Những ngày Hà Nội vào thu, trong căn nhà nhỏ trên phố Hồ Đắc Di yên ả. Đại tá Hoàng Thúc Cẩn - năm nay đã ngoài 90, mà vẫn minh mẫn - kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mùa thu tháng Mười 65 năm trước. Bằng chất giọng Quảng Bình, ông làm sống lại không khí Hà Nội rực rỡ cờ hoa, khi dòng người nô nức tiến về Thủ đô mừng giải phóng. Trong dòng người đó, 5 anh em họ Huỳnh đã không hẹn mà gặp sau 9 năm kháng chiến cách xa.

Những đứa con đi theo Cách mạng

Ông Hoàng Thúc Cẩn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 7 người con ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình. Người anh cả không may mất sớm, người em út thì còn nhỏ, 5 anh em Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân đều tham gia kháng chiến.

Trước Cách mạng tháng 8, ba anh em ông Cảnh - Tuệ - Cẩn khăn gói vào Huế, sớm tiếp thu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc từ các thầy. Theo tiếng gọi của đất nước, họ lần lượt lên đường tham gia hoạt động cách mạng, mỗi người một hướng.

cuoc hoi ngo bat ngo cua 5 anh em ruot ngay giai phong thu do
Anh em đại tá Hoàng Thúc Cẩn. Ảnh: GĐCC

Hai cụ thân sinh ra các ông cũng hết lòng động viên các con lên đường cứu nước, không ngại hy sinh, không nề gian khổ. Để động viên các con cùng thanh niên bấy giờ, bà cụ còn viết thơ như một lời thúc giục, kêu gọi: Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên trai bé sẽ xung phong.

20 tuổi, ông Hoàng Thúc Cẩn khi ấy đã là phụ trách của một đội quân đặc nhiệm, chỉ huy đánh đòn phủ đầu quân Pháp. Sau đó tiếp tục gây tiếng vang lớn trong chiến dịch Hà Nam Ninh, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Trong chiến dịch Hoà Bình, ông Cẩn tiếp tục là chỉ huy mũi chủ công đánh địch, chẳng may bị thực dân Pháp bao vây khiến cả tổ chiến đấu của ông lọt giữa vòng vây của địch hơn 10 ngày đêm, không thể liên lạc được với đơn vị. Đồng đội nghĩ ông Cẩn đã hi sinh nên tổ chức lễ truy điệu cho ông, người anh trai Tuệ nghe tin, thương em lòng dạ đau như cắt giữa chiến trường bom đạn.

cuoc hoi ngo bat ngo cua 5 anh em ruot ngay giai phong thu do
Ông Hoàng Thúc Cẩn chia sẻ câu chuyện mùa thu năm xưa với PV.

Cuộc hội ngộ "vui sao nước mắt lại trào"

“Từ thời niên thiếu tôi đã học ở Huế “đẹp và thơ”, nhưng vẫn khát khao được ra Hà Nội. Thăng Long, Đông Đô ngàn năm văn hiến, kinh đô của bao triều đại phong kiến Việt Nam có nhiều chiến công hiển hách. Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu…, ước mơ ấy vẫn ấp ủ mãi, chưa thực hiện được” – Đại tá Hoàng Thúc Cẩn tiếp tục câu chuyện trong cái nắng hanh đầu thu, kể về những ước mơ thời trai trẻ, thời mưa bom bão đạn.

Anh em nhà họ Huỳnh kẻ trước người sau tham gia chiến đấu, mỗi người ở một đơn vị chiến đấu khác nhau, không liên lạc được, gia đình lại đang ở vùng địch tạm chiến nên đã phải bị thất tán. Trong cuộc khánh chiến chống Pháp trường kỳ và gian khổ, không ai dám chắc ngày nào về giải phóng Thủ đô, mặc dù bài hát “Tiến về Hà Nội” luôn luôn văng vẳng bên tai, âm vang trên đường hành quân ra trận, như tiếng kèn thúc giục quân và dân ta.

cuoc hoi ngo bat ngo cua 5 anh em ruot ngay giai phong thu do
Từ trái sang phải, anh em ông Cương, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Quý Thân chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996. Ảnh: GĐCC.

