Theo người dân, nếu chỉ cho tàu chở khách du lịch chạy qua phố cà phê đường tàu thì không những giúp ngành đường sắt phát triển, mà cư dân nơi đây cũng vậy.

Đề xuất mở tàu du lịch

Ngày 10/10, lực lượng chức năng tại Hà Nội ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu tại khu vực Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phùng Hưng. Sau đó, các hộ kinh doanh phố cà phê đường tàu gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về việc sẽ đảm bảo an toàn đường sắt, lắp camera, loa cảnh báo, barie chắn lối đi sang đường tàu bằng inox..... để được kinh doanh trở lại.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng không đồng ý với kiến nghị này vì để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.

Người dân cho rằng nếu phát triển tàu chở khách du lịch tham quan kết hợp với dừng đỗ trả khách tại phố cà phê đường tàu thì sẽ phát triển kinh tế, cuộc sống người dân ổn định.

Tại ngõ số 5, phố Trần Phú (Hàng Bông, Ba Đình, Hà Nội) nơi được coi là phố cà phê đường tàu, có nhiều hàng quán nhưng nay đã đóng cửa ngừng hoạt động, những nhà mở cửa thì vắng vẻ, không có khách. Và người dân nơi đây vẫn chấp hành nghiêm chỉnh quy định của cơ quan chức năng.

 Khác với trước kia, giờ đây du khách chỉ có thể đứng ở ngoài khu vực barie để chụp ảnh vào phố cà phê đường tàu. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Đỗ Minh Tuấn (53 tuổi, trú tại ngõ 5, phố Trần Phú, phường Hàng Bông) - chủ một quán cà phê và là người sinh ra và lớn lên ở đây từ nhỏ, cho biết, ông mới nắm được thông tin về việc cơ quan chức năng bác kiến nghị của người dân nơi đây.

"Tôi cảm thấy chưa được hài lòng về việc chính quyền bác bỏ đơn kiến nghị của cư dân nơi đây", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, cách đây khoảng 30 năm, khoảng những năm 87 đến năm 89, Hà Nội có chủ trương di dời các chuyến tàu ra khỏi trung tâm nội thành. Khi đó, tàu không chạy qua khu vực phố Trần Phú mà đi ở bên cầu Thăng Long, ga Nhổn, Yên Viên...

"Bố tôi làm ở bên ngành giao thông vận tải, ông từng kể với tôi rằng Hà Nội khi cấm tàu chạy qua nhà tôi, họ có chủ trương phát triển phát triển tàu du lịch chở khách tham quan từ ga Hà Nội đến Gia Lâm. Còn tàu chở hàng, chở khách thì dừng đỗ ở Nhổn, Yên Viên, Long Biên...Tuy nhiên, chủ trương đẩy mạnh hoạt động du lịch không được thực hiện", ông Tuấn cho hay.

Gia đình ông Đỗ Minh Tuấn mới kinh doanh cà phê đường tàu được một thời gian nhưng giờ đây khách vắng vẻ. Trong khi đó, nhiều cửa hàng khác đã đóng cửa vì không có khách. 

Hiện nay, lực lượng chức năng dựng túc trực bên barie không cho du khách vào khu phố cà phê đường tàu, khiến người dân cảm thấy hình ảnh này không được đẹp mắt, tốn kém nhân lực.

"Nếu như tuyến đường sắt nơi đây không cho tàu chở hàng, chở khách chạy nữa, thay vào đó là phát triển hình thức tàu chở khách du lịch. Mỗi khi tàu qua khu phố này thì tàu dừng lại khoảng 10-15 phút để du khách chụp ảnh, mua nước uống... Như vậy sẽ vừa phát triển được ngành đường sắt, cuộc sống người dân vẫn được ổn định", ông Tuấn chia sẻ.

Người này cũng cho biết thêm hiện nay, các chuyến tàu thường hoạt động ban đêm, còn ban ngày chỉ có thứ bảy và chủ nhật.

