Ngày 16/6/2023, ông Daniel Ellsberg, người tố giác nổi tiếng nhất nền chính trị thế giới, đã qua đời ở tuổi 92 tại nhà riêng ở khu Kensington, hạt Contra Costa, bang California, sau một thời gian chống chọi với ung thư. Daniel Ellsberg là nhân vật huyền thoại, từng được dựng thành phim, và được gọi là người hùng của nước Mỹ sau khi tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc về cuộc chiến Việt Nam năm 1971.
Người gây chấn động nước Mỹ
Daniel Ellsberg sinh ngày 7/4/1931 tại Chicago. Ban đầu, Ellsberg theo học tại trường dự bị Cranbrook ở ngoại ô Detroit, và tốt nghiệp hạng nhất trong lớp. Tại Harvard, một lần nữa giành học bổng và lấy bằng cử nhân kinh tế hạng ưu năm 1952. Sau đó, ông nhận được học bổng để nghiên cứu kinh tế học nâng cao tại King's College, Cambridge, và ông trở lại Harvard vào năm 1953 để lấy bằng thạc sĩ kinh tế.
Năm 1958, sau khi phục vụ trong Thủy quân lục chiến, ông gia nhập Tập đoàn RAND để nghiên cứu các cuộc chiến tranh. Năm 1962, ông nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard. Năm 1964, sau khi vào làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, Daniel Ellsberg trở thành cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara. Năm 1965, ông được phái sang chiến trường Việt Nam, vào thời điểm Mỹ can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến Việt Nam với nhiệm vụ cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng và Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Trong cuốn sách “Những bí mật: Hồi ức Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc” phát hành năm 2002, Ellsberg cho biết chỉ sau tuần đầu tiên trong chuyến công tác ở Sài Gòn, ông đã nhận ra Mỹ không thể thắng.
Năm 1967, Daniel trở về Mỹ và được phân vào nhóm nghiên cứu tối mật về hoạch định chính sách đối với Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã bí mật tập hợp một báo cáo chi tiết về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ 1945 đến 1967. Năm 1969, công trình nghiên cứu tối mật này hoàn thành gồm 47 tập, dày 7.000 trang với tựa đề "Các mối quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945-1967" là kết quả phân loại hàng nghìn tài liệu mật hàng đầu trong kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ. Những thông tin được ghi trong tập tài liệu này cho thấy mức độ can dự quân sự của Mỹ ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đã được công bố trước đó.
Do mức độ tối mật nên bộ hồ sơ này chỉ được in ra 15 bản gửi đến những địa chỉ quan trọng, trong đó có Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND Corporation, nơi Ellsberg làm việc.
Khi tiếp cận bộ hồ sơ này, Daniel biết Tổng thống Nixon muốn “leo thang” trong cuộc chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Nixon lại dùng những lời nói dối để bao che cho hành động leo thang, kéo dài chiến tranh. Daniel muốn những thông tin này phải được công bố trên báo chí để người dân Mỹ hiểu rõ sự dối trá này. Ellsberg bắt đầu lén mang tài liệu mật ra khỏi văn phòng RAND và sao chép vào ban đêm bằng máy photocopy mà ông thuê. Ellsberg mang theo những tài liệu này khi chuyển đến Boston để làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts. Một năm rưỡi sau, Daniel Ellsberg chuyển bộ hồ sơ này cho Neil Sheehan của tờ New York Times, một cựu phóng viên chiến trường tại Việt Nam.
Ngày 13/6/1971, chính trường Mỹ rúng động khi phần đầu của Hồ sơ Lầu Năm Góc, có tên là Pentagon Papers, được báo The New York Times đăng tải trên trang nhất. Hồ sơ cho thấy giới chức Mỹ kết luận không thể thắng ở Việt Nam. Tổng thống Lyndon Johnson có kế hoạch mở rộng chiến tranh, trong đó có ném bom miền Bắc Việt Nam, dù từng nói trong chiến dịch tranh cử năm 1964 rằng ông sẽ không làm vậy. Hồ sơ cũng tiết lộ vụ đánh bom bí mật của Mỹ ở Campuchia và Lào, cũng như con số thương vong cao hơn công bố.
Sau khi trao tài liệu mật cho tờ The New York Times đầu tiên, trong nửa tháng tiếp đó, với sự giúp đỡ của bạn bè và những người hoạt động trong phong trào phản chiến, tài liệu đã được phân phát cho 19 tờ báo lớn ở Mỹ.
Ngày 15/6/1971, tức chỉ 2 ngày sau khi đăng tải hồ sơ Lầu Năm Góc, The New York Times bị Chính phủ Mỹ kiện ra tòa án cấp quận ở New York, buộc tạm ngưng đăng tải hồ sơ này. Trong khi New York Times đang tiến hành thủ tục kháng án thì nhật báo Washington Post tiếp tục đăng hồ sơ này. Ngay trong ngày, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp William Rehnquist yêu cầu Washington Post ngừng đăng, nhưng Washington Post từ chối. Chính phủ Mỹ tiếp tục kiện Washington Post ra tòa, song tòa án bác yêu cầu. Ngay trong đêm, Chính phủ Mỹ kháng cáo theo thủ tục khẩn cấp lên tòa trên. Ngày 19/6, tòa này bác phán quyết của tòa dưới, buộc tòa này phải xử lại. Ngày 21/6, tòa dưới lại bác yêu cầu của chính phủ: Washington Post đăng trở lại. Ngày 22/6, đến lượt tòa thượng thẩm New York bác yêu cầu của chính phủ; New York Times được tiếp tục đăng.
