Sau khi bị quản lý thị trường giữ hơn 9.000 sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, sáng nay 12/11, toàn bộ cửa hàng Seven.AM tại Hà Nội tạm ngừng hoạt động.
Ghi nhận của phóng viên VTC News sáng 12/11 cho thấy, tất cả cửa hàng của hệ thống Seven.AM tại Hà Nội dừng hoạt động và treo biển bảo trì.
Tại trụ sở chính trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), cửa hàng Seven.AM đóng cửa, toàn bộ nhân viên nghỉ và chỉ có một bảo vệ túc trực tại đây. Phía ngoài cửa hàng này treo biển thông báo "Tạm dừng hoạt động để bảo trì". Nhiều khách hàng tới mua hoặc đổi đồ đều được thông báo quay lại sau.
Cửa hàng chính của Seven.AM trên phố Tôn Đức Thắng đóng cửa với biển thông báo bảo trì. |
Tương tự, các cửa hàng trên phố Trần Phú (Hà Đông), Thái Hà (Đống Đa)... cũng đóng cửa. Liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhãn hàng này, PV được cho biết, toàn bộ hệ thống cửa hàng ngưng hoạt động để bảo trì và hẹn 2-3 ngày sau quay lại.
Xác nhận với VTC News vấn đề này, ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu Seven.AM) cho biết: "Sau khi làm việc với cơ quan chức năng ngày hôm qua 11/11, hiện tại hệ thống Seven.AM tạm đóng cửa, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông báo sau".
Cửa hàng Seven.AM trên phố Thái Hà ngừng hoạt động. |
Sáng hôm qua (11/11), đội quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra 5 cửa hàng của hệ thống Seven.AM tại các phố Tôn Đức Thắng, Kim Đồng, Trần Phú, Thái Hà, Nguyễn Văn Cừ. Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm.
Cửa hàng Seven.AM tại 135 Trần Phú (Hà Đông) đóng cửa ngày 12/11. |
Cụ thể, tại cơ sở kinh doanh thời trang Seven.AM số 504-506 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, số lượng hàng hoá gồm 776 chiếc đầm; 41 chiếc áo vest; 71 chiếc áo sơ mi; 32 chiếc quần; 58 chiếc juyp (chân váy); 48 chiếc khoác dạ.
Tại cơ sở kinh doanh số 146-148 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, số lượng hàng hoá gồm: 1.717 chiếc đầm nữ các loại; 188 chiếc áo sơ mi nữ; 503 chiếc áo dạ nữ; 80 bộ quần áo khoác mỏng; 93 juyp; 48 chiếc quần dài nữ; 4 bộ jum suit.
Tại cơ sở kinh doanh số 146 Thái Hà, Đống Đa, các sản phẩm gồm 1.820 chiếc đầm; 1.195 áo khoác; 348 chiếc áo sơ mi; 181 chiếc juyp; 154 chiếc quần.
Tại cơ sở kinh doanh số 135 Trần Phú, Hà Đông, lực lượng chức năng kiểm đếm có 922 sản phẩm gồm: 692 chiếc váy; 47 chiếc juyp; 80 chiếc áo khoác; 131 chiếc áo sơ mi; 25 chiếc quần và 27 bộ quần áo.
Tại cơ sở kinh doanh số 11 Kim Đồng, Hoàng Maii, số lượng hàng hoá gồm: 100 chiếc áo sơ mi; 440 chiếc đầm; 35 chiếc áo măng tô; 30 chiếc juyp; 20 chiếc quần dài; 13 bộ vest; 24 chiếc túi và 14 chiếc ví có nhãn hiệu Seven.AM.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra giấy đăng ký nhãn hiệu Seven.AM. Trong khi đó, toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm, cửa hàng không xuất trình được. Do đó "Cục Quản lý thị trường buộc phải niêm phong số hàng hóa kể trên, khi nào Seven.AM xuất trình được giấy tờ, chúng tôi sẽ đối chiếu kiểm tra và có hướng xử lý sau", ông Đào Kim Giang, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết.
Nhiều ngày gần đây, sự việc hãng thời trang Seven.AM bị "tố" nhập hàng Trung Quốc sau đó cắt mác để gắn mác của hãng này đang gây sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhiều khách hàng phát hiện thấy một số sản phẩm của nhãn hiệu Seven.AM có dấu hiệu "cắt gốc, thay mới". Những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA trước khi xuất đi hàng chục showroom thì các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu Seven.AM.
Khẳng định với VTC News, đại diện của thương hiệu này cho biết sẽ sớm có thông tin chính thức trả lời báo chí.
Ngày đăng: 14:13 | 12/11/2019
/ vtc.vn