Trong tương lai những động thái tương tự chuyến thăm này có thể trở thành cái cớ cho Trung Quốc triển khai những ý đồ, kế hoạch đã lập sẵn.
CNN ngày 3/3 đưa tin, Hoa Kỳ đã miêu tả chuyến viếng thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam 4 ngày từ thứ Hai tuần tới, 5/3, của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson cùng 5000 thủy thủ, phi công như một "cơ hội lịch sử" để tăng cường tình hữu nghị đang nảy nở giữa 2 nước.
Tuy nhiên theo một nhà phân tích Hoa Kỳ, hoạt động này còn có thông điệp mang ý nghĩa xa hơn 1 chuyến cập cảng. Chúng tôi xin tổng hợp một số phân tích, bình luận và phản ứng của các bên về sự kiện này, hầu quý bạn đọc.
Bình luận về "thông điệp của Washington"
Cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Kirby đồng thời là một nhà bình luận quân sự và ngoại giao của CNN cho biết:
Ông John Kirby khi còn tại chức, ảnh: Wikipedia. |
"Việt Nam đã rất quan tâm đến những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ đang lo lắng về những điều Trung Quốc đang làm, và nhiều năm nay họ muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ.
Washington cần phải có cách tiếp cận nhất quán và có lẽ phải quyết đoán hơn để giải quyết vấn đề này.
Tôi không nghĩ rằng đã quá muộn để ngăn chặn (Trung Quốc) quân sự hóa thêm, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải có một chiến lược toàn diện chứ không chỉ là một chiến lược quân sự để giải quyết vấn đề này.
(Chuyến thăm của cụm tàu USS Carl Vinson) đó là một thông điệp gửi đến Việt Nam, rằng chúng ta quan tâm đến mối quan hệ (Việt - Mỹ) này như thế nào.
Đây cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc về những gì họ đang làm trong khu vực, đồng thời cũng là thông điệp rộng hơn gửi tới các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, rằng Hoa Kỳ đang ở đây, chúng tôi đang hiện diện ở đây."
CNN nói rằng chủ đề các hoạt động (quân sự hóa) của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ xuất hiện trong chuyến thăm này.
Tàu sân bay USS Carl Vinson, ảnh: worldtribune.com. |
Ở Việt Nam, Hoa Kỳ thấy cơ hội có thể tham gia vào một vấn đề chung và đẩy lùi các ảnh hưởng (tiêu cực) ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á, CNN nhận định.
Quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt đã tăng lên đáng kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama năm 2016 với tuyên bố nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ này vẫn tiếp tục phát triển. [1]
Biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran ngày 1/3 nhận định:
Thứ nhất, USS Carl Vinson thăm Việt Nam là một sự kiện khác trong một loạt các bước tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Mỹ trong vài năm qua.
Mặc dù vài năm qua đã có một số tàu chiến Mỹ ghé thăm Việt Nam và hai bên vẫn tiếp tục mở rộng lĩnh vực này trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, 1 cụm tàu sân bay là biểu tượng rõ ràng hơn về sự hiện diện của Mỹ.
Chuyến thăm này không nên chỉ được hiểu là sự kiện 1 lần, mà là một phần của sự hội nhập của tàu sân bay Hoa Kỳ vào trong mối quan hệ Mỹ - Việt.
Tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Việt Nam thăm tàu sân bay USS Carl Vinson.
Vài ngày sau, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ ông Phạm Quang Vinh, đã lên thăm tàu sân bay USS George HW Bush.
Thứ hai, chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ với khu vực.
Đây là một cách để Washington tăng cường thực tế sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là trước những lo ngại về sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bởi không phải ngẫu nhiên USS Carl Vinson ghé thăm Philippines, trong khi tàu khu trục USS Wayne E. Meyer ghé thăm cảng KotaKinabalu, Malaysia trong lúc các nước Đông Nam Á đang thảo luận về Biển Đông.
Thứ ba, ngoài mối quan hệ Mỹ - Việt, chuyến thăm này cũng có ý nghĩa quan trọng với khu vực trong bối cảnh các nước ASEAN ngày càng lo lắng về một số động thái khiêu khích hơn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyến thăm củng cố quyết tâm hiện tại của Washington đối với vấn đề BIển Đông.
Tuy nhiên, những động thái như vậy có thể mở ra những khả năng trong tương lai Bắc Kinh có thể lợi dụng, vin cớ để triển khai các hoạt động đã có âm mưu, kế hoạch từ trước như đã từng làm trong quá khứ. [2]
Phản ứng và bình luận từ Trung Quốc
Ngày 2/3 Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bình luận về chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Hoa Kỳ, bà Oánh cho biết:
"Chúng tôi không có ý kiến gì về các hoạt động giao lưu hợp tác bình thường giữa các quốc gia, bao gồm cả hoạt động giao lưu quân sự.
