Dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất nhập nhiều nguyên liệu, thực phẩm để sản xuất các loại thực phẩm chế biến sẵn, cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng và ăn uống cũng tăng cao khiến "thực phẩm bẩn" được đưa đi tiêu thụ và rao bán tràn lan trên thị trường.
Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt lợn bệnh, cá chết
Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm như gà, lợn để đưa ra thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, năm 2023 đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Các vụ việc phát hiện trên cả nước. Tiêu biểu như tại Lào Cai, Đội tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai vừa phát hiện và bắt giữ khoảng 1 tấn cá tầm nhập lậu từ bên kia biên giới về Việt Nam.
Theo đó, đội tuần tra tiến hành kiểm tra phía dưới bờ sông biên giới, tại khu vực cách Mốc 100 khoảng 150m về phía hạ lưu sông Hồng phát hiện 2 thuyền phao lắp động cơ điện có khoảng 20 bao tải, bên trong mỗi bao đều là hộp xốp có túi đựng cá tầm đã chết. Tổng khối lượng cá tầm khoảng 1 tấn. Đội tuần tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, đưa 3 đối tượng có liên quan cùng toàn bộ số hàng hóa và thuyền phao về Đồn Biên phòng để xác minh, điều tra làm rõ.
Tại Đồn Biên phòng, danh tính các đối tượng được làm rõ, gồm: Nguyễn Thanh Huyền (ở tỉnh Yên Bái), Đỗ Văn Tuân và Trần Văn Quýnh (ở tỉnh Lào Cai). Các đối tượng khai nhận, vận chuyển thuê số cá chết này cho một người đàn ông với giá 5 triệu đồng.
Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, Tổ tuần tra đặc biệt 171 Công an huyện Bàu Bàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời hai vụ vận chuyển thịt lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đi tiêu thụ. Cụ thể, khoảng 21h ngày 22/12, Tổ tuần tra 171 thực hiện nhiệm vụ tại đường Cây Trường 64, thuộc xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng thì phát hiện xe ôtô tải BKS 61C-524.76 do tài xế T.V.T (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hoá) điều khiển. Tổ tuần tra phát hiện trên xe đang vận chuyển khoảng 20 con lợn đã chết, bốc mùi hôi thối đang đi tiêu thụ.
Tới khoảng 23h50 cùng ngày, tại đường Lai Uyên 45 thuộc thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, lực lượng tuần tra Công an huyện tiếp tục phát hiện xe ôtô tải BKS 61E-012.70 do tài xế Đ.T.C (SN 1977, hộ khẩu thường trú tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) điều khiển. Kiểm tra phương tiện, tổ tuần tra phát hiện trên xe này đang vận chuyển khoảng 1,5 tấn thịt, nội tạng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ bốc mùi hôi thối. Lái xe thừa nhận, số hàng hoá trên đang được mang ra thị trường để tiêu thụ.
Trước đó, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Hà Nam) phối hợp với Đội 4 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hà Nam cũng kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tình (SN 1962) làm chủ, địa chỉ tại tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, phát hiện 1.300kg nội tạng lợn (lòng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng cũng vừa kiểm tra, phát hiện kho hàng chứa một lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: Trứng gà non đông lạnh, kê gà đông lạnh, dế mèn đông lạnh, đậu viên thả lẩu, khoai lang sấy, chân gà đông lạnh, xương cá hồi, thịt trâu khô, ốc đông lạnh, cá biển đông lạnh… có hiện tượng chảy nước, bốc mùi hôi thối.
Tăng cường kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng
Những vụ việc lực lượng chức năng phát hiện, xử lý dường như chỉ như "muối bỏ bể". Đặc biệt, cuối năm là dịp các cơ sở sản xuất nhập nhiều nguyên liệu, thực phẩm để sản xuất các loại thực phẩm chế biến sẵn như: Xúc xích, giò chả… Bên cạnh đó, nhu cầu liên hoan, ăn uống cuối năm cũng tăng cao khiến thực phẩm không đảm bảo chất lượng có cơ hội "đổ bộ" thị trường.
Theo bác sĩ Cao Văn Trung, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học diễn biến rất phức tạp. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.
"Tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm có đến 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Trên 70% nông dân vẫn sống bằng nông nghiệp và người dân nhiều nơi vẫn còn tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm. Do điều kiện kinh tế còn thấp nên người dân vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra", ông Trung cho biết.
Các chuyên gia thực phẩm cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; nên chọn mua hàng hóa của các nhà sản xuất uy tín và tại các điểm bán uy tín để được đảm bảo quyền lợi.
Tại Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 do Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ký ban hành, việc thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, từ ngày 20/12/2023 đến 15/3/2024, năm đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội. Năm đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
https://cand.com.vn/Thi-truong/cuoi-nam-cang-lo-vi-thuc-pham-ban-i718337/
Ngày đăng: 08:46 | 26/12/2023
Lưu Hiệp / CAND