Bị cáo Phan Thành Mai cho rằng cần xem lại quy kết VNCB thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng, bởi vẫn còn 4.200 tỷ trong nhà băng này.
Ngày 10/1, là người đầu tiên được mời lên thẩm vấn trong phiên xét xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) thừa nhận chuỗi hành vi như nội dung cáo trạng.
Tuy nhiên, ông Mai xin HĐXX được bổ sung 4 ý kiến gồm: hoàn cảnh và động cơ thực hiện hành vi; phương án tái cơ cấu ngân hàng; dòng tiền từ tài khoản của ông Danh chuyển cho Tập đoàn Thiên Thanh, bà Hứa Thị Phấn, Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích và xem lại thiệt hại thực tế của VNCB đã khắc phục hậu quả.
Mai bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Danh trong tất cả các hành vi phạm tội xảy ra tại VNCB. Trong giai đoạn hai điều tra, Mai được giao nhiệm vụ chuẩn bị nguồn tiền rút ra từ VNCB để đưa sang các ngân hàng, bảo lãnh cho 29 lượt vay tại Sacombank, TPBank và BIDV.
Nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai. Ảnh: Quỳnh Trần.
Chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết, "bối cảnh phạm tội" đã được trình bày nhiều tại giai đoạn một nên không cần trình bày lại. Tuy nhiên, bị cáo Mai cho rằng dù phạm vi trình bày chỉ được phép nằm trong cáo trạng, nhưng bản chất nội dung giai đoạn một và hai gắn chặt với nhau.
"Khi bị cáo mới bước chân vào ngân hàng, ngân hàng đang trong tình trạng dư nợ 6.000 tỷ đồng. VNCB lúc đó như một hố trũng mà không biết bao nhiêu tiền có thể đủ để chăm sóc khách hàng. Anh Danh phải đưa toàn bộ tiền, tài sản cá nhân gia đình vào và phải gánh chịu áp lực rất lớn về việc chi tiền chăm sóc khách hàng", Mai nói.
Cựu tổng giám đốc VNCB cho biết, đến khi vụ án bị khởi tố (năm 2014) dư nợ của lên đến gần 40.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng chỉ còn khả năng trả nợ 2%. Khi đó không còn tài sản nào nên mới dẫn đến việc phải đi vay ông Trần Quý Thanh với lãi suất cao.
Ông Mai xin HĐXX xem xét lại con số thiệt hại thực tế hơn 6.000 tỷ đồng như cáo buộc và đề xuất khắc phục hậu quả. "Có nhiều khoản tiền của VNCB đang nằm tại các ngân hàng nhưng không được cấn trừ", Mai nói.
Trong đó có khoản tiền 4.200 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, nhiều tài sản là vật chứng như khoản tiền giải ngân từ TPBank về tài khoản ông Danh rồi chuyển cho bà Hứa Thị Phấn 600 tỷ đồng, giải ngân trả cho bà Trần Ngọc Bích (con ông Trần Quý Thanh), 166 tỷ đồng trả cho ông Trần Quý Thanh. Theo bị cáo Mai, những khoản tiền này chưa được tòa xem xét thu hồi trong giai đoạn một, nên đề nghị HĐXX xem xét trong phiên tòa này.
Trả lời chủ tọa Phạm Lương Toản về nguồn gốc số tiền 4.200 tỷ đồng (trong hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại), bị cáo Mai cho biết tiền được rút từ VNCB và chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo chủ tọa, số tiền trên được rút từ VNCB là không đúng quy định - là lý do Ngân hàng Nhà nước chưa chấp nhận phương án tăng vốn điều lệ của VNCB. Ông công bố tài liệu giám định tài chính cho thấy 4.200 tỷ đồng đã không còn, song các bị cáo vẫn cho rằng "còn treo trong VNCB".
Theo cáo buộc, trong thời gian tham gia tái cơ cấu VNCB (2013-2014), để có tiền chăm sóc khách hàng, trả nợ, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai cùng dàn lãnh đạo cấp dưới sử dụng 29 pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc mượn để vay tiền Sacombank, TPBank, BIDV.
Để hợp thức hóa việc rút tiền trái phép từ VNCB ra, các bị cáo làm khống hồ sơ giấy tờ mang tiền của nhà băng đi bảo lãnh cho các khoản vay gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào?
Trong 45 tổ chức liên quan đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê... đang xét xử có tới 6 ngân hàng. Khoản tiền sai phạm ... |
Truy nã cán bộ ngân hàng dùng sổ đỏ giả lừa 1,4 tỷ đồng
Lê Thị Hợi đã bị tố cáo lừa đảo chuyển nhượng 2 thửa đất bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mạo, chiếm ... |
Ngày đăng: 14:49 | 10/01/2018
/ https://vnexpress.net