Mỹ cho phép tử hình những kẻ phạm trọng tội, cần phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên thi hành bản án tử như thế nào lại là một câu chuyện khác, đã gây nhiều tranh cãi tại đất nước này.

cuoc tranh cai bat tan cua nguoi my ve cach thi hanh an tu hinh

Ít nhất một bang Mỹ vẫn giữ lựa chọn việc thi hành án tử hình bằng xử bắn.

Những sự cố kinh hoàng

Ngày 9.1.2014, tử tù Michael Lee Wilson, 38 tuổi, được buộc vào một chiếc cáng rồi đưa vào trong phòng thi hành án tại nhà tù ở quận Clark, Oklahoma. Trước đó, Wilson được cho ăn bữa cuối gồm một chiếc bánh pizza, một quả lựu và một thanh kẹo.

Tinh thần Wilson khá ổn định, những lời cuối anh ta thốt ra là: “Tôi yêu mọi người. Tôi yêu thế giới. Hãy yêu các con gái hộ tôi. Cha sẽ luôn nhớ các con”. Nhưng khoảng 20 giây sau khi các loại thuốc độc bắt đầu được truyền vào cơ thể, Wilson khẽ nói vào chiếc micro đặt ngay trên đầu anh ta: “Tôi thấy cơ thể mình như đang bốc cháy”.

Wilson chết, nhưng câu nói đó của anh ta đã gây tác động rất lớn. Nó nằm trong một tập hợp các lời khai của đủ loại nhân chứng, đã khiến tiến trình xử tử bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ phải bị hoãn thi hành trong một thời gian. Và đó không phải là lần đầu tiên người Mỹ gặp vấn đề trong việc thi hành án tử hình.

Cho tới những năm 1980, ghế điện vẫn là phương thức hành quyết phổ biến ở Mỹ. Trong phương thức tử hình bằng ghế điện, các điện cực được gắn vào vùng đầu và chân của phạm nhân. Sau đó, một dòng điện với hiệu điện thế hơn 2.000 volt sẽ chạy qua cơ thể phạm nhân trong vòng 15 giây.

Nhưng ghế điện đã gặp sự cố ngay từ lần đầu tiên người ta sử dụng nó, vào năm 1890 ở New York với William Kemmler - một người bán rau đã dùng lưỡi hái giết chết bạn gái. Trong ngày thi hành án, Kemmler được buộc chặt vào chiếc ghế điện. Khi dòng điện chạy qua, cơ thể Kemmler hơi co lại và chứng kiến điều đó, viên bác sĩ có mặt trong buổi thi hành án lập tức tuyên bố anh ta đã chết.

Nhận định này hóa ra đã sai bét. “Chúa ơi”, một nhân chứng thốt lên, “anh ta còn sống”. “Bật điện lại đi”, người khác hét lớn. Kemmler, lúc này đã bất tỉnh nhưng vẫn còn thở, đã phải nhận một dòng điện thứ hai. Theo một bài viết của tờ New York Times về cuộc hành quyết, máu bắt đầu tràn ra từ mũi Kemmler và chảy tràn xuống chiếc ghế điện. Một viên bác sĩ pháp y chứng kiến buổi hành quyết nói với tờ báo sau đó rằng ông “thà chứng kiến 10 vụ treo cổ còn hơn phải nhìn một vụ như thế này”.

Năm 1946, ghế điện đã không thể giết chết tử tù Willie Francis. Anh ta đã hét lớn: “Bỏ thứ này ra! Hãy để tôi thở!” khi dòng điện chạy qua cơ thể. Cuộc điều tra sau này cho thấy nguyên nhân do chiếc ghế điện đã không được lắp đặt đúng cách. Nhân vật chịu trách nhiệm lắp ghế là một cai ngục, đã say rượu khi làm việc. Francis bị đưa trở lại ghế điện lần thứ hai vào năm 1947 và lần này thì chết hẳn.

