Mỗi ngày ngồi trên chiếc ghế cao nhất ở Nhà Trắng đối với Tổng thống Donald Trump đều là một cuộc chiến để bảo vệ các thành quả chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times.
Khoảng 5h30 mỗi ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump thức dậy và bật tivi trong phòng ngủ riêng ở Nhà Trắng. Ông bật kênh CNN xem tin tức, rồi chuyển sang chương trình Fox & Friends trên kênh Fox News và thỉnh thoảng xem talk show Morning Joe của kênh MSNBC để khởi động một ngày làm việc mới.
Sau đó, với trạng thái phấn khích, tức giận hoặc cả hai, Trump sẽ chộp lấy iPhone để bắt đầu viết những dòng tweet. Đôi lúc, ông gõ những dòng tweet khi đang dựa vào gối, theo các trợ lý của ông. Những lúc khác, ông tweet từ phòng bên cạnh khi đang xem một tivi khác. Thỉnh thoảng, ông đi thẳng đến Phòng Hiệp định ở tầng hai Nhà Trắng, nơi ông thực hiện các cuộc gọi.
Khi sắp kết thúc năm làm việc đầu tiên ở Nhà Trắng, Trump đang tái định nghĩa công việc của một tổng thống. Ông xem chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Mỹ hay cái đêm nhận tin chiến thắng bất ngờ trước đối thủ Hillary Clinton hồi năm ngoái giống như một phần thưởng mà ông phải chiến đấu để bảo vệ vào mọi lúc và Twitter dường như là thanh gươm quyền năng của ông trong cuộc chiến đó, theo New York Times.
Đấu tranh để được tôn trọng
Một góc của Nhà Trắng vào sáng sớm. Ảnh: NYTimes.
Những cuộc phỏng vấn với các cố vấn, đồng minh, bạn bè của ông chủ Nhà Trắng cũng như với các nghị sĩ Mỹ cho thấy dù Trump thường có những phản ứng ồn ào, ông vẫn xem bản thân mình như một kẻ ngoài cuộc bị nói xấu đang đấu tranh để được mọi người tôn trọng hơn là một lãnh đạo quyền lực đang thống lĩnh thế giới.
Đối với các tổng thống khác, mỗi ngày trôi qua là một thử thách về cách lãnh đạo một đất nước, chứ không chỉ một phe nhóm nhằm cân bằng các lợi ích đang xung đột. Đối với Trump, mỗi ngày là một cuộc chiến tính theo từng giờ để bảo tồn sự nghiệp bản thân. Ông vẫn đang đấu tranh trước những nghi ngờ liên quan đến kết quả cuộc bầu cử năm ngoái và tin rằng cuộc điều tra đối với nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một âm mưu để hủy hoại tính chính danh của ông.
Trước khi nhậm chức, Trump nói với các trợ lý hàng đầu rằng hãy xem mỗi ngày ông làm tổng thống như mỗi tập trong một show truyền hình mà ở đó ông phải đánh bại các đối thủ. Những người thân cận cho biết ông dành ít nhất 4 giờ mỗi ngày và thỉnh thoảng đến 8 giờ để xem tivi, đôi khi bật tắt âm thanh, chìm đắm trong cuộc chiến không hồi kết của các kênh truyền hình cáp và sẵn sàng đáp trả.
"Ông ấy cảm thấy rằng có một mưu đồ nhằm phá kết quả đắc cử của ông và các cáo buộc nói ban vận động tranh cử cho ông thông đồng với Nga là vô căn cứ", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham từ bang Nam Carolina, người gần gũi với Trump hơn bất kỳ nghị sĩ nào, nói. "Ông ấy tin chắc rằng phe cánh tả tự do và truyền thông đang quyết tâm hủy hoại ông. Cách mà ông ấy đến được đây là chống trả và phản công. Vấn đề ông ấy phải đối mặt là sự khác biệt giữa việc vận động tranh cử và công việc của một tổng thống. Bạn phải tìm ra điểm tối ưu giữa việc làm một ứng viên tranh cử và việc làm một tổng thống", Graham cho biết thêm.
Trump cho rằng cách ông công kích những tiếng nói chống lại mình đã giúp đưa ông đến Nhà Trắng, vì vậy nó chắc chắn là một chiến lược đúng đắn. Trump đang có mức tín nhiệm thấp kỷ lục. Chỉ có 32% cử tri hài lòng về công việc tổng thống của ông, theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện. Tuy nhiên, ông đang kiểm soát môi trường xung quanh theo cách rất đặc biệt.
