cửa tò vò thì Bình thấy gã đang cưa chấn song cửa sổ; và cái lưỡi cưa đó – Bình ngạc nhiên vô cùng – chỉ là một lưỡi manh-xơ-lam bẻ đôi. Gã cưa từng tý một, kiên nhẫn vô cùng.

Thế rồi để cho gã khỏi giật mình và phát hiện bị lộ, Bình lại rón rén lùi ra xa và đi lại. Đến lúc Bình mở cửa phòng giam, gọi gã để đưa cơm, thì đã thấy gã đang ngồi bình thản, vô tư và huýt sáo như không có chuyện gì xảy ra. Bình về nhà và cứ ám ảnh mãi chuyện gã dùng manh-xơ-lam cưa chấn song và trong đầu Bình hiện lên hình ảnh gã vượt ngục và câu hỏi làm sao dùng manh-xơ-lam có thể cưa đứt chấn song được.

Tối hôm ấy. Ăn cơm chiều xong, trong lúc mọi người ngồi uống trà trong phòng giam. Bình mới hỏi mọi người:

- Này ở các trại giam tử hình thì nghe nói có những vụ vượt ngục, chúng nó vượt kiểu gì nhỉ? Mà ngày xưa ở Hỏa Lò, Hà Nội cũng có những vụ chúng vượt được, rồi cả trại Chí Hòa nữa.

Bĩ nói:

- Mày không biết thôi. Tù có nhiều kiểu vượt ngục lắm.

Rồi Bĩ giảng giải:

- Những kiểu rạch bụng cho ruột gan phòi ra rồi đưa đi viện và lừa trốn thoát, kiểu đó xưa như trái đất, bây giờ không vượt được. Còn kiểu phạm nhân ở trại này lừa lúc đi lao động, trốn quản giáo, lẻn vào rừng thì cũng có nhưng bây giờ cũng không nhiều. Rồi cũng có những cách đào tường vượt ngục, như ở trong Nam cách đây mấy năm; bọn phạm nhân suốt ngày gào lên hát rất vui vẻ thế rồi để cho mấy thằng đầu gấu đào tường chui ra ngoài.

Bình hỏi:

- Thế còn cưa chấn song?

Bĩ nói:

- À, cưa chấn song, chuyện này thì kỳ công lắm. Vụ này ngày xưa, trong miền Nam có thằng Phước “tám ngón”, nó dùng lưỡi dao lam và bánh răng bật lửa cưa đứt chấn song rồi cưa đứt khóa chân. Tất nhiên là chấn song làm bằng thép rởm, thép đểu chứ còn thép tử tế thì cưa hàng năm trời chả đứt.

Rồi bỗng nhiên Bĩ nhìn như xoáy vào mắt Bình, hỏi:

- Này, mày định trốn hay sao mà tự nhiên lại hỏi chuyện này?

Bình cười trừ:

- Không, hỏi cho biết thôi. Chứ trốn thế nào được, nếu em trốn thì việc gì em phải trốn ở đây? Em lừa lúc nào ra nhà ông Can ăn cơm, em để ông ý uống rượu say rồi em biến, có làm sao?

Bĩ cười khùng khục và bảo:

- Ừ, mày nói có lý.

Thế rồi Bình cũng không hé răng nói vì về việc gã phạm nhân kia định cưa chấn song định trốn. Nhưng một phiên tòa lưu động được mở ngay tại trại giam, hóa ra gã vốn ở một trại khác, bị tù chung thân, nhưng khi đi lao động gã đánh chết một phạm nhân khác rồi chuyển về đây. Và bây giờ, người ta mở một phiên tòa xử gã ngay tại trại giam và kết án tử hình. Và chỉ một tháng sau thì gã bị lôi ra bắn.

Bình không bao giờ quên được cái cảnh, hôm trước nhóm của Bình phải đi đào huyệt sẵn ở sát một cánh rừng, đào huyệt chôn cọc; sáng sớm hôm sau, khi trời còn tối tù mù đất thì từ bên căn trại giam của Bình đã nghe thấy tiếng hắn gào hét: “Ối các cán bộ ơi, đừng bắn cháu, đừng bắn cháu, cháu sợ chết lắm”. Rồi tiếng kêu của hắn cứ yếu dần, yếu dần rồi im bặt. Và khoảng nửa tiếng sau thì nghe thấy một loạt súng từ xa vọng về và rồi, một tiếng súng ngắn cuối cùng, khô khốc, vang lên. Bình nghe cái tiếng súng ấy và tưởng như những viên đạn bắn vào chính mình.

