Ngày 28-12, Ủy ban bầu cử Pakistan đã cho phép cựu Thủ tướng Muhammad Nawaz Sharif tham gia cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8-2-2024. Việc ông Nawaz Sharif tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư cho thấy, kỳ bầu cử sắp tới sẽ là một trong những cuộc bầu cử hấp dẫn nhất ở Pakistan.

nawaz-1-7729-9140
Ông Nawaz Sharif từng 3 lần làm Thủ tướng Pakistan nhưng chưa có một nhiệm kỳ nào trọn vẹn

Ông Nawaz Sharif (73 tuổi) là Thủ tướng tại vị lâu nhất ở Pakistan. Chỉ có điều, cả 3 lần làm Thủ tướng ông chưa bao giờ hoàn thành trọn vẹn bất cứ nhiệm kỳ nào. Lần thì ông bị quân đội lật đổ, lần thì do cáo buộc tham nhũng, lần gần nhất là năm 2018 ông bị kết án về tội tham nhũng sau khi bị phế truất khỏi chức vụ Thủ tướng vào năm 2017. Trong thời gian thụ án, ông Sharif được tòa án cho phép sang Anh chữa bệnh và kể từ đó ông không về nước dù tòa án nhiều lần yêu cầu. Vị cựu lãnh đạo đã trở về Pakistan vào tháng 10-2023 sau 4 năm tự lưu vong vì hàng loạt cáo buộc từ phía chính phủ của cựu Thủ tướng Imran Khan - người cũng đang bị bắt giam vì nhiều tội danh.

Trong động thái mới nhất, Ủy ban bầu cử Pakistan đã chấp nhận đề cử của ông Nawaz Sharif sau khi ông được Tòa án tối cao Islamabad hôm 29-11 lật lại bản án về tội tham nhũng. Tuy nhiên, ông Sharif còn một rào cản nữa cần được dỡ bỏ là lệnh cấm suốt đời nắm giữ bất kỳ chức vụ công nào. Một phiên điều trần về lệnh cấm nói trên sẽ diễn ra vào tháng 1-2024. Tuy nhiên, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông lập luận rằng, ông hiện đã được tuyên trắng án trong tất cả các vụ án liên quan đến tham nhũng. Nếu đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử vào tháng 2 nói trên, thách thức lớn nhất đối với cựu Thủ tướng Sharif là lấy lại sự hậu thuẫn của lực lượng cử tri ủng hộ ông trước đây.

Cách đây 5 năm, Tòa án Pakistan ngày 24-12-2018 đã kết án cựu Thủ tướng Nawaz Sharif 7 năm tù vì tội tham nhũng, liên quan đến khối tài sản “khủng” của ông ở nước ngoài. Cáo buộc liên quan đến quyền sở hữu của ông đối với nhà máy thép Al-Azizia ở Saudi Arabia do cha của ông thành lập năm 2001. Cựu Thủ tướng Pakistan bị phạt 25 triệu USD vì không giải trình được việc gia đình ông đã lập ra nhà máy thép bằng cách nào khi ông bị cựu lãnh đạo Pervez Musharraf lật đổ năm 1999 và phải sang lánh nạn ở Saudi Arabia.

Trước đó, chính trị gia này bị cơ quan chống tham nhũng của Pakistan điều tra sau vụ rò rỉ tài liệu từ “Hồ sơ Panama” và sau khi tân Thủ tướng Imran Khan tuyên bố sẽ giải quyết nạn tham nhũng đặc hữu ở Pakistan. Các tài liệu bị rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca (có trụ sở tại Panama) cho thấy, con gái và 2 con trai của ông Sharif sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin (Vương quốc Anh) và dùng tên các công ty này để mua bất động sản ở London. Ông Sharif và gia đình đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đó là một âm mưu chính trị. Nhà cựu lãnh đạo này cũng cho rằng, quân đội và tòa án cùng hợp tác để chấm dứt sự nghiệp chính trị cũng như gây bất ổn cho đảng Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của ông. Được biết, ông Sharif cũng là một cựu tướng lĩnh nhưng sau này có xích mích với phía quân đội.

Ông Nawaz Sharif đã 3 lần làm Thủ tướng Pakistan, nhưng nó quả là chiếc “ghế nóng” đối với ông. Lần đầu tiên ông bị trục xuất khỏi văn phòng Thủ tướng vào năm 1993 vì nghi ngờ tham nhũng. Năm 1997, ông đã giành chiến thắng khi tái tranh cử và rồi lại bị lật đổ và lưu đày sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1999. Ông trở lại Pakistan vào năm 2007 và lên nắm quyền một lần nữa vào năm 2013 cho đến khi bị miễn nhiệm vào năm 2017.

Ngày đăng: 08:48 | 31/12/2023

Yên Vũ / ANTĐ