Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; giá chung cư bán quá cao, người dân thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được...

Chiều 7/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nhân dân quan tâm hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Cử tri lo lắng thị trường vàng biến động bất thường, giá chung cư bán quá cao -0
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, UBND các cấp, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước và tham dự các diễn đàn quốc tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại các nước: Cuba, Mông Cổ, Pháp, Hoa Kỳ; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Tổng thống Cộng hòa Indonesia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào... "Cử tri cho rằng các hoạt động ngoại giao này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế", ông nhấn mạnh.

Cử tri lo lắng thị trường vàng biến động bất thường, giá chung cư bán quá cao -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân lo lắng tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. "Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; giá chung cư bán quá cao, người dân thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được" - Trưởng Ban Dân nguyện đề cập.

Tình hình một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đang có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tình trạng thiếu thuốc, vaccine và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập do còn có vướng mắc về đầu thấu mua sắm; tình trạng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn xảy ra; việc vận động mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học, không được sự đồng thuận của phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận...

Kiến nghị xem xét trách nhiệm việc thiếu vaccine thời gian qua

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, trên cơ sở Báo cáo của các Đoàn ĐBQH, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.289 kiến nghị cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 1.942 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 84,8%.

Cử tri lo lắng thị trường vàng biến động bất thường, giá chung cư bán quá cao -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thảo luận tại phiên họp.

Ban Dân nguyện nhận thấy, việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri có những hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cử tri và hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước, như: Việc thiếu vaccine đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến tháng 9/2024 vẫn còn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến việc nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Từ đó, kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với những vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra và đưa ra các giải pháp khắc phục; xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong thời gian qua...

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ từ năm 2017 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non vào ngành từ những năm 1960 - 1970, sau 20 - 30 năm công tác đã nghỉ việc và không được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ.

Không để kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, những khó khăn, bất cập trong quá trình điều hành của Bộ Y tế có nhiều nguyên nhân, mà nếu không có giải pháp cụ thể, hữu hiệu thì tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra, vẫn là "những câu chuyện cũ, không có gì mới". Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, không kéo dài tình trạng thiếu vaccine, thiếu thuốc, vật tư sinh phẩm tiêu hao...

Cử tri lo lắng thị trường vàng biến động bất thường, giá chung cư bán quá cao -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

"Từ thiếu vaccine, thiếu thuốc, vật tư sinh phẩm tiêu hao có thể sẽ dẫn đến câu chuyện phát sinh tiêu cực; các bệnh trọng yêu cầu phải điều trị sớm, mổ sớm có khi phải đặt lịch trước 6-7 tháng thì cơ hội để người bệnh sống và khỏi bệnh rất khó khăn. Cùng một sinh phẩm như thế nhưng giá ở Hà Nội khác, giá ở địa phương khác, thậm chí chênh nhau 5-7 lần. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo, theo quy định máy mỗi ngày chỉ chạy 3 ca, nhưng do thiếu máy nên phải chạy 4 ca, nguy cơ lỗi kỹ thuật, chuyên môn như ở Hoà Bình sẽ là điều dễ xảy ra chứ không phải hiếm, rồi tình trạng máy hỏng, không có máy rất phổ biến...", Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Y tế có kiểm tra, đánh giá, gắn trách nhiệm các địa phương, nhất là trong bối cảnh nhiều cơ sở, địa phương thiếu quyết liệt, quyết tâm, e dè, sợ trách nhiệm. Cần thiết công khai địa chỉ những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm chưa tốt. Một mình Bộ Y tế không xử lý được, nên địa phương cũng phải có trách nhiệm, xắn tay vào làm. "Nếu Bộ Y tế giúp địa phương công khai đơn vị làm thiếu trách nhiệm thì mới chuyển biến được, chứ cứ e dè thì sẽ rất khó" - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Cử tri lo lắng thị trường vàng biến động bất thường, giá chung cư bán quá cao -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu thực tế việc thiếu trang thiết bị vật tư y tế do không đấu thầu được. "Bản thân tôi có người nhà đi viện thấy thiếu từ bông, băng, gạc... Điều này là có thật, đề nghị Bộ Y tế nêu rõ, không đấu thầu được là do Bộ Y tế hay do luật, vướng ở đâu?", bà băn khoăn.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về các thủ tục hành chính. "Có những bệnh viện đổ thừa chuyện nọ chuyện kia, không mua được thuốc, vật tư y tế hay thiếu thứ nọ, thứ kia, ngành Y tế cần quyết liệt hơn trong việc này. Việc tuyên truyền tiêm vaccine cho người dân cũng chưa hiệu quả, cần đẩy mạnh hơn nữa để người dân có ý thức tiêm ngừa những vaccine thế hệ mới, chủng mới để phòng bệnh hơn chữa bệnh, tạo điều kiện cho việc chăm sóc sức khoẻ, phòng trị bệnh cho nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhấn mạnh hình ảnh đẹp lực lượng Quân đội, Công an giúp dân trong bão lũ

Liên quan Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần nghiên cứu thêm cách viết để cụ thể, gần gũi tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn; làm sao báo cáo mang tiếng nói tổng hợp của cử tri và nhân dân chứ không phải tiếng nói của cán bộ. "Về tình hình bão lũ, cần nhấn mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ, viết đậm nét, lan toả những hình ảnh đẹp, xúc động lòng người của lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng khác trong giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về lĩnh vực trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng quan tâm vấn nạn bạo hành trẻ em, và cho rằng đây không phải câu chuyện mới song luôn bức xúc, nóng bỏng trong dư luận xã hội, đề nghị có những giải pháp triệt để, hữu hiệu hơn. Đồng quan điểm, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ quan tâm hơn vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em thời gian qua diễn biến phức tạp, có giải pháp để hạn chế các vụ xâm hại trẻ em...

"Qua tiếp xúc cử tri, người dân cũng quan tâm vấn đề lừa đảo qua mạng, dù được tuyên truyền nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa đủ. Nhiều cán bộ về hưu, người già bị lừa đảo rất nhiều, đề nghị Chính phủ tăng cường tuyên truyền để người dân không bị rơi vào bẫy lừa đảo", bà nhấn mạnh.

 https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cu-tri-lo-lang-thi-truong-vang-bien-dong-bat-thuong-thieu-vaccine-thuoc-vat-tu-y-te-i746449/

Ngày đăng: 17:37 | 07/10/2024

Quỳnh Vinh / CAND