Ngày hôm sau, bỗng dưng, tất cả các phòng giam đều được cán bộ quản giáo đến kiểm tra kỹ lưỡng từng tí, từng tí một. Tất cả đồ đạc của phạm nhân đều được bới tung ra, tất cả phải xếp hàng ra ngoài sân và đích thân cán bộ quản giáo ngồi lần từng gấu áo, cạp quần. Họ kiểm tra kỹ đến mức Bình không thể tưởng tượng được. Thế rồi, ở các phòng giam, có các cán bộ công an mang kính lúp đi soi.

Mãi chiều hôm ấy, khi Bình đang sửa ôtô thì ông Can tới. Ông cười vui vẻ vì thấy bọn Bình chữa xe xong sớm. Ông bảo:

- Khá lắm. Chúng mày làm xong sớm như thế này là tốt lắm. Ngày mai, ngày kia có nhiều xe đấy nhé!

Thấy ông vui vui, Bình hỏi:

- Thưa Ban, sáng nay có chuyện gì mà khám đồ kỹ thế ạ?

Ông Can cười khì khì và bảo:

- Đây, chuyện là của cái thằng bị bắn hôm nọ. Bắn nó xong, đến lúc vào phòng giam kiểm tra lại thì mới thấy nó cưa cái chấn song đã gần đứt rồi.

Bình giả vờ ngạc nhiên hỏi:

- Nó cưa bằng cái gì ạ? Sao trong trại giam lại có lưỡi cưa ạ?

Ông Can nói:

- Không hiểu bằng cách nào nó mang được lưỡi dao lam vào trong trại rồi nó dùng chính cái lưỡi dao ấy để cưa. Nguy hiểm thật. Bây giờ mới biết rằng cái lưỡi dao lam nó cứng đến thế.

Câu chuyện của gã phạm nhân bị tử hình ấy cứ ám ảnh Bình mãi.

Một hôm, có một phạm nhân bỏ trốn. Ông Can chỉ huy một cánh trinh sát đi lùng nó và 3 ngày sau thì Bình nhận được tin ông bị bắn thủng bụng, phải nằm viện và đang rất nguy cấp.

Bình nhận được tin đó vào lúc gần trưa. Một anh cán bộ quản giáo đến và nói với Bình:

- Này, thằng này. Mày biết tin gì về bố nuôi mày chưa?

Bình bảo:

- Bố nuôi nào? Thưa Ban, cháu làm gì có bố nuôi ạ.

Anh quản giáo cười và bảo:

- Mày đừng giấu. Bố nuôi mày là ông Can còn gì nữa. Ông ấy nói với chúng tao rồi. Ông ấy không có con, mày mà ra tù thì ông ấy xin nhận mày làm con nuôi.

Bình nghe thì cũng chẳng tin vì nghĩ đó là một câu chuyện đùa. Nhưng Bình vẫn hỏi:

- Dạ thưa Ban, cán bộ Can làm sao ạ?

Anh quản giáo nói:

- Khổ ông ấy quá. Mấy thằng phạm nhân ở bên trại bên nó trốn, ông ấy được giao một mũi trinh sát đi truy lùng. Ông ấy về nhà nó thì hóa ra là nó trốn về đó. Cái thằng đó nó về giỗ đầu bố nó, lúc bố nó chết nó không về được. Đến lúc ông Can lần vào nhà thì lại đúng lúc nhà nó đang làm giỗ. Ông ấy không nỡ bắt nó ở trong mâm cơm, chờ cho nó ăn uống xong rồi mới bắt. Nhưng mà khổ ông ấy, khi ông ấy dong nó đi ra ngoài đường thì họ hàng nhà nó xông vào đánh giải vây và chả hiểu trong lúc hỗn loạn thế nào thì một thằng trong họ nhà nó dùng súng bắn. Nhưng cái thằng trốn trại để về giỗ bố lại là người lăn ra để bảo vệ ông ấy. Cuộc đời đúng là kỳ lạ!

Bình run chân và bảo:

- Thưa Ban, thế bây giờ cán bộ Can nằm ở đâu ạ?

Anh quản giáo nói:

- Đang nằm ở Viện 198 dưới Hà Nội.

Bình ngồi thừ ra rồi thốt lên:

- Giá mà ở gần đây, cháu được đi thăm cán bộ Can thì tốt quá.

Anh quản bùi ngùi:

- Ừ. Nhưng thôi, hôm nay ở dưới Hà Nội vừa gọi điện lên, ông ấy cũng qua cơn nguy kịch rồi. Chắc là nằm độ nửa tháng rồi về thôi.

Trong những ngày ông Can nằm viện, Bình tự dưng thấy trống trải vô cùng. Bình cứ đếm từng ngày, từng giờ qua đi để mong cho ông sớm trở về. Và lần đầu tiên trong đời, Bình quỳ ở một góc phòng giam, cầu xin trời Phật phù hộ cho ông được khỏe mạnh.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 22/04/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân