Trong mọi trường hợp, ông Talabani đều không theo đuổi nền độc lập cho người Kurd. Chỉ sau khi ông Talabani rời khỏi chức vị Tổng thống Iraq vào năm 2014, vấn đề mới được xúc tiến và đến ngày 25.9 vừa qua mới diễn ra cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd
BBC ngày 3.10 đưa tin, Jalal Talabani, vị Tổng thống Iraq đầu tiên là người Kurd, đã qua đời ở tuổi 83. Ông Talabani từng là một chí sĩ người Kurd đi đầu trong việc đấu tranh cho quyền tự quyết của tộc người này.
Cựu Tổng thống Talabani ra đi trong bối cảnh rạn nứt giữa chính phủ tự trị Kurdistan ở Erbil và chính quyền trung ương Iraq ở Baghdad đang ngày một nới rộng ra xoay quanh cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd diễn ra vào ngày 25.9 vừa qua.
Giới phân tích cho rằng với quan điểm chính trị và tầm ảnh hưởng của mình, sự ra đi của cựu Tổng thống Talabani là một mất mát lớn đối với sự ổn định cho đời sống chính trị tại Iraq, khiến vấn đề độc lập cho người Kurd càng thêm phức tạp hơn. Tại sao vậy?
Tổng thống Talabani - nhân tố chính khiến việc trưng cầu độc lập của người Kurd không thể diễn ra sớm hơn |
Theo BBC Timeline, ông Talabani tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết cho người Kurd từ rất sớm và ông có thời gian dài làm việc trong ủy ban trung ương của đảng Dân chủ Kurdistan (KDP), chỉ huy cuộc kháng chiến của người Kurd chống lại chính quyền Iraq.
Ông Talabani được xem là một trong những người cống hiến nhiều nhất cho phong trào đấu tranh giành quyền lợi cho người Kurd ở bắc Iraq, khi cùng với thủ lĩnh Mullah Mustafa Barzani lãnh đạo phong trào kháng chiến của người Kurd trong suốt thập niên 1960.
Tuy nhiên, ông Talabani được cho là có quan điểm ôn hòa, không đặt mục tiêu giành độc lập cho người Kurd, mà chủ yếu là nâng cao địa vị chính trị cho người Kurd ở Iraq. Điều đó thể hiện qua lập trường và hành động của ông trong các thời điểm lịch sử, mà việc độc lập cho người Kurd có thể xúc tiến.
Dù chính quyền Saddam nhiều lần từ chối khát vọng và đàn áp dã man người Kurd, song ông Talabani vẫn chỉ hướng tới cơ chế tự trị cho tộc người này
Thứ nhất, khi bất đồng với quan điểm cứng rắn của thủ lĩnh người Kurd ở bắc Iraq Mullah Barzani, ông Talabani đã rời khỏi KDP và thành lập đảng Liên minh người Kurd yêu nước (PUK) vào năm 1975, nhằm đưa cuộc kháng chiến của người Kurd đi theo một xu hướng khác.
Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, KDP liên minh với Iran trong khi PUK của ông Talabani đứng trung lập. Thậm chí, năm 1983, PUK đã liên minh với chính quyền Baghdad với hy vọng có thể buộc Saddam Hussein phải ký một thỏa thuận về quyền tự trị của người Kurd.
Việc không thành do Saddam từ chối để khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ Kirkuk thuộc quyền quản lý bởi một chính phủ tự trị của Kurd và cũng không chấp nhận chia lợi nhuận khai thác được cho người Kurd, song qua điều đó cho thấy ông Talabani không ủng hộ việc chia tách đất nước.
Thứ hai, sau khi chính quyền Saddam Hussein đại bại trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, nhưng lại quay sang đàn áp dã man người Kurd, vậy nhưng ông Talabani vẫn chấp nhận đàm phán với Saddam về một cơ chế tự trị cho người Kurd.
Tháng 4.1991, ông Talabani và lãnh đạo KDP là Massoud Barzani đã đồng ý ngừng bắn, chấp nhận tới Baghdad đàm phán với chính quyền Saddam, song kết quả là nhà lãnh đạo Iraq lúc đó vẫn không thay đổi quan điểm trong việc nâng cao địa vị và bảo đảm lợi ích cho người Kurd, theo BBC.
Dù khi đó chính quyền Saddam đã gần như mất quyền kiểm soát đối với người Kurd, bởi liên quân Mỹ - Anh đã dựa vào Nghị quyết 688 của LHQ, thiết lập vùng cấm bay tại bắc Iraq. Đây được xem là cơ hội nữa cho người Kurd độc lập, song ông Talabani vẫn chỉ theo đuổi cơ chế tự trị cho tộc người này.
Thứ ba, sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003, trước khi bàn cờ chính trị mới được sắp đặt, một lần nữa quyền tự quyết dân tộc lại đến với người Kurd ở Iraq, song ông Talabani vẫn không thúc đẩy điều này.
Ông Talabani chấp nhận chức vị Tổng thống trong chính quyền trung ương Iraq tại Baghdad, từ đó tạo ra thế chân vạc trên cả chính trường Iraq lẫn đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam Hussein, qua đó nâng cao vị thế cho người Kurd.
Trên chính trường Iraq, thế chân vạc được hình thành thông qua việc phân chia quyền lực giữa lực lượng người Kurd mà ông Talabani là đại diện với lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shiite đóng vai trò chi phối chính trường và lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Sunni với quyền lực bị hạn chế.