Sau nhiều tháng thúc đẩy các dự luật thất bại, Trump đang tiến gần đến chiến thắng cuối cùng trong nỗ lực cắt giảm thuế và đảo ngược một phần chương trình chăm sóc y tế của người tiền nhiệm. Dù phần lớn các cam kết ông đưa ra vẫn chưa được thực hiện, Trump đã đạt được bước tiến quan trọng trong mục tiêu dẹp bỏ các quy định quá chặt chẽ về môi trường cũng như những thủ tục kinh doanh rườm rà. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục được cải thiện và các chỉ số thị trường chứng khoán đã tăng vọt lên các mức kỷ lục. Lệnh cấm công dân từ những nước Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ cuối cùng cũng đã có hiệu lực.
Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cấp cao cho Trump, đã nói với các cộng sự rằng ở độ tuổi 71, ông rất kiên định với các lập trường và sẽ không bao giờ thay đổi. Kushner cho rằng Trump cuối cùng rồi cũng sẽ điều khiển được công việc theo cách ông muốn.
Song điều này mới chỉ đúng một nửa. Đến nay, có thể nói Trump đang "cầm hòa" trong cuộc chiến bảo vệ công việc tổng thống, theo New York Times.
Nỗ lực thiết lập kỷ luật tại Nhà Trắng
Một khoảng khắc vui vẻ của Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng. Ảnh: NYTimes.
Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly, một tướng 4 sao về hưu, phải vất vả làm việc 14 tiếng mỗi ngày để thiết lập kỷ luật lên bộ máy hoạt động hỗn loạn ở Nhà Trắng.
Dưới thời chánh văn phòng Nhà Trắng tiền nhiệm Reince Priebus, Phòng Bầu dục, địa điểm tổng thống làm việc, từng là nơi các trợ lý và khách khứa của ông Trump liên tục ghé đến. Giờ đây, cánh cửa Phòng Bầu dục gần như đóng chặt, trong khi đó, tần suất các cuộc họp tăng lên. Ngoài Kelly, Kushner, các cuộc họp này còn thường có sự tham dự của trung tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Ivanka Trump, con gái kiêm cố vấn cấp cao cho ông Trump, Hope Hicks, giám đốc truyền thông Nhà Trắng, Robert Porter, thư ký Nhà Trắng, và Kellyanne Conway, cố vấn cho tổng thống.
Sau khi cố gắng tự mình quản lý chi tiết công việc ở Nhà Trắng trong những tháng nắm quyền đầu tiên, giờ đây, Trump đã có những nhượng bộ lớn và chấp nhận tìm kiếm sự tán thành từ các cộng sự.
Ông gọi cho chánh văn phòng Kelly hàng chục cuộc mỗi ngày để hỏi về lịch trình công việc hoặc xin lời khuyên về chính sách. Trump cho biết hệ thống quản lý mới này cho phép ông "có thời gian để suy nghĩ". Các trợ lý Nhà Trắng phủ nhận việc Trump tìm kiếm sự ủng hộ của tướng Kelly nhưng xác nhận Tổng thống Mỹ xem Kelly như là người tâm phúc quan trọng nhất và là người ông muốn hỏi ý kiến hơn cả.
Không kiềm chế được những dòng tweet
Suốt gần một năm qua, mọi người bên trong và bên ngoài Washington tin rằng có một chiến lược đằng sau những hành động của Tổng thống Trump. Song thực tế Trump rất ít khi có kế hoạch sẵn. Thay vào đó, ông dường như hành động để công kích phủ đầu hay tự vệ chủ yếu do bị thúc bách và bốc đồng, giới quan sát nhận định.
Đôi khi, ông cũng tìm kiếm sự ủng hộ trước khi nhấn nút "tweet". Theo một cố vấn lâu năm của ông chủ Nhà Trắng, hồi tháng 6, Trump hào hứng gọi cho bạn bè thông báo rằng ông đã hình dung ra một dòng tweet hoàn hảo bác bỏ cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Ông nói ông sẽ ví cuộc điêu tra giống như một cuộc "săn phù thủy".
Trump đã chấp nhận nghe lời khuyên từ các luật sư rằng không nên công kích công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III nhưng đôi lúc, bản năng trong ông lại thắng thế.
Khi ba cựu cố vấn ban vận động tranh cử của Trump bị truy tố hoặc nhận tội trong mùa thu vừa qua, luật sư Nhà Trắng Ty Cobb, người đang chịu trách nhiệm ứng phó với cuộc điều tra do Muller dẫn đầu, kêu gọi Tổng thống không được phản ứng. Ông cảnh báo nếu Trump làm như vậy, tình hình sẽ càng nghiêm trọng thêm.
