Dù đã 6 năm từ ngày trải qua kì thi vào lớp 10, nhưng trong tôi, những kí ức về giây phút căng thẳng chờ phát đề vẫn như mới chỉ hôm qua.

 

Sau khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 qua đi, VietNamNet nhận được bài viết của 1 cựu học sinh chuyên Anh (đã giành học bổng du học Mỹ) kể về những trải nghiệm của mình. 

Để truyền tải ý kiến đa chiều từ chính những thí sinh đã trải qua các kỳ thi chuyên, chúng tôi giới thiệu bài viết này với độc giả (Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả).

Sau đây là nội dung bài viết:

Kì thi cuối cấp luôn là bước ngoặt quan trọng với các bạn học sinh, tôi cũng không phải ngoại lệ. 

"Dù đã 6 năm từ ngày trải qua kì thi vào lớp 10 chuyên Anh, nhưng trong tôi, những giây phút căng thẳng chờ phát đề, gói xôi mẹ chuẩn bị sáng đi thi, hay tâm trạng hồi hộp so đáp án vẫn như mới chỉ hôm qua..."

Cạnh tranh không lành mạnh

Với các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kì thi đầy cam go, có lẽ điểm số là mối quan tâm hàng đầu. Xếp hạng điểm số ở trường, lẫn ở lớp học thêm tạo nên nhiều gánh nặng cạnh tranh, thi đua cho các học sinh.

Bởi điểm thấp trong các kì thi thử hay ở lớp học sẽ khiến bố mẹ thêm lo lắng, dù nếu hỏi, thì hầu hết đều nói rằng "không tạo áp lực cho con".

Để cổ vũ cho bạn thân dự thi vào lớp chuyên Anh trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua ở Hà Nội, một nhóm bạn đã bắt xe bus hơn 1 tiếng, cầm ảnh đứng đợi ở cổng trường và hò reo khi bạn kết thúc môn thi... Ảnh: Thúy Nga

Tôi đã ngầm ganh đo từng 0,25 điểm với các bạn bằng cách tự sửa bài, chấm sai cho bạn để đạt thứ hạng cao ở các lớp học. Tôi cũng từng xé bìa sách tham khảo để giấu tên tài liệu luyện thi.

Thậm chí, tôi nghe lời bố mẹ nói dối chỗ học thêm với ý nghĩ "ngu ngốc" là bớt được đối thủ cạnh tranh.

Dường như kiến thức không được chia sẻ mà phải giấu kín để bạn không đạt điểm cao hơn mình.

Nhưng khi kì thi qua đi, liệu điểm cao hơn bạn có làm tôi hạnh phúc? 

Từng muốn bỏ nhà ra đi...

Những đứa trẻ như tôi lúc đó còn non nớt. Vì áp lực từ cha mẹ hay chính kì vọng của bản thân hay cả hai, đã phải trải qua nhiều căng thẳng đến kiệt sức.

Bạn thân của tôi lớn lên trong một gia đình với “mẹ hổ Châu Á”. Bà luôn so sánh điểm mọi bài kiểm tra của bạn với những bạn cùng lớp khác, chì chiết con “vô dụng, có học cũng không nên hồn”khi bạn ngủ gật trên bàn sau 2 ca học thêm buổi chiều.

Một số người, như bạn tôi, sẽ chuyển hoá năng lượng tiêu cực thành thái độ luôn cạnh tranh, căng thẳng trong học tập, và suy sụp nếu kết quả không như ý. Tôi cũng biết có bạn sẽ trải qua nhiều rối loạn phức tạp về mặt tâm lí, ví dụ như ngày càng xa lánh cha mẹ hay rơi vào trầm cảm.

Kể cả khi đã bước vào cấp ba ở ngôi trường cha mẹ mong muốn, tôi và bạn mình - những đứa học sinh gương mẫu,“con nhà người ta” từng muốn bỏ nhà ra đi vì quá mệt mỏi.

