Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Sâm đọc bài báo trên Báo Công an Nhân dân viết về công ty của Trương. Đọc xong, ông thở dài.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 133)
Thầy Thiện mở sổ ra ghi và viết cho Ngân phiếu công đức số tiền năm triệu đồng. Thầy làm tất cả với một sự ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 132)
Tối hôm đó, Chung gọi điện thoại cho Bình nhưng không được. Linh tính thế nào, sáng hôm sau Chung ôm bé Quốc An, thuê ... |
Giám đốc Thiều đọc xong thì ngồi thừ ra. Ông đọc bài báo mà Minh Thúy viết. Bài báo có tiêu đề “Trò chuyện với tử tù Phạm Bình”. Phóng sự được mở đầu bằng câu: “Cho đến hôm nay, có lẽ tôi là người ngoài duy nhất biết được Phạm Bình - kẻ được mệnh danh là tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, kẻ đã từng bị kết án tử hình và đã trốn thoát khỏi trại giam, bằng sự kiên nhẫn hiếm có là dùng lưỡi dao lam để cưa cùm chân và chấn song sắt”... Ông đọc một mạch hết bài báo, rồi bỗng ông vỗ đùi:
- Quả là một phóng viên điều tra rất giỏi, một nhà báo có tâm và có tầm.
Lát sau, các Phó giám đốc và Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế và Trưởng phòng Cảnh sát điều tra đều có mặt.
Đại tá Thiều nói:
- Hôm nay, tôi mời các đồng chí họp đột xuất vì có một việc liên quan đến Công an tỉnh ta. Các đồng chí đã ai đọc bài phóng sự của cô Minh Thúy, viết trên Báo Công an Nhân dân chưa?
Mọi người ngơ ngác lắc đầu.
Trung, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự nói:
- Báo cáo anh chưa ạ. Báo về tỉnh mình hơi muộn.
Đại tá Thiều nói:
- Bây giờ tôi muốn các anh nghe bài phóng sự điều tra này.
Ông đưa bài báo “Trò chuyện với tử tù Phạm Bình” cho trưởng phòng Trung đọc. Bài báo khá dài. Thượng tá Trung đọc một hơi hết bài báo. Nghe xong, mọi người nín lặng.
Đại tá Hường nói:
- Quả thật là đây là một bài báo hấp dẫn. Tôi tin chín phần mười là cô ta bịa đặt.
Đại tá Thiều nói:
- Theo anh, cô Thúy bịa đặt bài này ra để làm gì? Tại sao cô ấy lại dám làm một việc như vậy? Nhân đây tôi nói luôn với các đồng chí, sáng nay đồng chí Thứ trưởng phụ trách cảnh sát gọi điện cho tôi và nói rõ rằng phải điều tra lại vụ án này và yêu cầu chúng ta phải có báo cáo sớm. Nếu như công an tỉnh không làm được thì để Bộ cử lực lượng điều tra về. Các đồng chí thấy nhục không? Một vụ án không phải là lớn, không có gì quá phức tạp, không liên quan đến các đối tượng ở nhiều tỉnh hay quốc tế, vậy mà bây giờ lại để lãnh đạo Bộ phải có ý kiến như vậy. Tôi thấy xấu hổ quá.
Đại tá Hường nói:
- Báo cáo anh, trong vụ này đúng là chúng tôi có lỗi là điều tra chưa cẩn trọng. Nhưng bản chất vụ án thì không thể thay đổi được.
Ông Thiều nói:
- Anh Hường ạ, ngay vụ án cái chết của cô Thúy Vy, đến bây giờ anh vẫn chưa tìm ra manh mối. Nhưng cô Thúy đã tìm ra rồi đấy. Tài liệu đây. Cô Thúy đã viết báo cáo cho tổng biên tập. Nếu như cô ấy không phải là người tôn trọng nguyên tắc của tờ báo mà mang những tài liệu này gửi cho các báo thì thử hỏi Công an tỉnh mình còn ra gì nữa?
Mọi người sững sờ khi Giám đốc Thiều giơ lên một tập tài liệu.
Ông Thiều nói tiếp:
- Cô ấy đã đi điều tra. Tất nhiên, là cô ấy có lợi thế khi được gia đình giúp sức nên đã gặp được Phạm Bình. Cô ấy không sợ nguy hiểm, mặc dù một bọn lưu manh đã bắt cóc, đe dọa làm nhục cô ấy. Cô ấy đã dám từ bỏ vị trí công tác ở một tờ báo để đi chỗ khác vì bất đồng quan điểm, trong khi Tổng biên tập tờ báo cũ ra sức bao che, bênh vực cho những ai đó. Đây là một nhà báo dũng cảm và tôi tin rằng cô ấy nói đúng.
***
Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Sâm đọc bài báo trên Báo Công an Nhân dân viết về công ty của Trương. Đọc xong, ông thở dài.
Đúng lúc ấy anh Chánh văn phòng đi vào. Ông đưa tờ báo cho anh và hỏi:
- Cậu đọc bài báo này chưa?
Anh Chánh văn phòng nói:
- Dạ, báo cáo anh. Em đã đọc rồi.
Ông Sâm hỏi:
- Cậu thấy bài báo thế nào?
