“Lắng nghe câu chuyện của cụ Thêm, tôi vô cùng xúc động. Dù chưa có gì trong tay, nhưng trong tâm khảm tôi tràn ngập một niềm tin rằng cụ sẽ được minh oan”, luật sư Vũ Văn Lợi bồi hồi kể lại.
Trong cái gió se lạnh của những ngày cuối năm bận rộn, PV báo Người Đưa Tin đã có dịptrò chuyện với luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc công ty Luật TNHH Hòa Lợi để lắng nghe những trải lòng của ông về những câu chuyện đời, câu chuyện nghề thú vị. Trong miền kí ức đầy sự chiêm nghiệm ấy, luật sư Vũ Lợi không thể nào quên được vụ án oan của người tù thế kỉ - Trần Văn Thêm (SN 1935, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và hành trình đi tìm lại mùa xuân vốn đã bị lãng quên người tử tù họ Trần đó.
Luật sư Lợi bồi hồi nhớ lại: “Vào năm 2014, trong một lần tham gia bào chữa tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, tôi có gặp gia đình của cụ Trần Văn Thêm. Dường như đôi chân đã mỏi trên hành trình tìm lại công lý, cụ gặp tôi với khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt trùng xuống như mọi hi vọng đang dần cạn kiệt. Lắng nghe câu chuyện của cụ, tôi vô cùng xúc động. Dù chưa có gì trong tay, nhưng trong tâm khảm tôi tràn ngập 1 niềm tin rằng cụ bị oan sai. Ngay sau đó tôi nhận hồ sơ về nghiên cứu và hứa giúp đỡ gia đình bằng tất cả tấm chân tình của mình”.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1970, cụ Trần Văn Thêm và em trai Nguyễn Khắc Văn (trú tại xã Yên Phụ- huyện Yên Phong- Tỉnh Bắc Ninh) bị kẻ cướp tấn công khi đang ngủ tại lều cắt tóc thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Do vết thương quá nặng, ông Văn tử vong trên đường đi cấp cứu còn cụ Thêm bị kết án tử hình với tội danh Giết người, Cướp tài sản. Năm 1973, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú đưa ra xét xử và kết án tử hình.
Luật sư Vũ Văn Lợi.
Năm 1974, Tòa án nhân dân Tối cao kết tội y án sơ thẩm với mức án tử hình. Lệnh tử hình chưa kịp thực hiện thì vào cuối năm 1974, Công an tỉnh Vĩnh Phú bắt được một đối tượng cướp của là Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú).
Tại cơ quan điều tra, y khai nhận mình chính là hung thủ giết người tại lều cắt tóc. Do vậy, đầu năm 1976, ông Thêm được TAND Tối cao quyết định tha và trả tự do nhưng lại không có kết luận ông vô tội. Từ đó, cụ Trần Văn Thêm mang bản án tử hình xuyên thế kỉ trong sự “ghẻ lạnh”, oán trách của người đời.
Đồng cảm với nỗi cảnh gian truân trên hành trình tìm công lý của ông Thêm, luật sư Lợi đã quyết định giúp ông Thêm làm các thủ tục pháp lý miễn phí trong suốt quá trình minh oan.
Tâm sự với PV về buổi ban đầu bắt tay vào vụ án, luật sư Vũ Văn Lợi xúc động: “Đọc các văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng trả lời ông Trần Văn Thêm, tôi thấy hồ sơ rất yếu và thiếu. Đến như Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật) còn không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông như ông trình bày trong đơn và cho rằng không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan. Cứ thế trong nửa năm, tôi làm theo kiểu “mò kim đáy bể” khi không thể tìm 1 manh mối nào và đã có thời điểm, vụ án rơi vào bế tắc hoàn toàn”.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm tham gia phá nhiều vụ án oan sai, luật sư Lợi nghĩ ngay đến chuyện người đi tù về địa phương, thì công an an sở tại phải có hồ sơ tư pháp về con người đó để quản lý, giáo dục. Ý tưởng lóe lên, luật sư bắt đầu vào nghiên cứu từng chi tiết mà bắt đầu tìm ra những điểm mấu chốt. Không để mất thời gian, luật sư Lợi tìm ngay đến công an tỉnh Bắc Ninh - nơi mà các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đang xem xét lại vụ án của cụ Thêm chưa đặt chân đến.
Trời không phụ lòng người, niềm vui đến sớm khi công ty Luật TNHH Hòa Lợi nhận được công văn 293, ngày 5/11/2015 của phòng hồ sơ, công an tỉnh Bắc Ninh. Phòng hồ sơ cho biết, hiện Công an tỉnh Bắc Ninh có lưu trữ 2 hồ sơ có liên quan tới vụ án giết người xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú năm 1970.
Bị cáo trong vụ án có tên Trần Văn Thêm (SN 1937, quê quán xã Hòa Bình, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc). Vì thời gian xảy ra vụ án đã lâu, điều kiện phục vụ công tác lưu trữ còn rất hạn chế, do vậy tài liệu trên đều bị nhòe, giấy mục nát, khó có khả năng phục chế.
Luật sư Vũ Văn Lợi cùng cụ Trần Văn Thêm trong buổi xin lỗi công khai.
“Đứng trước thông tin trên, tôi như vỡ òa trong hạnh phúc bởi tôi tin rằng từ đây hành trình dài tìm công lý của cụ Trần Văn Thêm bắt đầu có kết quả”, ông Lợi chia sẻ thêm.
Luật sư Vũ Văn Lợi kể giọng hồ hởi: "Công an tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp cho chúng tôi 2 bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án phúc thẩm của TANDTC mực bị nhòe, giấy mục nát, phải dùng máy soi hiện đại mới đọc được. Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên tử hình, bản án phúc thẩm y án tử hình cụ Trần Văn Thêm.
Chúng tôi đã cử cán bộ lên cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53, bộ Công an), đề nghị xin sao chụp hồ sơ vụ giết người xảy ra cách đây 45 năm tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Vụ việc của ông Thêm đã có tia hi vọng từ đó”.
Cũng từ đây, mọi bức màn oan trái trong vụ án của cụ Trần Văn Thêm đã được xóa bỏ. Gần nửa thế kỉ oan trái với biết bao cơ cực, đắng cay, cuối cùng công lý đã mỉm cười với cụ Trần Văn Thêm khi vào ngày 11/8/2016, Liên ngành Tư pháp Trung ương đã tổ chức buổi trao quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm – người chịu oan án tử trong suốt hơn 40 năm qua đồng thời khép lại câu chuyện đau buồn chưa từng có trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
(Còn tiếp...)
Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm: Thủ tục đòi bồi thường oan sai ra sao? Những cán bộ tham gia điều tra vụ án gây oan sai cho ông Sường đều đã mất. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm và ... |
Ba vụ án oan chưa hẹn ngày bồi thường Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết tòa án đang thiện chí giải quyết song người bị oan gặp khó vì quy định hóa đơn, ... |
Ngày đăng: 07:30 | 17/02/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn