“Chị à, nếu em tốt nghiệp loại giỏi, chứ không xuất sắc đến mức thủ khoa, em muốn về quê. Em nộp đơn xin việc, chờ mãi, em phải viết tâm thư đến người có quyền nhất ở quê mình nhưng vẫn không được nhận. Em sẽ làm gì? Em có nên tiếp tục chờ không?” – Đứa em gái đang học năm cuối đại học một trường kinh tế ở TPHCM nhắn cho tôi.
Nếu tự tin về năng lực hãy mạnh dạn ứng tuyển vào những vị trí phù hợp với mình (Ảnh minh họa) - Nguồn: HRinsider |
Nhận tin nhắn, tôi hơi bực mình: “Không nhận thì đi vào Sài Gòn tìm việc hoặc tới chỗ nào họ cần mình. Sao lại phải chờ ở quê cho mai một kiến thức và bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội khác?”.
Em gái tôi luôn mong ước trở về quê sau khi học đại học xong, được cống hiến, góp sức xây dựng quê hương. Nhiều khi tôi trêu: Mơ mộng cứ như hồi học tiểu học, viết tập làm văn. Sau vài năm ở Sài Gòn, sẽ thích nơi này rồi chẳng muốn về nữa. Và tôi là một ví dụ điển hình. Cũng từng mơ ước trở về quê hương thế nhưng với những cơ hội mở ra trước mắt, những doanh nghiệp sẵn sàng rải thảm đỏ mời tôi về khi tấm bằng tốt nghiệp cầm chưa nóng tay… Vậy tại sao tôi phải trở về?
Làm trưởng phòng nhân sự cho một công ty lớn ở TPHCM, phỏng vấn nhiều ứng viên, dù sống và học tập ở TPHCM nhiều năm nhưng giọng nói đặc trưng vùng miền không hề thay đổi. Một lần tôi hỏi một ứng viên ở Hà Tĩnh: “Sao em không đổi giọng hoặc hạn chế bớt những từ địa phương để dễ giao tiếp hơn trong công việc”. Em thành thực: “Từ khi đi học, bố mẹ rất mong muốn em về quê cho gần gia đình bởi nhà em có hai chị em, chị gái em đã lấy chồng xa, em lại là con trai. Bố mẹ sợ em lập nghiệp ở xa, sau này con cháu quên mất ông bà. Hơn nữa quê em còn nghèo, cần những người có kiến thức trở về xây dựng quê hương. Luôn nghĩ mình sẽ về quê nên em không hề có ý định đổi giọng hoặc bỏ từ địa phương”. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp đại học loại khá, em trở về quê, hai năm đi gõ cửa khắp nơi nhưng không tìm được công việc phù hợp, bố mẹ lại khuyến khích em vào Nam.
Cũng có những em tâm sự, ngày đi thi đại học, nhìn bố mẹ đứng trông theo, nhìn quê nhà khuất sau những rặng tre, bãi cát, bờ biển… luôn dặn lòng mình sẽ trở về xây dựng quê hương để gần cha, gần mẹ. Thế nhưng, mỗi ngày cứ đọc những bài báo nói về những trường hợp cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa về quê chật vật với tìm việc hoặc phải “chạy” để có thể có được một công việc, các em lại nản. Thế là học xong, quyết chí ở lại thành phố. Ở thành phố, nếu mình thực sự có năng lực thì cơ hội sẽ luôn rộng mở, không phải chật vật xin xỏ ai, không phải “khóc cạn nước mắt” vì đơn xin việc không ai đoái hoài.
Làm công tác nhân sự, chịu trách nhiệm tuyển người, tôi đề nghị với ban giám đốc, khi tuyển nhân viên, thay vì yêu cầu các ứng viên nộp “Đơn xin việc” thì hãy đề nghị ứng viên nộp “Thư ứng tuyển”. Tôi nghĩ như thế này, giữa người sử dụng lao động và người lao động là mối quan hệ bình đẳng. Người lao động bỏ công sức ra để làm việc, làm lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả lương tương xứng. Đây là một mối quan hệ “thuận mua vừa bán” không ai xin ai, không ai cho ai điều gì cả. Nếu thấy công việc của chúng tôi phù hợp với năng lực của bạn, bạn hãy nộp đơn ứng tuyển và chúng tôi sẽ hợp tác với bạn.
Tôi nói với em gái tôi, không phải địa phương nào cũng từ chối người tài hoặc gây khó dễ với những người thực sự muốn cống hiến cho quê hương. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu tự tin về năng lực của mình, hãy viết thư ứng tuyển vào vị trí mình cho là phù hợp với năng lực của mình, nếu bị từ chối hãy tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác, bởi cứ mãi đi “xin” thì người ta có quyền không cho!
Giá như tôi có thể chăn lợn như em
Dù người đời có nói hươu nói vượn về kinh nghiệm sống và sự chủ động trong công việc cũng không làm suy suyển sự ... |
Nữ thủ khoa Sư phạm đi chăn lợn: Đừng chỉ “há miệng chờ sung”!
Dù có là thủ khoa đi chăng nữa nhưng cũng cần phải biết tạo cơ hội cho bản thân mình, đừng chờ ai ban phát ... |
https://laodong.vn/ban-doc/cong-viec-la-hop-tac-khong-nen-xin-569611.ldo
Ngày đăng: 10:30 | 16/10/2017
/ Việt Trinh/Báo Lao động