Dù New York Times không cho biết ai đã cung cấp tài liệu cho họ, nhưng FBI nhanh chóng tìm ra Ellsberg. Thời điểm đó FBI từng miêu tả vợ chồng ông là mục tiêu săn đuổi lớn nhất. Henry Kissinger, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, gọi Ellsberg là "người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ phải bị ngăn chặn bằng mọi giá".
Năm 1973, Ellsberg bị đưa ra xét xử. Với cáo buộc các tội danh gián điệp, trộm cắp tài sản của chính phủ, ông bị kết án 115 năm tù. Vợ ông là bà Patricia cũng bị kết án. Nhưng bản án này sau đó bị bác bỏ do hành vi sai phạm nghiêm trọng của chính phủ, bao gồm vụ đột nhập vào văn phòng bác sĩ tâm lý của Ellsberg để tìm bằng chứng…
Tháng 7/2003, trong bài “Di sản của Hồ sơ mật Lầu Năm Góc” đăng trên The Whistle, tác giả Brian Martin viết rằng: “Một trong những cố gắng của Nixon nhằm đánh gục Ellsberg là việc tổ chức một vụ đột nhập vào văn phòng của bác sĩ tâm lý của Ellsberg nhằm ăn trộm hồ sơ bệnh án của Ellsberg. Vụ đột nhập này do một “tổ thợ ống nước”, bí danh của một tổ mật vụ thuộc Nhà Trắng, thực hiện. Thế nhưng, âm mưu bôi bác thanh danh Ellsberg này đã tạo phản ứng ngược khi tin tức về vụ ăn trộm hồ sơ bệnh án của Ellsberg trở nên công khai, chính tòa án đã ra lệnh bãi phiên xử Ellsberg”.
Hồ sơ Lầu Năm Góc khi được đăng tải trên báo chí đã có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị xã hội Mỹ. Hậu quả là Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson quyết định không ứng cử tổng thống lần thứ hai khi ngày càng nhiều người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Ellsberg đã viết rất nhiều sách, báo; ông thường xuyên tham dự các buổi nói chuyện liên quan đến chiến tranh Việt Nam ở các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Ông trở thành nhà diễn thuyết và nhà hoạt động phản chiến, chỉ trích các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan, Iraq. Ông cũng tham gia các hoạt động kêu gọi Chính phủ Mỹ minh bạch và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Năm 2002, cuốn hồi ký “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và Hồ sơ Lầu Năm Góc (Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers) của Ellsberg được xuất bản, kể lại hành trình đi tìm sự thật của Ellsberg và phanh phui những âm mưu dối trá của Tổng thống Nixon và Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964) và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Trong cuốn hồi ký, Ellsberg cho biết điều ông hối tiếc duy nhất là đã không đưa tập tài liệu ra ngoài sớm hơn. Ông gửi thông điệp tới những “người thổi còi” hiện đại: “Đừng làm giống như tôi. Hãy lên tiếng sớm hơn. Đừng chờ tới khi những quả bom bắt đầu rơi xuống”.
Ngày 13/3/2006, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì Hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc” tặng ông Ellsberg.
Năm 2018, ông Ellsberg được trao Giải thưởng Olof Palme của Thụy Điển cho "chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và lòng can đảm đạo đức phi thường".
Gần đây nhất, giữa tháng 6/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington D.C (Mỹ), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hợp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã trao “Kỷ niệm chương vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc” cho 3 người Mỹ là ông Ellsberg; ông Ron Carver, nhà hoạt động xã hội, hoạt động vì hòa bình và cũng là học giả đã tham gia biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; ông Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường, tác giả của hơn 60 bức ảnh về vụ thảm sát đẫm máu ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968, do có nhiều đóng góp tích cực trong việc ngăn chặn chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh và hòa giải, thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân Việt Nam - Mỹ.
Lên phim
Năm 2017, vụ rò rỉ "Hồ sơ Lầu Năm Góc" được đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg tái hiện trong bộ phim "The Post". Với kinh phí đầu tư 50 triệu USD, "The Post" là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa bộ ba diễn viên, đạo diễn lớn của Hollywood là Tom Hanks, Meryl Streep, Steven Spielberg
Ngay khi đọc những trang đầu tiên trong bản thảo từ kịch bản của “The Post”, Steven Spielberg đã nói rằng: “Đây không phải là điều có thể chờ đợi hai hoặc ba năm, đây thực sự là câu chuyện tôi cảm thấy cần phải nói với ngày hôm nay”.
Mặc dù có nội dung và cốt truyện không mới mẻ, nhưng Spielberg và bộ ba cộng sự tài năng của ông là quay phim Janusz Kaminski, nhà soạn nhạc John Williams và dựng phim Michael Kahn, “The Post” thực sự là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố lịch sử, chính kịch và chất điện ảnh. “The Post” cũng đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên của hai ngôi sao gạo cội là Meryl Streep trong vai nữ chủ bút dũng cảm của The Washington Post là Katharine Graham và Tom Hank trong vai tổng biên tập đầy nhiệt tâm Ben Bradlee. “The Post” được đánh giá là bộ phim hay nhất trong năm 2017 từ Ủy ban Quốc gia về phê bình điện ảnh Mỹ.
Ngày đăng: 08:40 | 05/07/2023
Ngọc Trang / CAND