Chứng kiến việc lùm xùm của một số công chức có hành vi ứng xử chưa phù hợp gần đây dù chưa phổ biến nhưng đã tạo ra những hình ảnh phản cảm về đội ngũ công chức trong bộ máy công quyền - TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Có không ít trường hợp người dân gọi điện thoại đến cơ quan công quyền, thì không phải lúc nào cũng nghe được lời nói êm ái từ đầu dây bên kia sau ít nhất 3 nhịp chuông, hoặc có khi gọi dăm bẩy lượt không có người nhấc máy.
Thái độ cửa quyền hách dịch của các "công bộc" dân lại có quyền ban phát lâu ngày không chấn chỉnh thành thói quen "chảnh" và dần dần hình thành văn hóa xa lạ nơi công sở. Nhân viên mới vào cơ quan lại rất dễ học theo cách ứng xử của đồng nghiệp đi trước và lâu dần rất dễ tạo ra một văn hóa nhóm có chung lợi ích.
Có trường hợp, chỉ vì người dân chậm "biết điều", chuyên viên có thể "bới lông tìm vết" trong hồ sơ theo kiểu vặn vẹo câu chữ, ý tứ trong hồ sơ...thành ra quy trình một cửa nhưng lại nhiều "ngách". Muốn xong việc khỏi phải chờ đợi, người dân đành phải làm luật, đi vào các ngõ ngách.
Nguyên nhân chủ yếu do văn hóa ứng xử của những cán bộ này đi kèm với năng lực và phẩm chất hạn chế, cũng như những quy định có thể còn có kẽ hở, thiếu thực tế và hiểu theo kiểu nào cũng đúng...
Chủ tịch xã ở Hà Nội phải xin lỗi tân sinh viên vì bút phê này |
Xác nhận của Phó chủ tịch xã ở Hải Dương gây khó nữ cử nhân phải điều chỉnh ngay sau đó |
Chỉ cần vụng về trong ứng xử hoặc thiếu văn hóa, có dấu hiệu vòi vĩnh, lệch chuẩn hoặc thiếu kiềm chế, hách dịch trong ứng xử với dân nơi công cộng rất dễ bùng phát thành "đám cháy" khủng hoảng truyền thông. Trớ trêu thay, ngay cả trường hợp người dân có hành vi chưa đúng chuẩn mực thì số đông thông qua mạng xã hội lại không tỏ ra ủng hộ công chức thực thi công vụ.
Cần tư duy toàn cầu
Trong thời đại mà tác động của sự lan truyền lên đến cấp số nhân này, mỗi người rất cần hành động tại chỗ và tư duy toàn cầu để nhắn gửi mỗi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt đội ngũ công chức trước khi hành xử cần chú ý đến tác động lớn hơn không đơn giản chỉ ở phòng làm việc của cơ quan công quyền hay địa phương mình mà đó là hình ảnh của quốc gia.
Chỉ một vài hiện tượng xấu (không phổ biến), nhưng với con mắt của truyền thông và đặc biệt mạng xã hội thì công chúng khắp nơi có thể khái quát hóa sự việc hay hiện tượng và gán cho thuộc tính phổ biến...
Ngay cả người sử dụng facebook cũng vậy, không phải ai cũng có tư duy phân tích đến tận cùng, logic và kết luận dựa theo bằng chứng mà thường có xu hướng chạy theo đám đông để bình luận và chia sẻ ngay cả thông tin chưa được kiểm chứng... Vì thế vấn đề có thể được xử lý rất nhẹ nhàng, nhưng trong bối cảnh như vậy nguy cơ “bé xé ra to" và đến khi thanh minh được thì hình ảnh của chính công chức, của cơ quan hay của địa phương đã bị "nhọ" một phần trong mắt của công chúng.
Để tránh những “tai nạn”
Luật Cán bộ, công chức quy định khá rõ về văn hóa giao tiếp như phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực...không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, những sự cố văn hóa ứng xử vừa qua cho thấy luật này chưa đi vào cuộc sống của một bộ phận cán bộ công chức.
TS Hoàng Ngọc Vinh |
Làm gì để tránh được những "tai nạn" không đáng có dưới tác động của truyền thông, thiết nghĩ chính quyền các cấp, các bộ ngành cần tăng cường giáo dục, giám sát hành vi ứng xử của công chức; đánh giá nhu cầu thiếu hụt kỹ năng ứng xử và nên có chương trình tập huấn nâng cao trình độ văn hóa ứng xử của công chức.
Mỗi cán bộ công chức cần rất ý thức với mỗi lời nói, giao tiếp ứng xử... ngay cả khi không cần có camera giám sát đặt trong phòng làm việc. Cần có chái độ chân thành, cởi mở, tận tình, ân cần, mềm mỏng, linh hoạt, kiên trì giải thích khi người dân chưa hiểu và cố gắng đáp ứng nhu cầu cao nhất cho người dân.
Về phía người dân, cũng rất cần nâng cao hiểu biết của mình về các thủ tục hành chính và có thể nhờ tư vấn trước khi ra cơ quan công quyền.
Ngày đăng: 06:10 | 14/08/2017
/ TS Hoàng Ngọc Vinh/vietnamnet.vn