Khoảng 370 triệu cử tri tại 27 nước thuộc Liên minh châu Âu đã đến các điểm bỏ phiếu từ ngày 6 đến 9/6 để tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Kết quả sơ bộ cho thấy các đảng cực hữu đã giành được những thắng lợi đáng kể nhưng chưa thể đạt đa số ghế trong cơ quan quan trọng bậc nhất châu Âu này.
Nghị viện châu Âu (EP) là một trong 7 cơ quan trực thuộc Liên minh châu Âu (EU) và là cơ quan duy nhất do cử tri châu Âu trực tiếp bầu ra. Cùng với Hội đồng Liên minh châu Âu (khác với Hội đồng châu Âu), EP đóng vai trò là cơ quan lập pháp chung của EU. Khác với Hội đồng Liên minh châu Âu, vốn bao gồm 27 bộ trưởng đại diện cho mỗi nước thành viên, EP lại được bầu trực tiếp bởi lá phiếu của gần 450 triệu người dân châu Âu.
Đến nay, EP vẫn là cơ quan lập pháp đa quốc gia được bầu trực tiếp duy nhất trên thế giới. EP có thể được coi như hạ viện trong một chế độ lưỡng viện, trong khi Hội đồng Liên minh châu Âu là thượng viện. Quyền lực lập pháp của hai cơ quan này tương đương nhau. Mỗi dự luật chung của EU trước tiên đều phải được Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp chung của khối, đề xuất với hai cơ quan lập pháp. Dự luật này sau đó cần có sự thông qua của cả hai cơ quan để có thể thành luật. Bên cạnh đó, EP còn nắm quyền phủ quyết việc bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói riêng và toàn bộ thành viên của cơ quan này.
Bầu cử EP diễn ra 5 năm một lần với toàn bộ các đảng phái chính trị ở 27 nước thành viên EU đều được tham gia tranh cử. Trong cuộc bầu cử năm 2024, số ghế tại EP được nâng từ 705 lên thành 720 ghế, cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu dân số các nước thành viên. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra từ ngày 6 đến 9/6. Mỗi quốc gia thành viên tự quyết định ngày bầu cử của mình, trong đó, 20 trên 27 nước chọn bỏ phiếu duy nhất trong ngày cuối cùng 9/6. Đến ngày 10/6, cục diện của cuộc bầu cử đã dần được định hình.
Theo các trang báo lớn của châu Âu, tính đến tối 10/6, nhóm trung hữu Nhân dân Châu Âu (EPP), luôn có số đại biểu lớn nhất tại EP, đã chiếm được 186 ghế, hơn khoảng 10 ghế so với nhiệm kỳ 2019-2024, tiếp tục trở thành nhóm có sức ảnh hưởng lớn nhất. Tiếp theo đó là Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D), một nhóm chính trị trong EP của Đảng Xã hội chủ nghĩa châu Âu (PES), giành được 139 ghế và là lực lượng chính trị đứng thứ 2. Hai nhóm đứng đầu đã lần lượt đạt được số ghế chỉ lệch chút ít so với các dự đoán trước đó.
Đáng chú ý, nhóm Đổi mới châu Âu (RE), nơi tập trung của đại đa số người theo chủ nghĩa tự do, trong đó có các đại diện thuộc phe của Tổng thống Pháp và là nhóm đông thứ 3 tại EP trong nhiệm kỳ trước, đã bị giảm 23 ghế và chỉ còn lại 79 đại biểu.
Trong khi đó, 2 nhóm cực hữu, được dự đoán là sẽ có bước tiến triển ngoạn mục và giành được số ghế quan trọng tại Nghị viện, nhưng trên thực tế, nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), chỉ nhận được vỏn vẹn 58 ghế, thấp hơn 14 ghế so với dự đoán và chỉ nhỉnh hơn 2 ghế so với nhiệm kỳ trước. ID hiện là nhóm đông thứ 5 tại Nghị viện, tăng một bậc so với nhiệm kỳ 2019-2024.
Khối cực hữu Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cũng chỉ giành được 73 ghế, thấp hơn 13 ghế so với dự đoán và hiện đang là nhóm đông thứ 4. Nhóm này cũng gần như không có tiến triển gì về mặt đại biểu khi chỉ hơn được nhiệm kỳ trước vỏn vẹn 4 ghế. Ngoài ra, phe cánh tả và phe môi trường cũng giành được chiến thắng lớn tại Bắc Âu, cụ thể là tại Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Mặc dù như vậy, nhóm Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu vẫn chỉ chiếm được 52 ghế, mất 19 ghế so với nhiệm kỳ trước và đứng ở vị trí thứ 6.
Những kết quả này là cú sốc đối với nhiều đảng cầm quyền ở những nước quan trọng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm sau khi đảng Phục hưng cầm quyền ở Pháp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử EP, thậm chí, chỉ bằng một nửa Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của phe đối lập do bà Marine Le Pen lãnh đạo.
Kết quả này đồng nghĩa với việc phe đối lập ở Pháp sẽ có tiếng nói trong các quyết định liên quan tới các chính sách của EU. Đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận kết quả tồi tệ nhất trong cuộc bỏ phiếu cấp quốc gia trong gần 2 thập kỷ, dù vẫn xếp vị trí đầu tiên với 11 ghế trong EP. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng trải qua một “đêm đau đớn” khi Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông chỉ giành được vị trí dẫn đầu như kỳ vọng. Bên cạnh đó, vì thành tích kém của đảng Open VLD trong các cuộc bầu cử Nghị viện, Thủ tướng Alexander De Croo của Áo tối 9/6 đã tuyên bố từ chức kể từ ngày 10/6.
Sau khi các nước hoàn thành kiểm phiếu và công bố kết quả, các nhóm nghị viện sẽ được thành lập và bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch... Phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp châu Âu khóa 10 sẽ được tổ chức tại Strasbourg (Pháp) từ ngày 16 đến 19/7, với một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành bầu chọn Chủ tịch Nghị viện mới.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cuoc-bau-cu-dinh-hinh-chau-au-trong-nua-thap-ky-i733936/
Ngày đăng: 08:22 | 11/06/2024
Duy Tiến / CAND