Ngành dịch vụ ngân hàng tại Thụy Sĩ được ra đời vào đầu thế kỷ thứ 18 và dần trở thành biểu tượng của quốc gia này. Dịch vụ ngân hàng ở đây được biết đến nhờ một hệ thống đặc biệt, chú trọng bảo mật thông tin khách hàng ngay từ những ngày đầu thành lập. song, điều này cũng trở thành môi trường hoàn hảo cho những giao dịch phi pháp trong ngành tài chính, như trốn thuế, rửa tiền…
Tình trạng này, thực tế, đã và đang trở thành một bài toán hóc búa, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực nhằm tái cân bằng môi trường tài chính, từ chính phủ Thụy Sĩ.
Từ vụ việc của Credit Suisse
Ước tính, hiện có khoảng 2.400 tỉ USD tài sản nước ngoài được cất giữ trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Do đó, cộng đồng tài chính Thụy Sĩ đóng một vai trò to lớn trong việc mở và quản lý các quỹ ủy thác, cùng với hệ thống cất giữ tài sản ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, là một trong số 30 ngân hàng toàn cầu, có chi nhánh ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Một định chế quá lớn, để có thể bị sụp đổ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse thời gian qua, cũng như việc ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - buộc phải mua lại để giải cứu Credit Suisse khỏi phá sản tạo nên những tác động toàn cầu đa chiều. Trước khi bị mua lại, Credit Suise đã vướng vào nhiều cáo buộc không minh bạch về vấn đề tài chính. Cuộc điều tra của giới truyền thông vào tháng 2/2022 với bí danh "Suisse Secrets" (tạm dịch: Những bí mật của Suisse) cáo buộc ngân hàng này giữ hàng tỉ USD tiền bẩn trong nhiều thập kỷ. Cuộc điều tra báo chí, do Dự án báo chí về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) điều phối, có sự tham gia của 47 tờ báo, gồm Le Monde của Pháp và The Guardian của Anh.
Tờ Le Monde cho biết: Cuộc điều tra cho thấy Credit Suisse đã lách các quy định ngân hàng quốc tế, khi giữ các quỹ liên quan đến tội phạm và tham nhũng trong nhiều thập kỷ. Còn theo TheGuardian, ngân hàng này đã mở và giữ tài khoản cho nhiều khách hàng có rủi ro cao trên khắp thế giới, bất chấp những cam kết loại các khách hàng không rõ ràng và quỹ bất hợp pháp. Những tài khoản bị rò rỉ chủ yếu từ khách hàng tại những nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ.
Trong thông báo sau đó, Credit Suisse bác bỏ mọi cáo buộc. "Các vấn đề được nêu ra chủ yếu trong quá khứ, trong một số trường hợp có từ những năm 1940, và các báo cáo về những vấn đề này dựa trên thông tin một phần, không chính xác hoặc có chọn lọc được đưa ra ngoài ngữ cảnh, dẫn đến các diễn giải có mục đích về hoạt động kinh doanh của ngân hàng", ngân hàng này phản hồi.
Tuy nhiên, không ít những vụ việc trong quá khứ đã chứng minh việc Credit Suisse có dính dáng đến “tiền bẩn”. Tòa án Tội phạm liên bang của Thụy Sĩ cũng nhận thấy: Ngân hàng này thất bại trong triển khai các biện pháp để ngăn chặn các tổ chức tội phạm rửa tiền.
Cuối tháng 3/2022, một thẩm phán Bermuda phán quyết rằng cựu Thủ tướng Gruzia Bidzina Ivanishvili đã phải chịu khoản lỗ 553 triệu USD do Credit Suisse Life Bermuda - chi nhánh của Credit Suisse - không thực hiện nghĩa vụ ủy thác. Vụ việc này bắt nguồn từ hành động của cựu nhân viên ngân hàng Credit Suisse Patrice Lescaudron - người đã bị giới chức Thụy Sĩ kết án 5 năm tù vào năm 2018 vì tội lừa đảo và giả mạo giấy tờ. Lescaudron tự sát năm 2020. Tòa án Bermuda nhận thấy chi nhánh của Credit Suisse không ngăn chặn hành vi gian lận bởi: "Ưu tiên doanh thu mà Lescaudron tạo ra cho Credit Suisse được đặt cao hơn lợi ích của khách hàng".
Tháng 7/2022, Credit Suisse bị phạt 2 triệu USD trong vụ rửa tiền liên quan tới mạng lưới cocaine Bulgaria. Một cựu nhân viên của ngân hàng Credit Suisse bị xác định phạm tội hỗ trợ rửa tiền trong một loạt giao dịch mà nữ nhân viên này thực hiện hoặc được lệnh thực hiện trong giai đoạn từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2008, dù đã có những dấu hiệu rõ ràng về việc những khoản tiền đó có nguồn gốc từ tội phạm. Hành động của nữ nhân viên này khiến giới chức không tiếp cận được hơn 19 triệu franc Thụy Sĩ (20,4 triệu USD) của băng đảng tội phạm.
