Đá muối Himalaya được quảng cáo như một loại “thần dược” chữa bách bệnh. Tuy nhiên, không ít người tin theo lời quảng cáo, “ngậm” quả đắng khi đánh đổi bằng chính sức khỏe và tiền bạc của mình.
Loại đá muối mát xa chân đã làm các bệnh nhân tiểu đường bị bỏng, phải nhập viện điều trị. Ảnh: PV
Công dụng thần kỳ nhưng... chưa được kiểm chứng
Hiện nay, các sản phẩm đá muối Himalaya được bán nhiều trên thị trường để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Phổ biến nhất là hộp đá muối dùng để mát xa chân. Với 1 viên đá muối cắt vuông, nặng từ 3-5kg đặt trong chiếc hộp gỗ thông, có bóng đèn sợi đốt bên dưới, khi cắm điện sẽ nóng lên và cho ánh sáng màu hồng. Đặt hai bàn chân lên sẽ thấy ấm, thay cho ngâm chân nước nóng mỗi tối trước khi đi ngủ. Hộp đá muối này ngoài chức năng mát xa chân còn có thể thay thế đèn trong phòng ngủ.
Tại các điểm spa hiện nay đều sử dụng đá muối để khách hàng ngâm tắm, mát xa cơ thể, xông hơi và giảm béo. Một số cơ sở chữa bệnh đông y cũng bắt đầu sử dụng hộp đá muối để mát xa chân và giường đá muối để mát xa cơ thể cho bệnh nhân.
Tại một cửa hàng spa ở Hai Bà Trưng - Hà Nội, nữ nhân viên giới thiệu những công dụng “không ngờ” của đá muối: “Đá muối là báu vật của dãy Himalaya, có niên đại trên 250 triệu năm. Tinh thể muối rất tinh khiết, sử dụng để ngâm tắm, mát xa hay xông hơi, có thể giải trừ độc tố hiệu quả, hỗ trợ giảm béo...”.
Một trang web bán đá muối nêu rõ: “Đá muối được làm nóng, đặt trong phòng khách hoặc những nơi gần tivi, máy tính hay các thiết bị điện tử sẽ có công dụng ngăn ngừa những chất độc, sóng điện từ do máy móc điện tử sinh ra. Nếu đặt trong phòng ngủ thì sẽ giúp người ta có giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn.
Thậm chí, để gần người hút thuốc lá hoặc những nơi không khí bị ô nhiễm thì có tác dụng khử độc, khôi phục không khí trong lành. Tại các văn phòng nó có khả năng khử độc tố từ máy photocopy, máy in... giúp người ở trong môi trường đó được thư thái, dễ chịu”.
Không những thế, một website bán đá muối còn khuyến cáo nên giảm lượng muối ăn hằng ngày bằng cách sử dụng muối Himalaya như một loại gia vị thay thế hoàn toàn cho muối ăn: “Không những hạn chế hoàn toàn những nhược điểm của muối ăn, muối Himalaya còn giúp tăng lượng canxi trong cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp và một số bệnh lý khác. Đồng thời, do muối Himalaya là hóa thạch của muối biển, được khai thác bằng tay đã rửa sạch nên có vị thanh lạ. Nếu nêm vào món ăn sẽ mang lại vị mặn vừa phải cùng nhiều khoáng chất có lợi cho cơ thể”.
Đươc biết, sản phẩm đèn đá muối Himalaya được bán rộng rãi trên thị trường, cách sử dụng đơn giản và được nhiều người truyền tai về tác dụng thần kỳ của nó với sức khỏe. Sau khi cắm điện và điều chỉnh nhiệt, lớp đá muối phía bên trên sẽ nóng lên. Người sử dụng đặt hai bàn chân lên để sưởi trong thời gian khuyến cáo từ 20 - 30 phút, đều đặn mỗi ngày.
Người bán hàng quảng cáo ngoài các công dụng như ngủ ngon, giảm đau do viêm khớp, táo bón… loại “thần dược” này còn có thể điều trị chứng tê bì tay chân ở người tiểu đường do làm cân bằng ion âm dương, “đả thông kinh mạch” trong cơ thể. Vì vậy, nhiều người đã mua sản phẩm này làm quà biếu tặng bố mẹ, ông bà, người lớn tuổi. Số tiền họ bỏ ra không phải là ít. Một viên đá muối mát xa chân có giá từ 450-800 nghìn đồng, tùy cơ sở kinh doanh, muối tắm Himalaya có giá 50-100 nghìn/gói, còn đá muối phong thủy thì giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, đủ loại.
