Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân các công ty kinh doanh xổ số báo lãi ‘khủng’ trong khi nền kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Tăng giá vé, không cho đại lý trả về
Mới đây, tại Hội nghị Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 130, đại diện Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, các công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có doanh số phát hành xổ số đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt hơn 68.800 tỷ đồng, tỷ lệ tiêu thụ bình quân đạt 98,46%. Lợi nhuận đạt hơn 8.780 tỷ đồng, tăng 10,45%.
Với doanh thu và lợi nhuận “khủng”, các công ty xổ số kiến thiết khu vực phía Nam đã nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 25% và đạt gần 61% kế hoạch năm 2023.
Một điểm bán vé số trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức, TP.HCM) trưa 26/7. (Ảnh minh họa)
Trước thông tin vui của ngành xổ số miền Nam, cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ nguồn thu của các công ty xổ số ngày càng tăng là do đang xuất hiện “luật lệ ngầm” khiến người bán vé số dạo, đại lý nhỏ phản ánh không thể trả lại cho vé số thừa cho đại lý cấp 1.
Chủ một đại lý vé số cấp nhỏ trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, bán vé số đang rơi vào thời kỳ khó khăn, ông đang tính toán phương án tìm công việc mới.
Theo người này, trước đây, đại lý cấp 1 cho phép đại lý nhỏ được trả lại vé số nếu bán không hết. Thế nhưng thời gian gần đây, việc được trả lại vé số "bị huỷ bỏ". Nghĩa là, khi đại lý cấp nhỏ lấy vé số thì dù bán hết hay không, đại lý cấp nhỏ sẽ phải chịu trách nhiệm về lượng vé số đó.
"Nhiều hôm trời mưa, vé ế tới 300 tờ, là cũng gần 3 triệu rồi. Có tháng ế tới 2-3 hôm như vậy, là coi như lỗ cả mấy tháng luôn. Một tờ tui lãi được 1.100 đồng, bán vì không có nghề nào khác, nhưng sắp tới chắc cũng phải tìm việc mới", chủ đại lý này cho hay.
Về vấn đề này, tại Hội nghị, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam thừa nhận, dù xổ số đang trong thời kỳ kinh doanh thuận lợi nhưng đã xuất hiện việc đại lý tăng giá vé, không cho trả vé ế.
Theo ông Vinh, chuyện đại lý cấp 1, cấp 2 không cho người bán vé số dạo trả lại vé ế đã khiến một bộ phận người bán vé số tràn xuống lề đường hoặc đến các ngã ba, ngã tư để chào mời vé số gây mất an toàn giao thông.
Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có công văn chấn chỉnh việc này.
Ghiền mua vé số để đổi vận
Ông Hoàng Tư (ngụ tỉnh Long An) làm nghề khoan giếng. Năm 2020, gia đình ông đổi đời sau khi trúng 10 tờ vé số độc đắc và 10 tờ giải khuyến khích. Tổng giải thưởng lên tới 20,5 tỷ đồng, sau khi trừ thuế nhu nhập cá nhân theo quy định, ông Tư cầm về 18,45 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận thưởng, ông Tư đã tặng người bán vé số 450 triệu đồng. Số tiền còn lại, ông mua đất đai, sửa sang lại nhà cửa và mua một chiếc ô tô 4 chỗ để cả nhà đi lại.
Ông Tư là người chơi vé số nhiều năm, trong vùng ai cũng biết tiếng. Mỗi sáng, ông Tư đều mua cả chục tờ vé số. Khi vui vẻ hay gia đình có tiệc, ông mua cả trăm tờ. Đây cũng là văn hóa rất đặc trưng của người Nam Bộ, đám tiệc là mua vé số tặng nhau. Một người bán vé số có thể bán vài trăm tờ trong đám cưới hoặc đám giỗ, thôi nôi, sinh nhật.
Thói quen mua vé số không chỉ xuất phát từ những người có thu nhập ổn định, mà ngay cả những người có thu nhập thấp cũng rất kiên trì mua vé số.
Ông Nam, nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An chỉ sống dựa vào vườn rau hơn 1.000 m2. Tiền bán rau mỗi ngày chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng nhưng ông vẫn dành ra 10.000 – 20.000 đồng để mua vé số mỗi sáng. Ông hy vọng một ngày sẽ đổi đời, và hy vọng này không phải là không có cơ sở.
Cách đây hơn chục năm, ông Nam từng trúng độc đắc 1 lần, số tiền đó ông dùng để mở quán nhậu. Thế nhưng, người quen đến nhậu rồi “quỵt” tiền khiến ông phải đóng cửa quán sau vài năm. Số tiền trúng số "cạn dần" và ông vẫn hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình một lần nữa.
Ngày càng có nhiều người mong đổi vận nhờ xổ số.
