Các bị cáo trong đường dây "logo xe vua" đều thừa nhận đã chung chi cho lực lượng chức năng để các xe dán logo mang ký hiệu riêng không bị xử phạt khi vi phạm
Chiều 19-4, sau phần xét hỏi, HĐXX TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nhiều uẩn khúc của vụ án "Đưa hối lộ" và "Làm môi giới hối lộ" do Nguyễn Văn Thới (42 tuổi), Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi), Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi, nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) và 7 đồng phạm khác thực hiện. Thới bị cáo buộc nhờ Chân móc nối với các sếp, đưa tiền hối lộ để những xe tải dán logo số 68 và Garage Thành Đô không bị xử phạt khi chở quá tải.
Phản cung rồi nhận tội
Ở phần đầu xét hỏi, Thới thừa nhận đã tổ chức in và bán logo cho các tài xế. Tuy nhiên, Thới phủ nhận hoàn toàn lời khai trong quá trình điều tra, không thừa nhận hành vi phạm tội mà cáo trạng truy tố. Thới khai mình bị ép cung, nhục hình lúc lấy lời khai.
Bị cáo này phủ nhận việc thỏa thuận với các cán bộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) để xe dán logo không bị xử phạt. Thới khai rằng những logo này không có tác dụng tránh bị CSGT xử phạt. Thay vì đó, Thới thuê nhiều người đi canh các tuyến đường có tổ CSGT, TTGT làm nhiệm vụ, để chỉ tài xế cách né tránh lực lượng chức năng. Với những trường hợp mua logo mà bị CSGT xử phạt do vi phạm thì Thới sẽ nộp thay.
Các bị cáo trong đường dây "logo xe vua" tại phiên tòa |
Thới cũng phủ nhận cáo buộc đưa 1,2 tỉ đồng cho Nguyễn Cảnh Chân làm môi giới để hối lộ cho nhiều cán bộ CSGT, TTGT. Theo đó, Thới khai quen biết Chân trong một lần đi đám cưới, cho đến khi bị bắt mới biết Chân là CSGT. Số tiền Thới đưa cho Chân là để nhờ người này giúp nộp phạt đối với các trường hợp vi phạm, trả tiền công thuê người theo dõi lực lượng chức năng và trả thù lao cho Chân.
Trả lời chất vấn của đại diện VKS về mục đích in và bán logo Garage Thành Đô, Thới khai in logo này nhằm quảng cáo. Khi VKS hỏi tiếp: "Bị cáo nói dán logo Garage Thành Đô để quảng cáo, vậy logo ký hiệu số 68 thì mục đích để làm gì?", Thới ấp úng và thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố.
Lúc này, Thới khai có chung chi đối với những trường hợp kiểm tra liên ngành có cả TTGT và CSGT. Tuy nhiên, Thới cho rằng số lượng xe mua logo của mình không nhiều như cáo trạng đã truy tố. Thực tế, "bị cáo phải chi nhiều tiền để nộp phạt xe vi phạm và tiền công cho người canh đường".
Tại phiên tòa, bị cáo Vân thừa nhận có in logo bán cho tài xế nhưng cho rằng số lượng xe và số tiền 7 tỉ đồng thu lợi bất chính như cáo trạng quy kết là không đúng. Vân thừa nhận đã bảo nhân viên nhiều lần mang túi đen chứa hàng trăm triệu đồng đưa cho một số cán bộ CSGT, TTGT.
Hé lộ thế lực phía sau
Khi được đối chất, Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận Thới đã gặp mình và đặt vấn đề giúp các xe vi phạm dán logo của Thới để không bị xử phạt. Cựu cán bộ CSGT này khẳng định rằng những xe dán logo Garage Thành Đô đã được "bảo kê" bởi lực lượng chức năng hằng tháng. Hành vi này kéo dài từ tháng 7-2014 đến khi Cơ quan CSĐT phát hiện
Cụ thể, Thới nhờ Chân tìm người giúp cho xe chở quá tải của mình. Từ đó, Chân đã trực tiếp giới thiệu cho Thới ông S., Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, Thới đưa Chân 60 triệu đồng/tháng rồi tăng thêm, tổng cộng lên đến hơn 1,2 tỉ đồng. Chân chuyển cho ông S. hơn 600 triệu đồng.
Giữa năm 2015, ông S. mất đột ngột, Thới lại nhờ Chân tìm người khác giúp. Cựu CSGT này khai đã nhờ ông T., Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai và ông đồng ý. "Bị cáo nói với anh T. rằng mối của Thới trước kia là của anh S. và anh T. đồng ý" - Chân khai.
Sau nhiều lần, Thới chuyển tổng cộng cho Chân 600 triệu đồng để đưa cho ông T. Tuy nhiên, Chân chỉ đưa cho ông T. 300 triệu đồng, giữ số còn lại để tiêu xài.
Nghe đến đây, chủ tọa hỏi Chân: Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT có cho bị cáo nhận diện ông T. qua hình? Chân trả lời có và nói rằng mình cũng đã nhận diện ông T. "Thế Cơ quan CSĐT có cho bị cáo đối chất với ông T. không?" - chủ tọa hỏi. Đáp lời, Chân nói "không".
Khi luật sư đặt câu hỏi vì sao Thới không đưa tiền trực tiếp cho ông S. hay T. mà phải thông qua bị cáo, Chân khai: "Cấp chỉ huy rất kỹ trong những chuyện này, họ không nhận trực tiếp".
Trong quá trình điều tra, Vân, Thới và Thái khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ TTGT của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 80 người này nhưng không ai thừa nhận nhận tiền từ các đối tượng trên. Bán "logo xe vua" thu hàng chục tỉ đồng Theo cáo trạng, Thới, Vân và các đồng phạm đã in logo có ký hiệu đặc biệt để bán cho các chủ xe, tài xế với giá 2,5-3 triệu đồng/chiếc. Từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, đường dây này đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỉ đồng. Để "làm ăn" trôi chảy, Thới đưa hối lộ 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Ngoài ra, Thới và Trần Quốc Thái (47 tuổi, ngụ TP HCM - một trong 7 đồng phạm của Thới) đưa cho các đội, trạm CSGT tổng cộng 1,3 tỉ đồng. Riêng Thái khai đã có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỉ đồng, Thới sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỉ đồng. Tương tự, Lê Thị Cẩm Vân và những người khác cùng trú tại TP HCM cũng in logo cho các chủ xe dán lên kính trước để làm "bùa hộ mệnh" chở quá tải. Từ tháng 5 đến tháng 8-2015, Vân và các đồng phạm đã bán logo thu về gần 8 tỉ đồng. |
Bài và ảnh: QUỐC CHIẾN
Ngày đăng: 08:20 | 20/04/2018
/ nld.com.vn