Theo chuyên gia, cước vận tải biển tăng cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thậm chí gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp có nguy cơ khó trụ

Phân tích về mối nguy có thể xảy ra nếu cước vận tải biển tiếp tục phi mã trong thời gian dài, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cho hay: “Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế, xuất, nhập khẩu rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ giao thương với nhiều đối tác ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế, việc cước vận tải biển hay chi phí logistics tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Ngoài ra, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chi phí hàng hóa bị đội lên tùy thuộc vào từng thị trường điểm đến, trong khi hợp đồng đã được ký kết từ trước đó dẫn đến việc bán được hàng thì cũng thua mà không bán hàng theo cam kết thì không giữ được khách hàng".

Cũng theo ông Thành, cước vận tải biển tăng lâu dài chắc chắn sẽ bị "đổ" vào giá hàng hóa, vì đó là một phần chi phí đầu vào bị đội lên. Mà hàng hóa đắt lên sẽ dẫn đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường xuất khẩu bị giảm sút. Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, cước vận tải biển tăng cũng khiến nguyên liệu nhập về cao, đẩy giá sản phẩm sau khi chế biến tăng theo. Nếu diễn ra trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến lạm phát vì đó là hiệu ứng domino, tác động đến nhiều ngành hàng, lĩnh vực. 

Cước vận tải biển tăng nhiều, tăng lâu khiến doanh nghiệp có nguy cơ khó trụ. (Ảnh: T.T)

Cước vận tải biển tăng nhiều, tăng lâu khiến doanh nghiệp có nguy cơ khó trụ. (Ảnh: T.T)

Ông Thành nhận định, hiện nay ngành logistics của Việt Nam rất yếu. 95% lượng hàng xuất khẩu là dựa vào đội tàu nước ngoài. Trong nước chỉ đến trên đầu ngón tay một vài doanh nghiệp vận tải biển lớn. Do đó, về dài hạn logistics vận tải biển cần được quan tâm phát triển để phục vụ đủ nhu cầu của doanh nghiệp nội địa.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc cước vận tải biển tăng cao thời gian qua đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, chi phí logistic đội lên sẽ được tính trực tiếp vào giá thành của hàng hóa xuất khẩu, làm mất đi tính cạnh tranh của hàng hóa, gây bất lợi trên thị trường. Đáng nói là với mức giá cao, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó lòng tìm kiếm thị trường mới để mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Việc giá hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các đối thủ. Nếu kéo dài, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu do không đáp ứng được yêu cầu về giá cả và thời gian giao hàng.

Ngoài ra, việc cước vận tải biển tăng sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực thanh toán lớn, có thể lâm tình trạng thiếu hụt vốn lưu động. Do dòng tiền bị thu hẹp, doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ”, ông Thịnh nói.

Về nhập khẩu, chi phí nguyên vật liệu cũng bị đội lên do cước logistic tăng, có thể dẫn đến doanh nghiệp buộc phải sản xuất cầm chừng vì không có vốn nhập thêm nguyên liệu, dẫn đến quá trình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và cả sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

“Khi cước vận tải biển tăng, giá thành của nguyên vật liệu nhập khẩu cũng tăng, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Ngoài cước vận tải, các chi phí liên quan đến logistics như phí bốc xếp, bảo hiểm hàng hóa cũng leo cao, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp. Các chi phí đều tăng cao, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ”, ông Thịnh phân tích.

Chồng chất bất lợi

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng nhận định, khi giá cước vận tải biển tăng mạnh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ có 4 con đường, một là tăng giá sản phẩm, hai là giảm lợi nhuận, ba là cắt giảm các chi phí khác và cuối cùng là phương án không ai mong muốn, doanh nghiệp có thể phá sản nếu không chống chọi nổi.

“Trong 4 con đường trên, đường nào cũng bất lợi với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của cả thế giới, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể chấp nhận cuộc chơi mà không có cách nào ứng phó được”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia, để ứng phó với cước vận tải biển tăng cao, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm tối đa các chi phí khác cho doanh nghiệp, nhằm bù đắp vào phí vận tải quá cao mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu quan điểm: “Cước vận tải biển ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là cước vận tải đi các nước mà chúng ta chưa ký hiệp định thương mại (FTA). Thông thường những nước này sẽ đánh thuế dựa trên giá hàng và cước vận tải. Cước vận tải cao cũng góp phần đẩy thuế phải nộp tăng lên.

Còn đối với các nước chúng ta đã ký FTA, dù thuế không tăng nhưng cước vận tải tăng lại khiến giá thành sản phẩm tăng, hệ lụy nhìn thấy rõ nhất và ngay lập tức đó là làm giảm sức mua của thị trường với hàng Việt Nam".

Trong khi đó, ông Trương Quốc Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam khuyến cáo, tình trạng cước vận tải biển tăng "phi mã" là cơ hội để một số hãng tàu "té nước theo mưa" nhằm trục lợi.

Họ đóng rất nhiều tàu. Nhưng khi tình hình khó khăn thì họ lại rút bớt tàu đi gây nên khan hiếm. Điều này buộc doanh nghiệp khi cần xuất, nhập khẩu đúng hạn phải dễ dàng chấp nhận giá cước cao. Ngoài ra, tình hình căng thẳng hiện nay do nguồn cầu nhiều còn nguồn cung khan hiếm sẽ khiến việc thỏa thuận và trao đổi với các hãng tàu để cùng “chia sẻ” khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu là rất khó, gần như là bất khả thi”, ông Hòe nói.

Cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp một là tăng giá sản phẩm, hai là giảm lợi nhuận, ba là cắt giảm các chi phí khác và cuối cùng là phương án không ai mong muốn, doanh nghiệp có thể phá sản nếu không chống chọi nổi. (Ảnh minh họa: Vietstock)
 

Cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp một là tăng giá sản phẩm, hai là giảm lợi nhuận, ba là cắt giảm các chi phí khác và cuối cùng là phương án không ai mong muốn, doanh nghiệp có thể phá sản nếu không chống chọi nổi. (Ảnh minh họa: Vietstock)

Một thuyền trưởng trong đội tàu PVT Mercury xác nhận, do lộ trình thay đổi nên cước vận tải biển tăng gấp nhiều lần. “Những bất ổn ở Biển Đỏ khiến lộ trình vận tải biển phải thay đổi. Đối với những tuyến vận chuyển có lộ trình qua vùng này, tàu sẽ phải chạy vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm 13-15 ngày, khiến chi phí đội vận chuyển đội lên.

Nếu khách hàng vẫn muốn lộ trình qua Biển Đỏ để tiết kiệm thời gian, một số ít đội tàu vẫn chấp nhận nhưng thủy thủ đoàn chắc chắn sẽ đòi hỏi một mức giá cao hơn rất nhiều trước lộ trình nguy hiểm đó", vị này nói.

https://vtcnews.vn/cuoc-van-tai-bien-thoi-bay-loi-nhuan-nhieu-he-luy-khon-luong-cho-doanh-nghiep-ar886850.html

Ngày đăng: 08:50 | 14/08/2024

PV / VTC News