Bất chấp mức tăng trưởng toàn cầu năm 2021 dự kiến đạt 5,6%, chỉ số này không cho thấy sự tươi sáng của kinh tế thế giới trong năm thứ 2 của đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 5,6% trong năm nay. Đây quả thực là một tin tức tốt lành nếu chúng ta nhìn vào tất cả các cuộc suy thoái toàn cầu và những gì xảy ra hậu suy thoái: Con số tăng trưởng tốt nhất mà chúng ta thấy trong vòng 80 năm qua”.

Đó là những gì Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass nói về các chỉ số kinh tế thế giới trong năm 2021, cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn sau năm “mất mát” 2020.

Trong một bối cảnh khác, có vẻ mọi thứ không quá lạc quan đến vậy.

"Davos đã chết, thêm một lần nữa", Politico mở đầu bài viết được xuất bản ngày 20/12 về hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vốn dự kiến ​​tổ chức tại khu nghỉ mát Davos của Thụy Sĩ từ ngày 17-21/1/2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, hội nghị trực tiếp này bị huỷ bỏ và được thay thế bằng một chuỗi thảo luận trực tuyến.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 1
Máy bay cá nhân đỗ dài tại sân bay khi các chính khách tới Davos dự Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị Davos thường niên vốn từng là nơi tất cả các ông lớn thể hiện độ giàu có, khi các sân bay chật ních chuyên cơ cá nhân, hay phí thành viên và quan hệ đối tác dao động từ 65.000 USD đến 650.000 USD, “tùy thuộc vào mức độ tham gia”. Đây có thể xem là diễn đàn khó có thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động kinh tế nào. Thế nhưng, COVID-19 đã “giết” chết diễn đàn này, thêm một năm nữa.

Dự đoán thiếu lạc quan

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron từ tháng 11/2021 đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới ngay khi đại dịch bước vào năm thứ ba như một lực cản đối với tăng trưởng và tác nhân gây ra lạm phát.

Theo dự báo mới nhất của Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng 0,7% trong ba tháng cuối năm, bằng một nửa tốc độ của quý trước và thấp hơn mức khoảng 1% đã chứng kiến ​​ngay trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Khu vực đồng euro đang trên đà tăng 0,8% trong quý thứ tư so với ba tháng trước đó, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự kiến được đưa ra ​​vào tháng 11. Điểm sáng duy nhất là Mỹ, với mức tăng 1,2 điểm phần trăm so với dự báo.

Trong số các thị trường mới nổi, nơi các chỉ số dựa trên dữ liệu hàng năm, Trung Quốc đã suy yếu với mức chỉ còn 4,5% trong quý này (dự báo là 4,9%), trong khi Brazil giảm xuống 0,2%. Nga, Ấn Độ và Nam Phi cũng trượt dốc.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, cho biết: “Khi năm 2021 kết thúc, sự phục hồi kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị chệch hướng bởi biến thể Omicron”. Đồng thời ông Orlik nhấn mạnh, châu Âu là khu vực dễ bị tổn thương nhất. “Sự phục hồi kinh tế ở Đức, Pháp và Ý đang ngày càng chịu nhiều căng thẳng số ca bệnh ngày càng gia tăng”, ông nói.

Chưa kể đến có những thách thức toàn cầu sẽ chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tạo ra các làn sóng “vùi dập” những nền kinh tế mới nổi.

Lạm phát phi mã, chuỗi phân phối đứt đoạn

Các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá, yếu tố gây bất ngờ nhất năm 2021 chính là lạm phát phi mã, đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong các chuỗi phân phối và thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu cho thương mại quốc tế. Có tới 39 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong quý III/2021 tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Mỹ và 18 nền kinh tế khác có chỉ số lạm phát tăng tới 2 điểm phần trăm.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 2
Sự cố tàu của Ever Given tại kênh đào Suez tạo ra khủng hoảng chuỗi cung ứng lớn nhất trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Forbes)

Từ giữa năm nay, giá cả tăng cao đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới toát mồ hôi. Giá hàng loạt sản phẩm đua nhau lập kỷ lục, từ gỗ xẻ, quặng sắt, đồng, đến ngô, đậu tương, lúa mì và dầu thô...

Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh lên cao nhất 10 năm. CPI của eurozone chạm 4,9%, lên đỉnh 24 năm. Trong khi đó, lạm phát của Mỹ là 6,8% - cao nhất kể từ năm 1982. Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) và CPI cũng liên tục tăng tốc trong vài tháng qua.

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát là chính bởi các nền kinh tế mở cửa sau một năm chống chọi với đại dịch, nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh ngoài sức tưởng tượng trong bối cảnh nguồn cung không kịp tái tạo và đang còn gián đoạn.

Một lý do khác, theo nhiều nhà kinh tế học, nguyên nhân sâu xa là chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước khác, nhằm hồi sinh nền kinh tế hoàn toàn sau đại dịch. IMF, Deutsche Bank và nhiều tổ chức khác đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do lạm phát. Tình hình này cũng đẩy các ngân hàng trung ương vào thế khó. Nếu rút kích thích quá nhanh để kiểm soát giá cả, họ sẽ phải hy sinh việc làm và các hoạt động kinh tế mà khó khăn lắm mới tăng trưởng lại.

Xu hướng lạm phát sẽ tiếp tục bị đẩy lên nếu không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Sự cố tàu của Ever Given bị tắc ở kênh đào Suez là một minh chứng rõ ràng cho sự căng thẳng chuỗi cung ứng trong đại dịch.

Không có quốc gia nào trong năm 2021 thoát khỏi vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng. Tại Anh, nguồn cung nhiên liệu cạn kiệt vì không đủ tài xế chở hàng sau Brexit. Các hãng điện tử và ôtô thì thiếu chip nhớ - sản phẩm sản xuất chủ yếu tại Đài Loan và Hàn Quốc. Các công ty từ Anh, Đức đến Ai Cập, Peru phải vật lộn với thiếu nguyên liệu thô và cảnh báo tình trạng giá cao kéo dài.

Giới quan sát cho rằng chuỗi cung ứng khó có thể được gỡ nút sớm. Các chuyên gia logistics từ Los Angeles đến Rotterdam gần đây cảnh báo việc tắc nghẽn sẽ khó dịu bớt cho đến năm 2023. Với nhiều công ty, tình hình này khiến họ phải nghiêm túc đánh giá lại chuỗi cung ứng. Trong ngắn hạn, họ sẽ phải xây thêm kho chứa hàng, khiến họ tốn thêm chi phí và gánh thêm rủi ro trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt.

Sự điên rồ của thị trường tiền tệ

Các cường quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/12 cho biết sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu và sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022. Chỉ một ngày sau, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ đầu đại dịch. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì giữ nguyên lãi suất, nhưng giảm quy mô mua lại trái phiếu từ quý sau. Brazil và Nga cũng đã nhiều lần nâng lãi trong năm nay.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 3
Sự điên rồ của giá các đồng tiền ảo trên các sàn giao dịch biến thị trường tiền tệ thế giới năm 2021 thành một năm không tưởng.

Trong khi đó, Trung Quốc còn không nghĩ đến việc thắt chặt và đang quay trở lại chính sách nới lỏng khi nền kinh tế chậm lại và các hãng bất động sản vỡ nợ. Trong tháng này, họ thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm và hạ lãi suất lần đầu tiên trong 20 tháng. Ngân hàng trung ương Nhật Bản thì khẳng định còn quá sớm để nghĩ đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Ở một góc khác, thị trường tài sản kỹ thuật số có một năm phát triển điên rồ. Giá Bitcoin năm nay liên tiếp lập đỉnh, gần nhất là phiên 10/11 với 68.789 USD, theo Coinmarketcap. Đồng thời, nó được một số quốc gia công nhận như một loại tiền tệ và cho phép sử dụng trong mọi giao dịch. Các loại tiền số lớn khác, như ethereum, hay các memecoin, như Dogecoin và Shiba Inu, vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu cơ.