Các vụ hành quyết bằng ghế điện gây tai tiếng diễn ra với tần suất khá lớn, với hai vụ ở Alabama, 3 vụ ở Florida, 3 vụ ở Virginia, 1 vụ tại Georgia và 1 ở Indiana. Trong trường hợp ở Florida, diễn ra vào năm 1999, tử tù Allen Lee Davis đã phụt máu mũi khi dòng điện chạy qua cơ thể. Bức ảnh chụp gương mặt Davis tím bầm, đôi mắt nhắm chặt với những nếp nhăn giống như anh ta phải chịu sự đau đớn khủng khiếp và máu từ mũi tràn xuống bộ quần áo tù đã gây sốc cho không ít người khi nó được tung lên mạng Internet. Trước đó 2 năm, vụ hành quyết Pedro Medina, cũng tại Florida, gây tranh cãi khi phần đầu của phạm nhân bốc cháy lúc dòng điện chạy vào. Các sự cố này khiến Florida chia tay với ghế điện.

Năm 1924, nhằm mang tới sự lựa chọn mới tốt hơn việc xử tử bằng ghế điện, người Mỹ đã áp dụng phương pháp hành quyết bằng hơi ngạt. Nhưng nó cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Năm 1983, tử tù Jimmy Lee Gray bị hành quyết tại bang Mississippi và các báo cáo nói rằng khi Gray bắt đầu hít hơi độc, gã đã giãy giụa điên cuồng, đập đầu vào một thanh kim loại nằm phía sau chiếc ghế mà người ta trói gã vào, cho tới khi bất tỉnh. Năm 1996, một ủy ban gồm nhiều thẩm phán ở California (nơi phòng hơi ngạt được sử dụng từ năm 1933) ra phán quyết rằng phương pháp trừng phạt này “tàn nhẫn và bất thường.”

Nhưng mỗi bang Mỹ vẫn có quyền tự định đoạt các luật lệ nhất định nằm trong bang mình nên phòng hơi ngạt đang tồn tại ở 3 bang là Arizona, Missouri và Wyoming. Nhiều bang Mỹ vẫn giữ ghế điện và vụ hành quyết bằng ghế điện gần đây nhất diễn ra ở Virginia vào tháng 1.2013. Trong khi đó, treo cổ còn tồn tại ở Delaware, New Hampshire và Washington còn Oklahoma vẫn giữ lựa chọn thi hành án tử hình bằng đội xử bắn.

Phương pháp xử tử “đẹp đẽ nhất”

Năm 1977, trong nỗ lực khiến việc thi hành án tử hình trở nên dễ dàng, ít tranh cãi hơn, Jay Chapman, chuyên viên y tế của bang Oklahoma, đã đề xuất việc sử dụng một hỗn hợp gồm 3 loại thuốc khác nhau. Hỗn hợp này gồm sodium thiopental, một chất gây mê sẽ khiến phạm nhân rơi vào giấc ngủ; chất gây giãn cơ pancuronium bromide và chất potassium chloride để khiến tim ngừng đập. Các loại thuốc này được tiêm vào cơ thể tử tù theo 3 giai đoạn.

Các chuyên gia về dược nói rằng loại thuốc thứ hai có trong hỗn hợp ba thuốc độc, chất pancuronium bromide, dường như chẳng phục vụ mục đích nào khác ngoài việc khiến cơ thể tử tù không nhúc nhích. Như thế, người ta có thể chứng kiến cái chết của anh ta một cách thoải mái hơn. Một chuyên gia thậm chí đã nói với phóng viên trang tin GQ: “Việc thêm thứ thuốc đó chỉ để khiến cái chết trông đẹp đẽ hơn mà thôi”.

Texas, nơi chịu tai tiếng hành quyết nhiều người nhất, trở thành bang đầu tiên ở Mỹ xử tử phạm nhân bằng phương thức do Chapman tạo ra. Nhân vật đầu tiên nếm mùi thuốc độc là Charles Brooks Jr, trong cuộc thi hành án diễn ra năm 1982. Theo một tờ báo địa phương, khi việc tiêm thuốc bắt đầu, Brooks đã nhắm mắt. Sau đó anh ta bắt đầu thở khò khè, giống như không thể hít được dưỡng khí vào cơ thể. 7 phút sau thời điểm này, anh ta mới được tuyên bố đã chết.

Sau cuộc hành quyết này, gần như mọi bang Mỹ đều lựa chọn tiêm thuốc độc là phương thức thi hành án tử hình chủ đạo, bởi thấy những đặc điểm ưu việt của nó. Nhưng như thế không có nghĩa tiêm thuốc độc chẳng gây ra điều tiếng gì.

Năm 2005, tại Delaware, đường truyền tĩnh mạch chính gắn vào tay tử tù Brian Steckel bị nghẹt, khiến thuốc gây mê không thể đi vào cơ thể anh ta. Tuy nhiên do không kiểm tra kỹ, đội thi hành án tiếp tục bơm chất pancuronium bromide vào trong mạch máu của tử tù. Hậu quả là Steckel bắt đầu co giật dữ dội trước khi chết hẳn.

Những tranh cãi lớn nhất hiện nằm quanh tác động mà các loại thuốc độc gây ra trên cơ thể tử tù. Liệu chúng có giúp họ nhận một cái chết nhân đạo và không đau đớn, hay câu chuyện hoàn toàn ngược lại? Một ví dụ điển hình là vụ hành quyết tử tù Robyn Parks vào năm 1992, tại Oklahoma. Lần đó, Parks đã có phản ứng dữ dội với các loại thuốc, khiến cơ bắp ở hàm, cổ và bụng anh ta đột nhiên co cứng mạnh. Trước mắt các nhân chứng, Parks đã há miệng ngáp ngáp như bị ai đó bóp cổ, cho tới khi tử vong.

Còn trong năm 2007, do trọng lượng cơ thể lớn, phải mất một giờ rưỡi đội thi hành án ở bang Ohio mới gắn được ống truyền tĩnh mạch lên tay tử tù Christopher Newton. Thời gian chuẩn bị kéo dài quá lâu, tới mức Newton còn được cho phép đi vệ sinh một lần. Khi bị bơm thuốc độc, Newton con người lên rồi co giật, miệng anh ta méo lại. Phải mất 16 phút Newton mới chết hẳn, sau khi thể hiện những phản ứng cho thấy anh ta đã rất đau đớn.

Phóng viên trang tin GQ tìm hiểu và thấy rằng từ năm 2003, nhà chức trách bang Texas đã cấm các bác sĩ thú y sử dụng chất pancuronium bromide để gây mê cho động vật. 18 bang khác cũng có động thái tương tự. Jim Marcus, một chuyên gia về thuốc ở Texas, cho biết rằng loại thuốc này khiến phạm nhân bị tiêm thuốc liệt cơ tạm thời, nhưng vẫn duy trì được cảm giác.

Trong tình huống liều thuốc mê không có tác dụng, anh ta sẽ phải nhận một cái chết chậm, đau đớn vì ngạt thở. Còn theo các chuyên gia, trong y học sodium thiopental ngày càng ít được ưa chuộng. Thay vì thế, người ta dùng chất propofol, vốn hiệu quả hơn và giúp bệnh nhân phục hồi mau lẹ hơn.

Cho tới trước 2009, các loại thuốc phục vụ việc tiêm thuốc độc vẫn được bán khá thoải mái vào thị trường Mỹ. Nhưng năm đó Hospira, công ty duy nhất sản xuất sodium thiopental, gặp vấn đề liên quan tới nhà máy đặt ở North Carolina. Đột nhiên nguồn cung sodium thiopental trở nên khan hiếm. Hoạt động nhập khẩu thuốc thay thế không dễ dàng, bởi lo ngại ảnh hưởng danh tiếng và áp lực từ các nhóm nhân quyền, chống tử hình nên các công ty dược ở nước ngoài từ chối hợp tác với chính quyền Mỹ.

Điều này khiến các nhà tù Mỹ phải nghĩ cách thay đổi loại thuốc được dùng cho tiêm thuốc độc. Đó là trường hợp của Ohio, khi cạn kiệt chất sodium thiopental, bang này đã dùng một liều pentobarbital duy nhất. Pentobarbital hoạt động khá giống như sodium thiopental, có tác dụng an thần, với một lượng nhất định sẽ giúp người ta giảm bớt sự phấn khích hay lo lắng và đi vào giấc ngủ.

Pentobarbital giết người theo hai cách khách nhau: Với các tử tù cao tuổi hoặc có thể trạng yếu, một liều pentobarbital đủ lớn sẽ khiến mạch máu của họ giãn ra, tim đập nhanh hơn, tới mức gây ra một cơn đau tim. Với người trẻ, khỏe có trái tim chịu được tác động tim mạch của pentobarbital, thuốc sẽ khiến họ ngưng thở. Và khi ai đó ngưng thở trong 5 phút, họ sẽ bị chết não, trước khi chết ngạt do cơ thể cạn kiệt ô xy.

