Báo cáo của Chính phủ đánh giá vụ việc của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, công ty này đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sinh phẩm phù hợp tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng
Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là việc ứng phó với biến thể mới Omicron; việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.
Theo báo cáo, tại thời điểm đầu năm 2020, chưa có sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 (kể cả nhập khẩu) được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trên thế giới cũng có ít sản phẩm được đăng ký lưu hành. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận sinh phẩm đầu tiên vào ngày 7/4/2020, các nước thường sử dụng các sản phẩm được phát triển, sản xuất bởi các phòng thí nghiệm.
Tại Việt Nam, số lượng sinh phẩm hoàn toàn do WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) tài trợ và luôn trong tình trạng khan hiếm, bị động, chờ đợi. Tình trạng đó tạo áp lực rất lớn cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime -PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV) do Học viện Quân y là đơn vị chủ trì và Công ty Việt Á để phối hợp thực hiện. Đề tài này đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 do Bộ KH&CN thành lập họp ngày 3/3/2020, toàn bộ 8/8 chuyên gia và nhà khoa học là thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng.
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký cấp số lưu hành của Công ty Việt Á về việc cấp phép sử dụng test kit phát hiện chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) trong điều kiện phòng, chống dịch khẩn cấp, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn công ty này nộp bổ sung hồ sơ đăng ký.
Theo báo cáo của Học viện Quân y, bộ kit được sản xuất tại cơ sở có hệ thống quản lý được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 13485:2016. Các tiêu chuẩn của bộ kit đã được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Kết quả kiểm định sau khi sử dụng 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác 100% tại tất cả các thiết bị và tất cả các lần thử nghiệm.
Sau khi được cấp phép tạm thời, Công ty Việt Á tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị được đăng ký lưu hành chính thức. Căn cứ ý kiến của 3 nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ về pháp lý, hồ sơ về chất lượng và hồ sơ về hiệu quả chẩn đoán, Bộ Y tế đã yêu cầu và Công ty Việt Á đã bổ sung hồ sơ. Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn đã họp đánh giá và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành của Công ty Việt Á và Công ty Sao Thái Dương, có giá trị 5 năm.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới và USCDC rất quan tâm đến việc Việt Nam phân lập và nuôi sống được virus SARS-CoV-2 và đã có các chương trình hỗ trợ Việt Nam thực hiện ngoại kiểm và thẩm định độc lập với thời gian thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021.
Theo đó, USCDC đã hỗ trợ các phòng xét nghiệm trên địa bàn của 62 tỉnh, thành phố thực hiện 3 đợt ngoại kiểm chất lượng độc lập (EQA) xét nghiệm SARS-CoV-2. WHO hỗ trợ thực hiện ngoại kiểm 1 đợt với 83 phòng xét nghiệm tại 43 tỉnh, thành phố. Kết quả ngoại kiểm 4 đợt trên cho thấy, các phòng xét nghiệm bao gồm các loại sinh phẩm sử dụng trong phòng xét nghiệm từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021 đều phù hợp tiêu chuẩn, các xét nghiệm đảm bảo chất lượng.
Với vấn đề công khai thông tin về giá sinh phẩm xét nghiệm, Chính phủ cho biết đã chỉ đạo và Bộ Y tế ban hành quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, yêu cầu các đơn vị đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hướng dẫn việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu trên website của Bộ Y tế.
Theo đó, đã có hơn 93.000 kết quả đấu thầu được công khai, trong đó có 3.938 kết quả về sinh phẩm xét nghiệm. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã có các công văn hướng dẫn các địa phương trong việc công khai giá, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm.
Với vụ việc vi phạm của Công ty Việt Á, Chính phủ đánh giá là "vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. "Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", báo cáo nêu.
Vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính. Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ KH&CN đang khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép..., để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan chức năng, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sẽ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
Cũng theo báo cáo, từ khi xuất hiện dịch COVID -19 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch thông qua các nghị quyết của Chính phủ, công điện, thông báo… và thường xuyên chỉ đạo tại các cuộc họp trực tuyến toàn quốc. Nghiêm cấm, chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm, tiêm chủng vaccine… và giao các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu có sai phạm.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đổng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thuốc, trang thiết bị phòng hộ, khẩu trang, sinh phẩm chẩn đoán phục vụ phòng chống dịch bệnh tại 15 tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn.
Với một số hành vi vi phạm hành chính của các cơ sở được kiểm tra, Bộ Y tế đã trực tiếp tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và chuyển cho địa phương tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.
Bảo Quân
Ngày đăng: 16:39 | 04/01/2022
/ cand.com.vn