"Từ câu chuyện của các nhà máy thép, chúng ta cần lưu tâm hơn đến các quyết sách của những người có thẩm quyền. Nếu các quyết sách không vì lợi ích chung, không vì lợi ích bền vững mà bị méo mó theo các quyền lợi không trong sáng sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường", luật sư Lê Cao nêu quan điểm của mình .
Hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng nằm gần khu dân cư, gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc. Nhiều lần người dân và chính quyền địa phương đối thoại với mong muốn tìm ra phương án tốt nhất cho cả 2 bên.
Vào đầu tháng 3, người dân “vây” 2 nhà máy yêu cầu di dời khỏi khu dân cư. Ngày 2/3, TP.Đà Nẵng đã ra yêu cầu đóng cửa, di dời 2 nhà máy thép, đồng thời, thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân lân cận khu vực này.
Nhà máy thép Dana Ý trở thành vấn đề "nóng" tại Đà Nẵng.
Vào ngày 14/3, UBMTTQVN huyện Hòa Vang lại tổ chức lắng nghe ý kiến người dân về việc đột ngột đóng cửa 2 nhà máy. Tại cuộc họp, đa số ý kiến người dân bày tỏ nguyện vọng được giải tỏa, di dời đến nơi mới để 2 nhà máy thép tiếp tục được hoạt động. Lý do người dân đưa ra là nơi ở hiện tại đã bị ô nhiễm nguồn nước; đa số con em ở đây đang làm việc tại đây, nếu nhà máy đóng cửa họ cũng sẽ mất việc làm.
Trước vấn đề này, luật sư Lê Cao, công ty Luật FDVN, có khá nhiều tâm tư. Theo ông, chủ trương đóng cửa các nhà máy thép gần khu dân cư gây ô nhiễm là 1 chủ trương đúng đắn thể hiện chính quyền đứng về phía người dân. Tuy nhiên, câu chuyện đóng cửa nhà máy này cũng chỉ mới dừng lại ở vấn đề chủ trương của tổ chức Đảng. Để thực thi chủ trương đó, còn phải thực hiện qua các trình tự thủ tục luật định.
Qua đó, chúng ta thấy được nhiều vấn đề mà đáng ra các cơ quan chính quyền các thời kỳ trước đây thực thi đúng đắn và có tầm nhìn dài hạn, thực sự vì người dân thì sẽ không có các hệ lụy như bây giờ.
Thứ nhất, nếu vấn đề quy hoạch của chính quyền TP.Đà Nẵng đúng đắn và chính xác, các doanh nghiệp đầu tư vào đây đã không phải nhận những hệ lụy như hiện nay. Nhà máy thép mà nằm gần quá các khu dân cư thì sớm muộn hệ lụy ô nhiễm môi trường xảy ra. Đó là điều khó tránh khỏi. Vậy câu chuyện là phê duyệt quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư như thế nào, những ai có trách nhiệm trong câu chuyện này, để rồi tiền bạc được đầu tư vào giờ phải di dời như bỏ đi, sau khi đã gây ra các hệ lụy về môi trường?
Thứ hai, về vấn đề pháp lý để chấm dứt hoạt động của các nhà máy thép, theo luật Đầu tư và luật Bảo vệ môi trường thì với trường hợp các dự án như nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường mà không khắc phục được, về luật có thể chấm dứt các dự án đầu tư này.
Thế nhưng, chấm dứt 1 dự án sẽ kéo theo việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt cơ hội làm việc của người lao động... Do đó, về cơ bản là cần xác định các lỗi phần nào của doanh nghiệp, phần nào của các cơ quan cấp phép đầu tư để đảm bảo vừa được lợi cho dân, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp. Nếu tình trạng "đưa con bỏ chợ", đổ hết mọi hệ lụy lên doanh nghiệp thì môi trường đầu tư như thế không đảm bảo vững bền cho các doanh nghiệp khác dám đầu tư nữa.
Ở đây, các thủ tục để dừng các dự án đầu tư này, cũng cần soi chiếu ở nhiều vấn đề, chẳng hạn khi doanh nghiệp chứng minh được họ làm đúng luật, hoạt động đầu tư kinh doanh hợp pháp mà vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường do lỗi khách quan của công tác quy hoạch, hoặc do các lỗi khác thì các thiệt hại về môi trường cho người dân do doanh nghiệp gánh chịu hay do cơ quan cấp phép đầu tư, cơ quan làm quy hoạch sai phải gánh chịu là điều cần xem xét.
Trong nhiều trường hợp, chính các quyết định sai lầm về cấp phép đầu tư, hoạch định quy hoạch từ ban đầu đã đẩy doanh nghiệp vào thể đổ cả đồng tiền vào rồi ôm lấy hậu họa khôn lường. Câu chuyện về bến xe phía Nam TP.Đà Nẵng doanh nghiệp đầu tư xây xong không có khách cũng tương tự như vậy. Hậu quả thường là người dân và doanh nghiệp gánh chịu, còn những ai cấp phép cho các dự án này hình thành và bỏ mặc cho các dự án đó "chết" thì không thấy truy cứu trách nhiệm nào cả.
Luật sư Lê Cao nêu quan điểm về vấn đề đóng cửa 2 nhà máy thép.
Đứng về các góc độ về yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành các vi phạm, nếu doanh nghiệp thấy đúng, mà quyết sách của cơ quan nhà nước sai trái gây ra các thiệt hại thì họ có thể yêu cầu bồi thường, hoán đổi các quyền lợi khác, nếu không họ có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Và nếu trường hợp đó xảy ra, vòng luẩn quẩn có thể có một số cá nhân tập thể sai lầm nhưng gánh hậu quả cuối cùng vẫn là người dân. Chính quyền mà thua doanh nghiệp thì lại mang tài sản tiền thuế của dân ra bồi thường. Vừa mới chịu ô nhiễm xong lại phải bồi thường hay mất mát quyền lợi khác vì các chính sách của 1 số người, người dân luôn là bên thua cuộc.
"Do vậy, từ câu chuyện của các nhà máy thép, chúng ta cần lưu tâm hơn đến các quyết sách của những người có thẩm quyền. Nếu các quyết sách không vì lợi ích chung, không vì lợi ích bền vững mà bị méo mó theo các quyền lợi không trong sáng sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường", vị luật sư nói.
Huy Cường - Kim Phượng
Đà Nẵng đóng cửa 2 nhà máy thép: Công nhân lao đao, chủ đầu tư điêu đứng
Việc UBND TP Đà Nẵng ra quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc không chỉ khiến doanh ... |
Lần thứ ba đối thoại với dân vùng ô nhiễm, lãnh đạo Đà Nẵng lại hứa
Cuộc gặp giữa UBND TP Đà Nẵng, doanh nghiệp và người dân kết thúc chóng vánh, bỏ ngỏ nhiều câu hỏi lớn. |
Ngày đăng: 15:37 | 16/03/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn