Tính từ ngày 2-6-2014 đến hết tháng 5-2019, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đạt hơn 21 triệu giờ công an toàn, không có tai nạn lao động mất ngày công - một kỳ tích hiếm có nhà máy lọc dầu trên thế giới đạt được. BSR là doanh nghiệp điển hình của ngành Dầu khí trong công tác vệ sinh an toàn lao động.
Theo thống kê, tần suất xảy ra tai nạn lao động mất ngày công (Lost Time Injury Frequency - LTIF) tại BSR ở mức rất thấp. Nếu so với trung bình của Hiệp hội Những nhà sản xuất dầu khí quốc tế (International Association of Oil & Gas Producers - IOGP) thì tần suất của BSR còn thấp hơn nữa. Năm 2017, BSR được ghi nhận chỉ số LTIF đạt 0,24; trong khi chỉ số bình quân của IOGP là 0,27. Năm 2018, chỉ số LTIF của BSR giảm còn 0,21. Chỉ số này càng thấp đồng nghĩa với số tai nạn lao động mất giờ công càng ít.
CBCNV BSR thực hành phòng cháy chữa cháy
Đặc thù của nhà máy lọc dầu là có nhiều thiết bị vận hành ở áp suất, nhiệt độ cao và tồn tại nhiều yếu tố gây ăn mòn, mài mòn và các lưu chất dễ cháy nổ (với hàng trăm nghìn tấn dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ được lưu chứa), luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và tai nạn lao động.
Nhận thức rõ điều đó, ngay giai đoạn chuẩn bị vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, BSR đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình nhằm kiểm soát an toàn như: Ban hành các nội quy, quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; tổ chức đào tạo, huấn luyện về an toàn cho CBCNV và nhân sự các nhà thầu làm việc tại nhà máy, thực hiện công tác giám sát nhà thầu theo 3 cấp độ khác nhau (cấp 1 là nhà thầu chịu trách nhiệm, cấp 2 là Ban đầu mối thực hiện công việc của BSR giám sát nhà thầu và cấp 3 là Ban An toàn môi trường giám sát nhà thầu).
Hệ thống quản lý An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT) của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khác… đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp lần đầu vào ngày 8-3-2011, tái chứng nhận lần thứ ba bởi Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI) vào ngày 19-12-2016 và hằng năm BSI đều cử các đoàn đến BSR thực hiện đánh giá giám sát định kỳ.
Ngoài ra, hệ thống quản lý ATSKMT của BSR còn được đánh giá bởi các tổ chức thứ 3 như PSRG (USA), Dupont Sustainable Solution. Kết quả đánh giá của các tổ chức đó đều cho thấy hệ thống quản lý ATSKMT của BSR đã được hoàn thiện.
Thời gian qua, công tác ATSKMT tại NMLD Dung Quất đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tính riêng năm 2018, BSR đã tổ chức 76 khóa đào tạo ATSKMT cho 8.580 lượt CBCNV, tổng số giờ công đào tạo đạt 47.878 giờ, trung bình 31,1 giờ công/người/năm. Ngoài ra, BSR tiến hành đào tạo cho 5.907 lượt nhà thầu với 10.640 giờ công đào tạo.
Nhân sự nhà thầu trước khi làm việc tại Nhà máy đều phải trải qua một lớp đào tạo an toàn
Định kỳ hằng quý, BSR tổ chức cuộc họp HSE toàn nhà máy nhằm mục đích tạo kênh trao đổi thông tin giữa lãnh đạo BSR và người lao động về kết quả trong công tác an ninh, an toàn, sức khỏe, môi trường và phòng chống cháy nổ; tình hình tuân thủ, thực hiện các nội quy, quy định của người lao động, kỷ luật lao động.
Bên cạnh việc giám sát hàng ngày, BSR cũng thành lập các đoàn kiểm tra hằng tuần, hằng tháng về bảo đảm ATSKMT và động viên người lao động làm việc tại BSR với sự tham gia của các cấp quản lý, từ tổ trưởng, lãnh đạo ban, đến lãnh đạo BSR. Sự tham gia của các cấp quản lý thể hiện sự cam kết và ưu tiên cao nhất đối với việc bảo đảm NMLD Dung Quất được vận hành an toàn và ổn định.
