Bão dữ đi qua để lại quá nhiều mất mát, nhưng cũng từ trong khổ đau mất mát đó, có những chuyện thấm đẫm tình người, và cả những chuyện như kỳ tích trong cổ tích.

Cơn bão qua, người dân sống ở các đảo trong vịnh Vân Phong được đưa về đất liền... (Ảnh: Trí thức trẻ)

Một nhóm thanh niên 8 người, sử dụng ca nô lao ra vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) để cứu những người nuôi hải sản. Dẫn đầu là anh Nguyễn Bá Luân - Giám đốc một Cty du lịch ở địa phương, cùng 7 nhân viên và bạn bè của anh.

Những chiếc bè cá bị sóng gió đánh tan tác, ngư dân bám lấy thùng phi và các vật liệu nổi khác để mong sống sót. Bà con tiếc công tiếc của nên ở lại trên bè để cố chống chọi với cơn bão, cứu được bè nào thì cũng đỡ thiệt hại. Nhưng bão quá lớn ngoài sự hình dung của bà con, nên có nhiều người gặp nạn, rơi xuống biển. Nhận thấy tình hình đó, anh Luân đã dũng cảm ra biển cứu người.

Giữa biển khơi với bão tố cuồng phong, dám lái ca nô để đi tìm từng người bị nạn để chở vào bờ, việc này không mấy ai làm được. Không phải một lần, mà nhiều lượt vào ra như vậy, cứu được khoảng 200 người, anh Luân và các bạn của anh đã làm một việc công đức to lớn hơn xây vạn ngôi chùa.

Ở đời, thường hiệp sĩ chẳng cần kể công, coi việc cứu người nhẹ như không. Anh Nguyễn Bá Luân không cho phóng viên chụp ảnh mình và nói rằng chuyện đó bình thường: “Việc cứu người, tôi tin chắc là ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như vậy thôi, tôi không muốn nổi tiếng, không muốn chụp hình”. Các bạn của anh cũng vậy, ngang tàng khí khái, làm xong việc nghĩa là quên. Họ không muốn bà con coi mình là anh hùng, chuyện cứu người là đương nhiên.

Thấy người gặp nạn là cứu, không sợ nguy hiểm, đó là điều không mấy ai làm được. Bởi vì trước cái sống và chết, đa số chỉ lựa chọn sự an toàn cho bản thân trước, các anh đã làm điều ngược lại, bà con biết ơn, coi họ như những người hùng. Họ xứng đáng được ghi nhận như vậy cho dù tự trong lòng họ không mong được tôn vinh.

Anh Nguyễn Bá Luân và các bạn của anh đã làm một việc rất đẹp, cho nên dù các anh không đồng ý ghi hình ảnh thì phóng viên cũng phải kể lại câu chuyện này, để cuộc sống đẹp hơn, con người có niềm tin vào nhau hơn.

Và các anh viết ra một bài học cho cuộc đời, cho nhiều người khác, đó là bài học về tinh thần nghĩa hiệp, thấy sự bất bằng là ra tay, gặp người lâm nạn là giúp đỡ. Tinh thần nghĩa hiệp đó quá khan hiếm vào lúc này.

Cứu sống 71 thuyền viên trên 7 tàu hàng chìm ở biển Quy Nhơn

Bão số 12 càn quét vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) gây sóng lớn, nhấn chìm sáu tàu chở hàng, hất văng hàng chục thuyền ...

Cứu thuyền viên bị tai nạn ở Hoàng Sa

Trưa 28-10, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) đã đưa một ngư dân ...

http://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cuu-200-nguoi-trong-bao-bien-574573.ldo

Ngày đăng: 08:30 | 07/11/2017

/ Lê Thanh Phong/daidoanket.vn