Sau nhiều áp lực từ dư luận, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG). Đề xuất này hầu hết nhận được sự đồng tình từ dư luận, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và QBOG không phát huy được tác dụng điều tiết của mình.

Việc bỏ QBOG xăng dầu đã được dư luận và các chuyên gia đề xuất từ lâu nên việc Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá chỉ là tiếp thu ý kiến, theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc dự thảo Luật Giá đề xuất bỏ QBOG cần cân nhắc lợi hại nhưng là việc nên làm sớm. Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích theo khía cạnh của cả 3 chủ thể tham gia vào QBOG. Với chủ thể thứ nhất là doanh nghiệp, việc trích quỹ không mang lại cho họ thêm lợi nhuận, trong khi việc chi quỹ lại gây áp lực, khi thời điểm giá xăng dầu tăng cao và tăng mạnh như thời gian vừa qua, trường hợp quỹ bị âm thì doanh nghiệp phải "gồng mình" chi quỹ, thậm chí là vay ngân hàng bù vào, ảnh hưởng tới nguồn vốn kinh doanh; còn khi giá xăng dầu xuống thấp, doanh nghiệp lại "mang tiếng" với người tiêu dùng vì giá sẽ giảm chậm do phải trích lập quỹ, bù đắp cho phần quỹ âm trước đó.

1-1658277735063
Giá xăng dầu được dự báo hạ nhiệt.

Với chủ thể thứ 2 là khách hàng, việc trích quỹ là điều không ai mong muốn, vì thực chất, quỹ là “cấu” từ tiền trong túi họ. Khi giá xăng tăng cao, số tiền đã trích được chi ra để trừ vào giá xăng nhằm bình ổn giá. Tuy nhiên, việc trích quỹ và chi quỹ vô hình trung “cào bằng”, vì có những khách hàng là doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều xăng dầu vào thời điểm trích quỹ, nhưng đến thời điểm chi quỹ, thì do tính chất thời vụ, họ lại không sử dụng nhiều nhiên liệu. Như vậy, họ sẽ bị thiệt và cũng chẳng mặn mà, vui vẻ gì khi phải trích quỹ.

Còn với chủ thể điều tiết là Nhà nước, QBOG là một công cụ để kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát cả trực tiếp và gián tiếp. Nó sẽ thực sự là một công cụ hiệu quả nếu QBOG xăng dầu thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn, nó không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng. “Với cách điều hành giá 10 ngày như hiện nay, hoặc 15 ngày trước đó, việc duy trì QBOG là rất cần thiết, vì nó giúp cho Nhà nước điều tiết giá xăng dầu. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ Công thương đã đề xuất sẽ thực hiện rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 2-3 ngày, nghĩa là để giá biến động theo thị trường thì việc duy trì QBOG là không cần thiết”, ông Long phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, ông Tô Hoài Nam (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, khi một nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc xóa bỏ QBOG xăng dầu là việc tất yếu. Còn theo PGS. TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế thì việc bỏ hay không bỏ quỹ bình ổn phải dựa trên mục tiêu của quỹ và xem cách thức vận hành tốt không. “Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ. Người quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề này đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, càng làm bất ổn giá xăng chứ không tạo ra sự bình ổn. Do đó, công tác dự báo giá xăng dầu thế giới kém thì không nên duy trì QBOG”, ông Phạm Thế Anh nói.

Được biết, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ QBOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ QBOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. Bởi vậy, đề xuất của Bộ Tài chính được cho là hợp tình, hợp lý trong thời điểm này. Bộ Tài chính thì cho rằng, gắn với quy định đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu nên hoàn toàn có thể xem xét bỏ QBOG, giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường.“Sau khi bỏ QBOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: Kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định”, dự thảo Luật Giá sửa đổi nêu rõ.

Theo số liệu thống kê, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/7 tới đây, giá xăng có thể tiếp tục giảm thêm khoảng 3.000 đồng mỗi lít. Cộng với lần giảm 3.000 đồng vào ngày 11/7, giá xăng dầu sẽ về mức 26.000-27.000 đồng mỗi lít và dự báo tiếp tục ổn định quanh mốc này. Khi giá đầu vào hạ nhiệt, giá cả hàng hóa cũng dự báo sẽ được giảm theo, giữ cho mục tiêu lạm phát 4%/năm hoàn toàn có thể đạt được.

Ngày đăng: 08:01 | 20/07/2022

Hà An / CAND