Vụ phát hiện thi thể 6 con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc trong vụ tấn công bất ngờ vào Israel cách đây gần một năm đã tạo ra những áp lực ngày càng lớn, đòi hỏi cả hai bên trong cuộc xung đột khốc liệt là Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas phải nhanh chóng tìm được tiếng nói chung để sớm đi đến một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Dải Gaza.
Người biểu tình đòi chấm dứt xung đột và đưa những con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc trở về nhà |
Áp lực đàm phán hòa bình đè nặng lên cả Israel và Hamas
Trong động thái mới nhất đòi hỏi phải sớm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Dải Gaza với Phong trào Hồi giáo Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ thất vọng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi cho rằng, nhà lãnh đạo Tel Aviv vẫn chưa có đủ nỗ lực để đi tới thỏa thuận giải phóng những con tin hiện đang bị phong trào Hồi giáo Hamas giam giữ tại dải Gaza. Việc lãnh đạo quốc gia đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Israel lên tiếng đã tạo ra áp lực mạnh lên chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc phải sớm đi tới một thỏa thuận ngừng bắn với Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
Khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã gần bước sang tháng thứ 11, có thể thấy chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn chưa thể đạt được hai mục tiêu quan trọng đề ra ban đầu khi phát động cuộc tấn công quy mô lớn và vô cùng khốc liệt vào Dải Gaza. Đó là giải thoát các con tin bị Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công bất ngờ ngày 7-10-2023 vào Israel và tiêu diệt hoàn toàn lực lược này.
Đến nay, xung đột vẫn diễn ra giữa quân đội Israel và các tay súng ở Dải Gaza, kể cả ở nhưng nơi mà bom đạn của Israel đã hầu như san thành bình địa như thành phố Gaza, nơi từng có hàng triệu người dân Palestine sinh sống trước cuộc xung đột tàn khốc hiện nay.
Theo cơ quan y tế Gaza, cuộc xung đột tại Gaza đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 40.435 người Palestine và làm bị thương 93.534 người khác. Trong khi đó, ngoài số con tin đã được trao trả và được Israel giải thoát, hiện vẫn còn 101 con tin trong tổng số 253 con tin bị bắt cóc ngày 7-10-2023 vẫn bị các tay súng Hamas cầm giữ hoặc đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Chính vì thế, việc phát hiện thi thể của 6 con tin bị Hamas cầm giữ ngày 1-9 vừa qua không chỉ cho thấy sự tàn khốc của cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay mà còn càng làm gia tăng thêm áp lực, đòi hỏi cả hai phía chính quyền Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas phải sớm tìm được tiếng nói chung cho một thỏa thuận ngừng bắn và đi tới chấm dứt xung đột.
Áp lực lớn không chỉ đến từ quốc tế như chính quyền Tổng thống Joe Biden mà còn đến từ chính trong nước và nội bộ chính quyền Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngay sau khi có thông tin phát hiện thi thể 6 con tin ngày 1-9 đã lên tiếng thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu ký thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hamas để đưa số con tin còn lại về nhà.
Người dân Israel ngày 1-9 cũng đã tràn xuống đường biểu tình, đòi Chính phủ do ông Benjamin Netanyahu đứng đầu phải hành động nhiều hơn nữa để đưa số con tin còn bị nhóm vũ trang Hamas cầm giữ ở Dải Gaza về nhà. Theo ước tính của truyền thông địa phương, có đến 500.000 người đã biểu tình tại nhiều thành phố, trong đó có Jerusalem và thủ đô Tel Aviv. Những người biều tình cho rằng, việc đàm phán với Phong trào Hồi giáo Hamas và đạt được thỏa thuận thả con tin là rất cấp thiết. Họ cũng nhận định, nếu đàm phán không bị chậm trễ, 6 con tin nói trên có thể vẫn còn sống.
Cùng với làn sóng biểu tình lớn, sức ép lên chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn đến từ cuộc tổng đình công diễn ra trong ngày 2-9 do nghiệp đoàn lớn nhất Israel là Histadrout kêu gọi. Cuộc tổng đình công khiến một số dịch vụ tại sân bay Ben Gurion tạm dừng; dịch vụ xe buýt và đường sắt ở nhiều khu vực cũng ngừng hoặc chỉ hoạt động một phần. Công nhân tại cảng thương mại chính Haifa của Israel cũng đình công, nhiều bệnh viện chỉ hoạt động một phần và các ngân hàng không hoạt động. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn mở cửa nhưng nhân viên được phép tham gia đình công nên nhiều dịch vụ bị gián đoạn.
