Đại dịch tưởng như sẽ kéo các cường quốc lại gần nhau hơn trong bối cảnh hợp tác để chống lại nguy cơ chung, nhưng nhiều khoảng cách hơn lại được tạo ra.
COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Sau một năm chịu nhiều thiệt hại, các nước trên thế giới phát triển được vaccine và kỳ vọng đại dịch sẽ lùi xa vào năm 2021.
Nhưng những làn sóng lây nhiễm mới, những biến chủng khó lường lại xuất hiện, nối tiếp nhau đến thời điểm cuối cùng của năm.
Hôm 20/12, Sky News đưa tin cuộc gặp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới với chủ đề “Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin”, được lên kế hoạch tổ chức ở Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1/2022 đã phải hủy do sự gia tăng số ca mắc mới của biến thể Omicron trên toàn cầu. Trang web của WEF cho biết việc hoãn tổ chức hội nghị vào lúc này là cần thiết vì nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron tăng cao và việc đi lại trở nên đặc biệt khó khăn khi các nước đã tăng cường kiểm soát di chuyển để phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, hội nghị WEF năm 2020 cũng phải chuyển địa điểm và sau đó bị hủy.
Cuộc gặp của diễn đàn kinh tế thế giới bị hủy do COVID-19. (Ảnh minh họa) |
Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 – cuộc họp lớn nhất của WTO trong vòng 4 năm qua – cũng bị hoãn vào phút chót vì những lo ngại xung quanh Omicron. Sự kiện với kỳ vọng mang lại luồng sinh khí mới cho việc giải quyết các vấn đề bế tắc nhiều năm như trợ cấp ngành thủy sản, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, bên cạnh đó thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận dỡ bỏ các bằng sáng chế vaccine COVID-19, bị hoãn chỉ 4 ngày trước khi bắt đầu. Hội nghị cũng đã bị hoãn một lần vào tháng 6/2020 vì lý do dịch bệnh.
COVID-19 "phủ bóng" đàm phán quốc tế
Nhiều kế hoạch khác của các nhà lãnh đạo và quan chức quốc tế cũng gặp tình trạng tương tự. Bị hoãn, hủy, hoặc nếu có tổ chức thì thành phần tham gia trực tiếp cũng không được đầy đủ.
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), một trong những kỳ họp thượng đỉnh lớn nhất nước Anh từng tổ chức, cũng bị hoãn một năm do COVID-19. Cuối cùng hội nghị cũng diễn ra vào tháng 11/2021.
Nhưng một số nhà lãnh đạo, trong đó có Nga, Trung Quốc – hai nước có lượng phát thải lớn - nằm trong số những lãnh đạo cấp cao không tham dự trực tiếp tại hội nghị mà chỉ gửi tuyên bố video, do lo ngại về tình hình dịch bệnh. Sự vắng mặt đã khiến các nhà quan sát “mất tinh thần” với lo ngại về cam kết chung của hội nghị.
Một số quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên thế giới cũng buộc phải giảm quy mô tham dự hội nghị do chi phí và hạn chế đi lại vì COVID-19, làm giảm sức mạnh đàm phán của họ, theo đại sứ Fiji tại Liên hợp quốc.
Ngoài ra, hội nghị liên quan đến gần 300 ca dương tính với virus gây ra COVID-19.
Hội nghị COP26. (Ảnh: BBC) |
Theo các chuyên gia, sự có mặt của các nguyên thủ quốc gia tại những cuộc đối thoại như COP26 không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Có những công việc thực sự cần các nhà lãnh đạo hoàn thành mà các nhà ngoại giao cấp dưới không thể thực hiện thay. Trong hội đàm về khí hậu năm 2009 tại Copenhagen, Đan Mạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã “xông vào” một cuộc họp kín của các lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, để các cuộc thảo luận sau đó cuối cùng cho ra một thỏa thuận, theo New York Times.
Những kết quả “cầm chừng”
“Khó tạo đột phá”, “không nhiều thay đổi đáng kể”, “không có kết luận cụ thể”, “cần tiếp tục làm việc” là những ý kiến phổ biến về các cuộc đàm phán cấp cao năm 2021 - năm thứ hai thế giới chiến đấu với COVID-19.
Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 là giao tiếp chính thức gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1. Trước đó, quan chức cấp cao và các đại diện khác từ hai nước cũng đã gặp nhau trực tiếp, nhưng cuộc gặp ở Alaska hồi tháng 3 tràn ngập những lời chỉ trích, còn cuộc gặp ở Thiên Tân tháng 7 đi kèm với nhận xét rằng mối quan hệ đã “rơi vào bế tắc và gặp khó khăn trầm trọng”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến. (Ảnh: Reuters) |
Còn cuộc gặp online giữa hai nhà lãnh đạo “kết thúc với một câu hỏi lớn", theo Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation. "Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể xử lý một cách xây dựng những va chạm chậm đang diễn ra do thế giới quan của họ quá khác nhau hay không”, chuyên gia nói.
Hội nghị COP26, được mong chờ trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu trở nên nóng hơn bao giờ hết, được nhận xét là có “kết quả phức tạp”.
“Chúng tôi đã giữ được cam kết 1,5 độ (thỏa thuận Paris kêu gọi ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng lên quá 2 độ C, lý tưởng là 1,5 độ C). Tuy nhiên, nó chỉ còn thoi thóp và nó sẽ chỉ tồn tại nếu chúng ta giữ lời hứa và chuyển các cam kết thành hành động nhanh chóng”, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nói.
Đó là một tuyên bố không che giấu sự thất vọng của các nhà tổ chức hội nghị khi sự kiện được mệnh danh là “COP quan trọng nhất kể từ Paris” không thể đạt được những mục tiêu đầy đủ như tham vọng của họ.
Truyền thông quốc tế mô tả Chủ tịch COP26 Alok Sharma "gần như khóc" khi nói ông vô cùng xin lỗi về việc thỏa thuận khí hậu bị thay đổi vào những phút cuối, với các từ ngữ về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch bị giảm nhẹ đi. |
Các quan chức Trung Quốc bày tỏ muốn các nước khác “tập trung vào các hành động cụ thể hơn là các mục tiêu xa vời” tại hội đàm. Kế hoạch khí hậu của Trung Quốc khiến nhiều người thất vọng vì không có cam kết mới mẻ và nước này cũng không tham gia các liên minh nhằm giảm phát thải khí methan và loại bỏ dần than đá.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng đến Trung Quốc, để nước này “quay vào trong và tách khỏi phương Tây”, theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong Baptist.
Một trong những cuộc gặp cấp cao trực tiếp hiếm hoi năm 2021 là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin hồi tháng 6.
Tổng thống Mỹ-Nga thông qua khoảng 3 giờ đàm phán đã đồng ý tổ chức các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí và đưa các đại sứ hai bên quay lại. Trước đó, đại sứ Nga và Mỹ đã về nước “tham vấn” trong những diễn biến căng thẳng giữa mối quan hệ hai bên.
Trong lần hội nghị cấp cao gần nhất theo hình thức trực tuyến, hai nhà lãnh đạo gặp nhau nhưng không đạt được nhiều thành tựu rõ ràng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thay vào đó, họ ủy quyền cho các quan chức của cả hai nước giữ liên lạc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Reuters) |
Năm 2021, chính trường thế giới xoay quanh câu chuyện giải quyết các mâu thuẫn, thu hẹp sự khác biệt để tìm ra điểm chung. Nhưng COVID-19 dường như đã “tấn công” tiến trình này trên hai phương diện: làm gián đoạn sự kết nối vật lý (các cuộc gặp, đàm phán bị đình trệ, phải chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, sự tham dự cũng không đầy đủ), tạo ra nhiều vấn đề (kinh tế, xã hội) trong nước của mỗi quốc gia và khiến họ phải dành nhiều nguồn lực giải quyết vấn đề riêng, trước khi có thời gian và nguồn lực để cùng đàm phán giải quyết mâu thuẫn.