Đến đầu tháng 10.1954, ông Cẩn lúc ấy là Đại Đội trưởng chỉ huy một đại đội được cử vào nội thành nghiên cứu chiến trường, và cũng tại đó, cuộc hội ngộ kì diệu của năm anh em đã diễn ra. Năm ấy, anh em nhà họ Huỳnh hãy còn rất trẻ, giữa ngày vui của Thủ đô cả 5 anh em đều không thể ngờ rằng, trong đoàn quân trùng điệp năm ấy, đang có người thân ruột thịt của mình cùng về tiếp quản Thủ đô.

Ngày 10.10.1954, Ông Cảnh cùng cơ quan chính phủ từ Việt Bắc vào Phủ toàn quyền cũ. Ông Tuệ trong Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở. Ông Cẩn cùng đơn vị ở gần sân bay Gia Lâm. Ông Tấn từ Hoà Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng, đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Người em thứ 6 Hoàng Quý Thân học ở Nghệ An nghe tin giải phóng Thủ đô đã xin bộ đội theo xe ra Hà Nội. Không biết các anh đang ở đâu, ông Thân hỏi thăm, nghe ngóng tình hình biết anh Cẩn đang tiếp quản sân bay Gia Lâm đã tức tốc đến Gia Lâm và gặp người anh trai ở đó.

“Lúc đó em tôi còn nhỏ, lại cách xa nhau lâu ngày nên ban đầu không nhận ra, nhưng sau đó hỏi được đúng tên tuổi thì anh em tôi chỉ biết ôm chầm nhau mà khóc” – ông Cẩn nhớ lại.

Ngày hôm sau khi hai anh em Cẩn và Thân vào nội thành, đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía trước một người mặc quân phục có dáng đi rất thân quen. Ông Cẩn gọi to: “Tấn, có phải Tấn không”. Phút giây ông Tấn quay lại, chẳng ngờ gặp được những người anh em ruột thịt sau 9 năm xa cách.

cuoc hoi ngo bat ngo cua 5 anh em ruot ngay giai phong thu do
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn năm xưa. Ảnh: GĐCC

Sau khi 3 anh em ông tìm được nhau, gặp đồng đội ở các đơn vị khác trên đường đi, ông Cẩn đều nhờ họ nếu gặp anh em của ông thì nhớ nhắn giùm mỗi sáng chủ nhật đến cầu Thê Húc để tìm nhau.

Buổi sáng đầu tiên sau ngày Thủ đô giải phóng, 3 anh em đến cầu Thê Húc thì bất ngờ gặp người anh Hoàng Thúc Tuệ. Năm xưa, ông Tuệ từng nghe tin em trai mình – Hoàng Thúc Cẩn đã hi sinh, giờ lại được nhìn tận mắt một người còn nguyên vẹn, thật không có gì kể xiết niềm vui năm ấy.

Phải đến ngày hôm sau, 4 anh em mới gặp được người anh Hoàng Thúc Cảnh. Vậy là 5 anh em không hẹn mà gặp đã gặp được nhau, và cũng từ năm đó, những anh em nhà họ Huỳnh coi Hà Nội như quê hương thứ hai, gắn bó cuộc đời còn lại với Thủ đô.

“Trong cái vui chung của cả dân tộc, của Thủ đô Hà Nội giải phóng “không hôm nào vui bằng hôm nay” ấy, riêng gia đình tôi có được niềm vui tuyệt vời, đã gắn chặt hạnh phúc của một gia đình có “năm anh em vào năm cửa ô”, cùng họp mặt trong ngày vui đại thắng này”.

Ngày đăng: 08:53 | 09/10/2019

/ laodong.vn