Nước lụt lên nhanh khiến người dân Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông phải leo lên gác, nóc nhà, hoặc chạy sang nhà kiên cố hơn chờ lũ rút. 

Chiều 9/8, nhiều phường, xã ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng vẫn bị bao vây bởi dòng nước đỏ ngòm. Nhiều nhà dân bị đổ sập, hư hỏng nặng. Được giải cứu khỏi ngôi nhà ngập khi nước lũ đổ về, Trần Thanh Thúy (14 tuổi, ở xã Lộc Châu) đang sốt ruột chờ mưa ngớt để về lại nhà mình.

Người dân TP Bảo Lộc chạy lũ hôm 8/8. Ảnh: Hoài Thanh.

Thúy nhớ lại, mưa lớn bắt đầu từ rạng sáng, đến 9h, nước lũ ồ ạt. Trong hơn hai giờ, nước ngập gần hết nhà, gia đình cô bé gồm bốn người phải leo lên gác chờ giải cứu. "Bố mẹ cháu chỉ biết ôm chị em cháu khóc thôi. Lúc đó, cháu rất sợ bị lũ cuốn trôi", cô bé nói. Sau nhiều giờ hoang mang lo sợ, cả gia đình được bộ đội đưa canô đến cứu và sơ tán đến nhà người quen cách đó khoảng một km.

Gia đình Thúy là một trong 800 hộ dân ở TP Bảo Lộc bị lũ lụt làm ngập nhà trong trận lụt ngày 8/8. Ông Nguyễn Văn Sĩ, người dân xã Lộc Châu, nói rằng mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về theo tuyến suối Đại Lào quá nhanh, bà con chỉ kịp "bỏ của chạy lấy người".

Nhiều nhà bị nước ngập tới nóc, người dân phải leo lên nóc tránh lũ. Trong 20 phút, nước nhấn chìm ba mét và cuốn phăng hết tài sản. "Mới nghe hàng xóm bị lũ cuốn cái rầm thì nhà tôi cũng bị luôn. Bây giờ tài sản mất hết rồi. Mất hết cả rồi", ông Sĩ nói. 

Bộ Chỉ huy quân sự, cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng đã điều canô liên tục chạy vào vùng ngập để đưa người và những tài sản còn lại đến nơi cao ráo. Nhiều bộ đội mặc áo phao, vượt qua lũ cõng hàng trăm người già và trẻ em bị mắc kẹt. Những điểm không thể tiếp cận giải cứu, họ phải dùng ròng rọc, đu dây đưa hàng chục người ra ngoài. Nhiều em nhỏ vì sợ mà không nói thành lời.

"Trong các trường hợp khẩn cấp, thì giúp dân được chúng tôi xác định là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính", thượng tá K'My, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự TP Bảo Lộc, chia sẻ.

Các lực lượng khác như công an, dân quân, đoàn viên cũng tham gia giúp người dân. Ở những vùng ngập sâu, họ dùng dây thừng cột hai đầu để nương theo, tiếp cận. Trong lúc lao vào thông ống cống giữa dòng lũ dữ chống ngập cho dân, ông Hoàng Minh Tú (50 tuổi, công an viên  xã Lộc Châu) bị nước cuốn chết. "Lúc đó nước rất mạnh và xiết, mọi người can ngăn tìm cách khác nhưng chú ấy đã liều mình", ông Vũ Hoàng Tập, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, kể.

Bảo Lộc bị lũ nhấn chìm trong biển nước. Ảnh: Hoài Thanh.

Tại các con đèo nối Đồng Nai lên Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, gây ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng. Hành khách nằm vật vờ hai bên đường để chờ thông tuyến. Sau 15 giờ tê liệt, đến chiều qua, quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc được thông xe một chiều. Dòng xe vẫn còn nối đuôi nhau nhiều km.

Đăk Lăk, chiều hôm qua, nước đã rút ở các huyện Ea Súp và Buôn Đôn, nơi có gần 800 nhà bị ngập do lụt. Người dân bắt đầu thu dọn nhà cửa. 

Ứa nước mắt trong căn nhà vẫn còn bùn đất, bà Dư Thị Mẫu ở huyện Ea Sup kể, bà bị chồng đuổi nên ở nhờ nhà người em. Mới đây, em bà vay mượn 30 triệu đồng dựng tạm cho bà căn nhà 50 m2 để ở riêng. Gạch và cát xây đều là của cho, nên tường nhà chỉ xây phần gạch một mét, còn lại là khung sắt và tôn.

Mới chuyển sang ở nhà mới được một tuần, rạng sáng 7/8, bà giật mình tỉnh dậy thì nước đã ngập mấp mé giường. Bà Mẫu dọn đồ đạc cá nhân rồi chạy sang nhà em trai cách đó 300 m để trốn lũ. Khi nước rút dần thì một phần móng nhà hư hỏng, nhiều viên gạch vụn vỡ.

