Cách đây 51 năm, 504 người làng Sơn Mỹ bị lính Mỹ thảm sát dã man, hôm nay Mike Boehm- cựu binh Mỹ tấu khúc vĩ cầm dưới chân tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân.
Ngày 16/3, tại khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 51 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát (16/3/1968-16/3/2019). Buổi tưởng niệm có sự tham dự của hàng nghìn người dân cùng nhân chứng người nước ngoài.
Lãnh đạo cùng người dân tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Trí (Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch tỉnh Quảng Ngãi) nhắc lại ngày tang tóc của làng Sơn Mỹ khi 504 người dân Sơn Mỹ với phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời sau vụ thảm sát tàn khốc.
Ông Trí nhấn mạnh, vụ thảm sát trở thành nỗi đau khôn nguôi của người dân làng Sơn Mỹ nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.
Ông Roy Mike Boehm - cựu binh Mỹ kéo vĩ cầm tại khu Chứng tích Sơn Mỹ tưởng nhớ các nạn nhân.
“Thảm sát Sơn Mỹ không phải là vụ thảm sát duy nhất trong chiến tranh nhưng là một biến cố điển hình cho những tội ác dã man mà các thế lực hiếu chiến đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Vượt qua nỗi đau và mở rộng lòng tha thứ, những năm qua, đúng ngày tưởng niệm vụ thảm sát, người dân Quảng Ngãi lại đón những cựu binh Mỹ đến địa phương để dâng hương 504 đồng bào”, ông Trí nói.
Cũng tại buổi lễ tưởng niệm, hàng nghìn người dân cùng du khách thực sự xúc động khi trải qua 5 hồi và 4 tiếng chuông do chính cựu binh Mỹ từng tham gia vụ thảm sát thực hiện.
Như thường lệ Mike Boehm- cựu binh Mỹ lại tấu khúc vĩ cầm dưới chân tượng đài để tưởng nhớ các nạn nhân.
Hàng trăm học sinh đến dự buổi tưởng niệm thảm sát Sơn Mỹ.
Là người may mắn sống sót trong vụ thảm sát, bà Phạm Thị Thuận (81 tuổi, trú xã Tịnh Khê) kể, sau Tết Mậu Thân năm 1968, quân đội Mỹ mở cuộc tấn công vào thôn Sơn Mỹ vì nghĩ rằng Tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đang ẩn náu tại đây.
“Khi không thấy các thành viên của Tiểu đoàn 48, lính Mỹ đã dồn người dân Sơn Mỹ và xả súng. Lúc ấy, tôi rất sợ và ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm cạnh thi thể của nhiều người.
Hơn 50 năm trôi qua, tôi chỉ mong các nước trên thế giới sẽ chung sống trong hòa bình và không còn cảnh chiến tranh tang tóc”, bà Thuận chia sẻ.
Thảm sát Gạc Ma 1988: Khúc bi tráng của người lính Hải quân
Hơn 30 năm ngày các chiến sĩ Gạc Ma hy sinh vì Tổ quốc, đồng đội luôn nhắc nhớ máu xương các anh đã đổ ... |
Kẻ thảm sát 3 người thân ở Sài Gòn nghi chém chết 1 phụ nữ ở Long An
23h, Công an TP.HCM cho biết nghi phạm sát hại 3 người ở Hóc Môn còn bị tình nghi liên quan đến cái chết của ... |
Ngày đăng: 21:44 | 16/03/2019
/ https://vtc.vn