“Những ý tưởng về thể chế toàn cầu — về cộng đồng toàn cầu và những thứ khác trên toàn cầu — có thể hoạt động ở một mức độ nhất định. Nhưng trong những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc, mọi người có xu hướng quay về tập trung vào sự an toàn của của họ. Điều này không chỉ có trong quan hệ đối thủ như Nga và Mỹ, mà còn trong quan hệ giữa bạn bè hoặc đối tác. Ví dụ do hậu quả của đại dịch, Nga và Trung Quốc đã đóng cửa ngay lập tức và rất ít trao đổi thông tin”, theo Dmitri Trenin, giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie Moskva chia sẻ trên một podcast vào tháng 10.
Tương lai của ngoại giao online
Các cuộc họp trực tuyến và kết hợp trực tuyến – trực tiếp, tiêm vaccine, nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, đang là hướng giải quyết cho phần lớn những gián đoạn do COVID-19 gây ra. Song, không thể phủ nhận là các thỏa thuận “rốt ráo” cần nhiều hơn thế.
Tiến sĩ Tristen Naylor, khoa quan hệ quốc tế trường kinh tế và khoa học chính trị London, viết trong một bài bình luận hồi tháng 3: “Tôi nghĩ trong tương lai chúng ta sẽ thấy mô hình (đàm phán) kết hợp trực tuyến - trực tiếp được sử dụng nhiều hơn, trong đó quá trình chuẩn bị cho các cuộc gặp được thực hiện chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Phần hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt sẽ là giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán online, để các nhà lãnh đạo cùng nhau vượt qua những trở ngại cuối cùng, những điểm khó khăn nhất và đi đến thỏa thuận”.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018, bức ảnh được lan tỏa mạnh mẽ vì biểu cảm và cử chỉ của các nhà lãnh đạo. (Ảnh: Time) |
Năm 2018, khi hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada, một khoảnh khắc đã thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận quốc tế khi các nhà lãnh đạo thế giới dường như va vào một cuộc thảo luận căng thẳng. Cuộc gặp tập trung về vấn đề thương mại, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và Mỹ-EU đánh thuế qua lại các mặt hàng từ nhôm, thép đến xe máy và quần jeans.
Cựu Tổng thống Donald Trump sau đó nói “tôi biết bức ảnh nhìn không thân thiện lắm nhưng thực ra chúng tôi chỉ đang nói chuyện thôi”.
Rõ ràng, với ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, xu hướng đàm phán online kết hợp offline sẽ tiếp tục tiếp diễn. Nhưng những khả năng tương tác như hội nghị ở trên sẽ bị hạn chế nếu các cuộc gặp chỉ diễn ra qua màn hình, hoặc phần lớn qua màn hình, khi nhiều yếu tố khác (thời gian, thành phần tham dự,...) bị giới hạn.
“Công việc ngoại giao hiệu quả nhất không diễn ra trong cuộc gặp chính thức, mà diễn ra bên lề, là câu chuyện xảy ra ở những hành lang”, theo ông Naylor.
Thiếu kết nối thực tế ở mức độ cá nhân cũng như các yếu tố khác như môi trường, áp lực,... có thể ảnh hưởng đến việc mang đến một thỏa thuận ngoại giao thành công hoặc mang tính đột phá. Tương lai của các cuộc đàm phán quốc tế trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục kéo dài vì vậy sẽ gặp thách thức lớn hơn để đi đến những “thời khắc quyết định”, gỡ nút cho các khủng hoảng và mâu thuẫn đang chằng chéo trên thế giới.
Bài 1: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn
Đón đọc bài 3: Mỹ-Trung từ thương chiến sang gia tăng đối đầu trên biển
Năm 2021 qua đi với những thách thức từ đại dịch COVID-19 vẫn còn nguyên dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển tốt lên, nhưng khó khăn chưa thực sự chấm dứt.
VTC News xin gửi tới độc giả chùm bài viết tổng kết tình hình thế giới năm 2021 thông qua những góc nhìn phản chiếu ảnh hưởng của COVID-19 và những dự báo trong tương lai các vấn đề bao trùm lên các mối quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trên toàn cầu.
COVID-19 năm thứ 2: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn
Bất chấp mức tăng trưởng toàn cầu năm 2021 dự kiến đạt 5,6%, chỉ số này không cho thấy sự tươi sáng của kinh tế ... |
Ngày đăng: 08:23 | 28/12/2021
/ vtc.vn