Các công ty Trung Quốc đang "lùng sục" khắp thế giới để mua lại những hòn đảo được cho là có vai trò chiến lược.
Năm 2019, Xu Changyu - Phó Chủ tịch tập đoàn Sâm Điền (China Sam) của Trung Quốc âm thầm thỏa thuận để thuê lại Tulagi - hòn đảo nhỏ với cảng nước sâu tự nhiên tại quần đảo Solomon - với thời hạn lên đến 75 năm. Nếu thỏa thuận này được tiến hành, nó sẽ bước tiến lớn của công ty Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Thỏa thuận bị Bộ trưởng Tư pháp Solomon tuyên bố là bất hợp pháp nên không thể thực hiện. Nhưng vị phó chủ tịch China Sam vẫn không từ bỏ.
Tháng 10/2019, Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đến thăm Trung Quốc. Doanh nhân Xu đồng hành trên cả chuyến đi với nhà lãnh đạo này. Đến tháng 4/2020, Xu đăng ký cho China Sam trở thành nhà đầu tư nước ngoài ở quần đảo Solomon, xóa bỏ rào cản pháp lý đã khiến thỏa thuận trước đó không thực hiện được.
5 tháng sau, một lãnh đạo địa phương tại Solomon nhận bức thư được cho là từ AVIC International Project Engineering (công ty con của tập đoàn không gian và quốc phòng Trung Quốc). Trong thư, AVIC và China Sam nói mong muốn nghiên cứu “những cơ hội phát triển dự án hải quân và cơ sở hạ tầng cho hải quân Trung Quốc trên đất đã được thuê... với các quyền lợi độc quyền trong 75 năm”.
Những tin tức liên quan đến bức thư bị rò rỉ trên mạng xã hội vào tháng 7/2021 và chính quyền địa phương đã phải lên tiếng rằng họ chưa đồng ý với thỏa thuận nào cả.
Bên cạnh lợi ích kinh doanh, những nỗ lực táo bạo không ngừng nghỉ của công ty Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng mục đích thực sự của các dự án có thể liên quan đến việc Bắc Kinh muốn tiếp cận và thực hiện tham vọng địa chính trị ở khu vực. Công chúng và một số đồng minh phương Tây của Solomon đã cho rằng Bắc Kinh có thể đang muốn xây dựng căn cứ quân sự, tại địa điểm từng là nơi đóng quân của hải quân Anh, Nhật và Mỹ.
China Sam là công ty sản xuất vũ khí và được cho là có mối liên hệ với bộ quốc phòng Trung Quốc. Trong một số trường hợp khác, mối liên hệ giữa các công ty Trung Quốc với chính phủ khó xác định và phức tạp hơn, dù mức độ tham vọng của các dự án khai thác đất thì không đổi.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, xu hướng này có một số đặc điểm khá rõ.
Thuê dài hạn hoặc mua lại
China Sam chỉ là một trong số các công ty Trung Quốc đang cố gắng lùng sục toàn cầu để có được một mảnh đất chiến lược. Phần lớn các nhà đầu tư Trung Quốc ít tiếng tăm đã đưa ra đề xuất thuê dài hạn hoặc cố gắng mua lại nhiều khu đất ở các vị trí nhạy cảm. Trong một số trường hợp, mảnh đất gần với các đồng minh của Mỹ hoặc các cơ sở quân sự, nằm trên những hòn đảo dọc các tuyến đường biển hoặc eo biển quan trọng.
Các nước dần có ấn tượng là những công ty tư nhân này đang “mở đường” cho chính phủ Trung Quốc.
Khi cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng gia tăng, Mỹ và các đồng minh cũng cố gắng tìm cách đối phó với mối quan hệ kiểu công-tư kiểu này. Theo các chuyên gia, phương Tây từng duy trì sự ảnh hưởng ở các đảo Thái Bình Dương bằng cách yêu cầu các quốc đảo trong khu vực không nhận viện trợ từ Liên Xô cũ, nhưng giờ cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả với Bắc Kinh.
Kinh doanh đi trước ngoại giao
Một trong những đặc điểm nổi bật khác của xu hướng mua đất là một số công ty Trung Quốc giao dịch mua bán ở các nước còn chưa có đại sứ quán Trung Quốc.
Ví dụ như quần đảo Solomon mới chỉ thiết lập mối quan hệ với Bắc Kinh năm 2019. Nhưng từ lâu, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ. Các công ty chủ chốt của nước này, bao gồm các nhà thầu quốc doanh, đã có mặt từ sớm và vun đắp mối quan hệ. Ví dụ Tổng công ty Xây dựng Công trình Dân dụng Trung Quốc, một nhà thầu thuộc sở hữu nhà nước, hiện diện tại địa phương từ năm 2015.
Những mô hình tiếp cận tương tự cũng diễn ra ở Trung Mỹ và Mỹ Latinh. Tại El Salvador, năm 2018, tập đoàn Châu Á - Thái Bình Dương Xuanhao (APX) của Trung Quốc đã đề xuất thuê cảng La Union trong 50 năm rồi mở rộng. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đàm phán để nước này thiết lập mối quan hệ.