Áp lực không dừng lại ở danh sách báo đỗ. Bước vào môi trường còn khắc nghiệt gấp bội đồng nghĩa chúng tôi lại tiếp tục cạnh tranh trong những kì thi chuẩn hoá, cạnh tranh vào đội tuyển hay so đo điểm phẩy trên lớp.

Những ảnh hưởng về mặt tâm lí lẫn hành vi từ áp lực cha mẹ đặt lên không dừng lại khi kì thi kết thúc mà có thể đeo bám chúng tôi suốt đời.

Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi mong được động viên. Tôi cũng sẽ tâm sự với những bạn học khác trong hoàn cảnh tương tự nhiều hơn, thay vì vô tình hùa theo số đông mà gắn mác cho những học sinh vật lộn với vấn đề tâm lí là “ngỗ nghịch, thiếu bản lĩnh”.

Chờ con ở cổng trường thi (Ảnh có tính minh họa)

 

Suy sụp trước thất bại

Tôi đã vô cùng suy sụp khi thi trượt đội tuyển. Tan học trên trường, tôi thấy nhục nhã, xấu hổ đến mức không dám nói chuyện với bạn bè. Tôi chỉ mong nhanh chóng về nhà. Rồi khi bước vào phòng, tôi đã khoá cửa rồi òa khóc. Ngày hôm đó, tôi bỏ ăn cơm.

Giờ đây khi nhìn lại, tôi còn thấy khá hài hước.

Ai cũng có những lần làm bài không tốt hay mắc lỗi sai ngớ ngẩn, hãy học cách tha thứ cho bản thân và tiến lên phía trước. Kì thi cuối cấp tuy quan trọng, nhưng thất bại không có nghĩa là cả thế giới của bạn sẽ sụp đổ.

Với tinh thần chăm chỉ và cầu tiến, bạn sẽ thành công ở một môi trường khác, dù đó không nằm trong giấc mơ hay dự định ban đầu của bạn.

Bỏ bê sức khoẻ

Tôi cũng từng "chạy đua" khi bạn mình khoe có thể thức đến 5h sáng để giải bài tập, hay có bạn một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng. Tôi đã từng chỉ mua gói bim bim hay tô mì tôm ăn tạm để kịp “chạy sô” giữa các lớp học thêm.

Từ ngày hay tin một bạn trường bên bị đột quỵ vì học tập quá sức, tôi mới sợ hãi. 

Tôi từng nghĩ chỉ có thể chọn một trong hai: sức khoẻ hay thành tích cao. Nhưng giờ tôi biết, cuộc sống luôn có cách cân bằng cả hai. Và nếu buộc phải chọn một, tôi sẵn lòng chọn sức khoẻ.

Dù đang theo đuổi ước mơ ở những trường đại học lớn trên thế giới, tôi và cô bạn thân nhận thấy, chúng tôi thực ra đã rất may mắn mới có thể vượt qua được những áp lực đó.

Sau tất cả, chúng tôi muốn nhớ về thời cấp 3 như mọi học sinh Việt Nam khác: những hôm lén lút ăn vặt cuối lớp, những trò chơi khi đi dã ngoại hay ngày lớp chụp ảnh kỉ yếu.

Những ganh đua, những đêm mất ngủ chờ điểm thi là điều chúng tôi sẽ giúp con cái mình tránh khỏi.

 

 An Phong (Cựu học sinh chuyên Anh - từ Hoa Kỳ)

 

Bật mí điểm chuẩn trường chuyên của Hà Nội
Áp lực của sĩ tử thi liên tiếp 3 trường chuyên ở Hà Nội
Trường chuyên: Không giáo dục tinh hoa không có người tài
“Tiêu cực ở đâu cũng có, đề xuất bán trường chuyên là cực đoan”

Ngày đăng: 08:20 | 21/07/2020

/ vietnamnet.vn