Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá tổ chức ngày 25/2. Theo đó, năm 2022, diễn biến giá cả sẽ chịu nhiều áp lực nên cần căn cứ vào thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp.
Báo cáo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
Đặc biệt là thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên 105 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas.
Một số mặt hàng phòng, chống dịch như kit-test xét nghiệm COVID-19 tăng giá do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…
Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong Tết sau đó dần trở lại bình thường.
Trước những diễn biến khó lường, phức tạp như trên, công tác quản lý, điều hành giá trước và sau Tết luôn được các cơ quan chức năng bám sát. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên tục ban hành các chỉ thị, công văn nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trước, trong và sau Tết.
Dự báo về tình hình giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,42%. CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 tăng khoảng 4,9% do một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế cũng làm tăng áp lực lên mặt bằng giá; chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, trong thời gian tới, giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý như giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công dự kiến tăng theo lộ trình. Giá một số mặt hàng khác như dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT, dịch vụ hàng không, dịch vụ tại cảng biển… có thể phải điều chỉnh giá tùy thuộc vào doanh thu, biến động chi phí đầu vào.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 3 kịch bản điều hành giá trong quý II và những tháng còn lại trong năm 2022. Đồng thời, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Nước ta là nền kinh tế mở nên áp lực rất nặng nề. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong điều hành, ngay từ những ngày đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo sát tình hình, kịp thời có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong quản lý điều hành giá”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định.
Trong nhóm các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá xăng dầu, cần điều tiết giá một cách linh hoạt, tăng giá ở mức độ chịu đựng được; và trong mọi trường hợp, nguồn cung phải đảm bảo, nhưng đi đôi với đó là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hơn nữa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ổn định thị trường. Đối với giá kit-test xét nghiệm, cũng là mặt hàng cần đặc biệt lưu ý quản lý giá cả trong những ngày gần đây.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế đã trình các cấp có thẩm quyền đưa trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 vào diện bình ổn giá, giá dịch vụ xét nghiệm đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục được theo dõi và quản lý chặt chẽ, tránh để tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
B.K
Giá xăng, dầu trong nước đắt lịch sử: Công tác điều hành giá có vấn đề? |
Giá xăng, dầu trên "đỉnh": Cú bồi giáng mạnh vào nỗ lực hồi phục doanh nghiệp |
Ngày đăng: 15:07 | 26/02/2022
/ cand.com.vn