Thời Facebook mới du nhập vào Việt Nam, Thanh Dương rủ nghệ sĩ Chí Trung chơi ngoài những thú vui câu cá, bắn chim... 

Nghệ sĩ Thanh Dương ăn mặc bảnh bao cho một cuộc hẹn cà phê chiều với quần jeans, sơ mi tối màu, kính đen cài trước ngực, mái tóc chải keo bóng. Anh chỉ vào bộ dạng của mình tếu táo: "Nhìn rất gì và này nọ nhưng giũ quần áo bảy ngày chả ra xu nào". Thanh Dương gọi một chai bia vì "không quen dùng món kia" (ý chỉ cà phê).

cuoc song gian don cua nghe si thanh duong
Diễn viên Thanh Dương. Ảnh: Hoàng Huế.

Anh nói cuộc sống hàng ngày của mình nhẹ nhàng. Không có lịch diễn, sáng nghệ sĩ đi ăn sáng trên phố, sau đó tập kịch ở Nhà hát Tuổi Trẻ, trưa về đi chợ, nấu ăn, chiều tối lại đi tập rồi về quây quần bên gia đình. Thanh Dương thích lang thang, ăn quán vỉa hè và có niềm đam mê đặc biệt với phở. Để ăn được tô phở ngon, anh không ngại đi xa, nhờ thế biết nhiều quán phở ngon ở Hà Nội, quán nào nên ăn vào buổi sáng, quán nào nên tới vào buổi chiều. Nghệ sĩ còn tìm ra một công thức phở của riêng mình, thi thoảng trổ tài đãi gia đình, bạn bè. "Sau này nếu không đi diễn được nữa, tôi sẽ mở một quán phở. Vợ tôi sướng lắm, chả phải động tay vào việc gì", anh cười hà hà nói về sở thích và khả năng làm bếp của mình.

Hay vào vai sợ vợ nhưng ngoài đời vợ chồng Thanh Dương bình đẳng. Anh cảm thấy may mắn khi có một người vợ hiểu mình, biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Vợ anh làm kinh doanh nên tự chủ về thời gian, cả hai tôn trọng công việc của nhau. Hai người nên duyên vợ chồng nhờ bộ môn khiêu vũ. Năm 1989, ngoài diễn kịch, anh còn làm vũ sư tại một số câu lạc bộ ở Hà Nội, trong đó có nhóm của đạo diễn Quốc Tuấn. Bà xã anh là thành viên của khóa học, nảy sinh tình cảm với thầy. Trái ngọt của họ là hai cậu con trai "cao to, đẹp trai hơn bố", ngoan ngoãn và lễ phép. Hai con đều không theo nghệ thuật, cậu cả theo học công nghệ thông tin, cậu kia lại đam mê nấu nướng.

"Rảnh rỗi, cả gia đình cùng nhau đi du lịch. Một năm đi vài lần, nhà không đẹp nhưng cũng có, xe cũng có rồi, nghề nghiệp ổn định", Thanh Dương nhấp ngụm bia và nói hài lòng với cuộc sống ở tuổi ngoài 50.

cuoc song gian don cua nghe si thanh duong
Nghệ sĩ Thanh Dương và vợ. Ảnh: T.D.

Thanh Dương tự tìm nhiều thú vui trong cuộc sống như gặp gỡ bạn bè, câu cá, bắn chim... Nhà tập thể không có đất trồng cây, anh tìm tòi những đồ vật hư hỏng trong nhà để sửa. Buồn chán, anh lên Facebook trò chuyện với bạn bè, giao lưu với người hâm mộ, chia sẻ những hình ảnh đời thường hoặc vở kịch mà anh diễn. Nghệ sĩ là tín đồ của điện thoại, thích mày mò công nghệ và không ngại thử những cái mới. Lúc Facebook mới du nhập vào Việt Nam, anh rủ bạn bè cùng tham gia. "Ngày xưa tôi hướng dẫn cho anh Chí Trung, giờ anh ấy nghiện gấp 10 lần tôi", anh kể.

Gia nhập Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1989, đến nay đã gần 30 năm, Thanh Dương vẫn một lòng với sân khấu.

Thuở nhỏ, cậu bé Thanh Dương khá nhút nhát, không ai nghĩ lớn lên có thể làm diễn viên. Tuy nhiên, sau những chuyến theo cha - đạo diễn, nghệ sĩ Hoàng Thanh Giang - đi diễn, đi dựng kịch, tình yêu với sân khấu ngấm dần và trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống. Dù đồng lương ít ỏi, anh chưa một lần muốn từ bỏ.

Ngoài công việc ở nhà hát, anh tham gia các bộ phim truyền hình, tiểu phẩm hài để có thêm thu nhập, đủ sức nuôi đam mê sân khấu.

Tham gia nhiều tác phẩm truyền hình như Của để dành, Ông trẻ về ăn Tết, Vào Nam ra Bắc hay trong các vở kịch như: Nhà búp bê, Ai là người phán xử, Lời thề thứ 9... nhưng nghệ sĩ thường bị khán giả quên tên. Anh thường xuyên bị nhận nhầm là Giang Còi, Hoàng Sơn... Thanh Dương chẳng buồn về việc này. Chút gợn buồn trong cuộc sống của anh là thiếu một danh hiệu. Trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018, Thanh Dương được Nhà hát Tuổi trẻ làm hồ sơ, có tên trong danh sách đạt NSƯT cấp Bộ nhưng tới Hội đồng cấp Nhà nước, nghệ sĩ không đạt vì thiếu một phiếu bầu. "Tất nhiên danh hiệu có cũng được, không có cũng không sao nhưng luôn gợi lên một nỗi niềm, một sự tiếc nuối", anh nói.

Thanh Dương liên hệ tới cha anh - người đào tạo nên nhiều NSND nhưng chính ông đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không có danh hiệu. "Trước lúc cụ mất, chúng tôi bảo 'Chúng con phong bố làm nghệ sĩ công huân, bố không phải lo lắng gì cả’".

Dù chưa toại nguyện, Thanh Dương khẳng định: "Tôi sẽ diễn cho đến khi không diễn được, không nhớ được lời thoại nữa thì thôi".

Hiểu Nhân

cuoc song gian don cua nghe si thanh duong Nỗi buồn của diễn viên hài khán giả nhẵn mặt nhưng chẳng nhớ tên

Làm nghề lâu năm, “nhẵn mặt” cả truyền hình lẫn sân khấu nhưng ít ai nhớ tới tên Thanh Dương.

Ngày đăng: 08:52 | 31/10/2019

/ vnexpress.net