Hoa Kỳ là một nước lớn có ảnh hưởng to lớn, có trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam cũng là một nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc và có ảnh hưởng trong khu vực.
Chúng tôi hy vọng hoạt động giao lưu quân sự Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mang ý nghĩa xây dựng và tích cực đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, chứ không phải làm tăng các nhân tố khiến người khác cảm thấy bất an." [3]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu. |
Trước đây, mỗi lần có những hoạt động bang giao quốc phòng an ninh Việt - Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu thường có những phân tích, bình luận mang tính suy diễn và chỉ trích vô cớ, gay gắt.
Lần này Thời báo Hoàn Cầu khá im hơi lặng tiếng với chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson, ngoài bài báo hôm 25/8 dẫn lời 2 chuyên gia Trung Quốc bình luận.
Ông Li Haidong từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc được Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nói rằng:
"Chuyến viếng thăm thường xuyên của tàu sân bay Mỹ tới \'vùng biển tranh chấp\' này là phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia mới của Donald Trump ban hành tháng 12/2017.
Chiến lược này xem Trung Quốc là siêu cường đối thủ, và năm nay Biển Đông sẽ chứng kiến nhiều hành động khiêu khích hơn với các chuyến thăm của tàu sân bay và máy bay Hoa Kỳ."
Vị học giả này dự đoán, quan hệ Trung - Mỹ sẽ có nhiều tranh chấp trong năm 2018, không chỉ giới hạn ở vấn đề Biển Đông, bởi Mỹ đang phải cố gắng đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Ông Chen Xiangmao, một nhà nghiên cứu Trung Quốc về Biển Đông được Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nhận định:
"Cuộc viếng thăm Việt Nam cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Philippines được cải thiện.
Trung Quốc nên bố trí thêm nhiều cơ sở, thiết bị quân sự như ra đa, máy bay và nhiều tàu chiến ở Biển Đông để đối phó với những động thái \'khiêu khích\' từ Hoa Kỳ." [4]
Đá Chữ Thập, Trường Sa thuộc Khánh Hòa, Việt Nam. Cấu trúc địa lý này bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp. Ảnh: CSIS / AMTI. |
Chúng tôi cho rằng, sự im lặng của Thời báo Hoàn Cầu chưa hẳn đã mang tín hiệu hòa bình, ổn định cho Biển Đông trong năm 2018.
Tuần qua dư luận đặc biệt quan tâm đến động thái Bắc Kinh đã lôi kéo được Manila vào vòng xoáy "gác tranh chấp, cùng khai thác" trên chính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, một động thái được cho là nhằm đối phó với Trung Quốc và có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại.
Như vậy, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn bước đi này của Donald Trump đã không thành.
Trước đó, Ủy viên Bộ chính trị Lưu Hạc được xem là cánh tay phải của ông Tập Cận Bình về điều hành kinh tế vĩ mô đã công du Washington ngay trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 3 (26-28/2) xem xét vấn đề sửa đổi Hiến pháp và nhân sự bộ máy nhà nước.
Lúc này, phản ứng căng thẳng với Hoa Kỳ trên Biển Đông có lẽ không phải lựa chọn tốt với Trung Quốc.
USS Carl Vinson thăm Việt Nam chỉ có 4 ngày, nhưng chính sách của ông Tập Cận Bình ở Biển Đông sẽ được duy trì và đẩy mạnh trong hàng thập kỷ tới, khi giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước bị bãi bỏ.
Chen Xiangmao đã không ngại nói thẳng, Prashanth Parameswaran cũng đã rất tinh tế chỉ ra, trong tương lai những động thái tương tự chuyến thăm này có thể trở thành cái cớ cho Trung Quốc triển khai những ý đồ, kế hoạch đã lập sẵn.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của USS Carl Vinson "chưa phải lúc" Trung Quốc lợi dụng.
Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại, về lâu dài các bên liên quan mới thực sự cần tính toán các giải pháp chiến lược, nhất là khi Trung Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bằng chính bàn tay của Philippines.
Bộ đôi chiến hạm hộ tống tàu sân bay Carl Vinson đến Việt Nam
Tàu tuần dương Lake Champlain và khu trục hạm Wayne E. Meyer được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, nhằm bảo vệ tàu sân ... |
Uy lực đáng nể của tàu sân bay Mỹ sắp thăm Đà Nẵng
Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của lực lượng Hải quân Mỹ dự kiến tới thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 tới ... |
Ngày đăng: 09:38 | 05/03/2018
/ Giáo dục Việt Nam