Hokkaido đã gỡ bỏ phong tỏa quá sớm và phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm COVID-19 quay trở lại.
Đảo Hokkaido (nằm ở phía Bắc Nhật Bản) vừa nhận bài học nghiệt ngã trong cuộc chiến chống COVID-19. Khi dịch bệnh tràn vào Nhật Bản, Hokkaido đã nhanh chóng phong tỏa đất nước trong 3 tuần.
Dù vậy, khi thống đốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế, làn sóng lây nhiễm thứ hai đã đổ ập vào Hokkaido, mạnh mẽ và nguy hiểm hơn nhiều. 26 ngày sau khi gỡ, Hokkaido phải áp dụng lệnh phong tỏa lần thứ hai.
“Tôi rất hối hận. Chúng tôi đáng lẽ không nên gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp”, bác sĩ Kiyoshi Nagase, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hokkaido, chia sẻ với Time. Ông cũng chịu trách nhiệm điều phối phản ứng của chính phủ Nhật Bản trước đại dịch COVID-19.
Bi kịch của Hokkaido mang đến bài học cho giới lãnh đạo toàn cầu khi họ đưa ra quyết định nới lỏng hoặc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa. Tại châu Âu, Italy, Pháp, Tây Ban Nha đều có kế hoạch mở cửa đất nước trở lại. Tổng thống Donald Trump cũng muốn Mỹ tái khởi động nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, áp lực từ doanh nghiệp địa phương và cảm giác an toàn giả tạo khi số ca nhiễm giảm xuống khiến các nước đang gỡ bỏ phong tỏa quá nhanh và quá sớm.
“Những gì xảy đến ở Hokkaido cho thấy sẽ rất nguy hiểm nếu các thống đốc Mỹ mở cửa lại các bang. Chính quyền không thể đóng cửa hệ thống giao thông giữa các tiểu bang, nhưng cần có sự kiểm soát tại chỗ”, ông Kazuto Suzuki, Phó Trưởng khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học Hokkaido khẳng định. “Ngay cả khi khống chế được làn sóng lây nhiễm đầu tiên, chúng ta cũng không thể thỏa mãn”.
Hơn 12.400 ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản không phải con số lớn so với nhiều nước, nhưng số ca nhiễm tại đây đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua, khiến các quan chức y tế thế giới lo ngại.
Hokkaido ngăn chặn làn sóng thứ nhất thế nào?
Với 5,3 triệu dân và được biết đến với vẻ đẹp núi non hiểm trở cùng lịch sử làm nông, đánh cá lâu đời, Hokkaido là nơi đầu tiên ở Nhật Bản chứng kiến SARS-CoV-2 bùng phát. Hokkaido rất khác so với Honshu, hòn đảo trung tâm Nhật Bản với những thành phố rộng lớn và đông dân cư.
Khi dịch bệnh xuất hiện, lãnh đạo Hokkaido đã hành động rất sớm và dứt khoát, ngay cả khi chính phủ Nhật Bản bị chỉ trích vì hành động quá chậm để ngăn COVID-19 lây lan.
Virus corona chủng mới tấn công Hokkaido từ ngày 31/1, tại lễ hội tuyết hàng năm ở Sapporo với hơn 2 triệu người tham dự, không nhỏ trong số đó là khách du lịch Trung Quốc. Thời điểm bắt đầu lễ hội, các bác sĩ Hokkaido đã phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, đó là một phụ nữ đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Không lâu sau đó, một số khách du lịch Trung Quốc đổ bệnh theo. SARS-CoV-2 nhanh chóng lây lan trong cộng đồng.
Ngày 28/2, 4 tuần sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện, Hokkaido ghi nhận 66 ca nhiễm, nhiều nhất Nhật Bản. Số ca nhiễm ca tăng khiến giới chức tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Bác sĩ Nagase khẳng định Hokkaido đã phản ứng rất nhanh và đây là hình mẫu lý tưởng cho phần còn lại của Nhật Bản.
Trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh tự nguyện đóng cửa dù không bị ràng buộc về pháp luật. Ở Nhật Bản, chính quyền không thể dùng cảnh sát hay quân đội để thực hiện phong tỏa, mà chỉ có thể yêu cầu, đề nghị.
