Khu tái định cư sân bay Long Thành (khu Lộc An - Bình Sơn) nay đã mang dáng dấp một khu đô thị. Chỉ 1-2 năm trước, nơi đây vẫn còn vắng hoe, nay đã có khoảng 2.000 cư dân sinh sống.

Nơi ở mới thuận lợi hơn trước

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình hình chuyển nhượng nhà ở, đất ở nơi đây không mấy sôi động, bởi đa số người dân vào đây để sinh sống, không mua đi bán lại. Một số ít người ở TP.HCM hoặc Long Khánh, Biên Hoà (Đồng Nai) có về đây mua dự phòng cho con cháu, do nơi này triển vọng là một khu đô thị đáng sống.

Cuộc sống trong khu tái định cư sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Toàn cảnh khu tái định cư.

Tìm hiểu, giá đất bình quân khoảng 28 - 45 triệu đồng/m2, tuỳ lô, tuỳ vị trí. Đất mặt tiền các trục đường chính, đường đôi bình quân 4 - 6 tỷ đồng/lô. Các lô bên trong khoảng 1,6 – 2,3 tỷ đồng lô, tuỳ vị trí và to nhỏ.

Ở đây rất thuận lợi cho việc đi lại, vì nằm ngay trên quốc lộ 51, nối ra cao tốc Long Thành – TP.HCM hoặc sau này có cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu cắt ngang qua gần đó.

Khu tái định cư nay đã khác xưa. Những bãi đất trống đầy cỏ vài năm trước đã được thay thế bằng nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát. Những con đường trong khu tái định cư rộng thênh thang, đường chính lên đến 8 làn xe, đường nhánh cũng từ 2 - 4 làn, từng ô vuông vức. Trường học, chùa chiền, nhà thờ cũng đã được xây dựng. Chợ thì chưa có, người dân vẫn đi chợ cũ, ngay gần đó.

Cuộc sống trong khu tái định cư sân bay Long Thành- Ảnh 2.

Người dân khu tái định cư có cuộc sống thảnh thơi, ổn định hơn xưa.

Đang trên đường chạy thể dục trở về, chị Hoàng Lan Anh, một cư dân trẻ ở đây cho biết, gia đình chị dọn về khu tái định cư từ cuối năm 2022, đến nay đã sắp ăn cái Tết thứ 2. "Cuộc sống mới ở đây ổn hơn trước nhiều", chị nói.

Chị Lan Anh vừa hoàn tất việc học hành ở TP.HCM, trở về nhà sống cùng bố mẹ và làm việc ở thị trấn Long Thành. Trước đây, quãng đường di chuyển từ Suối Trầu (nơi nhường đất làm sân bay Long Thành) ra thị trấn khá xa. Còn từ khu tái định cư, đi làm thuận lợi hơn trước, chừng 15 phút đi xe máy.

Ở đây, chị có thể đi làm về muộn hoặc khi cơ quan có tiệc tùng chị cũng có thể nán lại chung vui cùng mọi người vì đường về gần hơn, đèn đường sáng tận cửa nên khá an toàn. "Trước đây, ở Suối Trầu đường vắng vẻ, lại xa xôi nên tôi đi đâu cũng tranh thủ về sớm, tối không dám ra khỏi nhà. Nhiều bạn muốn đến nhà chơi cũng ngại vì đường xa lại vắng. Giờ ở đây như thành phố thu nhỏ, cuộc sống thoải mái, bạn bè cũng tới chơi thường xuyên hơn, chất lượng cuộc sống thay đổi rõ rệt", chị chia sẻ.

Cạnh đó là gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (62 tuổi). Ông Tuấn cho biết, mỗi ngày ông thường chăm sóc mấy luống rau để cải thiện bữa ăn và được vận động tay chân. "Tôi xuất thân là nông dân, bao năm gắn bó với nương rẫy nên giờ về phố cũng buồn tay buồn chân. Vì thế tận dụng đám đất trống ven nhà, mua trấu, xơ dừa… làm mấy luống rau. Có rau sạch cho cả nhà ăn mà lại vui tuổi già", ông Tuấn nói.

Mong muốn được có việc làm

Cách đó không xa, gia đình anh Hoàng Minh An (43 tuổi) đang tranh thủ ngày cuối tuần cùng nhau dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Trước đây, gia đình anh Minh có 5 sào rẫy. Sau khi về sinh sống tại khu tái định cư, anh An xin làm việc cho một công ty tại khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, còn vợ anh mở quán nước nhỏ trước nhà.

Cuộc sống trong khu tái định cư sân bay Long Thành- Ảnh 3.

Niềm vui trong những ngôi trường mới khang trang.

"Hai con của tôi, một bé được học ở trường mẫu giáo trong khu tái định cư, đứa lớn học xa hơn một chút. Giờ chỉ mong vài tiện ích khác như trường, chợ sớm xây xong để người dân được hưởng trọn vẹn các quyền lợi. Sau này tôi cũng mong được quan tâm, đào tạo nghề và sắp xếp một công việc ở sân bay Long Thành", anh An bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Mai sống cạnh đó cũng bày tỏ: "Gia đình tôi 6 người đã có nhà mới. Giờ tôi chỉ mong khi sân bay đi vào khai thác, hai cậu con trai của tôi được sắp xếp công việc ở sân bay, coi như đó là một chút tri ân cho người nhường đất làm sân bay".

Tại khu tái định cư, hiện đã có hai trường mầm non, một trường tiểu học đi vào hoạt động, khá thuận lợi cho việc đưa đón, đi lại của các cháu.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành cho biết, hiện nay các công trình trường học đang được tăng tốc xây dựng, hoàn thiện cuốn chiếu dần để sớm đón tất cả học sinh đến học. Các phòng học hoàn thiện đến đâu sẽ trang bị bàn ghế, thiết bị phục vụ dạy và học đến đó.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã đề nghị các đơn vị liên quan chú ý tăng tốc xây dựng trường học cho trẻ, cần trồng nhiều cây xanh, tạo bóng mát cho học sinh khi đến trường.

"Trường phải xây nhanh để học sinh đi học, chợ phải tăng tốc hoàn thành để bà con mua sắm dễ dàng hơn", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong lần làm việc gần đây tại Long Thành cũng đã lưu ý như vậy.

Theo ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại nhất địa phương với đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện, nước, viễn thông, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải...

Ông Đức cũng cho biết, mong muốn người dân được an cư lạc nghiệp, ổn định đời sống, công việc. Tỉnh đã và đang chỉ đạo rốt ráo để các hạng mục sớm được hoàn tất.

Sân bay Long Thành khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn được khởi công năm 2019 và đưa vào sử dụng cuối năm 2021, phục vụ tái định cư cho người dân nhường đất làm sân bay Long Thành, dự tính quy mô 28.000 người khi lấp đầy. Tới thời điểm này, các cơ quan chức năng đã xét duyệt tái định cư cho 4.264 hộ dân và bố trí cho 4.112 hộ.

Hiện tại, có khoảng gần 2.000 cư dân đã dọn về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sinh sống. Nhiều trường học đã đi vào hoạt động, một số trường học, chợ đang tiếp tục thi công.

https://www.baogiaothong.vn/cuoc-song-trong-khu-tai-dinh-cu-san-bay-long-thanh-192240116004912913.htm

Ngày đăng: 15:46 | 18/01/2024

Minh Tuệ / Giao thông