Tham chiến ở Việt Nam rồi về nước năm 1971, ông Jim không hề biết mình có con gái 7 tháng sau ngày hồi hương.
Ông Jim Heintz nhập ngũ từ năm 18 tuổi theo truyền thống gia đình. Ông được đưa tới tham chiến tại Việt Nam từ tháng 8/1970, trong một trung đội với 11 người khác. Khi đó, chỉ huy thuê những người phụ nữ địa phương để làm quản gia, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Tại đây, ông Jim quen và thân thiết với cô gái Việt 18 tuổi tên Thanh.
"Khi ấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ ngây thơ, và đã có ngày cuối tuần bên cạnh nhau", ông Jim kể lại với yakimaherald (tạp chí tại thành phố Yakima, tiểu bang Washington). Sau đó, ông sớm được đưa trở lại Mỹ tháng 8/1971 mà không hề biết 7 tháng sau, Thanh đã sinh một bé gái, đặt tên là Linh.
Ông Jim trong thời gian tham chiến ở Việt Nam. Ảnh: Jim Heintz.
Để tránh điều tiếng từ hàng xóm, mẹ Thanh nói với mọi người rằng con gái nhặt được một em bé bị bỏ rơi và mang về nuôi. Thanh không may qua đời năm 22 tuổi, cô bé tên Linh lớn lên trong vòng tay của bà, và luôn đinh ninh rằng mình được mẹ nhặt về.
Sau đó, Linh yêu và lập gia đình với một người hàng xóm, sinh ra bé gái tên Nhu. Lúc này cô mới bắt đầu tìm kiếm thông tin về cha mẹ ruột. Chồng của Linh, đã giúp vợ lần mò các manh mối nhưng không có bất cứ thông tin gì, không ở đâu lưu lại hồ sơ hay chứng nhận nào về việc cô được nhận nuôi. Cả hai bắt đầu nghi ngờ về nguồn gốc của Linh.
Sau nhiều năm giấu kín, bà của Linh cũng thừa nhận sự thật. Cô lúc này mới đăng thông tin ADN trên một web tìm người thân thông qua sự giúp đỡ của tổ chức phi lợi nhuận Amerasians Without Borders.
Nhiều năm trôi qua cô vẫn không có bất kỳ tin tức nào. Mãi cho tới tháng 9/2017, Mikal, con gái của ông Jim Heintz cũng đăng những thông tin về ADN của gia đình mình lên trên mạng, cô bất ngờ phát hiện ra có một người chị cùng cha khác mẹ ở Việt Nam.
Ông Jim đoàn tụ với con gái Linh (hàng trên) sau 45 năm. Ảnh: Jim Heintz.
Ông Jim đã có 3 cô con gái trước khi kết hôn với người vợ Jeri, cũng có 2 người con gái riêng. Họ có tất cả 13 đứa cháu và 5 chắt. Khi biết chuyện, cả gia đình ông đã kết nối với Linh và đều ủng hộ họ đoàn tụ.
Ông Jim nói rằng ông rất muốn biết về Linh và gia đình con gái, nhưng chưa bao giờ muốn trở lại Việt Nam. Nhưng những lời của Nhu, cháu gái người Việt, đã khiến ông thay đổi suy nghĩ.
"Nhu nói với tôi rằng mẹ cháu chỉ ước tôi có thể về thăm, để mẹ chứng minh với mọi người rằng mẹ không chỉ có một mình và cũng có gia đình như bao người khác. Tôi biết rằng tôi sẽ phải đi, quay trở lại Việt Nam một lần", ông Jim nói.
Jim Heintz khi đó thừa nhận rằng ông rất lo lắng về việc trở lại một đất nước ông từng tham chiến, nhưng những lời trấn an từ Nhu, cô bé 17 tuổi, nói tiếng Anh trôi chảy, đã thuyết phục ông rằng mọi thứ đã qua và người Mỹ sẽ được chấp nhận.
Hai cha con ông Jim trong ngày hội "Ngày của cha" tại Mỹ năm 2018. Ảnh: Jim Heintz.
Cuối cùng, họ cũng được đoàn tụ bên nhau. Tuần đầu tiên tháng 6/2018, vợ chồng ông Jim đã đón Linh và gia đình cô sang Los Angeles, và cùng chung sống trong một mái nhà.
"Chúng tôi luôn ước có một đứa con chung, và giờ điều đó dường như trở thành hiện thực", bà Jeri nói.
Mộc Miên
Cựu binh Mỹ trở về, ôm cựu thù như những người bạn cũ
Gặp lại những người từng ở bên kia chiến tuyến, các cựu binh Mỹ vui vẻ trò chuyện dù không hiểu tiếng, cùng nhau làm ... |
Nỗi ám ảnh 4 thập kỷ của một cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt nam
Có một người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và sống sót trở về. Trong suốt chừng ấy năm trời, người lính Mỹ ... |
Ngày đăng: 08:52 | 18/02/2019
/