Ông Tuấn cũng như người dân nơi đây cho rằng, nếu tàu chở khách du lịch được vận hành và phố đi bộ Phùng Hưng hoạt động thì đây là đà để phát triển du lịch, thu hút du khách nước ngoài.

Dân phố đường tàu ra sao?

Từ khi phố cà phê đường tàu được du khách nước ngoài đón nhận, hoạt động kinh doanh đồ giải khát được phát triển, kéo theo đó là kinh tế của người dân phát triển.

Gia đình ông Lê Quang (57 tuổi, trú tại số nhà 100, ngõ 5 phố Trần Phú) sinh sống ở đây được hơn 60 năm, trải qua 4 thế hệ. Ông Quang là người cảm nhận được sự thay đổi của nơi đây.

"Cách đây hơn 60 năm về trước, có khoảng hơn 20 hộ dân sinh sống ở đây đều là công nhân của Công ty kiến trúc đường sắt. Mọi người được phân cho nhà ở, mỗi căn nhà cấp bốn rộng khoảng 18-20 mét vuông, nhà nào cũng chỉ có 3 mét mặt tiền, cậu nhìn xem", ông Quang chỉ tay nói với phóng viên.

  Ông Lê Quang cho biết, gia đình ông cho thuê quán cà phê nhưng giờ đây người thuê đóng cửa hàng.

Bên cạnh sự ồn ào của những chuyến tàu, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn bình lặng trôi qua, khi người thì làm công nhân, người làm xe ôm...Các thế hệ tiếp tục sinh sống ở những căn nhà cấp bốn xập xệ cho đến những năm 90, khi có chủ trương cho phép cư dân xây dựng nhà cao tầng, mọi người sửa sang xây dựng lại. Tuy nhiên, đến nay, chủ hộ các gia đình vẫn chưa có sổ đỏ.

Những năm trước khi phố cà phê xuất hiện, người dân cho công nhân thuê nhà ở. Đường phố vào mỗi tối thì yên ắng, nhiều khi người say rượu, kẻ nghiện hút lại kéo đến.

Cách đây khoảng 2 năm, dịch vụ cà phê đường tàu phát triển từ việc du khách nước ngoài ghé vào một nhà nọ mua một chai nước khoáng. Tiếp đó, có người lại hỏi "Nhà ông có bán bia không". Kể từ đây, ý tưởng kinh doanh nước giải khát được một hộ dân thực hiện, rồi kéo theo là hàng chục hộ.

 Các hàng quán kinh doanh nước giải khát yên ắng sau khi phố cà phê bị cấm.

"Trước đây, ở nơi này cho thuê trọ thì nhà cửa xập xệ lắm. Kể từ khi khách du lịch nước ngoài kéo về đây uống nước, tham quan, chụp ảnh thì các hộ sửa sang lại nhà cửa", người dân cho hay.

Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội cũng không còn, những hộ gia đình như nhà ông Quang, ông Tuấn Anh cũng có thu nhập tiền triệu mỗi ngày chưa trừ chi phí.

Và người dân cũng ý thức hơn để đảm bảo an toàn đường sắt cho du khách, như khi có chuông báo hiệu tàu đến, tức khoảng 10 phút sau, thì tất cả người dân sẽ cùng thông báo, yêu cầu khách không được tiến lại gần đường tàu chạy.

Vì vậy, đa số người dân khu vực này đều đồng tình nên bỏ barie rào chắn và nơi đây phát triển tàu chở khách du lịch, tham quan.

Hoàn Kiếm bác đơn xin hoạt động lại của "phố cà phê đường tàu"
Dân "phố cà phê đường tàu" đề nghị được tiếp tục kinh doanh
Cư dân xóm cà phê đường tàu xin dựng hàng rào, lắp camera để kinh doanh

Ngày đăng: 08:44 | 24/10/2019

/ vtc.vn