Lundbeck, một công ty dược Đan Mạch, hiện là nơi nắm giấy phép duy nhất để sản xuất chất pentobarbital, còn được gọi là nembutal tại Mỹ. Tuy nhiên vào năm 2011, trước sức ép của các nhóm nhân quyền, công ty đã phải ngừng việc bán thuốc cho các bang Mỹ thi hành án tử hình bằng loại thuốc này.

Tháng 10.2013, nhằm tránh sức ép của các nhóm nhân quyền và luật sư bảo vệ tử tù, chống lại việc sử dụng hỗn hợp thuốc độc truyền thống, Florida quyết định thử một loại hỗn hợp thuốc mới, có thành phần midazolam. Thuốc này vốn được các bác sĩ dùng để chữa hiện tượng co giật và mất ngủ, hoặc giúp bệnh nhân bình tĩnh trước khi được phẫu thuật.

Florida định dùng thuốc này trước trong hỗn hợp 3 loại thuốc độc, theo sau là pancuronium bromide và potassium chloride. Khi bang thi hành án với kẻ giết người William Happ hồi tháng 10.2013, các nhân chứng mô tả Happ đã liên tục gật đầu khi thuốc chạy vào mạch máu. 2 phút sau, gã mở mắt rồi ngáp trước khi môi dưới trề xuống và không ngậm miệng lại nổi. Các luật sư đại diện cho 7 tử tù ở Florida hiện đang thách thức tính hợp pháp của thuốc mới.

Để chống lại sự cản trở, một số bang chuyển qua các công ty bào chế dược nhằm có loại thuốc họ cần. Tuy nhiên những người phê bình nói rằng do thuốc độc bào chế không chịu sự quản lý của FDA, thời hạn sử dụng của nó có thể ngắn hơn và công dụng của nó cũng là dấu hỏi lớn. Ngoài ra còn phải kể tới việc thuốc bào chế không được bảo quản đúng cách hoặc gây các tác dụng phụ với cơ thể của tử tù. Theo một số chuyên gia, pentobarbital bào chế có thể gây cảm giác bỏng cháy hoặc đau đớn dữ dội khi tiêm vào một số người mẫn cảm với thành phần của thuốc.

Tiêm thuốc vẫn là lựa chọn tốt nhất

Để giải quyết bế tắc, một số bang Mỹ đã tính tới việc áp dụng trở lại các phương thức hành quyết trước đây. Chris Koster, tổng chưởng lý bang Missouri, gợi ý rằng bang này nên quay trở lại dùng phòng hơi ngạt. Dustin McDaniel, tổng chưởng lý bang Arkansas, muốn dùng ghế điện. Còn ở Wyoming, Thượng nghị sĩ Bruce Burns thậm chí còn đề nghị áp dụng lại việc xử bắn. “Thẳng thắn mà nói, tôi xem phòng hơi ngạt là lựa chọn tàn nhẫn và bất thường”, Burns nói với hãng tin AP, “Vì thế tôi nghiêng về lựa chọn đội xử bắn, bởi ở Utah người ta vẫn bỏ ngỏ việc sử dụng phương pháp này”.

Nhưng những bang khác vẫn tiếp tục lựa chọn việc tiêm thuốc độc, bất chấp nguy cơ họ sẽ đối diện với tranh cãi mới khi sử dụng các hỗn hợp thuốc lạ. Tới nay người Mỹ vẫn chưa quên về điều gì đã xảy ra vào ngày 16.1.2014, thời điểm tử tù Dennis McGuire bị thi hành án tử hình. Thay vì dùng thuốc pentobarbital do một công ty dược Mỹ bào chế, bang lại sử dụng một hỗn hợp thuốc mới, gồm chất midazolam gây mê và chất hydromorphone để kết thúc cuộc sống của anh ta. Hỗn hợp thuốc này chưa qua thử nghiệm và các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo việc sử dụng nó. Nhưng bang Ohio phớt lờ.