Ngoài Bitcoin, NFT (non-fungible token) và Metaverse (vũ trụ ảo) cũng bùng nổ trên thế giới. NFT trở thành trào lưu từ tháng 3, khi ca sĩ Grimes bán bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá gần 6 triệu USD. Bắt đầu từ các tác phẩm nghệ thuật, NFT sau đó lan rộng sang metaverse. Những mảnh đất ảo trong metaverse thậm chí còn đắt hơn ngoài đời thực, với giá lên đến hàng triệu USD.

Cơn sốt tài sản số khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Họ cho rằng tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau (FOMO) của nhà đầu tư đã đẩy giá tài sản số lên cao. Nhiều người mua chỉ để đầu cơ chứ không thật sự muốn sở hữu. CNBC cũng cho rằng thị trường NFT đang phát triển quá nhanh và bong bóng này có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Khủng hoảng năng lượng

Giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm. Giá dầu mỏ phi mã tới hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 4
Giá dầu tăng cao trong năm 2021, là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế lạm phát ở mức khó tin dù vẫn đang trong giai đoạn cuối của cuộc suy thoái toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực phục hồi sau một năm đại dịch đã gây ra “hiệu ứng domino” trên toàn cầu, đặc biệt trong các chỉ số lạm phát đã được nhắc đến trước đó.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, giá khí đốt tăng hơn 180% và giá xăng tăng gấp đôi kể từ đầu năm. Tại châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, giá khí đốt tăng khoảng 500%, giá điện của EU tăng gấp đôi kể từ đầu năm, kéo theo lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao nhất trong 24 năm.

Tại Anh, giá khí đốt bán buôn đã tăng 420% trong 9 tháng đầu năm, mức tăng đột biến khiến ít nhất 26 nhà cung cấp năng lượng của Anh bị phá sản chỉ trong vòng 4 tháng, khoảng 50 nhà cung cấp bên bờ vực vỡ nợ hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều công ty ở nước này gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu.

Giá than đá tăng mạnh khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cùng với Ấn Độ sử dụng tới 65% lượng than tiêu thụ trên toàn cầu, bị thiếu điện nghiêm trọng, khiến 2/3 khu vực tại nước này buộc phải giảm mức tiêu thụ hoặc cắt điện luân phiên, hoạt động sản xuất bị đình trệ và cuộc sống người dân bị đảo lộn, thậm chí ảnh hưởng mang phạm vi rộng hơn bởi Trung Quốc được ví như "công xưởng của thế giới".

Tình trạng thiếu điện buộc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động.

Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng tại mỗi nước có thể khác nhau, song có một điểm chung là các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than đá đều không bắt kịp đà hồi phục kinh tế toàn cầu sau một năm đình trệ do các lệnh phong tỏa để phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, khi nhiều nước thu hẹp đầu tư cho nhiên liệu truyền thống nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải, tiến trình chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo vẫn chưa hoàn chỉnh để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng năng lượng của người dân.

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo không đáp ứng đủ, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh, càng "làm khó" các nước trong việc đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng này, một mặt cho thấy thế giới vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng, mặt khác càng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung năng lượng dồi dào.

Những con số biết nói

Bất chấp một năm hỗn loạn, xen lẫn giữa những thông tin tích cực và những cảm giác tiêu cực, có những con số có thể nói được rất nhiều về tình hình kinh tế thế giới. Trung tâm GeoEconomics của Tạp chí Atlantic Council đã đưa ra những con số có thể giúp nắm bắt tình hình nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 và những gì có thể xảy ra vào năm 2022. Và, dù tình cờ hay đương nhiên, các con số này quay quanh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 5
Biểu đồ suy giảm của hai chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng đo lường hiệu quả hoạt động của các công ty Trung Quốc niêm yết ở phố Wall. (Ảnh: Đồ hoạ của Trung tâm địa kinh tế Atlantic Council)

53,7 % - 55,7% - tỷ lệ giảm lần lượt từ tháng 2-12/2021 của S & P/BNY Mellon China Select ADR Index và Nasdaq Golden China Index - hai chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng đo lường hiệu quả hoạt động của các công ty Trung Quốc niêm yết ở phố Wall. Cả hai chỉ số đều đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 nhưng sau đó giảm mạnh khi căng thẳng Mỹ-Trung và cuộc đàn áp về quy định của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ của nước này có động lực. Trong năm, Mỹ cũng huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc và ngược lại, cường quốc châu Á cũng đã tự rút lui khỏi Thị trường Chứng khoán New York. Động thái từ Bắc Kinh là nhằm kiềm chế những gã khổng lồ về thương mại điện tử và internet như Alibaba Group và Tencent Holdings bán ra nước ngoài. Tất cả những điều này làm tăng thêm thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư Mỹ và dẫn đến sự kết thúc mối quan hệ ràng buộc thị trường tài chính của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc.