Bà Dư Thị Mẫu ở Đăk Lăk rơi nước mắt vì căn nhà dựng tạm bị hư phần móng do lụt. Ảnh: Trần Hóa.

Nước lũ đổ về bất ngờ lúc rạng sáng cũng khiến gia đình bà Trần Thị Bảy cùng nhiều người hàng xóm ở xã Cư Mlan không kịp đưa heo, bò, gà... lên cao. "Gầy cả năm được 40 con gà thì bị lũ trôi mất", bà Bảy buồn rầu.

Mưa lớn ở Tây Nguyên còn đe dọa an toàn người dân hạ du ở tỉnh Bình Phước, Đồng Nai. Cửa van của đập thủy điện Đăk Kar ở Đăk Nông (giáp ranh tỉnh Bình Phước) bị kẹt do mất điện nên chỉ tháo với lưu lượng 70 m3/s, so với khả năng tháo lũ cửa tràn là 960 m3/s.

Nước tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ xảy ra vỡ đập. Hiện cửa van bị kẹt đã được khắc phục tạm thời, nhưng nhà chức trách cho rằng cần tiếp tục theo dõi vì mưa bão hiện đang diễn biến rất phức tạp. Tỉnh Bình Phước và Đăk Nông đã di dời 5.000 người bị ảnh hưởng.

Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đã đề nghị Đồng Nai di dời người dân ven sông Đồng Nai ở hạ du đập. Hôm qua, do lũ lớn, nước sông Đồng Nai dâng cao kết hợp với nguy cơ từ đập thủy điện Đăk Kar, tỉnh Đồng Nai cũng đã di dời 1.000 hộ dân ven sông.

Lý giải nguyên nhân lũ lụt, ông Nguyễn Văn, Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng nhận định, những trận mưa lũ gần đây trong tỉnh lớn và nghiêm trọng hơn so với trước. Mật độ dày hơn, lượng nước đổ về nhiều và có lực chảy mạnh, tuy nhiên còn tùy thuộc vào sông, suối. 

Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo Giám đốc Sở, còn do tình trạng gia tăng nhà kính. "Nhà kính quá nhiều khiến mực nước mặt càng nhiều hơn, cộng với tình trạng san ủi không đúng quy hoạch khiến mưa lũ càng nghiêm trọng", ông Sơn nói. 

Ông cho biết, không chỉ Đà Lạt mà các địa phương hiện nay đều có sự thay đổi. "Sắp tới chúng ta cần có hệ thống cảnh báo, tiến tới lắp đặt cảm biến báo lượng mưa, hồ chứa ở thượng nguồn cộng với nhiều biện pháp khác để khắc phục thiệt hại", ông cho biết.

Còn ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đăk Lăk đánh giá, mưa lũ thì có năm lớn năm nhỏ, nhưng năm nay khác với năm trước là mưa lớn chủ yếu ở phía Tây Bắc của tỉnh, gây ngập lụt ở vùng trũng. "Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do tình trạng phá rừng ở đầu nguồn", ông Chiền nói.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha. Từ năm 2010 - 2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nhanh nhất cả nước. Tổng diện tích rừng giảm trong thời gian này là hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng. Trong năm 2018, hơn 4.100 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 hồi tháng 5 tại Đà Lạt, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện Đăk Lăk cũng như Lâm Đồng và các tỉnh khác, lâm tặc không chặt mà bơm thuốc đầu độc cho cây chết để chiếm đất canh tác.

Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa và lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên từ ngày 6/8 đến nay đã làm chết 8 người. Trong đó, ba người ở Đăk Nông, hai người ở Kon Tum, một người ở Gia Lai, một người ở Đăk Lăk, một người ở Lâm Đồng. Hàng nghìn hecta hoa màu, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Nhiều tuyến đường bị sạt lở.

Đợt mưa lụt này cũng ghi nhận lượng mưa 355 mm, con số kỷ lục đo được trong vòng 15 giờ ở Phú Quốc (Kiên Giang), theo Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng. Lượng nước mưa cộng với tình trạng triều cường dâng cao đã làm hơn 3.000 căn nhà ở huyện đảo bị ngập. Chính quyền phải sơ tán 1.200 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 10/9, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông với lượng mưa phổ biến 30-60 mm/24h. Riêng các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa rất to với lượng mưa 50-120 mm/24h.

Trưởng công an xã hy sinh khi giúp dân chạy lũ được vinh danh
Người dân Mộc Châu ( Sơn La) một ngày hai lần chạy lũ
Nước xối xả tràn vào nhà, dân Sơn La trắng đêm chạy lũ
Cõng người chạy lũ, anh dân quân gục chết bên hiên nhà: Cả thôn sốc và đau đớn
Dân Quảng Ngãi trắng đêm dọn đồ, "chạy" lũ

Ngày đăng: 09:19 | 10/08/2019

/ vnexpress.net