Các nhân chứng nói rằng phải mất 26 phút kể từ khi tiêm thuốc, McGuire mới chết - một kỷ lục không lấy gì làm tự hào của bang. “Cha tôi bắt đầu há miệng, cố hít lấy dưỡng khí”, con trai của McGuire nói trong cuộc họp báo sau vụ hành quyết. “Tôi thấy người ông ấy căng lên, thấy ông cố ngồi dậy, nhưng bị dây chằng trên chiếc cáng giữ lại. Tôi thấy ông liên tục nắm chặt bàn tay. Rõ ràng là ông đang vật lộn với việc bị nghẹt thở dần dần. Cảm giác đau đớn và kinh hoàng đó kéo dài hơn 19 phút”.

Theo các chuyên gia, McGuire đã không hề hôn mê sau khi được tiêm thuốc midazolam. Vậy là ông ta vẫn nhận thức được việc mình đang dần chết vì ngạt thở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hỗn hợp thuốc mà bang Ohio sử dụng là một thảm họa.

Tuy nhiên vào tháng 4.2014, chính quyền bang Oklahoma vẫn quyết định sử dụng midazolam trong một hỗn hợp thuốc mới để hành quyết hai tử tù là Clayton Lockett và Charles Warner. Midazolam sẽ được tiêm trước, để đảm bảo tử tù hôn mê, theo sau đó là hai thuốc vecuronium bromide và potassium chloride để gây ngưng thở, ngưng tim.

Vào lúc 6 giờ 23 chiều ngày 29.4.2014, đại diện báo chí được mời vào phòng xử án đã chứng kiến cảnh Lockett được tiêm 50mg vào mỗi một bên cánh tay. 8 phút sau, một viên bác sĩ kiểm tra và thấy rằng Lockett vẫn chưa hôn mê.

Theo Ziva Branstetter, một nhà báo chứng kiến màn hành quyết, 13 phút sau khi được tiêm thuốc Lockett bắt đầu giẫy giụa chân, nghiêng đầu sang một bên và lẩm bẩm thứ gì đó. Cơ thể anh ta cũng bắt đầu vặn vẹo trên chiếc cáng. 2 phút tiếp theo, anh ta nhăn mặt, nhấc thân trên lên khỏi chiếc cáng rồi vặn đầu sang trái rồi sang phải liên tục. Thấy tình hình không ổn, đội thi hành án đã kéo rèm che phòng tiêm thuốc và mời các nhân chứng rời đi.

Cuối ngày hôm đó, chính quyền bang nói rằng 43 phút sau khi được tiêm thuốc midazolam, Lockett đã chết vì ngưng tim. Không ngạc nhiên khi vụ hành quyết Charles Warner bị trì hoãn sau sự cố của Lockett (tử tù này bị thi hành án 1 năm sau đó). Tuy nhiên vụ hành quyết vụng về Lockett đã trở thành sự kiện quốc tế. Thậm chí Nhà Trắng còn lên tiếng cho rằng vụ hành quyết này “thiếu các tiêu chuẩn nhân đạo”.

Để xoa dịu dư luận Thống đốc Oklahoma Marry Fallin đã tuyên bố mở cuộc điều tra. Tuy nhiên bà vẫn bảo vệ quyết định tiến hành vụ xử tử. “Phạm nhân Lockett đã có thời gian làm rõ tội trạng trước tòa án. Tôi tin rằng tiến trình pháp lý đã diễn ra bình thường”, bà nói. “Tôi cũng tin án tử hình là sự phản ứng, là hình phạt phù hợp dành cho phạm nhân”.

cuoc tranh cai bat tan cua nguoi my ve cach thi hanh an tu hinh

Mỹ thiếu thuốc tiêm tử hình: Khi các tập đoàn sợ mất hình ảnh

Là nơi phát minh ra hình thức tử hình bằng tiêm thuốc nhưng Mỹ lại gặp khó khăn trong việc sử dụng phương pháp này ...

cuoc tranh cai bat tan cua nguoi my ve cach thi hanh an tu hinh

Cựu phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội bị truy tố khung tử hình

Rút hơn 40 tỷ đồng của cơ quan để sử dụng cá nhân, ông Phan Minh Nguyệt bị truy tố khung tử hình vì tội ...

cuoc tranh cai bat tan cua nguoi my ve cach thi hanh an tu hinh

\'Góa phụ đen\' ở Nhật Bản bị tuyên án tử hình

Nữ tỷ phú một thời với biệt danh "góa phụ đen" bị tuyên án tử hình vì sát hại 3 người đàn ông, gồm người ...

Ngày đăng: 07:00 | 04/12/2017

/ Lao động