Với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên tề tựu tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 cùng bàn thảo, đưa ra những biện pháp, sáng kiến nhằm nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt để đưa Hiệp hội trở thành một động lực tăng trưởng toàn cầu.

Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 hôm nay 9-5 chính thức khai mạc tại thành phố du lịch Labuan Bajo nằm ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và khoảng 550 đại biểu từ 10 nước thành viên ASEAN. Đặc biệt, Hội nghị này là lần đầu tiên lãnh đạo Timor Leste tham dự sau khi được trao tư cách quan sát viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 diễn ra vào năm 2022 ở Phnom Penh, Campuchia.

Cùng nỗ lực để ASEAN trở thành một động lực tăng trưởng toàn cầu  ảnh 1
 

Các quốc gia thành viên ASEAN cùng nỗ lực để Hiệp hội trở thành một động lực tăng trưởng toàn cầu

Với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị cấp cao ASEAN 42 đề cập, thảo luận nhiều vấn đề khu vực quan trọng của khu vực và Hiệp hội. Trong đó, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận và quyết định về thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng kinh tế tại các phiên họp như Hội nghị thượng đỉnh Tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT) và Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP-EAGA), sự kiện này gồm 6 cuộc họp cấp cao, trong đó có phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp; cùng các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN và Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV)…

Quốc gia chủ nhà Indonesia, Chủ tịch ASEAN năm 2023, đưa ra nhiều ưu tiên, sáng kiến nhằm nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức và đưa Hiệp hội trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu. Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam tiếp tục đồng hành với nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 cũng như các nước thành viên nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm nay.

Năm qua, dù khu vực và thế giới phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, khủng hoảng “kép” - khủng hoảng an ninh năng lượng và an ninh lương thực… trong khi chưa phục hồi vững chắc sau đại dịch Covid-19, kinh tế ASEAN vẫn tăng trưởng với tốc độ khá nhanh, là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo đó, các nước ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,6% so với mức 3,2% chung của khu vực Đông Á. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN được dự báo tiếp tục duy trì tốc độ khá nhanh dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu đề ra là điều không dễ dàng với ASEAN cũng như mỗi quốc gia thành viên. Bên cạnh nỗ lực của từng nước, hợp tác giữa các thành viên được xem rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng chung cũng như của mỗi quốc gia. ASEAN hiện đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch tổng thể 2025 trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo đó, ASEAN tập trung nâng cao năng lực thể chế và thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay, như phục hồi bao trùm, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Trong năm 2023, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Indonesia đưa ra nhiều ưu tiên, sáng kiến cụ thể trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính - kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, những ưu tiên, sáng kiến này được đánh giá là phù hợp với sự quan tâm, lợi ích của các nước thành viên; được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường của Hiệp hội.

Đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam

 Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 và có những đóng góp tích cực, cụ thể vào các nỗ lực chung của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế. Trong thời gian hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nước ta cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam tiếp tục đồng hành với các nước thành viên nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm nay, thúc đẩy Hiệp hội trở thành một động lực tăng trưởng toàn cầu. Trước hết, với quyết tâm, nỗ lực của mình, Việt Nam là một điểm sáng kinh tế khu vực và toàn cầu khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP thuộc loại cao nhất trong năm 2022 vừa qua và tiếp tục duy trì trong năm nay.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo công bố ngày 31-3 cho thấy, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,0% vào năm 2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân trên toàn cầu, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 6,4% trong năm 2023 này nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử, máy móc và giày dép. Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á (gồm các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ) trong năm 2023. Từ nền tảng này, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,6% trong năm 2024.

Với khoảng 100 triệu dân, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về quy mô dân số (sau Indonesia và Philippines), Việt Nam có tiềm lực kinh tế khá mạnh, thu hút nhiều đầu tư, phát triển rất nhanh và điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển của Hiệp hội. Phát biểu trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 42, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã và đang có những đóng đóng góp quan trọng, chủ động và tích cực cho tổ chức khu vực này. Hiện Việt Nam là một trong những nước ASEAN thu hút rất nhiều sự quan tâm trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và trao đổi thương mại.

Cùng chung nhận định về vai trò, đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng và phát triển của ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) Arsjad Rasjid đánh giá, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực, cũng như tích cực tham gia các sáng kiến như Khu vực Thương mại tự do ASEAN. Chủ tịch ASEAN-BAC khẳng định, những đóng góp của Việt Nam là rất quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của ASEAN, đồng thời cho rằng cam kết của Việt Nam trong các sáng kiến khác nhau cho thấy sự sẵn sàng của Hà Nội hướng tới một khu vực hội nhập và thịnh vượng hơn.

Về sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN 41, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN, nêu rõ, triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, sáng tạo, đóng góp vào thành công chung của hội nghị. Thông điệp mà chúng ta sẽ mang tới hội nghị lần này là củng cố đoàn kết, tự cường, nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước các biến động, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của ASEAN khi tham gia các công việc chung của khu vực và thế giới.

https://www.anninhthudo.vn/cung-no-luc-de-asean-tro-thanh-mot-dong-luc-tang-truong-toan-cau-post539210.antd

Ngày đăng: 08:12 | 09/05/2023

Hoàng Hà / ANTD