Ngày 4/7, 50 triệu cử tri xứ sở sương mù bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2020 hay còn gọi là Brexit. Đây là kỳ bầu cử vô cùng quan trọng đối với tương lai nước Anh, có thể mang lại mức độ thay đổi mà nước này chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, nếu đảng Bảo thủ cầm quyền hiện tại trở thành đảng đối lập và Công đảng đối lập giành được đa số ghế tại Hạ viện.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, chính phủ mới dù thuộc đảng nào cũng phải đối mặt những thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Theo The Guardian, cuộc bỏ phiếu lần này kéo dài từ 7h-22h ngày 4/7 (giờ địa phương). Sáu đảng chính gồm đảng Bảo thủ cầm quyền (chiếm 365 ghế tại Hạ viện cũ), Công đảng (202 ghế), Dân tộc Scotland (48 ghế), Dân chủ tự do (11 ghế), Xanh (1 ghế), Cải cách Vương quốc Anh (1 ghế) và các đảng khác sẽ cạnh tranh giành ghế tại Hạ viện ở 650 khu vực bầu cử trên cả nước với mỗi khu vực bầu 1 nghị sĩ đại diện. Đảng giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện sẽ trở thành đảng cầm quyền và lãnh đạo đảng trở thành thủ tướng. Đảng giành số ghế lớn thứ hai trở thành đảng đối lập chính thức.
Tờ The Economist dẫn kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, 75% số người Anh được hỏi đánh giá đất nước đang ở trong tình trạng tệ hơn so với năm 2010 khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền. Họ mô tả, kinh tế nước này ảm đạm với tăng trưởng yếu, năng suất thấp, đầu tư kém và nợ công cao kỷ lục; mức sống giảm với thuế phí, chi phí sinh hoạt và lãi suất vay thế chấp đều cao trong khi mức tăng lương không theo kịp lạm phát; làn sóng nhập cư tăng mạnh.
Đặc biệt, hệ thống chăm sóc y tế miễn phí của nước Anh ngày càng quá tải. Việc đặt hẹn khám, chữa bệnh phải chờ cả tháng mới đến lượt hoặc lâu hơn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu bác sĩ và y tá, trong khi nhân viên y tế từ các nước thuộc EU không còn được tự do sang Anh làm việc.
Sergey Shein, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu toàn diện về châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp (Nga) đã chỉ ra rằng, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới phải hứng chịu quyết định Brexit, rồi đại dịch COVID-19 và sự tăng vọt của giá năng lượng, thực phẩm vào năm 2022. Hiệu quả kinh tế của Anh kể từ sau đại dịch là yếu nhất trong số các nền kinh tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Việc London không theo kịp các nước phát triển về tốc độ tăng năng suất đã góp phần tạo ra khoảng cách về mức sống so với các nước châu Âu khác. Theo nghiên cứu của Quỹ Nuffield (quỹ từ thiện của Anh), những người có thu nhập trung bình ở Anh nghèo hơn 20% so với những người cùng lứa tuổi ở Đức và nghèo hơn 9% so với Pháp.
Được biết, các đảng phái ở Anh đều đưa ra cam kết thúc đẩy tăng trưởng trong cương lĩnh tranh cử. Thủ tướng Rishi Sunak cam kết sẽ giảm khoảng 17 tỷ bảng tiền thuế mỗi năm, tăng chi cho y tế công cao hơn mức tăng lạm phát và tăng chi quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030, thông qua việc kiểm soát gian lận thuế và giảm chi phúc lợi. Đảng cầm quyền cũng cam kết giảm lượng người nhập cư và thực hiện kế hoạch đưa người xin tị nạn đến Rwanda. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ hiện trong tình trạng chia rẽ sâu sắc khi uy tín sụt giảm nghiêm trọng với hàng loạt bê bối.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố: “Tôi biết nhiều người đã từng ủng hộ chúng tôi nay do dự. Tôi biết mọi người thất vọng về tôi và về đảng của chúng tôi. Những năm vừa qua đã không dễ dàng đối với bất kỳ ai. Tôi hiểu không phải lúc nào chúng tôi cũng làm đúng, chúng tôi cũng đã phạm sai lầm. Tôi hiểu được nỗi thất vọng bây giờ, nhưng cuộc bầu cử này là để chọn người lãnh đạo đất nước trong nhiều năm tới”.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer được nhận định là một gương mặt đáng phải lưu tâm. Là người theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, ông Starmer đã nỗ lực hàn gắn các chia rẽ nội bộ và thành công trong việc xây dựng uy tín của Công đảng khiến sự ủng hộ của cử tri tăng mạnh.
Ông Keir Starmer phát biểu với The Guardian trước thời điểm bầu cử rằng: “Công cuộc tái thiết phải bắt đầu bằng những lựa chọn mới về tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi muốn được người Anh tin tưởng giao nhiệm vụ phát triển kinh tế theo cách khác. Cách thức tạo ra của cải lúc này đang làm cho nhiều người cảm thấy bất an. Chúng tôi mong có thể cải cách đến khi tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho những người làm việc chăm chỉ”.
Kết quả thăm dò do The Economist và tổ chức nghiên cứu WeThink thực hiện từ ngày 30/5-21/6 với gần 18.600 cử tri cho thấy, Công đảng đang dẫn trước Bảo thủ 20 điểm phần trăm, với tỷ lệ 42% phiếu bầu so với 22%. Ngoài Công đảng, đảng Cải cách Vương quốc Anh cũng được cho là mối đe dọa đối với đảng Bảo thủ cầm quyền. Lãnh đạo đảng Nigel Farage, người theo chủ nghĩa dân túy với tư tưởng chống nhập cư và ủng hộ Brexit đang thu hút nhiều cử tri vốn ủng hộ Bảo thủ với cam kết giảm nhập cư và tập trung vào các giá trị Anh. Đảng này nhận được 14% số ý kiến ủng hộ, tiếp đến là đảng Dân chủ tự do với 11% và đảng Xanh là 6%. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất giữa các đảng chính trong lịch sử hiện đại của Anh và là thay đổi đáng kể so với cuộc bầu cử năm 2019, khi Bảo thủ dẫn trước 12 điểm.
Dự kiến, một ngày sau khi kết thúc bầu cử, người dân Anh sẽ biết ai là nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước. Trong vòng gần 5 năm qua, London đã chứng kiến hàng loạt thay đổi lớn, từ việc Vua Charles III đăng quang tới việc đảng Bảo thủ cầm quyền thay ba đời thủ tướng để lèo lái nước Anh qua nhiều biến động. Với cuộc bầu cử lần này, dù đảng nào giành chiến thắng, chính phủ mới sẽ phải đưa đất nước vượt qua hàng loạt thách thức, thoát khỏi kinh tế trì trệ cũng như giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách để nâng cao mức sống người dân, khôi phục vị thế của nước Anh trên toàn cầu.
Ngày đăng: 08:54 | 05/07/2024
Kim Khánh / cand.com.vn