Tháng 10/2022, Credit Suisse cho biết sẽ trả 495 triệu USD cho bang New Jersey của Mỹ, liên quan tới chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cũng trong tháng đó, tại Pháp, Credit Suisse nhất trí thanh toán 238 triệu euro (252 triệu USD) để tránh bị truy tố về các cáo buộc rửa tiền và trốn thuế trong năm 2016, liên quan tới các tài khoản không khai báo mà các công dân Pháp mở tại ngân hàng.
Trong năm nay, Credit Suisse cũng buộc phải hủy báo cáo thường kỳ - vốn có lịch trình ban đầu để công bố vào tuần trước - sau khi Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu xem xét lại thông tin về dòng tiền từ 2019-2020. Khi công bố báo cáo vào ngày 14/3/2023,Credit Suisse thừa nhận những yếu kém trong kiểm soát nội bộ.
Đến nỗ lực lấy lại uy tín của chính phủ Thụy Sĩ
Thụy Sĩ mới đây đã đề xuất những biện pháp mạnh tay nhằm chống lại hoạt động rửa tiền ở quốc gia này. Trước đó, Thụy Sĩ thường chịu nhiều tai tiếng khi bị nhiều người cho rằng nước này là một “nơi trú ngụ” cho những đồng tiền “bẩn”, nhất là sau sự việc của ngân hàng Credit Suisse.
Ở thời điểm hiện tại, Thụy Sĩ là quốc gia châu Âu duy nhất chưa có quy định về đăng ký chủ sở hữu ở cấp độ quốc gia. Vì vậy, Bộ Tài chính Thụy Sĩ đã công bố danh sách các biện pháp cải cách, theo đó yêu cầu những chủ sở hữu cuối cùng của các quỹ ủy thác và doanh nghiệp phải công khai minh bạch danh tính, để qua đó, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý của nước này.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều cấp thiết, bởi chính sách hiện tại của Thụy Sĩ khá “lỏng lẻo”, tạo điều kiện cho giới tài phiệt và tội phạm toàn cầu có thể lợi dụng nhằm che giấu quyền sở hữu tài sản thông qua các định chế và chuyên môn tài chính của quốc gia trung tâm châu Âu.
Bà Keller-Sutter, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Sĩ, cho biết: “Với tư cách là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, việc tái củng cố một hệ thống mạnh mẽ, có độ an toàn cao và hiện đại là điều cần thiết để chống lại các tội phạm tài chính. Hoạt động rửa tiền đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế Thụy Sĩ, đồng thời gây mất niềm tin của khách hàng vào hệ thống tài chính lâu đời của quốc gia”.
Đây là lần thứ hai Thụy Sĩ đề xuất những cải cách mới trong vòng 3 năm. Theo đó, nước này sẽ tiến hành cải tổ bộ luật chống sự xâm hại từ các tội phạm tài chính. Dựa trên những đề xuất mới, hệ thống đăng ký chủ sở hữu cuối cùng của tất cả các quỹ ủy thác và doanh nghiệp sẽ chỉ mở cho các cơ quan giám sát, chính phủ, cảnh sát, các ngân hàng được cấp quyền và luật sư có quyền thẩm định chuyên sâu thay vì cho công chúng như trước đây.
Ngoài ra, đề xuất mới còn kèm các biện pháp quy định về nghĩa vụ đối với luật sư, kế toán và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác ở Thụy Sĩ. Việc này nhằm yêu cầu các bên liên quan phải có quyền thẩm định chuyên sâu về khách hàng, hồ sơ lưu trữ, qua đó giám sát và báo cáo các hành vi nghi ngờ rửa tiền cho các nhà chức trách có quyền hạn.
Song, những đề xuất này vẫn chưa được đưa vào hệ thống pháp lý chính thức. Cần phải có sự đồng thuận sau thời gian tham vấn của các cơ quan như chính quyền các bang, các tổ chức dân sự. Sau khi được thông qua, sẽ đến hoạt động vận động hành lang, từ đó các ngân hàng và luật sư sẽ tiến hành thực hiện theo những quy định mới. Được biết, quá trình tham vấn sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, trước khi trình bày dự luật chính thức trước Quốc hội Thụy Sĩ vào năm 2024. Thụy Sĩ muốn đẩy nhanh việc thông qua những đề xuất mới nhằm phủ nhận các nghi vấn nước này đã không giám sát chặt chẽ dòng tiền tài chính từ nước ngoài chảy vào thị trường nội địa.
Với quy định mới của Chính phủ Thụy Sĩ, các ngân hàng nước này đang chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các quỹ tài chính. Đến một thời điểm nhất định, các ngân hàng sẽ chỉ được tiếp nhận những "đồng tiền sạch", tức đã được thẩm định rằng không có chuyện rửa tiền, trốn thuế đằng sau các khoản ký gửi khổng lồ.
Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ đánh dấu chấm hết cho truyền thống tự do nhận các khoản tiền gửi mà không cần phải khai báo cho chính quyền kéo dài hàng trăm năm nay của các ngân hàng Thụy Sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa những kẻ phạm tội sẽ bị hạn chế đi ít nhiều cơ hội sử dụng những đồng tiền phi pháp mà chúng kiếm được.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới sức hút và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đó cũng là cái giá mà họ bắt buộc phải trả…
Ngày đăng: 13:51 | 20/09/2023
Đỗ Tiến / antg.cand.com.vn