Thực tế, nhiều người đã giàu lên nhanh chóng vì kinh doanh đá muối. Có nhiều người bỏ nghề đi bán đá muối, thu nhập 20 - 50 triệu đồng một tháng, nhất là vào các tháng mùa đông. Chỉ riêng một kho đá muối ở khu vực Trung Văn- Nam Từ Liêm, mỗi tháng xuất ra hàng nghìn viên đá muối mát xa, thu lời hàng trăm triệu đồng. Điều này chứng tỏ “sức nóng” của mặt hàng này.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý nhất là cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng của đá muối. Theo các chuyên gia, nếu đá muối tỏa nhiệt có thể làm trong lành không khí, thì phải đo được không khí trong phòng trước khi thắp đèn và sau khi thắp đèn, để so sánh thì mới có thể kết luận được có đúng hay không. Cũng chưa có một nghiên cứu nào khẳng định muối Himalaya không độc hại và có thể thay thế được muối ăn hằng ngày.
Nguy hại “nhãn tiền”
Công dụng thần kỳ, chữa khỏi bất cứ loại bệnh nào đó, giúp ngủ ngon hơn hay làm không khí sạch hơn thì chưa thấy ai phản ánh, nhưng những nguy hại nhãn tiền khi sử dụng đá muối Himalaya đã được các bác sĩ cảnh báo mới đây.
Phát hiện mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cách đây 10 năm, ông Phạm Văn P. (52 tuổi, Bắc Kạn) thường xuyên phải đối mặt với cảm giác tê bì, nhức mỏi tay chân khiến cơ thể luôn mệt mỏi và khó chịu. Cách đây hai tháng, ông được người thân mua tặng bộ đèn đá muối đặt chân Himalaya, được quảng cáo sẽ đẩy lùi các triệu chứng tê bì, mang lại giấc ngủ ngon và sâu hơn…
Nhưng thực tế, dù đều đặn sử dụng mỗi ngày, các triệu chứng tê bì của ông P. vẫn không hề thuyên giảm. Không những vậy, lần sử dụng gần nhất đã khiến bệnh nhân này phải nhập viện cấp cứu vì bàn chân bị bỏng nhiệt nặng nề.
“Thông thường, tôi bật đèn sưởi trong khoảng thời gian 20 - 30 phút để đá nóng lên sau đó mới đặt chân vào. Lần này, do bỏ quên nên thời gian bật đèn kéo dài khoảng 40 phút. Trong lúc đặt chân, tôi hoàn toàn không có cảm giác bất thường, đến khi bỏ ra mới phát hoảng vì toàn bộ phần da ở lòng bàn chân đã đỏ rực và phồng rộp lên” - ông P. kể lại.
Bệnh nhân được đưa vào BVĐK tỉnh Bắc Kạn và sau đó chuyển xuống BV Nội tiết Trung ương để điều trị trong tình trạng cả hai lòng bàn chân bị lột da, phần gót chân đã bắt đầu hoại tử.
Ngày 4.2, cung cấp thông tin về bệnh nhân P, BS Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Trưởng khoa Chăm sóc Bàn chân (BV Nội tiết Trung ương) - cho biết, ông Phạm Văn P không chỉ bị bỏng diện rộng ở vùng lòng bàn chân mà vết thương còn “ăn sâu” khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Các bác sĩ đã phải cắt lọc vết thương, thay rửa và sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân, song song với việc điều trị đường huyết.
Đến nay, sức khỏe của ông P dù đã ổn định song theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, bệnh nhân phải điều trị hơn 1 tháng mới có thể hồi phục.
May mắn không phải nhập viện như bệnh nhân P song ông Lê Phước N (Ba Vì, Hà Nội) cũng bị một phen tá hỏa khi suýt bỏng lợt da chân do đèn sưởi đá muối gây nên. Ông N bị tiểu đường tuýp 2 đã 7 năm nay và cũng sử dụng đèn đá muối Himalaya để điều trị tê bì.
“Do không cảm nhận được nhiệt độ nên tôi chỉ thường bật đèn sưởi theo thói quen, nếu lần vừa rồi vợ tôi không vô tình kiểm tra lại thì có lẽ chân tôi cũng đã bị bỏng nặng vì loại đèn này” - ông N thở phào kể lại.
BS Nguyễn Ngọc Thiện khuyến cáo, các bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng những sản phẩm này để điều trị triệu chứng tay chân tê bì.
“Người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp. Do vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một lần không có người thân kiểm soát giúp nhiệt độ là có thể dẫn tới bỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe”.
Tại khoa chăm sóc bàn chân, mỗi tháng các bác sĩ thường phải tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp do ngâm, sưởi chân.
Cũng theo BS Nguyễn Ngọc Thiện, hầu hết bệnh nhân chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng, do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Các bác sĩ không chỉ tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà còn phải kiểm soát đường huyết...
Thót tim cảnh bé bò lổm ngổm trên đường cao tốc Quảng Ninh
Tài khoản mạng xã hội (facebook) của một người tên Đặng Thái vừa chia sẻ hình ảnh một cháu bé đang bò lổm ngổm trên ... |
Đại nạn chờ... trời cứu
Cư dân các đô thị lớn trên thế giới có thể phải xếp hàng dài với binh lính vũ trang vây quanh để chờ nhận ... |
Ngày đăng: 22:05 | 03/04/2018
/ https://laodong.vn