Điều này được quy định trong hiến pháp Nhật Bản, tạo nên sau Chiến tranh thế giới thứ Hai với sự giúp đỡ của Mỹ, nhằm bảo vệ quyền tự do dân chủ và dập tắt mầm mống chủ nghĩa phát xít.
Hầu hết người dân tuân thủ quy định phong tỏa. “Dân Hokkaido rất nghiêm chỉnh chấp hành, cộng với thời tiết lạnh giá khi ấy, họ đã tự nhốt mình trong nhà với lò sưởi nước nóng”, Yoshfumi Tokosumi, cựu biên tập viên tờ Hokkaido Shimbun cho biết.
Sai lầm của Hokkaido
Giữa tháng 3, khủng hoảng bệnh dịch phần nào “giảm nhiệt”. Số ca nhiễm mới chỉ dừng ở 1 chữ số, có những ngày không có ca nhiễm nào. Chỉ có một thứ gia tăng ở Hokkaido trong những ngày này, đó là lời phàn nàn từ các doanh nghiệp.
Hai ngành mũi nhọn ở Hokkaido là nông nghiệp và du lịch bị tàn phá nặng nề. Sản phẩm nông nghiệp thối rữa khi các nhà hàng, căng tin trường học ngừng tiêu thụ. Ước tính, có khoảng 50 công ty chế biến thực phẩm phá sản.
Ngành công nghiệp sữa ảnh hưởng nặng nề đến nỗi Bộ Nông nghiệp Nhật Bản phải phát động video chiến dịch với hình ảnh quan chức mặc quần áo đóng giả bò sữa, qua đó khuyến khích người dân uống nhiều sữa hơn.
Tương tự, du lịch Hokkaido suy giảm do tác động trực tiếp từ lệnh hạn chế đi lại. Ở Kutchan, khu nghỉ dưỡng có tuyết rơi dày hơn phần còn lại của Trái đất, khách du lịch đã biến mất.
“Các khách sạn không có thêm khách đặt phòng từ khi tình trạng khẩn cấp được ban hành. Thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ là rất nghiêm trọng”, thị trưởng Kazushi Monji chia sẻ.
Rishiriya Minoya, công ty rong biển có tuổi đời 30 năm ở Otaru, thụt giảm doanh thu đến 95% so với năm 2019. Chủ sở hữu Kazuomi Minoya, 50 tuổi, người kế thừa công việc kinh doanh từ cha mình đã đấu tranh để giữ công ty tồn tại với lượng cầu quá ít từ khách du lịch hay người dân địa phương. Trên khắp hòn đảo, chủ quán bar, tài xế taxi và nhà hàng đều gặp vấn đề tương tự.
Trong tháng 3, Thống đốc Naomichi Suzuki của Hokkaido vật lộn với bài toán sinh mệnh rằng nên tiếp tục phong tỏa và gồng gánh nỗi đau kinh tế, hay nên gỡ bỏ phong tỏa và chấp nhận rủi ro sức khỏe. Suzuki là thống đốc trẻ nhất lịch sử Nhật Bản, được bầu lên vị trí lãnh đạo Hokkaido với chỉ số tán thành lên đến 90%.
“Các doanh nghiệp ở Hokkaido phản đối tình trạng khẩn cấp. Dù vậy, thống đốc lại muốn Hokkaido trở thành hình mẫu cho cả Nhật Bản về cách kiểm soát COVID-19”, phóng viên Aya Hasegawa của tờ Hokkaido Shimbun cho biết.
Ngày 18/3, Thống đốc Suzuki tập hợp các cố vấn và đưa ra quyết định nới lỏng phong tỏa trên toàn Hokkaido. Bác sĩ Nagase khẳng định ở thời điểm ấy, giới chức Hokkaido chỉ có hiểu biết rất hạn chế về SARS-CoV-2 và tốc độ lây lan của nó. “Hokkaido là ổ dịch lớn đầu tiên ở Nhật Bản, nên chúng tôi phải mò mẫm trong bóng tối”.
Không đủ dữ liệu nghiên cứu, các bác sĩ đưa ra khuyến nghị dựa trên quan điểm virus corona chủng mới lây lan như các chủng cúm thông thương. Sau cùng, bác sĩ Nagase ân hận vì đã không đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19 từ đầu.