Anh Chánh văn phòng ngập ngừng một lát, rồi nói:
- Báo cáo anh, nếu viết theo kiểu như thế này thì công ty nào chẳng có sai phạm. Nhưng bây giờ nói rằng cậu Trương nhà mình trốn thuế đến mức như thế này thì em không tin. Em sợ rằng nội bộ có vấn đề hoặc có người ném đá giấu tay, tìm cách hạ uy tín của anh, nên mới đưa những tài liệu này ra cho cô ta.
Ông Sâm nói:
- Một khi Báo Công an Nhân dân đã lên tiếng như thế này thì có nghĩa là họ đã xác minh rất kỹ và họ có tài liệu chuẩn. Cho nên cậu nghĩ cho tôi cách giải quyết việc này.
Anh Chánh văn phòng nói:
- Báo cáo anh, bây giờ giải quyết thế nào ạ? Báo còn mấy kỳ nữa không biết. Nhưng mà nếu để Báo Công an Nhân dân không đăng nữa thì rất khó.
Ông Sâm nói:
- Không. Tôi không bảo cậu là làm thế nào đó để báo họ không đăng. Làm gì có chuyện đấy. Vấn đề bây giờ là phải giải thích với dư luận như thế nào.
Anh Chánh văn phòng gãi đầu gãi tai nói:
- Báo cáo anh, chuyện này để em trao đổi với các anh bên Ban Tuyên giáo tỉnh ủy xem có cách nào hướng dẫn dư luận. Nhưng mà nếu báo đã đăng như thế thì cần phải lập Tổ công tác điều tra, rồi phải trả lời cho minh bạch.
Ông Sâm thở dài và nói như nói với chính mình:
- Như thế này là con giết bố rồi còn gì nữa.
***
Tại căn lều bát giác, Trương đọc bài báo trên Báo Công an Nhân dân và nghiến răng, đấm tay xuống bàn, nhìn Tâm và Liễu bằng con mắt nảy lửa.
Trương nói:
- Một lũ ăn hại. Bọn ăn hại. Đứa nào cũng xoen xoét là nó sẽ không viết, không đăng. Đến bây giờ thì như thế này đây.
Vừa lúc ấy, có điện thoại của Đại tá Hường. Nhìn thấy số máy của Hường, Trương nổi nóng và nói luôn:
- Cháu chào chú. Chú hứa với bố mẹ cháu là sẽ bảo được con Thúy ấy không đăng bài. Bây giờ nó đăng rồi đây này. Chú đã đọc chưa?
Tiếng ông Hường lạnh lùng:
- Bình tĩnh lại đi. Bây giờ không phải lúc nổi nóng. Chuyện mấy đồng bạc thuế đấy là chuyện nhỏ. Còn bây giờ nó gửi báo cáo rồi, lãnh đạo Bộ có chỉ đạo rồi. Nó đã gặp thằng Phạm Bình, còn gặp ở đâu thì không rõ. Và nó còn nói rõ, nếu như thấy an toàn thì nó sẽ đưa Phạm Bình ra đầu thú. Nó cũng nói chuyện giết thằng Hoàng là do quân của mày, vì mày với thằng Hoàng tranh nhau một con cave nào đấy. Nó cũng lấy được lời khai của một số nhân chứng trong vụ con Thúy Vy rồi. Bây giờ lo đối phó đi là vừa đấy.
Trương nói luôn:
- Thế chú tin nó, hay tin cháu.
Tiếng ông Hường lạnh lùng:
- Trong chuyện này, chú buộc phải tin nó thôi. Mày thì chú không tin được.
Trương dằn giọng:
- Tốt thôi. Thế thì chú đi mà làm việc với nó nhé. Từ nay chú đừng gọi điện cho tôi nữa.
Nói xong, Trương tắt máy luôn.
Trương quay sang Tâm, Liễu và bảo:
- Con Thúy này đã gặp được thằng Bình và nghe thằng Bình kể hết mọi chuyện. Nhưng tại sao nó lại điều tra được về việc con Vy? Thôi, bây giờ thế này. Hai thằng chúng mày cao chạy xa bay, biến đi đâu đó một thời gian đi.
Tâm và Liễu nhìn nhau.
Tâm hỏi:
- Anh bảo bọn em biến đi đâu bây giờ?
Trương nói:
- Chúng mày hay nhỉ? Khi mọi việc thuận lợi, tốt đẹp thì chúng mày nói như hát hay, nhưng bảo chúng mày làm việc gì là hỏng việc đấy. Bảo chúng mày dạy bảo thằng Hoàng cho biết điều thì chúng mày giết chết nó. Bảo chúng mày dằn mặt con Thúy Vy thì chúng mày băm con người ta ra thành nhiều mảnh. Tao có bảo chúng mày làm thế đâu. Tao chỉ bảo chúng mày gọi nó lên, phân tích phải trái. Ai bảo chúng mày giết bọn nó?
Nghe cách nói của Trương, Tâm và Liễu hiểu ra sự việc.
Tâm bảo:
- Thôi, ông anh ạ. Em hiểu rồi. Người ta bảo “Thỏ chết thì chó săn bị thịt. Chim hết, cung nỏ xếp xó”. Bây giờ thì ông anh sợ liên lụy, ông anh muốn bọn em đi khuất mắt. Vâng. Bọn em sẽ đi.
Trương lại bảo:
- Tao muốn chúng mày đi, là trước hết cứu thân chúng mày. Tao chỉ sợ có khi chỉ ngày mai, ngày kia là công an lùng hai đứa chúng mày đấy. Tốt nhất bây giờ là ẩn ở một nơi nào đó, nằm im thở khẽ rồi tính sau.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 16/08/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân