Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV bế mạc với nhiều thành công, để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc với mỗi Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri và nhân dân cả nước.
ĐBQH Dương Minh Tuấn.
Đa số các ĐBQH đều hài lòng vì tâm tư, nguyện vọng của cử tri tiếp tục được hiện thực hóa trong các quyết sách của Quốc hội. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
PV: Thưa ông, kỳ họp thứ 4 đã bế mạc nhưng chắc chắn có rất nhiều ấn tượng đọng lại với mỗi ĐBQH, những người trực tiếp làm nên thành công của kỳ họp. Riêng ấn tượng của cá nhân ông như thế nào?
ĐBQH Dương Minh Tuấn: Không chỉ cá nhân tôi mà tin rằng, các ĐBQH, cử tri đều đã thấy một kỳ họp thành công với sự thẳng thắn, tinh thần xây dựng, nghiêm túc, hiệu quả, đi đến cùng các vấn đề.
Là kỳ họp cuối năm nên những vấn đề được Quốc hội thảo luận đều rất nóng, được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Có thể điểm lại như: Xem xét, quyết định nhân sự, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cải cách bộ máy hành chính, nợ công,... Nhiều luật, nghị quyết được thông qua với nhất trí cao, các luật được cho ý kiến đa dạng, thẳng thắn thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
Đáng chú ý, kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 6 thông qua những chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước. Thành công của kỳ họp cũng là việc Quốc hội cụ thể hóa chủ trương của Trung ương vào thực tiễn xây dựng hoàn thiện pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc tinh gọn bộ máy và những công việc quan trọng khác.
Cử tri dễ dàng hiểu rằng, ngân sách Nhà nước dù có lớn đến mấy cũng không thể nuôi nổi một bộ máy cồng kềnh với nhiều cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Điều này cũng kéo lùi sự phát triển của đất nước, làm cho các hoạt động kinh tế - xã hội trở nên trì trệ. Bởi vậy, tôi đánh giá cao việc Quốc hội đã có những ý kiến sâu sắc vào báo cáo giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính, nhìn thẳng và chỉ rõ những tồn tại, không né tránh.
Tôi nghĩ rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn với những vấn đề trọng tâm, câu hỏi thẳng thắn, “rất hóc búa” của ĐBQH tới các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ. Từ việc chủ tọa điều hành rất nguyên tắc, sát sao, linh hoạt với từng nội dung chất vấn, nhắc nhở ngay khi câu hỏi và câu trả lời vòng vo, không trúng vấn đề, đến việc trả lời thẳng thắn, không né tránh của các “tư lệnh ngành” và kể cả việc giơ biển tranh luận sôi nổi... Tất cả tạo nên một kỳ họp rất thành công. Tôi mong rằng, Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả, đổi mới trong hoạt động để đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, vấn đề bình đẳng giới, thực trạng ngân sách Nhà nước cũng được đưa ra bàn thảo trên những số liệu cụ thể mà các báo cáo của Chính phủ nêu. Điều đó cho thấy, Quốc hội ngày càng đổi mới trong hoạt động, nâng cao chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân trên tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm.
PV: Sau kỳ họp, điều mà cử tri mong muốn chính là sự chuyển mình của bộ máy Nhà nước, sự bứt phá của các bộ, ngành vì hiệu quả điều hành gắn liền với chất lượng cuộc sống của nhân dân. Theo ông, để bộ máy thực sự chuyển động hiệu quả, cần những yếu tố nào?
ĐBQH Dương Minh Tuấn: Đích đến của quyết sách phải là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là lãnh đạo các bộ, ngành nhận thấy những thiếu sót thuộc trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, điều hành để đưa ra những chính sách, cụ thể hóa các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống. Sự chuyển mình của bộ máy phải đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như Thủ tướng đã nhiều lần nhắc đến khi trả lời chất vấn.
Muốn bộ máy hoạt động hiệu quả thì chắc chắn không thể xem nhẹ vai trò của người đứng đầu. Trên thực tế, đâu đó vẫn còn hiện tượng người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương lơ là, cả nể, ngại va chạm. Cần phát hiện và xử lý nghiêm minh, không nể nang, né tránh.
Đặc biệt, sau khi chất vấn xong, Quốc hội sẽ có nghị quyết và giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành. Cử tri sẽ không chấp nhận những lời hứa suông, những quyết tâm mang tính hô hào, khẩu hiệu. Vì vậy, các thành viên Chính phủ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để có được sự tín nhiệm của các ĐBQH và niềm tin của nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trưởng ban Dân nguyện: Cử tri bức xúc với tham nhũng vặt
"Tham nhũng vặt, không chỉ ảnh hưởng đến mỗi người dân mà ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, đạo đức con người", bà Nguyễn ... |
Không là lời hứa suông
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới trình Chính phủ đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những ... |
http://www.nguoiduatin.vn/cu-tri-se-khong-chap-nhan-nhung-loi-hua-suong-a348598.html
Ngày đăng: 20:00 | 26/11/2017
/ Dương Thu/nguoiduatin.vn