Một ngày sau, Thống đốc Suzuki gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, đồng thời yêu cầu người dân tiếp tục hạn chế giao tiếp xã hội và ở nhà nếu thấy không khỏe. Ông cũng cho biết Hokkaido sẽ đóng cửa 34 cơ sở chính phủ và nhiều trường học.
Suzuki gọi cách làm này là “Mô hình Hokkaido”, nơi người dân nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế, xã hội.
Mức độ nguy hiểm của “làn sóng thứ hai”
Thông báo gỡ bỏ phong tỏa được đưa ra ngay trước kỳ nghỉ cuối tuần. Người dân Hokkaido tràn ra đường, nán lại trong các quán cà phê và tổ chức ăn mừng vì cuộc "giam cầm" suốt nhiều tuần đã kết thúc. Theo bác sĩ Nagase, làn sóng lây nhiễm thứ hai khởi đầu từ đây.
Người dân Nhật Bản ở các vùng khác bắt đầu tới Hokkaido du lịch khi nhìn thấy đảo này gỡ bỏ phong tỏa. Sinh viên đại học trở về Hokkaido khi các trường học ở các thành phố khác đóng cửa. Nhân viên từ các công ty lớn bắt đầu luân chuyển công việc, hay các doanh nghiệp gửi người lao động đến Hokkaido từ Tokyo hay Osaka.
Những sự kiện nối tiếp nhau dường như gieo mầm cho đợt bùng phát COVID-19 thứ hai ở Hokkaido, Ngày 9/4, 3 tuần sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, có ngày ghi nhận 18 trường hợp nhiễm mới.
“Giới chức nhìn thấy nguy cơ từ những người đến từ nước ngoài, nhưng không nghĩ rằng việc di chuyển trong nước cũng có khả năng mang virus trở lại”, Hironori Sasada, giáo sư chính trị Nhật Bản tại Đại học Hokkaido, phân tích.
Ngày 14/4, Hokkaido buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp lần hai, sau khi ghi nhận 279 ca nhiễm mới, tăng 80% chỉ sau 1 tháng gỡ bỏ lệnh phong tỏa lần đầu. Số ca nhiễm ở Hokkaido tính đến thứ Tư vừa qua (23/4) là 495 trường hợp.
Các doanh nghiệp lại chuẩn bị cho cuộc chiến đường dài. Tetsuya Fujiawara, giám đốc điều hành của Smile Sol với 10 nhà hàng, quán rượu ở Hokkaido khẳng định cần ưu tiên chấp hành lệnh phong tỏa dù doanh thu sụt giảm tới 60%.
Tuy nhiên, bác sĩ Nagase lo ngại phần còn lại của Nhật Bản không rút ra bài học từ sai lầm của Hokkaido. “Là một trong những thành viên của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, chúng tôi thôi thúc chính quyền trung ương áp dụng quyết liệt hơn các biện pháp ở tầm quốc gia, nhưng lại phải trở về vấn đề ‘cơm áo gạo tiền’. Rất khó để phong tỏa Nhật Bản với tình hình hình kinh tế hiện nay”.
Ngày 7/4, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo tình trạng khẩn cấp với 7 quận ở Nhật Bản, không bao gồm Hokkaido. 9 ngày sau, ông mở rộng quy mô khẩn cấp ra toàn quốc với lưu ý rằng COVID-19 đang lây lan khi người dân di chuyển từ quận này sang quận khác.
Đầu tháng 5, đất nước này kỷ niệm Tuần lễ vàng, thời điểm người dân thường đi du lịch khắp đất nước. Giới chức khuyến Nhật Bản đã khuyến nghị người dân ở nhà và Suzuki, thống đốc Hokkaido, đã cảnh báo người dân từ bỏ các chuyến đi không cần thiết.
Với bác sĩ Nagase, bài học đau đớn mà ông và Hokkaido nhận được là cho đến khi vaccine hay thuốc điều trị COVID-19 được sản xuất, mỗi người dân Nhật Bản phải tự chịu trách nhiệm và hiểu rằng đất nước có thể phải đợi đến năm sau mới có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa một cách an toàn.
Bác sĩ Mỹ ồ ạt kê đơn thuốc sốt rét "trị Covid-19" |
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu có xu hướng lắng dịu |
Cập nhật Covid-19: Thế giới gần 3 triệu ca mắc, hơn 200.000 ca tử vong |
Ngày đăng: 08:43 | 27/04/2020
/ vtc.vn