Sau đó, tập đoàn mở rộng đề xuất thành xây dựng một chuỗi các đặc khu kinh tế, với hợp đồng thuê 100 năm trên khu vực gần bằng một phần sáu lãnh thổ và một nửa đường bờ biển của quốc gia Mỹ Latinh.
Mặc dù tổng thống lúc bấy giờ của El Salvador là Salvador Sánchez Cerén đã thúc đẩy hỗ trợ đề xuất này, các kế hoạch sớm trở nên bế tắc. Khi chính phủ Mỹ vận động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, quốc hội El Salvador đã cấm bán đảo cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngăn chặn quyền kiểm soát đối với các khu vực quan trọng ngoài khơi bờ biển vịnh Fonseca.
Nhưng đối với một khu đất được nhắm đến, không chỉ một công ty Trung Quốc cố gắng tiếp cận nhiều lần, mà nhiều nhà đầu tư Trung Quốc nhỏ lẻ khác cũng cùng tham gia mua lại để thúc đẩy các dự án.
Evan Ellis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Đại học Chiến tranh Mỹ, người theo dõi vụ việc, nhận định: “Chúng tôi đã thấy các thành phần phi nhà nước của Trung Quốc đồng loạt ra tay để giúp họ giành ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở Trung Mỹ”. Ông xem các phương pháp tiếp cận như của APX và các nhà đầu tư là một phần trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc, nhằm phát triển các tuyến thương mại khắp Trung Mỹ thay thế cho kênh đào Panama.
Tuy nhiên, các nhà phân tích, nhà điều hành và nhà ngoại giao khác nói rằng việc coi hoạt động của các công ty Trung Quốc chỉ đơn thuần nhằm phục vụ lợi ích địa chính trị hoặc quân sự của Bắc Kinh có thể chỉ là cái nhìn phiến diện.
"Làm cách nào bạn biết được đâu là có chủ ý và đâu là trùng hợp?" - Graeme Smith, một nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Australia, người đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các công ty Trung Quốc hoạt động ở Thái Bình Dương, nói. Ông cho rằng việc hàng loạt các dự án nổi lên phần nào do nhiều công ty tư nhân Trung Quốc sử dụng “mô hình ngược” để tham gia vào những kế hoạch sinh lời ở nước ngoài – tức là đề xuất một thỏa thuận có thể hấp dẫn nước sở tại rồi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Các tuyến đường biển chiến lược
Một đặc điểm nổi bật khác dễ khiến người ta nghi ngờ các dự án Trung Quốc có “bàn tay” chính phủ là một số công ty đưa ra những kế hoạch tham vọng dù chưa từng có dự án nào tương tự, với các kế hoạch liên quan đến những tuyến đường biển chiến lược.
Vào tháng 8/2019, Fong Zhi, liên doanh giữa tập đoàn bất động sản Trung Quốc và các nhà đầu tư gốc Hoa ở Philippines, đã đề nghị giành quyền khai thác đảo Fuga ở eo biển Luzon và xây dựng “thành phố thông minh” ở đó.
Fuga nằm ở khu vực gần cực Nam Đài Loan (Trung Quốc) và cực Bắc Philippines, có vị trí chiến lược khi các tàu hải quân đều đi qua đây khi di chuyển giữa Biển Đông và Thái Bình Dương.
Các nhà lập pháp Philippines sau đó đã yêu cầu điều tra khoản đầu tư, và quân đội nước này công bố kế hoạch xây dựng đồn hải quân của riêng mình trên Fuga.
Hai công ty Trung Quốc khác lên kế hoạch phát triển các đặc khu kinh tế trên Chiquita và Grande, hai hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines, cũng được đánh giá là có vị trí chiến lược. Những lo ngại về an ninh ở Philippines đã khiến các kế hoạch đó bị đình trệ.
Nhiều dự án tương tự cho thấy nỗ lực với số lượng lớn của các công ty Trung Quốc.
Ngay cả những người gốc Hoa ở nước ngoài, những người thậm chí không phải là công dân Trung Quốc cũng có thể tham gia vào nỗ lực ngoại giao kinh tế của Bắc Kinh. “Mô hình khác mà chúng tôi thấy là các thành viên của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài đang được khai thác và có thể đóng một vai trò quan trọng”, chuyên gia Claire Chu của nhóm phân tích tình báo nguồn mở Janes nói. Ví dụ như ở El Salvador, một doanh nhân gốc hoa là Yang Bo đã mua đất cho các cụm đặc khu kinh tế được đề xuất, thay mặt Đại sứ quán Trung Quốc tiếp các đoàn thương mại và đầu tư.
Với nhiều yếu tố và tác nhân phức tạp này, mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn với chính phủ các nước đang phát triển mà công ty Trung Quốc có dự định đưa ra đề xuất hợp tác, các chuyên gia cho biết.
Ngày đăng: 20:19 | 13/04/2022
/