Những “nút thắt” của một thỏa thuận ngừng bắn
Đến thời điểm hiện tại, hai phía Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã thương thảo về một thỏa thuận đi tới chấm dứt xung đột gồm ba giai đoạn. Tuy nhiên, hiện rào cản chính trong các cuộc đàm phán giữa hai bên là quan điểm khác biệt về cách thức chuyển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn thứ hai của thỏa thuận.
Theo đó, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận bao gồm việc lực lượng Hamas trả tự do cho các con tin cao tuổi, người bị bệnh và phụ nữ trong thời gian ngừng bắn kéo dài 6 tuần. Trong khi đó, Israel sẽ rút quân khỏi các thành phố ở Dải Gaza và thả những người Palestine bị giam giữ. Giai đoạn thứ hai bao gồm thả tất cả các con tin còn lại cũng như thi thể của những người đã tử vong, chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch và Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza. Giai đoạn thứ ba sẽ đánh dấu khởi đầu quá trình tái thiết Gaza.
Quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đầu tiên sang giai đoạn thứ hai sẽ được đàm phán trong thời gian ngừng bắn 6 tuần đầu tiên. Lệnh ngừng bắn vẫn có hiệu lực nếu các cuộc đàm phán thiện chí vẫn diễn ra. Tuy nhiên, Phong trào Hồi giáo Hamas muốn có sự đảm bảo mạnh mẽ hơn về con đường dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Theo quan chức cấp cao của Mỹ, một số vấn đề chính trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đầu sang giai đoạn hai thực sự là trở ngại. Song, đã có những tín hiệu tích cực về việc các bên đã có bước đột phá trong việc chuyển đổi từ giai đoạn đầu sang giai đoạn thứ hai.
Thế nhưng, không chỉ có “nút thắt” chuyển tiếp giai đoạn, một trong những bất đồng lớn nhất hiện nay mà cả lực lượng Hamas và Israel chưa tìm được tiếng nói chung là sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực được gọi là hành lang Philadelphia - một dải đất hẹp rộng khoảng 100m chạy dài 14,5km dọc theo biên giới phía Nam của Dải Gaza với Ai Cập.
Thủ tướng Netanyahu cho rằng, cần phải kiểm soát khu vực biên giới Ai Cập để ngăn chặn lực lượng Hamas bổ sung kho vũ khí của mình thông qua các đường hầm và Israel cần một “cơ chế” để ngăn chặn lực lượng Hamas quay trở lại miền Bắc.
Ngược lại, Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố, bất kỳ sự hiện diện lâu dài nào của Israel ở Dải Gaza sẽ dẫn tới sự chiếm đóng quân sự, đồng thời khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải cho phép người dân ở phía Bắc trở về nhà và thực hiện nghiêm túc những cam kết liên quan đến cứu trợ và tái thiết, trao đổi con tin... Ngay Ai Cập, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải chính trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, cũng kiên quyết phản đối sự hiện diện của Israel ở ngay sát phía bên kia biên giới của nước này.
Hiện các nhà trung gian hòa giải là Mỹ, Ai Cập, Qatar đều đang nỗ lực chạy đua với thời gian để thúc đẩy hai bên Israel và lực lược Hamas đạt được một lệnh ngừng bắn. Theo các quan chức Mỹ tham gia đàm phán, đề xuất ngừng bắn hiện tại kêu gọi quân đội Israel rút quân khỏi “các khu vực đông dân cư” ở Dải Gaza. Tuy nhiên, cuộc tranh luận ngay thời điểm này cũng tập trung vào việc phân chia hành lang những đoạn thuộc hành lang Philadelphia.
Một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas không chỉ giúp đi tới chấm dứt hoàn toàn xung đột giữa hai bên mà còn mang đến cơ hội tốt nhất để ngăn chặn hoặc ít nhất là trì hoãn một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran hoặc Hezbollah vào Israel. Gây áp lực với các bên để sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Đã đến lúc cuộc xung đột này kết thúc”.
Ngày đăng: 13:27 | 04/09/2024
Hoàng Hà / ANTĐ