Tuy nhiên, Trump không thể kiềm chế. Ông đã viết các dòng tweet nói rằng những cáo buộc tội danh tài chính nhắm vào Paul J. Manafort, cựu quản lý ban vận động tranh cử cho ông, không liên quan đến cuộc vận động tranh cử và rằng các nhà điều tra nên thẩm vấn "Hillary dối trá và những người phe Dân chủ".
Ông còn viết những dòng tweet hạ thấp vai trò của George Papadopoulos, cựu cố vấn ban vận động tranh cử, người đã nhận tội nói dối về việc ông liên lạc với phía Nga. Trump gọi Papadopoulos chỉ là "nhân viên tình nguyện cấp thấp", người "đã lộ mặt dối trá".
Ban đầu, Tổng thống Trump tỏ ra bình tĩnh khi vào hôm 1/12, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael T. Flynn nhận tội nói dối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nội dung các cuộc điện đàm giữa ông với Đại sứ Nga tại Mỹ. Tuy nhiên, đến sáng 3/12, khi các chương trình truyền hình tập trung xoáy sâu vào vụ việc liên quan đến Flynn, Trump đã nổi giận và "tuôn" một loạt dòng tweet chỉ trích gay gắt Hillary Clinton và FBI. Các cố vấn đã nói với ông rằng các dòng tweet đó không ổn và khuyên ông dừng lại, một người nắm rõ cuộc thảo luận giữa Trump và các cố vấn tiết lộ.
Giảng hòa với các lãnh đạo Cộng hòa
Dù ít có khả năng Trump sẽ thay đổi con người ông về cơ bản, các cố vấn cho biết họ cảm thấy ông có lẽ đang dần nhận ra rằng công việc tổng thống sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu ông áp đặt mệnh lệnh, bắt buộc mọi người phải làm theo. Trump cũng dần nhận ra rằng để giải quyết hiệu quả công việc, ông cần phải thuyết phục, thay vì công kích các lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Suốt những tháng cầm quyền đầu tiên, ông quát tháo các thượng nghị sĩ bằng những mệnh lệnh nhưng điều này không có tác dụng. Thượng nghị đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, từng đáp trả Trump: "Tôi không làm việc cho ông, thưa Tổng tổng".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, đã nổi giận khi Trump chen ngang lời ông trong một cuộc thảo luận về dự luật chăm sóc y tế tại Phòng Bầu dục. "Đừng cắt lời tôi", McConnell lúc bấy giờ nói.
Trump dường như hiểu ra vấn đề. Sau cuộc đấu khẩu công khai vào mùa hè vừa qua, ông và McConnell đã giảng hòa và bắt đầu trò chuyện hầu như mỗi ngày.
Dù không phải người thích đi sâu vào chi tiết chính sách, Trump đã cho thấy ông thoải mái hơn với các chi tiết về dự luật cắt giảm thuế. Theo các trợ lý, ông đã tập trung chú ý hơn trong các buổi nghe báo cáo tin tình báo hàng ngày. Ông cũng quan tâm sâu sát hơn về tình hình Triều Tiên.
Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham, người từng chỉ trích Trump dữ dội nhưng giờ đây đã trở thành đồng minh của ông, nhận xét Trump rõ ràng đang điều chỉnh. Tuy nhiên, Graham lưu ý vào thời điểm này, "mọi thứ đều có thể xảy ra, từ một thảm họa toàn diện cho đến một thành công vang dội".
Vài tuần gần đây, những bạn bè thân thiết với Trump lại chú ý đến giọng điệu khác lạ ở Tổng thống Mỹ khi ông thừa nhận rằng nhiều trợ lý, thậm chí người nhà của ông, có thể bị tổn thương trước cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ. Về phần mình, Trump đã chọn thái độ sẵn sàng chấp nhận số phận, theo những người mà Trump thường xuyên trò chuyện.
"Đây là cuộc đời mà", ông nói về cuộc điều tra với một giọng thản nhiên.
"Bạn thân" ông Kim Jong-un muốn Tổng thống Trump cho phép đến Triều Tiên Cựu sao bóng rổ Dennis Rodman nói Tổng thống Trump nên hỏi ông cách giải quyết vấn đề Triều Tiên và cho phép ông trở ... |
Trump đổ lỗi cho hệ thống nhập cư sau vụ khủng bố New York Vụ đánh bom tự sát tại New York hôm 11/12 không thành công như dự tính của kẻ khủng bố, nhưng lại tạo cho Tổng ... |
Ngày đăng: 22:34 | 12/12/2017
/ VnExpress