Để phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể người lao động trong công tác nhận diện và kiểm soát các mối nguy hiểm, góp phần cải thiện môi trường làm việc an toàn, tháng 5-2013, chương trình quan sát hành vi an toàn (SAO) được BSR đưa vào áp dụng. Tính tới cuối năm 2018, đã ghi nhận được 147.000 thẻ SAO (riêng năm 2018 có 23.407 thẻ). Thông qua các phát hiện từ chương trình SAO, 11.394 khuyến nghị đã được các bộ phận khắc phục xử lý. Đây là công cụ để phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể người lao động trong công tác nhận diện và kiểm soát các mối nguy hiểm, góp phần cải thiện môi trường làm việc an toàn. Bằng việc tham gia tích cực chương trình SAO, CBCNV còn được rèn luyện kỹ năng nhận diện, nhờ đó có thể dễ dàng phát hiện được mối nguy hiểm từ chính công việc của mình và cần phải hành động như thế nào để bảo đảm an toàn.
Để chuẩn bị ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra, phù hợp với thực tế đặc thù của NMLD Dung Quất và đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), BSR đã thành lập đội PCCC chuyên ngành từ ngày 3-9-2015 bao gồm 46 thành viên. Lực lượng PCCC của BSR đã được Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi đào tạo, huấn luyện, được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, học hỏi kinh nghiệm về bảo đảm an toàn, PCCC từ các chuyên gia nước ngoài (Petronas - Malaysia; SK Energy - Hàn Quốc). BSR cũng đã thành lập đội PCCC kiêm nhiệm tại các khu vực sản xuất với 160 người là các CBCNV trực tiếp vận hành và bảo dưỡng tại nhà máy, được tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ năng PCCC và ứng cứu sự cố nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố tại chỗ, kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Đặc biệt, BSR còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập, ứng phó với các tình huống khẩn cấp, diễn tập an ninh cảng biển, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu, diễn tập phương án chữa cháy. Hằng năm, BSR tổ chức diễn tập hơn 80 lần đối với tình huống cấp I và 1 lần đối với tình huống cấp II. Tính từ thời điểm vận hành chính thức NMLD Dung Quất đến nay, BSR đã tổ chức khoảng 720 lần diễn tập tình huống cấp I và 7 lần tình huống cấp II, 1 lần tình huống cấp III với Cục PCCC, 1 lần diễn tập phòng chống khủng bố cấp ngành.
Để bảo đảm an toàn bền vững và lâu dài, BSR đã bước đầu xây dựng và không ngừng phát triển văn hóa an toàn trong suốt những chặng đường phát triển. Văn hóa doanh nghiệp nói chung, văn hóa an toàn nói riêng, là giá trị lâu dài và ưu tiên của người lao động BSR.
Văn hóa an toàn không tự nhiên mà có. Để có thể hình thành văn hóa an toàn trong doanh nghiệp đòi hỏi một quá trình tiếp thu và rèn luyện lâu dài. Văn hóa an toàn tại BSR được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản: Sự cam kết của lãnh đạo về an toàn; sự quan tâm chia sẻ các mối nguy hiểm và các tác động của nó đối với con người, môi trường và máy móc thiết bị; đánh giá thực tế và linh hoạt các nguyên tắc phòng ngừa mối nguy hiểm và sự phản ánh liên tục khi thực hiện thông qua phân tích, giám sát, thông tin phản hồi từ người lao động.
Tính riêng năm 2018, BSR đã tổ chức 76 khóa đào tạo ATSKMT cho 8.580 lượt CBCNV, tổng số giờ công đào tạo đạt 47.878 giờ, trung bình 31,1 giờ công/người/năm. Ngoài ra, BSR tiến hành đào tạo cho 5.907 lượt nhà thầu với 10.640 giờ công đào tạo.
Sáng tạo trẻ ở Lọc hóa dầu Bình Sơn
Trong nhiều năm qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn phát huy vai trò xung ... |
Doanh thu năm 2018 của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt trên 112 nghìn tỷ đồng
Ngày 22/3/2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) công bố Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp ... |
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn: Tối ưu hóa & môi trường “no paper”
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là một tổ hợp công nghiệp phức tạp ... |
Giá dầu giảm và chuyện “vượt bão” của Lọc hóa dầu Bình Sơn
Bức tranh kinh tế năm 2018 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nhiều mảng sáng. Hòa vào bức tranh ... |
Ngày đăng: 15:56 | 10/06/2019
/