Khả năng hấp thụ vốn ở khối DN sản xuất - kinh doanh hiện đang rất lớn và trùng khớp với kỳ vọng tiếp tục đẩy mạnh vốn cho vay cuối năm của hầu hết các NHTM.
Giữ vững ổn định
Vụ Dự báo Thống kê của NHNN mới đây đã công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiến hành vào tháng 9/2017. Theo đó, 70,3% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có sự gia tăng so với năm 2016; 70,65% TCTD tiếp tục kỳ vọng mạnh mẽ vào sự phục hồi của nhu cầu vay vốn trên thị trường.
Thống kê cũng cho thấy diễn biến lãi suất, nhóm các NHTM có vốn Nhà nước chi phối như VietinBank, Vietcombank, BIDV kỳ vọng lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ giảm bình quân 0,06-0,15 điểm phần trăm trong quý IV/2017. Trong khi đó, nhóm NHTMCP lớn kỳ vọng lãi suất cho vay trong quý IV/2017 sẽ giảm 0,45 điểm phần trăm. Tính chung toàn hệ thống mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm 0,22 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay.
Những con số công bố trên của Vụ Dự báo Thống kê là có cơ sở để kỳ vọng sẽ diễn ra trên thực tế thị trường vào các tháng cuối năm 2017. Bởi kết thúc quý III/2017, hầu hết các DN đều tỏ ra lạc quan với kế hoạch kinh doanh và khả năng tăng trưởng của mình. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, có 52,6% DN được hỏi cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên trong quý IV/2017, 36,4% DN khác cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tiếp tục ổn định. Trong khi đó, chỉ có khoảng 28,1% DN cho rằng lãi suất vay vốn cao đang là rào cản khiến họ gặp khó khăn về tài chính kinh doanh. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn ở khối DN sản xuất - kinh doanh hiện đang rất lớn và trùng khớp với kỳ vọng tiếp tục đẩy mạnh vốn cho vay cuối năm của hầu hết các NHTM.
Phân tích ở góc độ ngân hàng, bộ phận nghiên cứu của LienVietPostBank nhận định trong 3 tháng cuối năm 2017, mặt bằng lãi suất đặc biệt là kỳ hạn ngắn hạn sẽ ổn định hơn so với cùng kỳ các năm trước. Bởi tính đến hết quý III/2017 lạm phát vẫn tăng thấp và trong tầm kiểm soát. Trong khi đó thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào với sự hỗ trợ tích cực từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (tính đến cuối tháng 8/2017 số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với thời điểm đầu năm).
Đồng quan điểm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong quý IV/2017, vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ để giảm lãi suất cho vay. Theo đó, áp lực từ tỷ giá USD/VND không quá lớn do chỉ số USD trên thị trường quốc tế đã giảm khá mạnh từ đầu năm đến nay, lạm phát trong nước năm nay nhiều khả năng chỉ dưới 4%. Cùng với đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ các tháng cuối năm 2017 chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, hệ thống ngân hàng sẽ không bị nhiều áp lực từ kênh trái phiếu cùng sự tham gia huy động vốn trên thị trường như những tháng đầu năm nay. Trong khi đó lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng 1-1,5 điểm phần trăm so với đầu năm 2017 tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất trên thị trường. Ngoài ra, lãi suất còn được hỗ trợ từ cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Nhu cầu vốn DN còn
Theo dõi thị trường tiền tệ, trong quý III/2017 cũng như 9 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động chủ yếu có xu hướng đi ngang ở các kỳ hạn ngắn và được các NHTM điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài. Về cơ bản, kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất huy động trong các ngân hàng phổ biến ở mức 4,8% - 5,4%/năm; kỳ hạn 6 - 12 lãi suất 5,6% - 7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7% - 7,8%/năm. Bên cạnh đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6% - 9%/năm, trung và dài hạn từ 9,3% - 11%/năm. Theo số liệu của NHNN, thậm chí khách hàng tốt được vay lãi suất ngắn hạn khoảng 4 - 5%/năm.
Thực tế, tại hầu hết các diễn đàn gặp gỡ, kết nối giữa các NHTM với khách hàng trong khoảng 1 năm trở lại đây, câu chuyện lãi suất vay vốn đã không còn là băn khoăn của nhiều DN vì đa số các DN chấp nhận được mức lãi suất hiện nay. Việc chỉ có 28% DN đánh giá lãi suất vay vốn cao là rào cản tăng trưởng như số liệu thống kê ở trên cũng chứng tỏ rằng khả năng tăng hay giảm 0,1 - 0,5 điểm phần trăm của lãi suất cho vay thực tế không gây khó dễ gì nhiều đến cộng đồng DN. Mà vấn đề chính là giải quyết các nút thắt về khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu và tính toán đúng nhu cầu thị trường để tăng sức hấp thụ vốn.
Bởi cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê có tới 81,6% được hỏi cho rằng khả năng cạnh tranh kém của hàng hóa trong nước so với hàng hóa nhập khẩu là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong khi đó 47% DN cho rằng, nhu cầu thị trường trong nước thấp là cản trở để các DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và hấp thụ vốn tín dụng.
Trở lại câu chuyện lãi suất. Diễn biến thực tế cho thấy, từ giữa tháng 7 lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên đã được hầu hết các NHTM giảm 0,5% xuống còn 6,5%/năm. Các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo chương trình kết nối ngân hàng - DN ở TP.HCM trong vòng 10 tháng vừa qua đã tiếp cận được hàng chục ngàn tỷ đồng vốn vay với lãi suất phổ biến ở mức 6%-9%/năm (ngắn hạn) và 8-10%/năm (trung, dài hạn). Điều này, cộng với việc 92,3% NHTM được khảo sát cho rằng mức độ rủi ro của khách hàng vay vốn hiện đang là “bình thường” và “thấp” cho thấy khả năng ổn định mức lãi suất cho vay các kỳ hạn từ nay đến cuối năm là hoàn toàn có thể thực hiện và có thể giảm nhẹ cục bộ khi các NH cạnh tranh cho vay kinh doanh mùa cuối năm.
http://thoibaonganhang.vn/cua-hep-cho-lai-suat-69060.html
Ngày đăng: 13:13 | 25/10/2017
/