Cha của ông Nam là ông Chín đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần. Thế nhưng, mỗi sáng, ông Chín đều mua 3 - 5 tờ vé số để chiều ngồi dò. Đó là niềm vui của cụ ông ở độ tuổi bát thập. Số tiền mua vé số chính là tiền của con cháu cho ông tiêu vặt hàng tháng. Thế nhưng, ông không có nhu cầu ăn uống hay vui chơi gì, ông thích mua vé số hơn.
Chính vì nhu cầu mua vé số luôn rất lớn ở khu vực phía Nam khiến cho người kinh doanh vé số truyền thống luôn “ăn nên làm ra”.
Chị Hiền (quê ở Quảng Ngãi) cho biết, chị đã bán vé số ở TP.HCM hơn 20 năm nay. Lượng khách quen của chị cũng rất nhiều. Mỗi ngày, chị bán được từ 400 – 500 vé. Bán vé số giúp chị mua được nhà ở quận Bình Tân và căn nhà này đang cho thuê, còn chị đi thuê phòng trọ ở quận 6 để bán vé số hằng ngày.
Không chỉ có chị Hiền, nhiều người bán vé số dạo cũng đã có cuộc sống ổn định sau nhiều năm tích góp, dành dụm.
Thí cược cuộc sống vào may rủi
Trước thông tin lượng tiêu thụ vé số tăng đột biến nói trên, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) cho rằng, đây là thông tin không quá bất ngờ khi tình hình kinh tế chung đang rơi vào thời kỳ khó khăn.
Người dân đổ xô vào may rủi mong đổi vận?
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, xét về kinh tế học sinh tồn, lúc ngặt nghèo, khó khăn, người ta càng tập trung và bám víu vào sự may rủi để mong đổi vận. Và hiện tại, ý muốn được đổi vận nhờ xổ số đang ngày càng nhiều.
"Mong cầu vào sự may rủi từ xưa đến nay đã có, là câu chuyện thường nhật. Tuy nhiên, ở tình hình hiện tại, kinh tế đang khó khăn hơn thì việc trông chờ vào may rủi càng cao. Những người đang bấp bênh, đang tìm phương hướng để cải thiện đời sống, họ luôn nghĩ, dù sao cũng bấp bênh thì mua xổ số cũng vậy, may thì trúng, rủi thì không trúng, không khác gì hiện tại của họ", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, ngoài việc mong được đổi vận, thì nguyên do để lượng tiêu thụ vé số tăng đột biến là "nhìn người ta trúng mà mình ham".
Theo đó, trong địa phương, thông tin người này, người kia trúng đã tác động rất lớn tới những người chơi xổ số khác. Tâm lý người cạnh mình còn trúng, thì mình cũng có thể đã đưa người chơi vào vòng xoáy trông chờ vận may.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đánh giá, trong lúc kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái như hiện tại, người ta cảm thấy không còn trông chờ vào cơ may thường nhật, nên chuyển qua trông chờ vào cơ hội bất chợt, trò may rủi.
"Trong bối cảnh đấy, vé số lên ngôi. Nghĩa là người ta chấp nhận thí cược cuộc sống của họ vào sự may rủi. Điều này đang phản ánh tâm trạng xã hội của thời kỳ chuyển đổi đang đứng trước những khó khăn, thách thức của tổ chức đời sống, lúc này xu hướng trông chờ vào may rủi bùng nổ", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Ông Trịnh Hoà Bình cho rằng, tâm thế xã hội là nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy việc phát hành vé số tăng. Đồng thời, việc truyền thông của hệ thống xổ số đã mang lại hiệu quả rất lớn. Khi nghe người này, người kia trúng, tâm trạng xã hội lập tức bị tác động, tâm lý chờ tới lượt mình được hình thành. Ngoài ra, đội ngũ số lượng lớn người bán vé số từ bán dạo, đến đại lý cấp nhỏ, cấp lớn, và đến công ty cũng đã tác động rất lớn tới lượng phát hành vé số.
Tâm trạng bất ổn gắn với chuyện làm ăn, tăng trưởng kinh tế hạn chế. Bức tranh kinh tế hiện nay rất u ám, bằng chứng là lương bổng bị giảm, nhân sự bị cắt...
Trong cuộc chơi này, nhóm yếu thế luôn là người chịu thiệt. Nhóm yếu thế bao gồm những người tham gia vào mạng lưới bán vé số. Người bán số dạo, họ thu nhập rất thấp từ những tấm vé số đấy, còn lại là bộ phận trung gian và bộ phận phát hành hưởng rất nhiều.
https://vtc.vn/cong-ty-xo-so-bao-lai-khung-nguoi-dan-do-xo-vao-may-rui-mong-doi-van-ar808392.html
Ngày đăng: 17:32 | 26/07/2023
THY HUỆ- ĐẠI VIỆT / VTC News