Trong đời sống chính trị Iraq, thế chân vạc được tạo nên từ sự tồn tại cộng đồng người Kurd ở bắc Iraq với quyền tự trị song song với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm số đông dân cư của Iraq và cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni chiếm thiểu số.
Theo BCC, với một cơ cấu quyền lực xung đột, một chính trường chia rẽ, khiến cho đời sống chính trị và đời sống xã hội tại Iraq nghiêng ngả theo mâu thuẫn lợi ích giữa các đảnng phái và các lực lượng chính trị, ông Talabani đã trở thành trung tâm hòa giải của Iraq.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, ông Talabani đều không theo đuổi nền độc lập cho người Kurd. Chỉ sau khi ông Talabani rời khỏi chức vị Tổng thống Iraq vào năm 2014, vấn đề mới được xúc tiến và đến ngày 25.9 vừa qua mới diễn ra cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd.
Tổng thống Talabani ra đi - một rào cản quan trọng cho việc tuyên bố độc lập của người Kurd đã được dỡ bỏ
BBC cho biết, năm 1991, khi Tổng thống Saddam Hussein không chấp nhận chia sẻ lợi ích với người Kurd từ việc khai thác dầu tại Kirkuk, phản ứng của đảng Liên minh người Kurd yêu nước (PUK) và đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) trước thực tế này hoàn toàn khác nhau.
Không còn sự kiềm chế của ông Talabani, liệu ông Barzani có xúc tiến việc tuyên bố độc lập, sau khi cuộc trưng cầu dân ý có kết quả?
Đến năm 1992, khi tiếp tục không đồng ý về quan hệ với Baghdad, lực lượng người Kurd do KDP lãnh đạo đã tổ chức các cuộc bầu cử riêng rẽ của mình. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đã dẫn đến tình trạng bế tắc, còn nhà lãnh đạo của Liên minh người Kurd yêu nước Talabani thì gặp rắc rối.
Đến năm 1994, mâu thuẫn giữa ông Talabani và ông Massoud Barzani, con trai của thủ lĩnh Mullah Mustafa Barzani, hiện đang lãnh đạo KDP, lên tới đỉnh điểm và một "nội chiến" giữa những người Kurd với nhau đã nổ ra, khiến cho hàng ngàn người Kurd bị thiệt mạng.
Năm 1996, với sự trung gian của Washington, hai bên đã ký hòa ước và với quan điểm ôn hòa, ông Talabani đã lọt vào "mắt xanh" của người Mỹ. Vì vậy, với Washington, từ đó ông Talabani là đại diện chủ chốt của người Kurd tại "sân khấu" chính trị Baghdad.
Vào thời điểm Mỹ lên kế hoạch chuẩn bị tấn công Iraq vào năm 2003 và thông báo tới người Kurd, ông Talabani và ông Massoud Barzani đã quyết định hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã đặt ra yêu cầu chính quyền Iraq thời hậu Saddam sẽ kiểm soát chính sách đối ngoại, quốc phòng và tiền tệ của người Kurd.
Đổi lại, Baghdad chấp nhận duy trì quyền lực của chính phủ tự trị Kurdistan tại Erbil trong các lĩnh vực khác còn lại. Điều này làm cho những người đại diện người Kurd ở Iraq giận dữ và theo ông Barzani thì đã đến lúc Ebil phải độc lập hoàn toàn với Baghdad.
Tuy nhiên, ông Talabani cho rằng nhà lãnh đạo KDP cần phải thực tế hơn, đó là chấp nhận cơ chế tự trị cho người Kurd trong một nền dân chủ Iraq mới thời hậu Saddam. Và ông Barzani, lãnh tụ người Kurd ở bắc Iraq, đã lùi lại việc thúc đẩy một cơ chế độc lập cho tộc người này.
Như vậy, xuyên suốt quá trình đấu tranh cho quyền tự quyết của người Kurd ở Iraq, dù là người Kurd, song Tổng thống Jalal Talabani luôn là người tiết chế việc người Kurd thể hiện khát vọng độc lập, mà hậu quả không những sẽ dẫn tới chia tách đất nước, mà còn có thể rơi vào mưu đồ của người khác.
Sau khi cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd diễn ra vào ngày 25.9.2017 có kết quả, nhiều luồng dư luận cho rằng việc tuyên bố độc lập của người Kurd sẽ chưa thể diễn ra, mà ông Talabani được xem là một nhân tố quan trọng có thể giúp tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Talabani đã qua đời, đồng nghĩa rào cản tinh thần lớn nhất cho việc tuyên bố độc lập của người Kurd đã không còn nữa. Theo giới phân tích, vấn đề giữa Erbil và Baghdad về cuộc "ly hôn thân thiện" sẽ phức tạp hơn nhiều khi vắng bóng nhà hòa giải Talabani.
Người Kurd Iraq lập quốc: Kiên nhẫn \'giấu mình chờ thời\'?
Mặc dù 93% dân số ủng hộ lập quốc nhưng trong thời điểm hiện nay, người Kurd khó có thể tuyên bố tách khỏi Iraq, ... |
Pakistan phản đối trưng cầu ý dân người Kurd tại Iraq
Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định cuộc trưng cầu ý dân vi phạm hiến pháp Iraq và là hành vi bất hợp pháp, tiềm ẩn ... |
Người Kurd trưng cầu độc lập và thế cờ mới của Mỹ
Người Kurd ở Iraq đã thông qua kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập. |
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/cuu-tong-thong-iraq-talabani-qua-doi-van-de-doc-lap-cua-nguoi-kurd-co-de-dang-hon-72925.html
Ngày đăng: 21:30 | 05/10/2017
/ Ngọc Việt/Một thế giới