1,1 nghìn tỷ USD: Đó là giá trị của cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc do các nhà đầu tư không phải là người Trung Quốc nắm giữ vào năm 2021. Trong 5 năm qua, số tiền này đã tăng hơn gấp 5 lần. Một số đang kêu gọi các nhà đầu tư phương Tây tăng thêm lượng cổ phiếu nắm giữ, trong khi những người khác cho rằng đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Thị trường vốn đang trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc thương chiến giữa hai cường quốc và ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.

70% - tỷ lệ giá trị ròng bất động sản ở Trung Quốc. Vào năm 2021, những lo ngại lâu dài về sự ổn định tài chính trong lĩnh vực phát triển bất động sản của Trung Quốc đã trở thành lớn hơn bao giờ hết, buộc quốc gia này phải tính toán lại. Việc nhà phát triển BĐS lớn thứ hai của nước này – Evergrande bị vỡ nợ hồi đầu tháng 12 trở thành hồi chuông cảnh báo cho những người dân đang xem bất động sản là tích luỹ chính trong khối tài sản của gia đình. Người Mỹ trung bình chỉ đầu tư 22,6% giá trị tài sản ròng của họ vào bất động sản. Trong khi người Trung Quốc dành hơn 70% số tiền tiết kiệm cả đời của họ cho nhà cửa, đất đai. Khi tính thanh khoản bị hạn chế, và nếu mọi người vội vàng giảm lượng giao dịch, giá bất động sản sẽ giảm sâu và khủng hoảng dễ dàng xảy ra.

COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn - 6
Evergrande vỡ nợ có thể tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.

25,7 nghìn tỷ USD – Tổng GDP của các thành viên thuộc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP đã thay thế USMCA (Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada) trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đây là FTA đa phương lớn nhất thế giới đầu tiên mà Mỹ không dẫn đầu, và là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo. Nó cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố vai trò là động lực thúc đẩy dòng chảy thương mại của khu vực. RCEP cũng sẽ là một bài kiểm tra cơ bản về việc liệu cuối cùng Trung Quốc có thể được đưa vào hiệp định thương mại tự do lớn khác của khu vực hay không: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu Trung Quốc cho thấy họ có thể tuân thủ, các quốc gia chủ chốt của CPTPP sẽ mở rộng cánh cửa đưa Bắc Kinh gia nhập vào nhóm. Điều này cho thấy, có vẻ thế giới hài lòng với việc tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do dù có hoặc không có Hoa Kỳ.

Đón đọc bài 2: Khi các bàn đàm phán quốc tế không thể xây dựng lòng tin

Năm 2021 qua đi với những thách thức từ đại dịch COVID-19 vẫn còn nguyên dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển tốt lên, nhưng khó khăn chưa thực sự chấm dứt.

VTC News xin gửi tới độc giả chùm bài viết tổng kết tình hình thế giới năm 2021 thông qua những góc nhìn phản chiếu ảnh hưởng của COVID-19 và những dự báo trong tương lai các vấn đề bao trùm lên các mối quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trên toàn cầu.

HỮU DANH - TRẦN TRANG

Giám đốc IMF cảnh báo Omicron làm chậm tăng trưởng toàn cầu Giám đốc IMF cảnh báo Omicron làm chậm tăng trưởng toàn cầu
Trung Quốc thắt chặt chống COVID-19, kinh tế toàn cầu lao đao Trung Quốc thắt chặt chống COVID-19, kinh tế toàn cầu lao đao

Ngày đăng: 07:54 | 27/12/2021

/ vtc.vn